Mách mẹ các bài thuốc trị cảm cúm đơn giản mà cực hiệu quả

Thời tiết giao mùa thu đông và xuân hè khiến không ít trẻ bị cảm cúm. Để nhanh chóng thoát khỏi những triệu chứng khó chịu như sổ mũi, đau họng, ho… các mẹ hãy thử những cách đơn giản sau đây nhé:

Xem thêm: các bài viết chuyên đề trẻ bị cảm cúm

Cách đơn giản ngừa cúm khi chuyển mùa

Khi xảy ra cúm, toàn bộ hoạt động của bạn sẽ rất dễ bị gián đoạn và có thể kéo dài rất lâu. Dưới đây là những mẹo nhỏ giúp con đánh bại cảm cúm nhanh nhất.

Bổ sung kẽm

Nghiên cứu cho thấy uống kẽm (có thể là dạng viên ngậm, viên nén, siro) ngay ngày đầu có các triệu chứng cảm có thể giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh. Thường xuyên bổ sung chất này cũng giúp trẻ giảm nguy cơ mắc cúm.

Tăng tiêu thụ chất chống oxy hóa

Tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách ăn nhiều chất chống oxy hóa là cách dễ nhất để đối phó với bệnh cúm. Một số chất chống oxy hóa cao là các vitamin A, B, C, và E.

Ăn rau quả

Không chỉ giúp giảm cân, ăn nhiều rau quả cũng có thể để nuôi dưỡng cơ thể. Vì rau quả rất giàu chất phytochemical, rất hiệu quả trong việc giúp cơ thể chống lại dịch bệnh.

Uống nhiều nước

Nước giúp giữ ẩm cho mũi, vì vậy có thể loại bỏ những hạt nhỏ li ti có chứa vi khuẩn.

Súc miệng thường xuyên

Có bằng chứng cho thấy súc miệng với nước vài lần trong ngày khi bị cảm cúm có thể giúp giảm bệnh.

Bổ sung probiotic

Kết quả một nghiên cứu gần đây khẳng định, bổ sung probiotic (vi khuẩn thân thiện) có thể rút ngắn thời gian bị cảm lạnh 4-6 ngày, làm các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn 1/3.

Bổ sung vitamin D

Không phải ngẫu nhiên mà cảm cúm tăng mạnh trong những tháng có ít ánh nắng mặt trời nhất. Và một số nghiên cứu cho thấy sử dụng 800-1000 IU vitamin D mỗi ngày cho người lớn trong suốt mùa lạnh có thể giảm nguy cơ mắc bệnh và giúp nhanh hồi phục hơn.

Tránh căng thẳng

Khoa học đã chứng minh, căng thẳng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Khi bắt đầu cảm thấy căng thẳng và nhiều áp lực, ngay lập tức tạm ngưng các hoạt động và cho cơ thể thư giãn trong ít phút.

Đừng quên nghỉ ngơi

Ngoài căng thẳng, thiếu ngủ cũng có thể làm giảm hệ thống miễn dịch. Dù bận thế nào cũng đừng bao giờ quên dành thời gian 7-9 giờ mỗi ngày để nghỉ ngơi.

Hít thở không khí trong lành

Không khí bạn thở hàng ngày có thể khá bẩn. Chưa kể đến sự xuất hiện của virus và vi khuẩn xung quanh nhà và môi trường làm việc, khiến cơ thể rất dễ bị nhiễm cúm. Vì vậy đừng quên hít thở không khí trong lành vào buổi sáng. Không chỉ làm sạch phổi, không khí trong lành có thể làm cho bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.

Bài thuốc đơn giản rẻ tiền trị cảm cúm

1/ Nghệ, quất và mật ong

Mất khoảng 20 phút, và chưa tới 10.000 đồng một ngày, bạn đã có bài thuốc trị cảm cúm hiệu nghiệm đến bất ngờ. Tất cả những thứ bạn cần là quất, nghệ và mật ong.

Đây là bài thuốc “Quân bình âm dương” của giáo sư Bùi Quốc Châu được ông giới thiệu năm 1979, khiến những ai từng dùng đều ngạc nhiên vì sự đơn giản, an toàn, tính kinh tế và trên hết là hiệu quả của nó.

Bài thuốc này được bác sĩ chỉ định chữa các bệnh do nóng hay lạnh như cảm lạnh, cảm nóng, viêm mũi họng, viêm xoang…

Công thức:

– Nghệ xà cừ (khi cạo vỏ thấy màu vàng sậm): Một củ bằng ngón chân cái người bệnh. Nghệ tính dương.

cu nghe tri cam cum

– Quất tươi xanh (không dùng quất chín): một quả. Quất có tính âm.

qua quat tri cam cum

– Mật ong: 3 thìa cà phê (hoặc đường phèn).

mat ong tri cam cum

– Nước nóng: 1/2 chén.

Cách làm:

– Nghệ cạo vỏ, giã nhỏ. Quất cắt đôi, để nguyên hột, bỏ vào bát, thêm 3 thìa mật ong và 1/2 chén nước đem chưng cách thủy 15 phút. Uống ấm sau 2 bữa cơm chính trong ngày (2 lần một ngày). Không dùng trước khi ăn.

– Liều dùng: Người lớn 5 thìa cà phê một lần (có thể ăn cả xác nghệ và quất). Trẻ em: 2-3 thìa cà phê một lần. Trẻ sơ sinh bú mẹ: Mẹ uống rồi cho con bú.

Thuốc dùng xong có thể cất trong tủ lạnh để dùng tiếp. Uống đến khi hết triệu chứng bệnh.

Theo kinh nghiệm của các bệnh nhân, thông thường, tới cuối ngày thứ hai bệnh bắt đầu chuyển biến, các biểu hiện đau họng, sổ mũi bắt đầu thuyên giảm. Trong đa số trường hợp, cuối ngày thứ ba người bệnh khá lên rất nhiều. Nhiều cháu bé phải sang ngày thứ tư mới thấy cải thiện nhưng sau đó bệnh lui rất nhanh.

Các mẹ có con nhỏ, khi đi chơi xa nên mang theo quất, nghệ, mật ong để nếu cần là có thể dùng ngay. Hy vọng bài thuốc này sẽ thực sự hữu ích cho các bạn và người thân.

Lưu ý:

– Với bệnh lạnh và người hư nhược, yếu ớt phải giảm liều quất xuống còn 1/2 quả.

– Với bệnh nóng thì tăng liều quất lên thành 2 quả và giảm liều nghệ xuống còn 1/2 đốt ngón tay út.

– Thuốc này thơm ngon và công hiệu nhưng cũng không nên lạm dụng vì sẽ bị phản tác dụng.

– Dấu hiệu bệnh nhiệt (nóng): Không sợ trời lạnh, không sợ gió, không sợ nước lạnh, hơi thở nóng, môi khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, khát nước, tiểu nóng, vàng. Mạch cổ tay đập nhanh, mạnh.

– Dấu hiệu bệnh hàn (lạnh): Ngược lại với các dấu hiệu trên, sợ khí hậu lạnh, sợ gió, sợ nước lạnh, hơi thở lạnh, môi khô, lưỡi không đỏ, rêu lưỡi trắng, không khát nước, tiểu trong. Mạch cổ tay đập chậm, yếu.

2/ Một số bài thuốc chữa bệnh cúm 

– Lá húng chanh 10g, bạc hà 8g, kinh giới 10g, cối xay 12g, bạch chỉ 6g, kim ngân hoa 12g, cam thảo đất 12g. Nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

– Rau má 12g, hương nhu 10, đậu ván (sao) 12g, bồ công anh 12g, kim ngân hoa 12g, kinh giới 10g, bạc hà 8g, lá dâu tằm 8g, cam thảo đất 10g, lức dây (cúc tần) 10g. Sắc uống như trên.

– Hoàng kỳ 16-30g, cam thảo bắc 4-6g. Đây đều là các thuốc có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể. Dùng hai vị này sắc cho bệnh nhân uống, kết hợp với uống Tamiflu theo phác đồ của Bộ Y tế. Khảo sát gần 100 trường hợp đều thấy bệnh nhân nâng cao được thể trạng, sức đề kháng tăng, hạ sốt nhanh, số ngày điều trị giảm, có chuyển biến sức khỏe tốt, không có trường hợp bệnh chuyển sang chiều hướng nặng.

3/ Một số món ăn nên dùng khi bị cúm

Nước tỏi – nghệ:

Củ tỏi 30-50g, củ nghệ 10-20g, đường vừa đủ.

Tỏi bóc vỏ, củ nghệ gọt vỏ, rửa sạch. Hai thứ giã nhỏ, hòa với ít nước sôi, lọc lấy 50-100ml nước, thêm ít đường vào quậy đều, chia 2-3 lần cho uống vào lúc không no, không đói quá.

Có thể nấu gạo tẻ 50-100g thành cháo nhừ, cho nước tỏi – nghệ vào nấu sôi lại là được. Chia 2-3 lần cho ăn vào lúc đói bụng.

Canh cải xoong – thịt lợn:

canh cai xoong thit lon giai cam

Cải xoong (xà lách xoong) 100-150g, kinh giới 20-30g, gừng tươi 3 lát mỏng, thịt lợn nạc 50-100g. Gia vị nước mắm, muối, bột nêm.

Rau cải xoong nhặt kỹ rửa sạch, cắt ngắn. Rau kinh giới rửa sạch, cắt nhỏ. Gừng rửa sạch, giã nát. Thịt lợn nạc rửa sạch, xắt miếng mỏng, cho vào nước lạnh đun sôi, hớt bỏ bọt, nêm nếm gia vị vừa ăn. Cho rau vào đun sôi lại, bắc ra ngay. Múc ra bát, ăn nóng trong bữa cơm hoặc ăn không vào lúc đói bụng.

Canh đậu hũ chua cay

canh dau phu gia do tri benh cam cum

Đậu hũ 150g cắt sợi vừa, dùng nước sôi luộc sơ, vớt ra, ngâm nở 10g mộc nhĩ, 50g củ cải, 50g cà rốt, tất cả đề xắt sợi.

Đun sôi 150ml nước, cho mộc nhĩ, củ cải, cà rốt vào trước, đun tiếp, thêm muối, bột ngọt và 20ml giấm vào, sốt cho sền sệt mới cho đậu hũ vào, nấu chín, thêm hành, tiêu, dầu mè vào, ăn nóng.

Cháo vịt

Thịt vịt 150g, 100g gạo nếp, một ít rượu trắng, muối.

Cắt thịt vịt ra thành hột lựu, gạo nếp cho nước vào nấu cháo, sau đó cho thịt vịt, một ít rượu, muối vào nấu chín.

Cháo ý dĩ, bông atisô, đậu xanh

hat y di dung lam thuoc bo tri cam cum

Ý dĩ 100g, đậu xanh 50g, bông atisô 150g, đường cát trắng.

Rửa sạch bo bo và đậu xanh, tách bông atisô thành từng cánh, lột bỏ lớp màng bên trong, rửa sạch. Cho một lượng nước vừa phải vào nồi, cho đậu xanh vào trước, nấu chín, tiếp đó cho thêm bo bo vào nấu gần chín thì cho thêm bông atisô vào, dùng lửa nhỏ nấu thành cháo, cho thêm ít đường là ăn được.

Súp ngân nhĩ

Ngân nhĩ (nấm tuyết) 5g, đường phèn 50g.

Ngâm ngân nhĩ trong nước ấm 30 phút, đợi khi nở đều, cắt bỏ phần cuống, loại bỏ tạo chất, đem xé thành từng miếng nhỏ, cho vào nồi sạch, thêm lương nước vừa phải, dùng lửa to đun sôi, hầm với lửa nhỏ 2-3 tiếng, cho đường phèn vào hầm đến khi ngân nhĩ nát ra mới thôi.

Súp sữa, vừng

sup vung tri cam

Sữa bò 250g, vừng 25g, đường phèn 40g.

Xào vừng đế khi chín bốc mùi thơm rồi xay thành bột. Sau khi đun sôi sữa thì cho vừng, đường phèn vào khuấy đều. Súp sữa, vừng có tác dụng trợ tỳ ích vị, dưỡng âm thuần táo.

Củ năng xào thịt

Củ năng 200g, thịt lợn nạc 200g, dầu ăn, hành, gừng, rượu, muối, bột năng hoặc bột bắp.

Củ năng gọt vỏ, rửa sạch, cắt hột lựu, thịt nạc rửa sạch cắt hạt lựu. Trộn một ít muối, hành, gừng, rượu, bột vào thịt. Đun nóng chảo, cho dầu vào, đợi dầu sôi cho thịt vào, đảo đều, xào một lát rồi cho củ năng vào xào chín là được.

Nấm hương (nấm đông cô) ninh xà lách

– Nguyên liệu: Nấm hương 10g, xà lách (hoặc xà lách xoong) 100g, hành thơm 1 cọng, gừng 20g, dầu hào 2 thìa, muối, đường, bột năng.

– Cách làm: Nấm hương cắt bỏ cuống, rửa sạch, dùng dầu phi thơm hành, gừng rồi vớt ra, dùng dầu còn lại xào nấm tươi, rồi cho dầu hào, đường, muối vào đun sôi, sau đó dùng lửa nhỏ nấu cho thấm gia vị. Dùng bột làm sệt nước chấm, xà lách cắt miếng to, rửa sạch rồi dùng dầu xào chín, cho gia vị vào, xào xong ráo nước xếp vào mâm rồi cho nấm tươi xào lên trên.

Để phòng ngừa cảm cúm, cần lưu ý:

–  Không để cơ thể quá mệt mỏi do sinh hoạt, lao động, vui chơi quá nhiều, nhất là khi gặp trời mưa to, gió lạnh hoặc nắng nóng.Cần ngủ đủ giấc, không để mất ngủ hoặc thiếu ngủ.

– Nên ăn uống đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng. Chú ý ăn thường xuyên các loại thực phẩm có tác dụng nâng cao sức đề kháng, chống cảm cúm như: tỏi, hành tím, hành tây, đinh hương (giàu chất allicin), nghệ, gừng, mật ong, các loại rau thơm, các loại trái cây chứa nhiều khoáng chất, nhiều vitamin…

Giữ vệ sinh để phòng ngừa nhiễm cúm

Để phòng ngừa cúm, ngoài việc mang khẩu trang đúng cách, thì việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng ít nhất 20 giây sau khi tiếp xúc với các vật dụng nơi công cộng là rất cần thiết.

Nên sử dụng giấy lót tay  khi sử dụng các vật dụng dùng chung với người khác như ly, chén, tay nắm cửa phòng, điện thoại công cộng…

Không dùng chung các dụng cụ vệ sinh cá nhân có thể là tác nhân truyền bệnh như khăn, bàn chải, dao cạo…

Ở trường hợp không có nước, có thể sử dụng các dung dịch chứa cồn có tác dụng diệt khuẩn để rửa tay.

Khi hắt hơi hay ho, cần phải che miệng, che mũi bằng khăn giấy rồi bỏ vào sọt rác, nếu dùng khăn vải thì sau đó phải rửa thật sạch. Nếu ho hay hắt hơi vào tay, phải lau rửa tay sạch sẽ.

Virus cúm có thể lây lan từ tay người này sang người khác do vậy lưu ý không dùng tay để dụi mắt, ngoáy mũi.

Tránh tiếp xúc với những người bị nghi ngờ nhiễm cúm, đặc biệt là những ngày đầu họ vừa có triệu chứng này. Nghỉ ngơi ở nhà nếu thấy có triệu chứng nhiễm cúm.

Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và thường xuyên lau chùi, khử khuẩn bề mặt bàn ghế, vật dụng nơi ở và nơi làm việc.

Gặp mùa có dịch cúm, ngoài việc giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường, có thể phòng ngừa bằng cách đóng kín các cửa sổ, đổ khoảng 5ml giấm ăn + một ít nước vào 1 chén sứ rồi đem chưng cách thủy để hơi giấm bốc lên tỏa khắp căn phòng. Có thể cho hỗn hợp giấm + nước vào 1 nồi đất hoặc nồi thủy tinh, nồi inox, đặt trên một bếp điện để nấu cho bốc hơi. Ngày làm 2 lần vào lúc sáng sớm và lúc chiều tối. Các phòng ngừa này gọi là thực thố huân chưng, dễ làm, không tốn kém mà lại có hiệu quả tốt.

Theo Lương y Đinh Công Bảy – Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM

Leave a Reply