Như các bạn đã biết, còi xương là loạn dưỡng xương do cơ thể thiếu hụt vitamin D, làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, chuyển hóa canxi và phốt pho. Ngoài phương pháp chữa trị truyền thống là cho trẻ uống thuốc bổ sung vitamin D, kẽm, canxi, các mẹ có thể thêm vào thực đơn của trẻ những món ăn rất bổ dưỡng dành cho trẻ bị còi xương.
1. Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết trẻ bị còi xương?
Nguyên nhân của còi xương là do thiếu Canxi, vitamin D, MK7 dẫn tới thiếu Canxi trong xương. Trong khi canxi là một vi chất quan trọng tham gia vào nhiều chức năng của cơ thể trong đó tham gia vào điều hòa hệ thần kinh giao cảm. Do đó dấu hiệu đầu tiên đứa trẻ biểu hiện thiếu canxi đó là rối loạn thần kinh thực vật trẻ rất hay khóc về đêm, ra mồ hôi trộm.
Đặc biệt sau thời gian dài bị còi xương mà không được điều trị thì sẽ có những biến dạng trên xương như đầu bẹp, trán dô, nặng hơn nữa ở giai đoạn trẻ biết ngồi thì lồng ngực bị dô, rồi cháu có những biểu hiện chậm phát triển về vận động như chậm biết lẫy, biết bò, biết đứng, biết đi, chậm mọc răng.
Tiếp theo là đến giai đoạn còi xương di chứng, trẻ có những biến dạng ở xương như chân cong vòng kiềng, hình chữ X chữ O, vòng cổ chân cổ tay, hay ngực xuất hiện những chuỗi hạt sườn hoặc cong vênh xương sườn. Đến giai đoạn này thì dù bệnh còi xương được điều trị tích cực cũng chỉ hết triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật mà không bao giờ hết các di chứng ở xương của trẻ.
Do vậy, cần phòng bệnh còi xương ngay từ khi trẻ được sinh ra. Trong trường hợp trẻ có nguy cơ bị còi xương cần điều trị ở giai đoạn sớm khi trẻ mới có các rối loạn thần kinh thực vật như ngủ trằn trọc, khóc đêm, ra nhiều mồ hôi trộm, tóc rụng hình vành khăn… để giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh, tránh để lại các di chứng ở xương của trẻ.
2. Những trẻ có nguy cơ còi xương cao?
Những trẻ có nguy cơ cao bị còi xương bao gồm:
– Trẻ sinh vào mùa thu, mùa đông, nhà ở thiếu ánh sáng, trẻ không được tắm nắng hàng ngày, hoặc tắm nắng không đúng cách ….
– Trẻ sinh non, trẻ sinh đôi, sinh ba, trẻ bị còi xương từ bào thai do chế độ ăn của mẹ thiếu chất…
– Trẻ bị hay bị bệnh hô hấp như viêm mũi họng, cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi…
– Trẻ bị rối loạn đường tiêu hóa kéo dài như táo bón, phân sống, tiêu chảy, tắc mật bẩm sinh làm cản trở sự hấp thu Canxi và muối khoáng ở ruột.
– Trẻ không được bú mẹ, hoặc thiếu sữa mẹ phải ăn sữa công thức thì cũng dễ bị còi xương hơn.
– Trẻ được nuôi dưỡng không đúng cách như chế độ ăn thiếu dầu mỡ không hấp thu được vitamin D, MK7. Hay trẻ ăn nhiều chất bột từ sớm (trước 6 tháng) do chất bột có nhiều acide phytinic, chất này kết hợp với Canxi thành muối không hoà tan làm cho sự hấp thu Canxi ở ruột bị giảm.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng còi xương ở trẻ, như nuôi dưỡng không đúng cách, do bệnh tật. Vì vậy để phòng và điều trị còi xương cho trẻ bên cạnh chế độ dinh dưỡng đúng cách giúp trẻ hấp thu đủ vitamin D, MK7, Canxi và khoáng chất. Cần giúp trẻ giảm ốm vặt bằng cách tăng cường hệ miễn dịch toàn thân và miễn dịch đường tiêu hóa cho trẻ.
3. Trẻ bị còi xương nên ăn gì?
– Với trẻ dưới 6 tháng tuổi cần được bú mẹ hoàn toàn, và tiếp tục bú mẹ cho tới khi được 2 tuổi. Ngay từ những tuần đầu sau sinh nên cho trẻ ra tắm nắng từ 10-15 phút trước 9 h sáng, mùa đông có thể tắm muộn hơn một chút. Trường hợp thời tiết lạnh, không có ánh nắng có thể bổ sung dự phòng vitamin D, MK7 hàng ngày cho trẻ.
– Với trẻ trên 6 tháng, bên cạnh việc tắm nắng hàng ngày cho trẻ, trong chế độ ăn bổ sung cần chú ý thức ăn giàu canxi và các khoáng chất như tôm, cua, cá, trứng, rau xanh, đậu, sữa, và chế phẩm từ sữa. Chú ý cho trẻ ăn đủ chất béo dầu, mỡ để hấp thu vitamin D, MK7 và các vitamin tan trong dầu để trẻ phát triển tốt.
Điều quan trọng là khi trẻ lớn lên, nhu cầu cơ thể ngày một tăng cao, khi chế độ ăn hàng ngày không đáp ứng đủ, trẻ xuất hiện những dấu hiệu sớm nhất của còi xương cần bổ sung kịp thời, đủ các dưỡng chất quan trọng như Vitamin D, MK7, Canxi, Kẽm, Magie…Vitamin D giúp hấp thu Canxi khi trẻ ăn uống vào máu và MK7 tiếp tục vận chuyển canxi và khoáng chất từ máu đến nơi cần là xương. Việc bổ sung đồng bộ các dưỡng chất trên đầy đủ sẽ giúp trẻ phòng và hỗ trợ điều trị còi xương hiệu quả, đặc biệt là giúp trẻ cao lớn vượt trội và có dáng chuẩn khi trưởng thành.
Để phòng bị còi xương ở trẻ, các chuyên gia y tế khuyến cáo là trong thời gian mang thai và cho con bú người mẹ cần được tắm nắng, có thời gian hoạt động ngoài trời, chọn thực phẩm giàu vitamin D và canxi. Trẻ sinh ra cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Trẻ em bình thường hằng ngày cũng cần được tắm nắng khoảng 10-15 phút vào buổi sáng, tiền tố vitamin D trên da trẻ sẽ được chuyển thành vitamin D và ăn thức ăn có đủ chất canxi, phốt pho để phòng bệnh.
Một số thực phẩm sẵn có chứa nhiều canxi mà các bà mẹ có thể dùng nấu cho trẻ ăn là vừng đen, rau ngót, rau đay, rau muống, cua, tép khô, ốc, tôm, cá mè, lòng đỏ trứng, hến, sữa bò tươi, sữa chua… Khi trẻ bị bệnh còi xương phải được điều trị bằng vitamin D với liều dùng theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra cho trẻ uống thêm canxi. Nhà ở của trẻ phải có đủ ánh sáng. Quan tâm, để ý đến các biến đổi của trẻ để có cách điều chỉnh kịp thời.
Gợi ý các món ăn dành riêng cho trẻ bị còi xương:
Cháo tôm:
Tôm 150g, gạo 50g bột gia vị vừa đủ. Tôm rửa sạch bóc vỏ, càng để riêng. Thịt tôm giã thật nhỏ. Vỏ, càng tôm sấy khô tán bột mịn. Gạo xay thành bột. Tất cả trộn đều, thêm bột gia vị, cho vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu thành cháo. Khi cháo chín cho bột ngọt quấy đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần lúc đói, ăn liền 1 tháng.
Cháo lòng đỏ trứng gà tốt cho trẻ còi xương:
Lòng đỏ trứng 2 cái, gạo ngon 50g, bột gia vị vừa đủ. Trứng gà luộc chín, bỏ lòng trắng, lấy lòng đỏ, sấy khô tán bột. Gạo rang vàng tán thành bột. Cả hai thứ trộn đều, cho vào nồi, đổ nước vừa đủ đun cho cháo sôi kỹ, thêm bột gia vị vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn lúc đói ngày 1 lần. Cần ăn trong khoảng 20 – 30 ngày.
Bột chân cua hỗ trợ điều trị trẻ còi xương:
Chân cua 300g, hạt sen 50g, đậu xanh 50g. Chọn lấy chân của những con cua khỏe, rửa sạch sấy khô tán thành bột mịn. Hạt sen, đậu xanh đều tán thành bột. Các thứ trên trộn đều với nhau. Mỗi lần ăn dùng 1 thìa cà phê với bột chân cua hòa vào nước cơm đặc hoặc nước cháo loãng, có thể thêm đường hay muốn để ăn cho vừa miệng. Ngày ăn 2 lần, cần ăn liền 15 – 20 ngày.
Cháo táo tàu:
Táo tàu 5 quả, hà thủ ô 15g, ngưu tất 10g, gạo 50g, đường trắng 20g. Hà thủ ô, ngưu tất ngâm rượu vang 7 ngày sau đó sấy khô tán thành bột. Gạo xay thành bột, táo tàu bỏ hạt giã nhỏ lọc lấy 250ml nước. Cho bột hà thủ ô, ngưu tất, bột gạo vào đun lửa nhỏ, cháo sôi cho đường vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần lúc đói. Cần ăn liền 20 -30 ngày.
Cháo cá quả là món ăn dành riêng cho trẻ bị còi xương:
Cá quả 1 con (300g), rau cải xoong 30g, gạo 50g, bột ngọt, bột gia vị vừa đủ. Chọn loại cá quả đầu bẹt, vảy ở bụng trắng, lưng đen, làm sạch cá bỏ nội tạng, đem hấp cách thủy cho chín, gỡ lấy thịt nạc ướp bột gia vị, xương cá giã nhỏ lọc lấy 200ml nước. Gạo xay thành bột, rau cải xoong rửa sạch thái thật nhỏ (có thể giã nhỏ rồi vắt lấy nước cho vào cháo). Cho bột gạo vào nước cá, đun lửa nhỏ, cháo chín cho rau cải xoong, thịt cá, bột ngọt vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn ngày 2 lần, cần ăn 20 – 30 ngày (có thể ăn cách ngày).
Sò biển 100 g, rửa sạch, nấu nhuyễn cho một chút muối rồi ăn vài lần.
Hến 10 con, làm sạch, đánh đều với một quả trừng gà rồi hấp cách thủy, ăn trong ngày.
Xương sụn lợn 500 g, rửa sạch hầm nhừ với 50 g đậu tương rồi cho trẻ ăn với lượng thích hợp.
Cá trắm đen 1 con, làm sạch, chú ý bỏ mật, rồi cắt khúc, xào qua với gừng, hành và một chút dầu thực vật, rồi đổ nước hầm nhừ, chia ăn nhiều lần trong ngày.
Món ăn theo Đông y dành cho trẻ bị còi xương:
Hà thủ ô 100 g, ngưu tất 100 g, ngâm trong rượu trắng 7 ngày rồi lấy ra phơi khô, sao thơm, tán bột, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi lần lấy 5 quả đại táo, khía dọc bỏ hột rồi cho bột thuốc vào trong, đem hấp cách thủy cho chín rồi ăn trong ngày.
Ô tặc cốt 15 g, quy bản 15 g, tây thảo 5 g. Tất cả sắc kỹ lấy nước, bỏ bã, rồi hòa với một chút đường đỏ, chia uống vài lần.
Quy bản 15 g, cốt toái bổ 15 g, đẳng sâm 10 g, Tất cả sắc kỹ trong 1 giờ, rồi lọc lấy nước, hòa với một chút đường đỏ, chia uống vài lần.
Món ăn cho trẻ trên 2 tuổi bị còi xương
Canh xương bò
Thành phần: Xương bò 1 kg, cà rốt 500 gr, cà chua, bắp cải mỗi thứ 200 gr, hành tây 1 củ, tiêu hột, gia vị.
Cách làm: Xương bò rửa sạch chặt miếng to, cho vào nước nấu khoảng 5 phút, vớt ra. Cà rốt rửa sạch gọt vỏ, cắt lát. Đặt chảo nóng, cho vào một muỗng canh dầu ăn, để lửa nhỏ, xào thơm hành tây, cho nước vào, sau đó cho xương bò, cà rốt, cà chua và bắp cải, tiêu vào chung nấu 3 giờ đồng hồ, sau cùng nêm muối gia vị.
Gan heo xào đậu Hà Lan
Thành phần: Đậu Hà Lan 120 gr, gan heo 150 gr, rau cần tây 1 bó nhỏ, gừng vài lát, tỏi nhuyễn 1 muỗng cà phê.
Cách làm: Rau cần rửa sạch, cắt đoạn. Đậu Hà Lan rửa sạch cho vào chảo nóng xào chín. Gan heo cắt lát mỏng, rửa sạch, để ráo nước cho gia vị vào để ngấm 30 phút, rồi trụng nước sôi. Cho dầu vào chảo chờ sôi, cho tỏi nhuyễn, gan heo xào qua, sau đó thêm đậu Hà Lan, rau cần vào đảo sơ, cho gia vị trộn lẫn, sau cùng cho bột năng vào đánh sệt.
Cật gà xào thơm – món ăn dành cho trẻ còi xương
Thành phần: Cật gà 5 cái, thơm tươi 150 gr, ớt xanh 1 trái, ớt đỏ nửa trái, tỏi 2 tép, rượu 1 muỗng cà phê, bột năng nửa muỗng cà phê, cùng đường trắng, xốt cà chua nửa muỗng canh, giấm, dầu mè, gia vị.
Cách làm: Cật gà dùng muối chà rửa sạch sẽ, cắt bỏ gân trắng, cắt từng khía dao, cho vào nước sôi luộc khoảng 3 phút vớt ra. Thơm rửa sạch, cắt lát nhỏ. Ớt xanh, ớt đỏ rửa sạch bỏ hột cắt lát. Bắc chảo nóng, cho dầu vào phi tỏi, cho cật gà, ớt xanh, ớt đỏ, thơm vào cùng xào, sau cùng rắc ít rượu, hòa bột năng cho vào khuấy sệt.
Ốc bươu chấm giấm
Thành phần: Ốc bươu, nước tương, giấm, mỗi thứ lượng vừa.
Cách làm: Ốc bươu ngâm rửa sạch sẽ, cho vào nước sôi nấu chín, khêu thịt ốc chấm với giấm, nước tương và các gia vị khác. Dùng thường xuyên thích hợp cho trẻ còi xương.
Gan gà thang
Thành phần: Gan gà 2 bộ, vỏ sò huyết 6 gr.
Cách làm: Gan gà rửa sạch, cắt lát, vỏ sò huyết dùng lửa nhỏ nướng rồi tán mịn, đem chưng cách thủy cùng gan gà.
Trẻ bị còi xương nên uống thuốc gì?
Con tôi bị còi xương, bác sĩ khuyên cho cháu uống calcinol, 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 2,5ml, mỗi tháng uống 1 lọ. Sau một thời gian dùng thuốc, tóc cháu mọc tốt hơn, răng mọc đầy đủ, nhưng đầu vẫn còn gồ ghề. Tôi định tiếp tục cho cháu uống nhưng lại băn khoăn không hiểu trong tiết trời nắng nóng, cháu có bị nóng khi dùng thuốc không? Nên dùng thuốc thế nào? Nếu dùng lâu dài và dùng thuốc không đúng chỉ dẫn, hôm dùng hôm quên, thì có ảnh hưởng gì không?
Bác sĩ tư vấn:
Còi xương là bệnh do thiếu vitamin D rất hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Thuốc calcinol dạng sirô là thuốc trong đó có nhiều thành phần. Tùy theo hãng dược phẩm sản xuất mà ngoài canxi còn có thêm các loại vitamin khác nữa, đặc biệt là vitamin D, một số thuốc còn có thêm cả chế phẩm sắt nữa. Vì vậy, thuốc này có tác dụng trong điều trị bệnh còi xương ở trẻ em. Nếu con bạn sau khi uống thuốc mà vẫn còn biểu hiện của bệnh thì phải uống thêm, không căn cứ vào mùa nóng hay mùa rét. Chỉ có điều nếu trong mùa hè mà bạn cho trẻ tắm nắng được vào các buổi sáng sớm thì có thể không cần dùng thuốc hoặc dùng với liều lượng thấp hơn.
Vì trong một chai thuốc có 3 chế phẩm chính như vậy, nên nếu dùng quá liều sẽ gây ra hiện tượng thừa canxi, vitamin D hoặc thừa sắt, cả ba đều có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Nếu bạn dùng không đúng chỉ dẫn thì tác dụng điều trị sẽ giảm đi. Tốt nhất, nếu bạn muốn con mình dùng thêm thuốc này thì cần đưa trẻ đi khám lại, thầy thuốc sẽ quyết định dựa vào tình trạng hiện tại của con bạn.