Điều trị bệnh sởi cho trẻ em đóng một vai trò rất quan trọng mà bố mẹ không thể chủ quan. Nếu không chăm sóc đúng cách, biến chứng của sởi có thể dẫn đến tử vong. Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp, và thường xảy ra nhiều nhất vào mùa đông và mùa xuân. Bệnh sởi thường xảy ra ở trẻ em từ 5 đến 10 tuổi, biểu hiện thầm lặng nhưng rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch. Chính vì vậy, khi trẻ có những dấu hiệu của bệnh sởi, bố mẹ nên cho trẻ ở nhà để tập trung điều trị cho đến khi khỏi hẳn.
Xem thêm: Tổng hợp các kiến thức y khoa về chăm sóc, điều trị và chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị sởi
Theo dõi sát các dấu hiệu để phát hiện sớm bệnh sởi ở trẻ nhỏ
Dấu hiệu trẻ bị bệnh sởi
Bệnh sởi có những dấu hiệu đặc biệt, có thể nhận thấy qua những biểu hiện như sau:
– Thời kì ủ bệnh, trung bình kéo dài 10 ngày: trẻ có thể bị sốt nhẹ
– Thời kì khởi phát: kéo dài 3- 5 ngày với 2 biểu hiện rõ rệt nhất là sốt cao và viêm long đường tiêu hóa. Đây là giai đoạn dễ lây nhất nên các bậc phụ huynh nên chú ý.
Trẻ sẽ có các biểu hiện như sốt nhẹ hoặc sốt cao (39,5 – 40 độ, sốt cao có thể kèm theo co giật), mệt mỏi, nhức đầu. Ngoài ra còn các biểu hiện khác như: chảy nước mắt, sợ ánh sáng, giác mạc và mi mắt có thể bị sưng phù kèm theo các triệu chứng khác như hắt hơi, sổ mũi, ho đờm. Thêm một triệu chứng nữa mà các bậc phụ huynh cần chú ý thêm đó là ở giai đoạn này trẻ có thể bị tiêu chảy do viêm long đường tiêu hóa.
– Thời kì phát ban (thời kì này kéo dài 5- 7 ngày): Các triệu chứng ở thời kì khởi phát sẽ nặng thêm như thân nhiệt tăng vọt (lên đến 40 độ), ho liên tục, co giật và đến đêm thì sẽ mọc sởi. Các nốt sởi sẽ mọc đầu tiên ở sau tai, sau đó lan đến mặt, cổ, ngực, lưng, bụng và chân tay. Đến ngày tiếp theo ban sẽ mọc khắp người trẻ, ban sẽ đặc biệt mọc dày ở những nơi hay cọ xát hoặc tiếp xúc với ánh nắng. Các nốt ban sẽ mọc thành từng vầng, cũng có nốt hình tròn hoặc bầu dục có màu hồng nhạt. Trẻ bị nhẹ thì các nốt ban sẽ mọc thưa, còn nếu trẻ bị nặng các nốt ban sẽ mọc dầy đặc, đôi khi các nốt ban có kèm theo xuất huyết, hoặc thậm chí là trẻ sẽ bị chảy máu mũi, và xuất huyết tiêu hóa. Thời kì này các bậc phụ huynh nên chú ý quan sát để không nhầm các nốt ban sởi trên người trẻ với các nốt ban do sốt phát ban gây nên.
– Thời kì hồi phục: ở thời kì này trẻ sẽ dần lại sức, và khi các ban sởi bay hết và chỉ để lại các vết thâm trên bề mặt da. Sau 2 tuần trẻ sẽ trở lại bình thường.
Xem thêm: phân biệt trẻ bị sốt phát ban và trẻ bị sởi như thế nào?
Cách điều trị bệnh sởi ở trẻ em
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị kháng vi rút đặc hiệu cho bệnh sởi. Cách điều trị bệnh sởi chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc, phòng ngừa và điều trị biến chứng. Với thể sởi lành tính,có thể điều trị tại nhà. Cách ly trẻ tại phòng riêng ngay khi trẻ mới sốt và viêm họng; bảo đảm thoáng, sáng, tránh gió lùa; không cho tiếp xúc với những trẻ khác. Dưới đây là một vài giải pháp điều trị triệu chứng để các phụ huynh tham khảo:
1. Điều trị cơn sốt và giảm đau
Điều trị bệnh sởi ở trẻ em quan trọng nhất là hạ sốt. Vì sốt là nguyên nhân gây ra các biến chứng nguy hiểm. Cho trẻ uống paracetamol hoặc ibuprofen để giảm sốt, giảm đau và mỏi. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu như bạn không thực sự chắc chắn nên dùng loại thuốc nào. Nên lau người cho trẻ đang mắc sởi bằng khăn ấm để hạ nhiệt,giảm sốt.
2. Điều trị triệu chứng ho
Cho trẻ uống nước ấm, đặc biệt là nước có chứa mật ong hoặc chanh để giúp thả lỏng đường hô hấp, giảm chất nhầy trong đường hô hấp hoặc giảm ho.Nếu con của bạn bị sốt cao, hãy cho bé uống rất nhiều nước vì các bé đang gặp nguy cơ mất nước rất lớn. Cho trẻ uống nhiều nước làm giảm sự khó chịu khi ho.Không nên uống các loại nước kích thích, có ga.Có thể uống sữa, uống nước cam, nước dừa, nước quả để cung cấp vitamin và tăng đề kháng, uống oresol để chống mất nước. Uống vitamin tổng hợp và vitamin C.
3. Điều trị đau mắt
Kéo rèm cửa để giúp giảm khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng.Bạn có thể dùng khăn bông sạch thấm nước muối sinh lý để lau rỉ mắt. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với TV, màn hình điện thoại, máy tính bảng.
Cách phòng tránh biến chứng nguy hiểm cho trẻ bị sởi
Chăm sóc không đúng cách, sởi có thể gây những biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong, gây tổn thương não nghiêm trọng, gây tâm thần phân liệt, trầm cảm…
Đối với trẻ nhỏ, nhất là trẻ bị suy dinh dưỡng thì nguy cơ mắc sởi cao nhưng rồi bệnh sởi lại là thủ phạm gây suy dinh dưỡng hoặc làm cho tình trạng thêm nặng thêm. Trong thời gian bị sởi, trẻ thường kém ăn (nhất là những trẻ bị mọc nốt sởi trong họng), hơn nữa, nhiều trẻ lại bị ỉa chảy trong thời gian này nên tình trạng suy dinh dưỡng càng nặng hơn.
Ngoài ra, bệnh sởi còn gây biến chứng gây viêm đường đường tiêu hóa (trẻ thường bị đi ngoài sống phân, tiêu chảy); bị biến chứng viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm tai giữa, viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi…
– Để tránh biến chứng, cần kiêng gió, kiêng bẩn, cách ly trẻ, cho trẻ ở phòng thoáng, sáng, tránh gió lùa. Lau người cho trẻ hằng ngày bằng khăn sạch, mềm. Thường xuyên rửa mặt, lau mồm cho bé, thay ga, đệm, quần áo để đảm bảo giữ vệ sinh cho trẻ.
– Khi bị sởi, trẻ thường lười ăn, cha mẹ nên nấu các loại cháo, sữa, thức ăn dễ tiêu, cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày. Hơn nữa, có nhiều trường hợp nốt sởi mọc ngay trong đường ruột, nếu cho trẻ ăn nhiều chất xơ, thức ăn cứng thì rất nguy hiểm, thậm chí gây chảy máu đường tiêu hóa. Nhất là cần đảm bảo cho trẻ uống đủ nước, nước hoa quả tươi.
– Khi bé bị sốt cao, cha mẹ có thể hạ nhiệt bằng thuốc paracetamol theo cân nặng, nhưng nếu không hạ nhiệt được phải đưa đến bệnh viện để phòng biến chứng. Chú ý theo dõi thân nhiệt hằng ngày, nhất là khi sởi bay có thể xảy ra biến chứng. Thường trẻ chỉ bị sốt khoảng 3 ngày, sau đó hạ sốt, nốt sởi dần bay rồi mất hẳn, nhưng khi nốt sởi đã hết mà lại bùng lên sốt lại rất nguy hiểm, báo hiệu trẻ có thể đã bị nhiễm trùng, phổi, não, tai, cần phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện.
– Hằng ngày vệ sinh da dẻ, răng – miệng, mắt để tránh nhiễm khuẩn, lở loét da: rửa mặt, lau mắt, lau người bằng nước ấm; thường xuyên lau miệng bằng khăn sạch, mềm (nhúng nước đã đun sôi để nguội). Với trẻ lớn, cho súc miệng nước muối (pha loãng có độ mặn như nước mắt). Nhỏ mắt, nhỏ mũi thuốc kháng sinh.
– Cho ăn nhẹ, đủ chất; cho uống nhiều nước (dung dịch oresol, nước quả tươi) khi trẻ sốt cao, tiêu chảy. Với trẻ đang bú, tiếp tục cho bú mẹ. Trẻ đang ăn bổ sung, ngoài sữa mẹ cần ưu tiên trẻ khẩu phần đủ chất dinh dưỡng nhất là những thực phẩm giàu protid và caroten. Cho uống thuốc giảm ho. Trẻ sốt cao lau khăn ấm, cho uống paracetamol, thuốc an thần.
– Không dùng thuốc kháng sinh cho trẻ bị sởi với mục đích dự phòng biến chứng vì dễ gây loạn khuẩn và dị ứng, chỉ nên dùng B1 và Vitamin C liều cao. Chỉ khi trẻ bị viêm tai giữa, viêm thanh – khí – phế quản, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn mới cho dùng thuốc kháng sinh; và chỉ dùng khi có chỉ định của thầy thuốc.
– Khi trẻ bị tiêu chảy do sởi phụ huynh có thể cho trẻ uống thêm men vi sinh Bioacimin để chữa tiêu chảy cho trẻ và tăng thêm sức đề kháng cho trẻ.
– Nhỏ thuốc mũi và thuốc mắt cho trẻ 3- 4 lần/ ngày.
– Để đề phòng khô mắt do thiếu vitamin A, có thể cho trẻ uống vitamin A 100.000 đơn vị trong hai ngày đầu. Sau khi sởi bay cho uống thêm một liều như thế.
– Chú ý theo dõi thân nhiệt hằng ngày, nhất là khi sởi bay có thể xảy ra biến chứng. Khi sởi bay mà trẻ vẫn sốt cần phải nghĩ đến biến chứng và đưa trẻ đi bệnh viện ngay.
Chăm sóc trẻ bị sởi tại nhà như thế nào?
Bổ sung vitamin A cho trẻ
Tổ chức y tế khuyến cáo: vitamin A đóng một vai trò quan trọng trong điều trị bệnh sởi ở trẻ em. Tất cả trẻ được chẩn đoán bị sởi nên được uống bổ sung 2 liều vitamin A, cách nhau 24 giờ. Bổ sung vitamin A bằng đường uống được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như biến chứng ở trẻ em mắc sởi tại các nước đang phát triển. Trẻ suy dinh dưỡng và trẻ có dấu hiệu ở mắt do thiếu vitamin A nên thêm một liều vào ngày hôm sau và một liều thứ ba 4 tuần sau đó. Cụ thể, liều lượng cho bé theo độ tuổi như sau:
• Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng: 50.000 IU/ngày, dùng 2 liều cách nhau 24 giờ
• Tuổi 6-11 tháng: 100.000 IU/ngày, dùng 2 liều cách nhau 24 giờ
• Trẻ trên 1 tuổi: 200.000 IU ngày, dùng 2 liều cách nhau 24 giờ
• Trẻ em có dấu hiệu lâm sàng thiếu vitamin A: 2 liều đầu tiên theo tuổi, từ 2 đến 4 tuần sau đó bổ sung thêm liều thứ 3 theo tuổi
Vệ sinh cơ thể
Hàng ngày vệ sinh da dẻ, răng – miệng – mắt để tránh nhiễm khuẩn, lở loét da: rửa mặt, lau mắt, lau người bằng nước ấm; thường xuyên lau miệng bằng khăn sạch, mềm (nhúng nước đã đun sôi để nguội). Với trẻ lớn, cho súc miệng nước muối (pha loãng có độ mặn như nước mắt). Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt mũi chuyên dùng khoảng 3, 4 lần/ngày. Ngoài ra bố mẹ có thể điều trị bệnh sởi cho trẻ bằng các bài thuốc Nam như tắm, rửa chân tay cho trẻ bằng nước đun sôi để nguội hoặc nước lá lành như: kinh giới, lá mùi, trà xanh…
Vệ sinh môi trường
Điều trị bệnh sởi cho bé bao gồm làm sạch khuẩn những nơi vi khuẩn có thể lây lan. Tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của trẻ đang mắc sởi. Để tránh lây nhiễm cho mình và những người khác, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với trẻ. Rửa tay kỹ bằng xà phòng diệt khuẩn sau khi tiếp xúc với trẻ. Rửa tay trước khi chế biến thức ăn cho trẻ.Giặt riêng quần áo của trẻ bị sởi, tốt nhất là giặt bằng nước nóng, phơi đồ nơi có nắng và thoáng gió.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ bị sởi
Cho trẻ ăn nhẹ, lỏng, dễ tiêu hoá, đủ chất. Đối với trẻ còn bú mẹ cần được bú nhiều hơn để tăng sức đề kháng, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh sởi. Trẻ đang ăn bổ sung ngoài sữa mẹ cần ưu tiên những thực phẩm giàu protid và caroten.Cho trẻ ăn nhiều rau chân vịt, cải trắng, cà rốt, củ cải, táo, lê, đào… sẽ cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khoẻ.
Những loại thức ăn nên kiêng khi đang điều trị bệnh sởi: thức ăn chứa protein gây dị ứng như các loại thủy sản, cá rô, cá chép, cua, tôm càng, tôm nõn, cá diếc, sò, nghêu, các loại thịt dê, thịt chó, thịt gà, vịt, ngựa, lừa, các loại côn trùng như chấu chấu, kén nhộng, các loại rau kích thích như ớt, rau thơm, các thứ gia vị thơm cay như hoa hồi, bột hạt cải…
Thông thường, hệ miễn dịch sẽ tự loại bỏ virus sởi trong vòng từ 7 đến 10 ngày.Để phòng bệnh, biện pháp tốt nhất là tiêm vaccine phòng sởi. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng, chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Phòng ngừa bệnh chính là cách điều trị bệnh sởi cho bé tốt nhất.
Trẻ bị bệnh sởi cần kiêng gì ?
Không nên cho bé kiêng nước lúc này vì da bé đang không khỏe mạnh nên càng cần được làm sạch để tránh viêm nhiễm. Do đó nếu để da bẩn, trẻ sẽ mệt mỏi thêm, dễ bị viêm da, thậm chí bội nhiễm, rất nguy hiểm. Các mẹ có thể tắm cho bé bằng cách dùng nước ấm rửa từng phần một, đầu tiên là mặt, cổ, sau đó đến tay, ngực , bụng, lưng, hai chân… Làm sạch xong phần nào, thấm khô và quấn khăn cho bé phần đó, rồi mới tiếp tục. Nên làm nhanh, nhẹ nhàng.
Tránh để mắt trẻ tiếp xúc với ánh sáng: Trẻ bị lên sởi thường rất nhạy cảm với ánh sáng, nhất là khi mắt đang bị đau nhức và ra ghèn gỉ. Mẹ nên dùng kèo rèm cửa để chắn sáng và cho bé ở trong phòng với ánh sáng yếu những vẫn đảm bảo thông thoáng.
Chăm sóc để tránh biến chứng cho bé bị sởi
Virus sởi lan truyền do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện. Thời điểm lây lan mạnh nhất là trước giai đoạn mọc những nốt ban.
Virus gây bệnh sởi có độc tố rất mạnh, nếu đúng sởi bao giờ cũng có hiện tượng ho, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc, sốt, nước mắt chảy kèm nhèm. Sau 2 – 3 ngày bắt đầu mọc các nốt theo trình tự từ ráy tai, nốt trên trán, mặt rồi bắt đầu lan xuống người, xuống chân tay. Nốt của sởi rất mịn, mềm mại sờ vào mịn như nhung, ấn vào biến mất, da xung quanh vẫn bình thường. Khi sởi mọc hết toàn thân thì trẻ hết sốt và sởi bắt đầu bay. Các vết thâm kéo dài khoảng 1 tuần lễ mới hết và trẻ trở lại bình thường.
Kiêng gì khi mắc bệnh sởi theo phương pháp y học cổ truyền?
Theo PGS TS Vũ Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, nếu phạm phải điều cấm kị trên, ngoài da bị đóng kín, độc khí ủng trệ lại làm cho toàn thân xanh tái mà độc lại công vào trong sinh phiền nóng, vật vã, đau bụng, khí suyễn, bực tức, khó chịu. Độc muốn ra mà không được, nguy cấp đến ngay.
Các triệu chứng của bệnh sởi :
Phát sốt: Sởi mà không sốt thì không phát ra được. Khi mụn sởi muốn phát, khắp cơ thể phát sốt hoặc phiền nóng vật vã hoặc đầu choáng váng hoặc thân mình co giật. Khi sởi đã mọc ra sẽ hết sốt, các chứng đều hết đó là bệnh nhẹ.
Nếu hạt sởi mọc ra mà sốt cao không giảm, đó là độc thịnh. Khi đó, nên dùng bài thuốc Đại thanh thang để giải độc, gồm: Huyền sâm 8g, Thạch cao 12g, Tri mẫu 4g, Sinh địa 8g, Mộc thông 6g, Thanh đại 8g, Địa cốt bì 4g, Kinh giới tuệ 4g, Cam thảo 4g.
Ho suyễn: Phát sởi phần nhiều có ho, đó là tà độc mượn ho mà tán ra. Cho nên, trong khoảng 1 tuần mà vẫn còn ho là tốt, đừng thấy ho nhiều rồi chữa ho. Sởi là bệnh thuộc phế với tỳ vị, phế bị hỏa tà thì ho nhiều, ho nhiều thì đẩy tà ra nhanh.
Đại tràng bị hỏa thì liên quan đến tỳ vị mà sinh ra tiết tả, nếu tiết tả sớm thì ho sẽ giảm mà biến thành suyễn, bởi vì 2 chứng (suyễn ho) đều thuộc phế, nhưng ho là thực, suyễn là hư; được ho thì đưa tà ra ngoài, được suyễn thì đưa tà vào trong; nặng thì mắt nhắm, nhiều đờm, ngực đầy, bụng trướng, sắc trắng là chứng nguy. Như vậy, bệnh sởi nên ho mà không nên suyễn, nhất là không nên tiết tả.
Thổ tả: Sởi mới mọc phát sốt, nôn mửa, ỉa chảy đều là nhiệt chứng, chớ cho là hàn; đó là tà bức bách ở trong. Nếu hỏa tả ở thượng tiêu thì phần nhiều sinh nôn mửa (thổ), ở hạ tiêu thì phần nhiều sinh ỉa chảy (tả), ở trung tiêu thì vừa nôn mửa vừa ỉa chảy.
Nếu vừa nôn mửa, vừa ỉa chảy thì sử dụng bài thuốc Hoàng cẩm thang gia bán hạ, sinh khương. Bài thuốc Hoàng cẩm thang: Hoàng cầm 8g, Bạch thược 8g, Cam thảo 4g, Đại táo 2 quả.
Sởi mới phát rất kiêng tiết tả, nhưng có trường hợp từ đầu đến cuối đi tiết tả mà vẫn không có vấn đề gì, đó là bẩm khí có mạnh yếu khác nhau. Nều vì tả mà ho bớt rồi biến ra suyễn là nguy hiểm.
Sởi mà sinh kiết lỵ, ngày đêm đi 3-5 lần rồi giảm 2-3 lần hoặc ho nhiều dần lên, mạch dần dân nổi lên, mũi chảy ra nước trong thì là sống.
Nếu lỵ biến ra màu tối đen hoặc như nước nhà dột hoặc màu rau xanh, giang môn cứ tuột ra như cái ống, suyễn thở, quá trưa gò má đỏ là nguy hiểm, không chữa được.
Đau họng: Khi mắc bệnh sởi mà thấy đau họng là hiện tượng thường thấy, đó là hỏa độc xông lên mà gây ra, đây không phải như chứng hầu tý, ung thũng có ứ huyết. Sởi mà sinh bệnh ở họng là vì họng khô mà đau.
Đau bụng: Sởi mới phát từ ngày 1 đến ngày thứ 6, trong khoảng ấy hay có chứng đau bụng, đây là hỏa uất ở đại tràng, chớ nhận nhầm thượng thực mà sử dụng thuốc tiêu đạo hoặc dùng tay xoa nắn đều không tốt, chỉ giải được độc sởi là đau bụng tự khỏi.
Lưu ý về ăn uống khi bị bệnh sởi
Bên cạnh những điều cấm kỵ cần lưu ý trong bệnh sởi thì việc ăn nuống trong bệnh sởi cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Nếu không chú ý, giữ gìn trong ăn uống đối với bệnh nhân sởi thì sau này khỏi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Sởi mọc ra phần nhiều từ 5-6 ngày không ăn uống, đó là vì bị tà khí xâm hại, không ăn không ngại gì, không cần chú ý vào đó mà chỉ cần chữa cho sởi mọc ra hết, độc khí tan dần sẽ tính đến chuyện ăn uống.
Chúng ta không nên cho bệnh nhân ăn mì, miến, chỉ cho uống nước cháo ít, đợi khi hết sốt rồi dần dần sẽ cho ăn thêm, ăn ít và ăn làm nhiều lần, nếu vội cho ăn thì động đến vị hỏa, bệnh sẽ bùng phát trở lại.
Người bị bệnh sởi bất kỳ là lớn hay bé, từ khi bị bệnh đến khi sởi mọc thích uống nước lạnh thì cho uống không nên kiêng, cần uống nhiều lần, độc khí theo đó mà giải. Sởi mọc mà khát nước đều là do hỏa tà, phế vị bị khô, vì tâm hỏa bốc mạnh nên mới sốt và khát…
Trẻ bị lên sởi nên ăn những gì, kiêng ăn gì?
Trẻ bị lên sởi nên ăn những gì?
Ăn cơm, mì là chính, có thể ăn thêm các loại rau quả giàu dinh dưỡng như kê, ngô, cao lương, đậu xanh, đậu đỏ, đậu Hà Lan. Nói chung là các thức ăn không gây dị ứng, nên ăn nhiều rau chân vịt, cải trắng, cà rốt, cảu cải, táo, lê, đào…
Khi trẻ bị sởi, bạn nên dùng các thực phẩm như: củ năng, đậu hũ, cháo đậu đỏ, cháo đậu xanh, cháo cà rốt, bắp cải, cải bó xôi, mía lau, nấm hương, củ cải đường, hoa hiên (hoa kim châm), bí đỏ, bông cải xanh, bí đao, rau dền đỏ, dưa hấu, dưa chuột, lê, giấm gạo, cá chép, cá da trơn (cá ba sa, sa ba, cá bông lau), cá hồi, cá trích, thịt heo nạc, nho, trà xanh, rong biển, cà chua, cà rốt, chuối, táo, lê, đậu xanh, hạt sen, hạt mè, hạt ý dĩ…
Không nên ăn những gì?
Trẻ em đang bị bệnh sởi thì không nên dùng các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, quế, hành tây, tỏi, cà ri, rau thì là… Những thực phẩm này có tác dụng trợ nhiệt, động huyết, gây ra những phản ứng bất lợi cho người bệnh.
Hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nướng, xông khói, nội tạng động vật, bánh kem, chocolate… Đây là những thức ăn rất dễ sinh đàm nhiệt, thấp nhiệt, động hỏa, cũng không có lợi cho người bệnh sởi.
Kiêng các loại thức ăn chứa prôtêin gây dị ứng như kiêng dùng các loại thủy sản, cá rô, cá chép, cá hoa vàng, cua, tôm càng, tôm nõn, cá diếc, sò, nghêu, các loại thịt dê, thịt chó, thịt gà, vịt, ngựa, lừa, các loại côn trùng như chấu chấu, kén nhộng, các loại rau kích thích như ớt, rau thơm, các thứ gia vị thơm cay như hoa hồi, bột hạt cải…
Nếu trẻ bị dị ứng khi ăn các thức ăn (như trái cây sấy khô, các loại hải sản như cua, ốc, nghêu, sò, mực, cá biển, đậu phộng, chocolate, pho mát, sữa, trứng, phụ gia thực phẩm, các chất cay nóng, gây kích thích) thì nên tránh, không được dùng.
Chăm sóc trẻ khi bị sởi:
– Để trẻ nằm trong buồng thoáng khí, sáng, không nên kiêng khem quá mức, nên bỏ tập tục kiêng nước, kiêng gió. Vệ sinh răng miệng và thân thể cho trẻ.
– Nhỏ mũi, mắt cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc dung dịch nước nhỏ mắt mũi, ngày 3 -4lần.
– Nếu không có biến chứng thì không cần dùng kháng sinh chỉ dùng Vitamin B1, C liều cao. Trường hợp sốt cao trên 39độ C thì có thể cho hạ nhiệt bằng thuốc
– Trường hợp sởi có biến chứng (dấu hiệu trẻ vẫn sốt sau khi ban đã bay hết) phải đưa trẻ đến bệnh viện và điều trị kịp thời.
– Chế độ ăn trong những ngày trẻ sốt cao thì nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước quả.
– Khi trẻ bị tiêu chảy cho trẻ bú mẹ nhiều hơn, chú ý bù nước và điện giải cho trẻ để chống mất nước mất muối.
Trẻ nổ con ngươi, hỏng mắt vì bố mẹ chăm bệnh sởi sai cách
Sợ đến bệnh viện, nhưng cách chăm sóc con như thế nào ở nhà cũng là điều các ông bố, bà mẹ cần biết để tránh những tai biến đau lòng về sởi khi kiêng khem quá kỹ, phản khoa học.
Hỏng mắt vì kiêng khem quá kỹ
Câu chuyện của bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương như nóng lên từng giờ khi dịch sởi đang ngày càng diễn biến phức tạp. Và, chuyện điều trị sởi cho con vì thế cũng hết sức đáng bàn. Tuy nhiên, chăm con như thế nào khi cho bé điều trị ở nhà là điều các bậc phụ huynh nên biết. Có những gia đình khi con bị sởi chăm con đúng như “phác đồ” của các cụ ngày xưa là kín mít tránh gió, tránh nước tuyệt đối, để rồi có nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra.
Dưới đây là trường hợp một bệnh nhi mà bác sĩ Cấn Phú Nhuận vẫn không thể quên được, ám ảnh ông đến tận bây giờ. Đó là một trường hợp kinh điển để bất cứ buổi lên lớp cho sinh viên y khoa nào, ông cũng nhắc tới như một ví dụ điển hình của việc áp dụng kinh nghiệm dân gian trong việc điều trị bệnh sởi một cách thái quá, thiếu khoa học.
Bệnh nhân là một bé trai (5 tuổi), được bố mẹ đưa đến khám trong tình trạng mắt nhắm tịt, người gầy gò xanh xao. Bố mẹ bệnh nhân cho biết, cách đây một tháng, bé bị bệnh sởi. Bé được người nhà, trong đó bà nội là người chăm bé kỹ nhất, đã áp dụng triệt để các biện pháp dân gian để kiêng cữ. Bé được “nhốt” trong phòng kín mít, kiêng nước, kiêng gió, không tắm rửa và đặc biệt với chế độ ăn cực kỳ kiêng khem. Bé chỉ được ăn cơm trắng và thịt thăn kho với muối. Gần một tháng trôi qua, các nốt sởi đã bay mất, nhưng bé vẫn không chịu mở mắt.
“Ngay lúc đó tôi đã hiểu, bé đã hỏng mắt vì sởi chạy hậu. Tìm hiểu, tôi còn được biết anh chị này đều là giảng viên đại học, nhiều chữ nhưng nhất mực tuân theo cách nuôi dạy con của bà nội. Tôi báo trước với họ tin đau lòng là con họ đã hỏng mắt rồi, mặc dù chưa cần khám. Lúc đó, cả hai vợ chồng ớ người ra. Nói rồi, tôi lấy chút nước muối và bông để rửa mắt cho cháu. Rửa ra bao nhiêu là ghèn, nhử mắt vì lâu rồi họ không cho con đụng gì vào nước. Và khi tôi mở hai mí mắt bé ra thì bỗng nghe tiếng “bốp”, hai nhãn cầu bắn vọt ra ngoài, để lại hai hố mắt sâu hoắm. Mặc dù biết trước, nhưng hôm đó tôi thực sự bị sốc với cảnh diễn ra trước mắt mình. Vừa bực, vừa tiếc cho thằng bé. Còn hai vợ chồng ngồi đó gần như xỉu đi“, bác sĩ Cấn Phú Nhuận vẫn không khỏi bàng hoàng khi kể lại buổi khám bệnh hôm đó.
Trong quãng đời làm việc của mình, bác sĩ Nhuận còn chứng kiến một trường hợp bệnh nhi 7 tuổi, bố mẹ cực giàu, nhà tại phố Ấu Triệu (Hà Nội), nhưng cũng suýt mất đôi mắt, vì người nhà quá kiêng khem khi bé mắc sởi.
“Đứa trẻ này bị sởi, nhưng gia đình không đưa con đi khám ở viện mà mời bác sĩ về nhà. Khi tôi đến, gia đình còn không cho con ra ngoài phòng khách để khám mà mời tôi vào căn buồng kín mít, phủ rèm tối om, đóng cửa chặt vì sợ ánh sáng lọt vào. Căn phòng cực bí, tối và được trang bị ti vi, karaoke cho bé quanh quẩn ở đó. Cơm nước cũng đưa vào tận nơi, tuyệt đối không để bé ra ngoài. Lúc đó, tôi kiên quyết không khám mà chỉ bảo với gia đình, coi chừng ngày mai bé hỏng mắt. Sợ quá, họ đành đưa đứa bé ra. Khi thằng bé bước ra, mắt nhắm nghiền, loạng choạng giơ hai tay phía trước và hỏi: bố ơi đây là chỗ nào? Tôi bảo người nhà, chỉ đến ngày mai là vứt bỏ đôi mắt của cháu. Tại sao anh giàu có mà lại muốn giết con anh thế?”, BS Nhuận nhớ lại.
Ngay sau đó, bác sĩ Nhuận đã kê đơn, mua 3 ống vitaminA, tiêm luôn cho bệnh nhân. Hai hôm sau bé mới mở được mắt.
Không nên kiêng thái quá
Sởi là một bệnh nhiễm virus cấp tính đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng ban dạng dát – sẩn xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao. Tuy vậy, một trong những dạng sởi không điển hình là suy giảm miễn dịch, cộng với biến chứng kinh điển và đáng sợ của sởi là viêm loét giác mạc. Trẻ suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A là những đối tượng có nguy cơ cao nhất. Bệnh có thể diễn biến từ loét gây mờ giác mạc, hỏng toàn bộ giác mạc đến làm mủ trong nhãn cầu. Hậu quả là giảm thị lực đến mù vĩnh viễn toàn bộ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, không ít các ông bố, bà mẹ khi thấy con bị mắc sởi nói riêng và sốt phát ban nói chung liền kiêng hoàn toàn việc tắm rửa cho con, khiến trẻ bị ngứa ngáy, khó chịu, gãi xước các vết ban, gây nhiễm trùng. Còn có cháu bị mẹ kiêng ăn các chất dinh dưỡng, chỉ ăn cháo trắng, khiến cơ thể bị suy dinh dưỡng, không có sức chống chọi với bệnh tật.
Các bác sĩ đề khuyến cáo, không có thuốc điều trị đặc hiệu với virus sởi. Người bệnh thường tự khỏi sau 7 – 10 ngày bị mắc bệnh. Nhưng việc điều trị như thế nào cho đúng cách là điều cần thiết nhất.
Khi trẻ bị sởi bố mẹ cần cho con ăn uống đủ vitamin và các chất cần thiết. Cần vệ sinh răng miệng, thân thể cho trẻ, giữ ấm khi trời lạnh, tránh tập tục kiêng nước, kiêng gió kỹ. Uống đủ nước, nước oresol hoặc nước hoa quả. Khi trẻ tiêu chảy, còn phải bổ sung nước hoặc cho bú nhiều hơn. Sởi chỉ cần điều trị theo triệu chứng. Trẻ sốt cho dùng các loại thuốc hạ sốt và ho thì sử dụng các thuốc ho long đờm… Sau khi các nốt ban lặn vẫn cần giữ ấm cho trẻ vì nhiều trường hợp phát ban lặn nhưng vẫn chạy vào suy hô hấp.
Giải đáp thắc mắc về tiêm vắc xin sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm lây theo đường hô hấp do vi rút sởi gây ra. Bệnh sởi có thể phòng được và cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi hiệu quả là tiêm vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch.
Trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi để phòng bệnh. Mũi 1: Khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi 2: Khi trẻ 18 tháng tuổi.
Một số giải đáp sau sẽ giúp các ông bố bà mẹ có quyết định đưa con đi tiêm phòng sởi đúng đắn, kịp thời nhất.
Vắc xin phòng bệnh và đáp ứng miễn dịch sởi?
Sử dụng vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Miễn dịch có được sau mắc bệnh hoặc sau tiêm vắc xin bền vững; thực tế nếu tiêm sởi mũi 1, hiệu quả bảo vệ đạt từ 80-85%, nếu trẻ tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin sởi thì hiệu lực bảo vệ đạt từ 90-95%, vì vậy vẫn có khoảng 5-15% số trẻ đã tiêm vắc xin sởi nhưng không có đáp ứng miễn dịch và có thể mắc bệnh khi bị nhiễm vi rút sởi.
Miễn dịch sau tiêm vắc xin sởi có bền vững suốt đời?
Tổ chức Y tế thế giới cho biết những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với sởi sau tiêm vắc xin hoặc sau mắc bệnh thì miễn dịch này là bền vững suốt đời.
Khi nào tiêm vắc xin phòng sởi?
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nên tiêm phòng 2 mũi vắc xin sởi để phòng bệnh, mũi 1 vào khoảng 12-15 tháng tuổi, tuy nhiên tại các khu vực thường xuyên có ca bệnh sởi có thể tiêm sớm hơn. Hầu hết các nước trên thế giới áp dụng tiêm mũi vắc xin sởi đầu tiên trong khoảng 9 – 12 tháng tuổi.
Do nước ta hàng năm vẫn ghi nhận trường hợp mắc sởi nên lịch tiêm vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng của nước ta được thực hiện tiêm mũi đầu tiên khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ 2 khi trẻ 18 tháng tuổi. Việc tiêm phòng vắc xin sởi bắt đầu từ tháng thứ 9 là tốt nhất để bổ sung cho trẻ có miễn dịch tốt hơn sau khi miễn dịch bảo vệ của mẹ truyền cho con hết vào tháng thứ 9 sau khi ra đời.
Có những loại vắc xin sởi nào?
Hiện nay, trên thế giới có hàng chục loại vắc xin sởi dưới dạng vắc xin đơn hoặc vắc xin phối hợp (sởi-rubella hoặc sởi-quai bị-rubella).
Hầu hết các vắc xin được trình bày dưới dạng vắc xin đông khô đi kèm với dung môi. Hiện nay, vắc xin dạng xịt đang được nghiên cứu trên thế giới.
Các loại vắc xin được sản xuất từ các chủng vắc xin khác nhau, tuy nhiên đều thuộc týp sinh học A.
Tiêm vắc xin sởi có tác dụng như thế nào?
Sau khi tiêm, vắc xin sẽ kích thích cơ thể đáp ứng tạo miễn dịch giúp cơ thể không nhiễm vi rút sởi,bao gồm miễn dịch thể, miễn dịch tế bào và interferon.
Có thể gặp những tác dụng phụ gì khi tiêm vắc xin sởi?
Vắc xin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ, có thể biểu hiện như với các vắc xin khác: sốt (5-15%), phát ban (5%), sưng, nóng, đỏ đau tại chỗ tiêm… Hầu hết những tác dụng phụ sẽ hết trong khoảng từ 1-2 ngày mà không cần điều trị gì.
Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc xin sởi là rất hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, cán bộ y tế cần theo dõi trẻ trong vòng 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm. Các cơ sở y tế đều sẵn có thuốc điều trị và biện pháp xử trí những phản ứng nghiêm trọng này. Các phản ứng quá mẫn này sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.
Khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế để phòng chống bệnh sởi?
– Chủ động đưa toàn bộ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng từ 9 – 24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm phòng vắc xin sởi theo kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi. Những nơi có các ổ dịch tập trung, trẻ có nguy cơ cao cần được tiêm vắc xin sởi theo khuyến cáo của cơ quan y tế địa phương.
– Đối với các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, cần đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với các loại bệnh có vắc xin dự phòng, trong đó có vắc xin sởi.
– Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.
– Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, đảm bảo các biện pháp về dinh dưỡng và các biện pháp dự phòng khác theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Xem thêm: cập nhật danh mục thuốc tiêm ngừa tại các Bệnh viện, Trung tâm y tế uy tín trên cả nước
Loạn các bài thuốc dân gian chữa bệnh sởi, kẻ xấu trục lợi
Dịch sởi hoành hành trong những ngày gần đây khiến các bà mẹ có con nhỏ, đặc biệt là các mẹ có con bị mắc bệnh sởi lo lắng, hoang mang. Điều này vô tình đã tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.
Có những trường hợp con mắc bệnh sởi nhưng bố mẹ vẫn không muốn đưa con đến bệnh viện điều trị vì cho rằng bệnh viện là nơi dễ lây lan các nguồn bệnh nguy hiểm. Thay vào đó, họ sẵn sàng hỏi thông tin từ những người thân, bạn bè, hoặc thậm chí, tìm kiếm trên mạng về những mẹo chữa bệnh dân gian để có thể điều trị tại nhà. Vô tình, đây cũng chính là cơ hội để một số kẻ xấu lợi dụng.
Hiện trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn, có rất nhiều người lan truyền nhau kinh nghiệm, mẹo dân gian bằng sắn dây, hoa bưởi, hay kim ngân hoa, cây mã đề để phòng tránh bệnh sởi. Trong đó, nổi lên là “Bài thuốc phòng tránh sởi bằng cây mùi hoặc hạt mùi”.
Theo các mẹ truyền nhau, cây mùi già có hiệu quả rất tốt trong việc phòng tránh bệnh sởi. Dùng quả cây mùi già hoặc hạt mùi già khô cho vào đun sôi với nước, để gần nguội tắm cho trẻ. Trước khi tắm, cho trẻ uống một thìa nước mùi. Uống và tắm liên tục trong vòng 1 tuần, hoặc trong thời gian dịch sởi vẫn hoành hành. Cách này có thể đề phòng được bệnh sởi phát sinh, lại sạch và thơm, hoặc có thể thỉnh thoảng cho vào quần áo của các cháu vào nồi nước mùi già để đun sôi giúp tránh lây lan bệnh.
Ngoài ra còn có các phương pháp khác như:
Hạt lá tía tô 30 g; sắn dây 25 g; kinh giới, mạch môn mỗi thứ 20 g; cam thảo 5 g. Tất cả sấy khô, tán bột mịn đóng gói 3 g. Trẻ em một tuổi uống ngày hai gói, 3 tuổi uống ngày 4 gói, 5 tuổi uống ngày 6 gói: Hãm thuốc với nước sôi lọc trong hoặc uống cả bã. Thuốc chỉ dùng trong 3 ngày, chỉ uống giai đoạn đầu, khi sởi đã mọc đều hoặc trẻ bị tiêu chảy không nên uống.
Hay như cách điều trị sởi bằng củ sắn dây. Củ sắn dây một miếng to bằng hai bao diêm (gọt vỏ thái mỏng), cánh bèo cái lấy độ năm cây (vặt bỏ rễ), kinh giới 10 ngọn (khô hoặc tươi, nếu có hoa càng tốt). Cả ba thứ trên cho vào với nửa bát nước, đun sôi kỹ, gạn ra còn âm ấm cho uống rồi đắp chăn cho kín gió. Đây là liều lượng thuốc của các cháu 1-3 tuổi. Nếu trẻ lớn hơn thì tăng số lượng lên gấp hai; nếu dưới một tuổi thì chỉ cho uống một nửa số lượng trên. Mỗi ngày sắc một thang cho uống. Uống hai ngày liền, sởi mọc ra đều thì thôi.
Tuy nhiên, các mẹo vặt hay bài thuốc dân gian phòng tránh sởi này vẫn chưa có căn cứ đảm bảo độ an toàn và hiệu quả sử dụng trong việc phòng tránh bệnh sởi. Thậm chí, sự hoang mang của các bậc phụ huynh đã vô tình tạo cơ hội để kẻ xấu lợi dụng kiếm tiền.
Sau khi đọc kinh nghiệm được chia sẻ trên các trang mạng, rất nhiều phụ huynh cũng đã săn lùng những mặt hàng này để về nấu nước tắm phòng bệnh cho con.
Việc các bà, các mẹ tin dùng vào các bài thuốc dân gian phòng ngừa bệnh sởi chưa rõ căn cứ như dùng hạt mùi, lá mùi… khiến nhu cầu thị trường hiện tăng cao. Nhờ đó, nhiều người bán đã lợi dụng nâng giá những loại hạt mùi, lá mùi đắt hơn từ 3- 5 lần so với bình thường tùy theo nơi bán. Tại các chợ của Hà Nội cũng đã có khá nhiều hàng bán hạt mùi, cây mùi khô nhưng mỗi nơi giá một khác: chợ Xala 90.000 đồng/kg, chợ Hoàng Văn Thái 80.000 đồng/kg, chợ Thanh Xuân 60.000 đồng/kg…
Nhiều người bán tranh thủ tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh đã nói quá về khả năng phòng, chữa bệnh sởi của hạt mùi, từ đó có thể nâng giá và bán mặt hàng này dễ dàng.
Trên các diễn đàn, rất nhiều lời rao bán hạt mùi được đăng lên trong khoảng hơn 10 ngày trở lại đây và giá bán thì càng ngày càng được đẩy lên cao: 70.000, 80.000, 90.000, 120.000, 150.000 thậm chí lên đến 250.000 đồng cho 1kg hạt mùi khô.
Để bán được hàng, nhiều người cũng tung thông tin hạt bán ngoài chợ hay tại những nơi khác là hàng Tàu, và hàng của họ là mùi ta nên giá đắt gấp rưỡi, gấp đôi.
Ngoài ra, những mặt hàng tinh dầu mùi cũng được nhiều người quảng cáo có thể phòng bệnh sởi và đăng bán với giá từ 120.000 -180.000 đồng/ 1 lọ 5ml. Dù không biết tinh dầu mùi này có tác dụng đến đâu, nhưng nhiều bà mẹ vẫn bỏ tiền mua về để pha nước tắm cho con mong sẽ phòng được bệnh sởi.
Ngoài hạt mùi khô thì nhiều bài thuốc dân gian khác cũng đang được các phụ huynh tin tưởng để phòng và chữa sởi cho con như dùng lá kim ngân, hoa nhài, tía tô…. Hiện giá của loại lá này cũng không hề rẻ: kim ngân hoa vàng từ 200.000- 300.000 đồng/kg, kim ngân hoa trắng 800.000- 900.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cũng vẫn có khá nhiều phụ huynh tìm đến các hiệu thuốc bắc để mua kim ngân về đun nước tắm cho trẻ hoặc sắc lên cho trẻ bị sởi uống.
Tuy nhiên, việc phụ huynh tự tìm cách phòng, chữa bệnh cho trẻ không chắc đã hiệu quả. Thực tế, hạt mùi hay cây mùi và những bài thuốc dân gian khác cũng không có tác dụng “thần kỳ” đối với việc phòng, chữa bệnh sởi cho trẻ. Dù tắm nước mùi nhưng tiếp xúc với mầm bệnh thì trẻ vẫn nhiễm sởi như thường. Thậm chí, với những cháu có cơ địa nhạy cảm, dị ứng với hạt mùi thì các bậc phụ huynh đã vô tình đem bệnh dị ứng đến cho con mà không biết.
Đặc biệt, nhiều phụ huynh với tâm lý sợ con bị lây chéo bệnh trong viện nên dù trẻ ốm cũng không đưa đến viện để khám. Điều này khá sai lầm bởi hầu hết những ca bệnh sởi biến chứng, chuyển nặng đều do cha mẹ đưa trẻ đến viện quá muộn.
Sởi là căn bệnh lây lan rất nguy hiểm vì thế các bậc phụ huynh chú ý phòng tránh cho trẻ và cách ly khi phát hiện trẻ bị sởi. Việc điều trị và chăm sóc trẻ bị sởi cũng cần đặc biệt chú ý để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.