Chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách: Những điều cần biết về nuôi con bằng sữa mẹ

Sinh con là một công việc đầy khó khăn, tổn hao sinh lực và vô cùng mệt mỏi, người mẹ sẽ có cảm giác hoàn toàn kiệt sức ngay sau khi bé vừa chào đời. Nhưng bạn sẽ bạn cảm nhận được niềm hạnh phúc, sung sướng tràn ngập không gì bằng khi bạn có thể được tự tay ôm bé vào lòng. Sau khi sinh, đa số bà mẹ thường cảm thấy thật nhẹ nhõm và bình yên khi được ôm ấp, nựng nịu thiên thần nhỏ của mình. Và trong vòng 72 giờ sau sinh là thời điểm vàng để con được bú những dòng sữa non ngọt ngào đầy dinh dưỡng của mẹ, các mẹ nhớ đừng bỏ lỡ cho con yêu của mình nhé.

1. Đón nhận bé ra đời:

Cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi thành viên trong gia đình giây phút đón nhận bé, nhất là đối với các bà mẹ sinh con so. Đây là giây phút rất quan trọng và rất hồi hộp với bà mẹ vì sau một giai đoạn mang thai kéo dài khoảng 9 tháng 10 ngày thì đây là lần đầu người mẹ được thấy bé thực sự bằng xương bằng thịt. Thời điểm này có thể đến đúng theo dự kiến nhưng cũng có thể đến khá bất ngờ trong những trường hợp sinh non.

Bạn sẽ thực sự rất sung sướng khi ngay sau cuộc sanh được sớm tiếp nhận bé yêu xinh xắn khỏe mạnh. Lúc đó mọi đau đớn, mệt mỏi của cuộc sanh và bao lo âu thấp thỏm trước sinh sẽ gần như tan biến hết để nhường chỗ cho một cảm giác hạnh phúc tuyệt vời.

Sau khi sinh, nếu bé khỏe thì các NHS sẽ lau khô cho trẻ theo qui trình trước khi cho bé bú sữa mẹ.

2. Cho trẻ bú mẹ:

nuôi con bằng sữa mẹ phòng bệnh rối loạn tiêu hóa

– Sữa mẹ luôn hoàn hảo và tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

–  Nên cho trẻ tiếp xúc da kề da và nút vú mẹ sớm ngay trong giờ tuổi đầu tiên. Động tác bú của trẻ rất cần thiết để kích thích tuyến vú của mẹ tạo sữa, do vậy nếu trẻ bú mẹ càng sớm và càng thường xuyên thì mẹ càng mau có đủ sữa cho trẻ. Việc cho bú mẹ sớm còn giúp cho tử cung của mẹ co tốt hơn và giúp mẹ chậm có thai trở lại cũng như giúp mẹ giảm được một số nguy cơ bệnh tật.

– Nên cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú mẹ cho đến khi bé được 2 tuổi.

– Sữa mẹ cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết và thích hợp nhất cho trẻ sơ sinh. Sữa mẹ giúp bé kháng được nhiều bệnh nhất là các bệnh nhiễm trùng đồng thời giúp trẻ phát triển hài hòa, gắn kết tình cảm giữa mẹ và con. Sữa mẹ luôn có sẵn, an toàn và từ lâu đã được tổ chức Y tế thế giới coi là sự sống còn của trẻ sơ sinh của trẻ em trên toàn thế giới nhất là ở các nước nghèo, các nước đang phát triển.

Cụ thể sữa mẹ có các lợi ích sau:
+ Luôn là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, thích hợp cho trẻ nhất là sữa non sau sinh.
+ Dễ tiêu hóa và ít gây dị ứng
+ Chứa nhiều chất kháng thể để giúp trẻ kháng lại nhiều bệnh tật nhất là trong những ngày tháng đầu đời.

Khi nào cần cho trẻ bú:

– Nên sớm bắt đầu cho trẻ bú ngay giờ đầu sau sinh. Có thể lúc này bà mẹ còn mệt mỏi nhưng đứa trẻ đã bắt đầu đòi bú. Nếu trẻ khỏe mạnh thì phản xạ nút sẽ mạnh. Những giọt sữa non đầu tiên chưa thực sự dồi dào nhưng lại chứa nhiều chất bổ dưỡng, rất cần thiết cho bé, nhất là trong những ngày đầu đời.

– Không nên xin sữa của bà mẹ khác cho con mình bú vì có nhiều bệnh có thể lây qua sữa mẹ như nhiễm HIV, viêm gan siêu vi B, C …

– Sau những cữ bú đầu tiên, động tác nút của bé và sự phục hồi sức khỏe của mẹ sẽ làm 2 bầu vú “lên sữa” và sữa trưởng thành sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng ngày của bé. Trẻ bú càng nhiều thì cơ thể mẹ càng tạo thêm nhiều sữa.

Tư thế đúng cách cho trẻ sơ sinh bú mẹ:

– Cần chọn tư thế sao cho cả mẹ và bé đều thoải mái, để việc cho bú dễ dàng và hiệu quả, mẹ được thư giãn mà không bị đau lưng hay tê tay, tê chân.

–  Có thể cho trẻ bú ở tư thế ngồi hoặc tư thế nằm:

+ Tư thế ngồi: bà mẹ ngồi thật thoải mái, lưng có thể có điểm tựa sao cho cơ vùng cổ và vùng thắt lưng không bị căng mau gây mỏi và đau  lưng. Trẻ được giữ chắc và nâng bởi vòng tay trìu mến của mẹ. Có thể chêm thêm gối phía dưới để việc nâng trẻ nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.

+ Tư thế cho trẻ nằm sát mẹ (dùng khi mẹ mệt hoặc ban đêm):

  • Bà mẹ nằm nghiêng, đùi dưới kê trên gối, chân trên gập ở đầu  gối.
  • Đặt bé nằm nghiêng quay mặt về phía mẹ sao cho miệng bé áp sát ngực dưới của mẹ.
  • Bà mẹ dùng cánh tay phía dưới để đỡ đầu bé nhằm áp miệng bé vào vú mẹ.
  • Khi bé ngậm vú thì chú ý cho bé ngậm sâu để bảo đảm bé mút và nuốt sữa dễ dàng.

– Khởi đầu cho bé bú với một số động tác sau:

  • Bà mẹ và trẻ vào tư thế cho bú như trên, lau sạch núm vú và bầu vú.
  • Bà mẹ dùng ngón cái và ngón trỏ để giữ phần gần núm vú.
  • Đưa nhẹ núm vú vào môi bé để kích thích phản xạ bú, khi bé há miệng thì ép sát vú vào trẻ và đưa núm vú vào miệng bé.
  • Bảo đảm trẻ ngậm vú đúng: miệng bé há rộng, ngậm cả quầng vú, cằm chạm sát vú mẹ, môi dưới của trẻ đưa ra ngoài.
  • Bé nút đều đặn, hai má căng, bà mẹ có thể nghe được tiếng nuốt sữa ực, ực.
  • Nên cho bé bú hết sữa 1 bên vú, nếu bé chưa no thì cho bú tiếp vú còn lại

Số lần cho trẻ bú:

– Cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu, khi trẻ đòi bú.

– Cho trẻ bú cả ngày lẫn đêm.

– Thông thường trẻ bú mẹ sau mỗi 2 đến 3 giờ, mỗi lần  từ15 đến 30 phút.

Nếu bé ngủ quá nhiều thì nên đánh thức và cho trẻ bú mỗi 3 giờ. Nếu trẻ không bú 2 cữ hoặc phản xạ nút quá yếu hay trẻ hay nhợn ói …  thì nên cho bé đi khám bác sĩ ngay.

Làm sao biết trẻ đã bú sữa đủ ?

–  Trẻ nút vú có hiệu quả và nuốt sữa tốt.

– Trẻ ngủ êm sau khi bú mẹ.

– Trẻ đi tiểu nhiều khi bú đủ sữa (ít nhất 2 – 4 lần/ngày) và có đi tiêu.

– Trong tuần đầu trẻ có thể sụt cân sinh lý khoảng 5 –  10% và nếu bú đủ sữa thì trẻ sẽ bắt đầu tăng cân sau đó.

Cho bé ợ hơi sau bú:

– Cần cho trẻ ở tư thế đầu cao và vỗ lưng cho bé ợ hơi trong hoặc sau khi cho bú.

– Nên cho bé ợ hơi sau bú để tránh bé bị chướng hơi, khó chịu và nôn trớ.

– Chú ý cho trẻ nằm đầu chếch khoảng 15 đến 30 độ khi bé ngủ sau cữ bú để tránh nguy cơ hít sặc khi bé nôn trớ. Nên tránh tư thế cho trẻ nằm sấp mà không theo dõi vì trẻ dễ có nguy cơ đột tử và cũng không nên để quá nhiều gối hay thú nhồi bông quanh trẻ vì dễ gây cho trẻ ngạt thở nếu các vật  này đè vào mũi bé.

Giữ cho mẹ không bị mất sữa khi trẻ phải cách ly:

– Việc giữ nguồn sữa mẹ cho trẻ khi bé phải tạm thời cách ly với mẹ là rất quan trọng cho việc nuôi con bằng sữa mẹ đặc biệt là những trường hợp bé non tháng hay trẻ sơ sinh bệnh lý phải nhập khoa sơ sinh hay phải chuyển lên một bệnh viện khác sau sinh mà mẹ không thể chăm sóc trực tiếp và không nằm cạnh trẻ.

– Việc này cũng có thể xảy ra ở các bà mẹ đi làm sớm hoặc các bà mẹ đi làm khi bé còn chưa cai sữa. Nhất là các bà mẹ đi làm công  sở.

– Việc cho trẻ bú vú mẹ trực tiếp vẫn là tốt nhất nhưng nếu không được thì bà mẹ có thể vắt sữa bằng tay hay bằng các dụng cụ hút sữa.

– Yếu tố tâm lý là rất quan trọng vì chỉ cần bà mẹ nghĩ đến con mình cũng là yếu tố cần thiết để góp phần duy trì nguồn sữa mẹ.

– Nếu trẻ có thể tiêu hóa được sữa mẹ thì bạn hãy chịu khó vắt sữa và gởi ngay lên cho trẻ mỗi 3 giờ 1 lần. Nếu bạn phải đi làm cũng vậy, nếu biết cách lưu trữ bảo quản thì con bạn có thể tận dụng được nguồn sữa mẹ quí giá.

– Việc bảo quản và lưu trữ sữa mẹ phải được thực hiện theo hướng dẫn sau đây:

Lưu  trữ, bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ mát, trong bình đá hay trong tủ lạnh:

+ Trước khi vắt sữa hay hút sữa thì bạn phải rửa tay sạch, lau sạch đầu vú và quầng vú.

+ Chỉ đựng sữa trong bình thủy tinh hay nhựa trong mà đã được khử trùng, có nắp đậy.

+ Sữa vắt xong phải được lưu trữ và bảo quản ngay ở nhiệt độ mát hoặc trong tủ lạnh có nhiệt độ thích hợp:

  • Nếu sữa được bảo quản ở nhiệt độ mát khoảng 25 – 270C thì phải cho bé bú trong vòng 4 giờ.
  • Nếu sữa được bảo quản ở nhiệt độ mát khoảng 20 – 220C thì phải cho bé bú trong vòng 10 giờ.
  • Nếu sữa được bảo quản ở nhiệt độ lạnh hơn (vào mùa đông hay sữa được giữ trong bình nước đá lạnh) khoảng 15 – 160C thì có thể cho bé trong vòng 24 giờ.
  • Nếu sữa được giữ ở trong tủ lạnh với nhiệt độ 40C thì có thể cho bé bú trong vòng 120 giờ sau khi hâm nóng (khoảng 5 ngày).
  • Nếu sữa được bảo quản ở nhiệt độ đông lạnh khỏang 00C thì có thể sử dụng cho bé bú trong vòng 2 tuần sau khi hâm nóng.

Cách hâm nóng sữa mẹ:

Tuyệt đối không nên đun sôi sữa mẹ trên bếp vì nếu làm như vậy thì sẽ làm hủy hoại các thành phần có lợi trong sữa mẹ, nhất là các kháng thể và các loại vi chất khác.

– Bà mẹ nên làm ấm sữa trong bình chứa bằng cách ngâm cả bình trong một ca nước ấm sao cho nhiệt độ trong bình sữa mẹ không quá 400C.

– Nếu sữa mẹ đã đông lạnh thì có thể làm tan băng bằng cách cho bình sữa vào ca nước sôi, khi sữa đã tan băng thì nên lắc đều và bảo đảm phải thử nhiệt độ bằng cách nhỏ vài giọt vào mu bàn tay người cho trẻ bú để chắc rằng trước khi cho bú

– Chỉ nên làm ấm lượng sữa mà trẻ cần bú trong cữ bú đó.

– Nếu nghi ngờ sữa đã bị chua hay bị hư thì phải khiểm tra ngay, nếu đúng thì không được cho trẻ bú.

Mẹ cần ăn uống đầy đủ các nhóm chất, đầy đủ số lượng và bảo đảm chất lượng dinh dưỡng trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Tránh kiêng khem quá mức nếu không cần thiết và nên uống thêm sữa để bổ sung dinh dưỡng.

Trường hợp nào không nên cho trẻ bú mẹ:

–  Có vài trường hợp phải tránh bú mẹ và có thể dùng sữa thay thế như mẹ bị HIV trong giai đoạn AIDS, mẹ bị bệnh quá nặng trong giai đoạn quá suy kiệt.

– Trường hợp mẹ bị viêm gan siêu vi B trong giai đọan tiến triển cấp có xét nghiệm HbsAg (+) và HbeAg (+) thì có nguy cơ cao lây bệnh cho trẻ qua sữa mẹ. Khi đó nếu gia đình có khả năng và đồng ý thì nên cho trẻ bú sữa thay thế.

Uống sữa công thức ngay từ khi lọt lòng, trẻ sơ sinh dễ bị “hở ruột”

trẻ bị sốt co giật khi bú

Lầm tưởng sữa mẹ chỉ thực sự về sau 3-4 ngày sau khi sinh, nhiều bà mẹ thay vì cho con bú ngay sau khi sinh để tận hưởng những lợi ích tuyệt vời của sữa non (xuất hiện vào cuối thời kỳ mang thai và lưu thông qua tuyến vú của người mẹ chỉ trong vòng 72 giờ đầu sau sinh) lại để con mình phải “tráng ruột” bằng sữa công thức. Đây được cho là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng “hở ruột” ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

72 giờ vàng và sự kỳ diệu của sữa non

Sữa non còn được gọi là sữa đầu, tên khoa học gọi là Colostrum. Sữa non được xem là thức ăn đầu tiên của sự sống do cơ thể mẹ tạo ra trong giai đoạn cuối của thai kỳ và và lưu thông qua tuyến vú của người mẹ trong vòng 72 giờ đầu sau sinh.

Sữa non có hình thức khá đặc biệt và khác hẳn với hình thức của sữa mẹ mà chúng ta thường thấy (còn gọi là sữa già), sữa non có màu vàng, đặc dính và rất ít, chỉ vài giọt. Nhưng nó là một loại thực phẩm hoàn hảo và quý giá. Trẻ sơ sinh cần phải được bú trọn vẹn lượng sữa non mà cơ thể mẹ tạo ra trong 72 giờ vàng quý giá đó.

Trong sữa non có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cân đối, các kháng thể diệt vi khuẩn, vi rút độc hại và các chất điều hòa miễn dịch giúp cho một cơ thể trẻ sơ sinh chống lại bệnh tật, phát triển và khỏe mạnh.

Mặc dù khối lượng ít, nhưng sữa non chứa nồng độ dinh dưỡng cao, rất giàu chất đạm, kháng thể, vitamin A, vitamin K và bạch cầu. Lượng đạm trong sữa non nhiều gấp 10 lần trong sữa trưởng thành (sữa già) và nhiều thành phần quan trọng khác như immunoglobulin, các yếu tố tăng trưởng, kháng thể, vitamin, khoáng chất, enzyme, axit amin…

Sữa non cung cấp hàm lượng chất dinh dưỡng cao trong một thể tích dung dịch thấp và cực kỳ dễ hấp thu nên đặc biệt phù hợp với hệ thống tiêu hóa chưa hoàn thiện của trẻ sơ sinh. Bên cạnh việc cung cấp các dưỡng chất thiết yếu và nguồn kháng thể dồi dào, sữa non còn có tác dụng nhuận tràng nhẹ giúp hỗ trợ cho bé sơ sinh thải hết phân su, loại bỏ bilirubin dư thừa giúp giảm, ngừa chứng vàng da sinh lý ở trẻ.

Theo chuyên gia tư vấn sữa mẹ – Thạc sỹ Lê Nhất Phương Hồng (đã hoàn thành chứng chỉ Chuyên gia Tư vấn Nuôi con sữa mẹ của Viện Sữa mẹ Quốc tế, tại Canada), “cơ thể trẻ sơ sinh vừa sinh ra chưa sẵn sàng tiếp nhận bất cứ một dung dịch, thực phẩm nào khác ngoài sữa mẹ. Bởi lúc này niêm mạc của hệ tiêu hóa cũng như niêm mạc của các bộ phận khác chưa hoàn thiện. Sữa non của người mẹ lúc này không chỉ cung cấp kháng thể và các dưỡng chất quý giá mà còn có tác dụng tráng ruột cho bé. Các hormone có trong sữa non sẽ giúp phát triển các niêm mạc chưa hoàn chỉnh ở mắt, phổi, đường ruột, có tác dụng phòng bệnh về lâu dài, tránh các bệnh như hen suyễn, bệnh đường ruột, các bệnh về niêm mạc mắt, xoang và các bộ phận khác trong cơ thể”.

Nói về tác dụng hoàn thiện niêm mạc ruột, Thạc sỹ Lê Nhất Phương Hồng giải thích: “Trên niêm mạc ruột của chúng ta có rất nhiều lông ruột và trên lông ruột có nhiều vi lông ruột, những vi lông ruột này có tác dụng sẽ chọn lọc những gì tiếp nhận và những gì cần đào thải.

Nói một cách dễ hiểu, chúng ta có thể hình dung tương tự như chiếc lược chải chấy, các răng lược phải được cấu tạo sao cho tóc đi qua nhưng vẫn đủ khít để gạt con chấy ra thì mới bắt được chấy. Niêm mạc ruột cũng tương tự, phải đủ khít để ngăn cản các độc tố, mầm bệnh, các chất có hại nhưng các chất bổ dưỡng, tốt cho cơ thể thì vẫn hấp thu được (giống như tóc thì đi qua còn chấy ở lại).

Ở trẻ sơ sinh, niêm mạc ruột chưa hoàn, các lông ruột và vi lông ruột chưa được đầy đủ. Thì sữa non trong 72 giờ đầu chứa các hormone cần thiết sẽ giúp cho các vi lông ruột mọc đầy ra, hoàn chỉnh hệ niêm mạc ruột. Điều này rất có ý nghĩa với sức khỏe lâu dài, chống lại sự tích tụ độc tố gây ra các bệnh ung thư, đồng thời chống tiếp nhận dư thừa giúp chống bệnh béo phì, tiểu đường về sau”.

Hiện tượng “hở ruột”: Nhiều hệ lụy

Hiện tượng “hở ruột” là một cách nói của tình trạng thiếu vi lông ruột trong niêm mạc ruột ở trẻ sơ sinh, mà nguyên nhân là do không được bú sữa non trọn vẹn trong 72 giờ đầu. Đây đồng thời là nguyên nhân làm tăng nguy cơ tiêu chảy và nhiễm trùng ở trẻ nhỏ, vì các loại khuẩn có hại và mầm bệnh dễ dàng thẩm thấu qua niêm mạc ruột vào cơ thể.

Cũng theo Thạc sỹ Lê Nhất Phương Hồng: Rất nhiều người do ngộ nhận rằng sữa mẹ chỉ về sau 3-4 ngày sau sinh nên đã bỏ lỡ 72 giờ vàng sữa non và thay vào đó là cho bé bú sữa công thức trong những cữ bú đầu đời. Mà trong những ngày đầu đời này, chỉ một cữ sữa công thức cũng khiến cho niêm mạc ruột của bé bị tổn thương và phải sau nhiều tuần bú sữa mẹ hoàn toàn mới có thể phục hồi. Và do không được bú sữa non nên hệ niêm mạc không được hoàn thiện, vi lông ruột không được mọc đầy đủ.

Nếu vi lông ruột không có cơ hội phát triển, hoặc những tổn thương bởi sữa bột gây ra không được phục hồi sẽ dẫn đến hiện tượng “hở ruột” lâu dài, dẫn đến nguy cơ cơ thể sẽ tiếp nhận cả độc tố, mầm bệnh, các tế bào bất thường…

Nếu ở liều lượng thấp không có biểu hiện bệnh lý ngay thì cũng có thể tích tụ dần trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, mất trí nhớ… Một số trường hợp tổn thương nặng, bé có thể đi ngoài ra máu. Nhưng cũng có trường hợp tổn thương bên trong, không biểu hiện ra ngoài khiến bố mẹ tưởng rằng sữa bột cho trẻ em không có tác hại gì và bé bú sữa gì thì niêm mạc ruột của bé cũng phản ứng, phát triển và hấp thụ chất như nhau.

Ngoài ra, để các bà mẹ có thể yên tâm cho con bú sữa non trọn vẹn trong 72 giờ đầu, Thạc sỹ Lê Nhất Phương Hồng khẳng định: “Trong 72 giờ đầu bé sơ sinh không hề bị đói, bé không cần năng lượng từ việc ăn uống. Nên ngoài sữa non của mẹ, bé không cần ăn thêm bất cứ loại dung dịch, thực phẩm nào khác, kể cả sữa công thức.

Cơ thể chúng ta có một cơ chế gọi là cơ chế điều tiết đối ứng, trong quý cuối của thay kỳ, cơ thể của thai nhi được tích lũy mỡ trắng, 10% mỡ trắng đó được tạo ra nhằm dự trữ năng lượng dùng cho 72 giờ đầu sau sinh. Mục đích là để không phụ thuộc vào chuyện ăn uống, cho dù bú được ít hay nhiều thì năng lượng dự trữ đó vẫn đủ để nuôi sống cơ thể một cách hoàn toàn khỏe mạnh chứ không phải là “chưa chết đói”. Đây là cơ hội để cho bé bú trọn vẹn sữa non để nhận được những lợi ích tuyệt vời của sữa non.

Ngoài ra, do bé chưa từng ăn qua dạ dày, dạ dày trẻ sơ sinh trong ngày đầu sinh ra chỉ có dung tích 5 mililit, bằng đầu ngón tay, và chưa có dịch tiêu hóa nên bé không có cảm giác đói. Nếu bé khóc thì có thể là do bé cảm thấy không an toàn do bị đột ngột thay đổi môi trường (từ môi trường trong bụng mẹ ra ngoài) và có nhu cầu được ôm ấp, vỗ về chứ không phải vì đói”.

Vì vậy, ngay sau khi sinh, càng sớm càng tốt, bé cần được da tiếp da với mẹ càng nhiều càng tốt. Da tiếp da được hiểu là ngực trần của bé (bé chỉ quấn tã) được ấp trên ngực trần của mẹ, nếu sợ lạnh có thể đắp chăn phủ lên trên (nếu mẹ sức khỏe yếu không thực hiện được thì bố, ông, bà… có thể thay thế). Việc da tiếp da với mẹ sẽ giúp bé có đủ thời gian để thích nghi với môi trường và cảm thấy yên tâm hơn khi bị chuyển đổi sang môi trường mới một cách đột ngột.

Dù bạn làm bất cứ việc gì, hãy chắc chắn rằng bạn có thể tận hưởng khoảng thời gian đầu tiên với bé, trân trọng khoảnh khắc chào đón món quà kỳ diệu mà bạn đã được ban tặng trong cuộc đời.

Leave a Reply