Nôn trớ là triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ. Nôn trớ là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Nôn trớ có thể lành tính, tự khỏi khi trẻ lớn hơn. Có khi nôn trớ là biểu hiện của những bệnh lý tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, có thể là triêu chứng của bệnh lý đường hô hấp hay là bệnh lý toàn thân,v.v… Trẻ sơ sinh hay bị nôn trớ nhiều phải được điều trị đúng cách nếu không sẽ để lại nhiều hậu quả tai hại sau này.
Như thế nào là bình thường khi trẻ sơ sinh bị nôn trớ?
Nôn trớ là hiện tượng phổ biến trong những tuần đầu sau sinh, khi bé vừa ăn xong hay bé vặn người. Bé chớ ra sữa vón cục và điều này có thể làm bé sợ, khóc nhiều hơn.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé trớ, từ việc đi xe ô tô đến rối loạn tiêu hoá, thậm chí khóc hay ho kéo dài cũng có thể kích thích phản xạ này. Và đây là lý do vì sao trẻ thường nôn trớ nhiều trong những năm đầu tiên sau khi chào đời.
Nôn trớ thường tự hết sau 6 – 24 giờ mà không cần phải áp dụng bất kỳ cách điều trị đặc biệt nào.
Miễn là bé vẫn khoẻ mạnh và tiếp tục lên cân thì bạn không cần phải lo lắng về hiện tượng này.
Nôn trớ đơn thuần thường liên quan đến ăn uống. Hay gặp ở trẻ nhỏ do ép trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, nằm liền sau khi bú, hoặc không dung nạp thức ăn hoặc bắt đầu ăn bổ sung với thức ăn mới lạ, hoặc ăn nhiều quá 1 loại thức ăn nào đó. Nôn thường xuất hiện sớm, số lượng chất nôn ít, chủ yếu là thức ăn. Trẻ vẫn chơi bình thường, không ảnh hưởng đến tình trạng cơ thể. Do vậy, chỉ cần điều chỉnh cách cho ăn.
- Không ép trẻ ăn nhiều làm cho trẻ ngại khi nhìn thấy thức ăn.
- Khi cho 1 loại thức ăn mới nên cho từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày .
- Ở những trẻ bú mẹ thì sau khi bú xong nên bế trẻ 10-15 phút rồi mới đặt trẻ nằm.
- Khi cho trẻ bú bình lưu ý sao cho sữa ngập núm vú bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày.
- Ngoài ra có thể sử dụng thuốc chống nôn theo chỉ định của bác sĩ
Làm sao biết trẻ sơ sinh bị nôn trớ là do bệnh lý??
Trong những tháng đầu tiên sau sinh, hiện tượng nôn trớ có thể là biểu hiện của một vấn đề nào đó liên quan đến ăn uống chẳng hạn như ăn quá no. Sau thời kỳ này, nguyên nhân có thể là do một loại vi rút dạ dày.
Đôi khi, dù rất hiếm, nôn trớ ít khi là biểu hiện của một tình trạng viêm nhiễm nào đó ở hệ hô hấp, tiết niệu hay thậm chí là tai.
Bé càng lớn mà tình trạng nôn trớ càng nghiêm trọng thì đừng do dự, hãy đưa bé tới bác sĩ ngay. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo cần tới bệnh viện ngay:
– Đau bụng quằn quại
– Bụng trướng
– Lơ mơ hay ở trạng thái kích thích
– Co giật
– Liên tục nôn trớ hay tiếp tục nôn trớ trên 24 tiếng
– Có dấu hiệu cơ thể bị khử nước như miệng khô, ít nước mắt, ít đi tiểu (thay ít hơn 6 tã lót/ngày)
– Xuất hiện máu hay mật (màu xanh) khi nôn trớ
Một chút máu tươi khi nôn trớ thường không đáng lo ngại bởi đó là do các mao mạch ở thực quản bị xước khi phản xạ nôn quá mạnh.
Cũng có thể có xuất hiện tia đỏ trong dịch nôn nếu bé nuốt máu từ vết thương nào đó ở miệng hoặc bị chảy máu cam trong vòng 6 tiếng trước đó. Vì thế bạn chỉ nên gọi bác sĩ nếu bé tiếp tục nôn trớ có lẫn máu trong những lần sau với số lượng tăng dần. Riêng với tình trạng nôn có màu xanh thì cần đưa bé đi khám ngay.
Bạn cần giữ lại chút dịch nôn trớ có lẫn máu hay mật xanh để đưa bác sĩ xem.
– Nôn trớ không ngừng trong tháng đầu tiên sau sinh, cứ ăn xong là nôn trớ
Đây có thể là do chứng hẹp môn vị, một nguyên nhân hiếm gặp gây nôn trớ mà thường bắt đầu 1 vài tuần sau khi bé chào đời cho tới tận khi bé 4 tháng tuổi.
Môn vị là một cơ vòng nối liền dạ dày với đoạn đầu của ruột non. Nếu cơ vòng này bị dày lên sẽ ngăn cản sự di chuyển các chất trong bộ máy tiêu hóa từ dạ dày xuống ruột. Sữa hoặc các thực phẩm khác bị ứ tắc ở đây sẽ dội lại phía thực quản và gây ra nôn ói.
Chỉ cần một tiểu phẫu là vấn đề sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần đưa bé tới bệnh viện nhi ngay khi thấy triệu chứng trên.
Một lưu ý là cha mẹ không nên quá căng thẳng về hiện tượng này ở trẻ. Mỗi đứa trẻ đều sẽ nôn trớ ít nhiều trong giai đoạn sau khi chào đời và thường không ảnh hưởng gì tới sức khoẻ cũng như sự phát triển của trẻ ngoại trừ làm bẩn bộ quần áo mới. Hãy nhớ nôn trớ là một phần không thể thiếu trong giai đoạn mới làm cha mẹ.
Xử trí với nôn trớ ở trẻ sơ sinh như thế nào?
Khi bé nôn trớ, cơ thể bé sẽ mất một số lượng chất lỏng nhất định. Vì thế, điều quan trọng là phải bổ sung lại lượng chất lỏng đã mất này để cơ thể bé không bị khử nước. Cách đơn giản nhất là uống nước oserol, nước lọc, nước quả.
Lưu ý : tư thế khi bé nôn nên để bé nằm nghiêng hoặc đỡ bé ngồi dậy , đề phòng khi bé nôn, chất nôn sẽ tràn vào khí quản , gây sặc rất nguy hiểm. Đã từng có trường hợp bé nôn trớ khi nằm ngữa , chất nôn tràn vào phổi gây ngừng thở, đến khi người nhà phát hiện đưa bé vào viện thì bé đã tím tái , không còn cứu chữa được.
Khi đã lưu ý tư thế, thì nên chờ cho bé bớt nôn trớ, hãy cho uống một lượng nhỏ nước chín hoặc dung dịch Oresol, bé bị mất nước nhiều nên sẽ khát, khi đưa nước bé sẽ có khuynh hướng uống nhiều, sau đó sẽ nôn thốc tháo, do đó nên cho uống bằng muỗng nhỏ hoặc từng ngụm một .
Nếu bé tiếp tục nôn nhiều, nên đưa bé đi khám. Nếu bé bớt nôn trớ thì cần cho uống luân phiên 50ml dung dịch Oresol và 50ml nước chín sau mỗi nửa giờ.
Khi bé ngừng nôn trớ, hãy cho uống một lượng nhỏ nước lọc hoặc nước điện giải sau mỗi 30 phút đến 1 tiếng.
Sau khi cho bé uống loại nước này mà bé không nôn trớ nữa thì cho bé bú sữa mẹ hoặc bú bình, tăng dần số lượng từ 80 – 100ml sau mỗi 3 – 4 giờ. Nếu bé không nôn trớ từ 12 – 24 giờ thì có thể cho bé ăn uống bình thường, nhưng vẫn cho bé uống nhiều nước. Bắt đầu với những thực phẩm dễ tiêu hoá như ngũ cốc hay sữa chua.
Nên nhớ khi bé nôn nhiều tức là bộ phận tiêu hóa đang có vấn đề cần nên nghỉ ngơi cho nên phụ huynh chỉ nên cho bé uống nước để không bị mất nước, đừng nên cố gắng ép ăn, không giúp được bé mà còn làm tăng triệu chứng và bé càng quấy khóc nhiều hơn.
Giúp trẻ ngủ sẽ làm cho bé nhanh hồi phục hơn, vì dạ dày trống trong suốt thời gian này sẽ giúp bé dễ chịu hơn. Không cho bé dùng bất kỳ loại thuốc chống nôn nào khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.
Trường hợp trẻ nôn trớ kéo dài hoặc nôn do bệnh lý mà trẻ có biểu hiện các triệu chứng như: sốt, đau bụng, lơ mơ, co giật, hay nôn ói liên tục, có dấu hiệu mất nước như: miệng khô, ít nước mắt, tiểu ít,… thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.
Trường hợp trẻ bị sặc , đừng cố lấy tay móc thức ăn hay chất nôn ra, nên làm nghiệm pháp Heimlich ở trẻ lớn, đứng sau lưng trẻ, quàng 2 tay ra ôm lấy bụng trẻ và ấn mạnh vào, áp lực mạnh sẽ làm trẻ nôn ói ra dị vật đường thở. Ở trẻ nhỏ hơn thì nên để nằm sấp trên đùi chúng ta và vỗ mạnh vào lưng trẻ như hình vẽ. Dị vật , chất nôn sẽ được tống ra.
Sau khi tống chất nôn ói ra được nếu bé còn mệt thì nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh dễ nôn trớ
Hiện tượng nôn trớ ở trẻ sơ sinh khá phổ biến, tuy nhiên lại ít bà mẹ biết nguyên nhân nào khiến trẻ bị nôn trớ như vậy.
Nguyên nhân nôn trớ thứ nhất: Thức ăn quá nhiều
Nguyên nhân phổ biến khiến trẻ hay bị nôn trớ chính là do thói quen ăn uống. Khi trẻ sơ sinh bú mẹ, phản xạ nuốt sẽ xảy ra một cách tự nhiên. Tuy nhiên do khoang miệng của trẻ nhỏ nên nếu lượng sữa quá nhiều sẽ khiến trẻ gặp khó khăn trong quá trình hô hấp. Bởi vậy nên phản ứng của cơ thể sẽ là nôn ra những gì trẻ vừa ăn được.
Một điều khác nữa, đó chính là dạ dày của trẻ không lớn và chưa phát triển hoàn thiện, khi trẻ ăn quá nhiều, hoặc nằm ngửa khi ăn cũng có thể gây nôn trớ. Đối với những trẻ bú bình, lỗ trên núm vú quá nhỏ khiến trẻ phải dùng nhiều lực để hút cũng sẽ gây nôn trớ.
Nguyên nhân nôn trớ thứ 2: Nôn sinh lý
Thực quản của trẻ sơ sinh tương đối ngắn, vì thế nếu ăn quá nhanh, trẻ sẽ nuốt thêm nhiều khí vào bụng và xảy ra hiện tượng nôn trớ.
Nguyên nhân nôn trớ thứ 3: Nhân tố truyền nhiễm
Trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm trùng đường ruột sẽ khiến trẻ hay có hiện tượng nôn trớ. Tất cả những hiện tượng nhiễm trùng như viêm rốn, nhiễm trùng da, viêm màng não, nhiễm trùng máu… cũng có thể gây ra rối loạn tiêu hóa và khiến trẻ có phản xạ ói mửa.
Nguyên nhân thứ 4: Trẻ nuốt nước ối
Hiện tượng trẻ nuốt phải nước ối khi còn ở trong bụng mẹ là khá phổ biến. Khi đó, trẻ sơ sinh sẽ nôn ra chất nhầy có bọt. Lúc này không nên cho trẻ ăn ngay để tránh phản xạ của cơ thể là tiếp tục nôn.
Nguyên nhân thứ 5: Phản ứng thuốc
Trẻ sơ sinh thường phản ứng mạnh với những thuốc có vị đắng, chính vì thế hiện tượng ói mửa của trẻ khi uống thuốc cũng khá phổ biến.
Nguyên nhân thứ 6: Trẻ bị táo bón
Bị táo bón cũng có thể khiến trẻ gặp vấn đề về tiêu hóa và trẻ thường sẽ nôn ra những gì mình ăn được trong thời gian này. Các ông bố bà mẹ cũng không nên lo lắng vì khi trẻ đi cầu trơn tru lại thì hiện tượng nôn mửa cũng không còn nữa.
Cuối cùng là do bệnh xuất huyết ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân gây nôn mửa có thể là do chảy máu dạ dày, vì thế khi trẻ nôn lúc này sẽ có màu nâu hoặc đỏ tươi.
Bắt bệnh cho trẻ khi trẻ bị nôn trớ
Nôn trớ ở trẻ kèm tiêu chảy, sốt nhẹ
Nguyên nhân có thể là: Chứng viêm dạ dày – một trong những bệnh dạ dày phổ biến ở bé 6-24 tháng tuổi (hoặc ở mọi lứa tuổi). Viêm dạ dày có thể gây ra bởi virus rota, bé dễ bị lây từ những bé khác. Theo thống kê, có đến 4/5 số bé bị nhiễm virus rota dưới tuổi lên 5.
Các triệu chứng tiêu chảy, nôn kéo dài 1-2 ngày hoặc lâu hơn (3-5 ngày). Trường hợp nặng, bé phải nhập viện vì sốt và mất nước do tiêu chảy.
Sau khi bé đã ngừng nôn trớ, có thể cho bé một thìa cafe sữa khoảng vài phút một lần, trong một tiếng đồng hồ. Thực phẩm lỏng và nước bù điện giải cũng tốt cho bé bị tiêu chảy gây mất nước.
Nên đưa đi khám nếu bé tiêu chảy nặng, kéo dài, bé bị mất nước (khô lưỡi hoặc môi, tiểu ít, thóp trũng).
Bé nôn trớ ngay sau khi bú mẹ hoặc bú bình
Nguyên nhân có thể là: Hẹp môn vị – Cơ van giữa dạ dày và ruột dày lên. Thông thường, van này có độ rộng tương đương một cây bút chí nhưng khi cơ van này dày lên thì nó sẽ bị hẹp lại. Hẹp môn vị còn có thể khiến bé bị nôn thành vòi rồng.
Nếu bé sơ sinh nôn ngay sau khi bú, bạn nên đưa con đi khám sớm. Bác sĩ sẽ kiểm tra cho bé và bé có thể được phẫu thuật đơn giản để mở rộng cơ van này. Thường sau 2 ngày phẫu thuật, bé có thể trở về nhà.
Trẻ nôn trớ kèm phát ban
Nguyên nhân có thể là: Nếu bé nôn nhiều lần sau khi ăn, kèm nổi ban quanh miệng, cổ, sau đầu gối hoặc khuỷu tay, bé có thể bị dị ứng với sữa công thức hoặc thực phẩm như dâu tây, chocolate, lạc…
Cho bé đi khám ngay nếu bé khó thở, sưng miệng. Một phẩn ứng dị ứng nặng có thể khiến bé tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Để giảm nguy cơ dị ứng, bạn nên cho con ăn dặm khi bé được 6 tháng. Chờ cho đến khi bé đủ một tuổi mới cho ăn sữa bò. Có thể hỏi bác sĩ về thời gian bé tập ăn các món nhất định. Khi cho bé ăn một món mới, nên kiểm tra phản ứng trong vài ngày rồi mới cho ăn món mới khác.
Trẻ nôn kèm máu
Nguyên nhân có thể do: Bất ổn ở dạ dày, như nhiễm khuẩn dạ dày khiến các mạch máu ở đó bị vỡ hoặc các mô trong dạ dày bị tổn thương do bé phải nôn gắng sức.
Cần cho bé đi khám ngay nếu bé bị nôn kèm máu. Không được tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào cho con.
Nôn ra dịch vàng xanh
Nguyên nhân có thể do: Dịch vàng xanh có thể do mật, gan bài tiết hoặc do dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa, nghẽn phân su hoặc xoắn ruột.
Ở trường hợp này, bạn cần đưa con đi khám ngay vì nôn ra dịch vàng xanh là một trường hợp khẩn cấp. Bé có thể cần được phẫu thuật để khắc phục sự cố.
Nôn kèm sốt, gào hét thường xuyên (với bé nhỏ) hoặc cứng cổ (với bé lớn hơn)
Nguyên nhân có thể do: Vi khuẩn viêm màng não, nhiễm trùng não. Nên cho bé tiêm phòng Hib để ngăn ngừa viêm màng não.
Nên cho bé đi khám ngay néu bé nôn, sốt, dễ bị kích thích hoặc bé nôn kèm cứng cổ, đau đầu.
Trẻ nôn, kèm đau bụng nghiêm trọng
Nguyên nhân có thể do: Viêm ruột thừa (phổ biến hơn ở bé trên 10 tuổi). Ban đầu, bé bị đau nhẹ quanh rốn. Sau đó, cơn đau di chuyển đến dưới bên phải của bụng. Nếu không được cấp cứu, ruột thừa sẽ bị vỡ khiến chất độc lan khắp khoang bụng, gây tử vong.
Nên làm gì để hạn chế nôn trớ ở trẻ?
Bộ máy tiêu hóa của trẻ làm việc ngay từ khi ra đời. Ở trẻ em, cơ thực quản, cơ dạ dày yếu, mỏng, nên trẻ dễ bị nghẹn hoặc nôn trớ, nhất là khi ăn nhiều. Vậy làm sao tránh được hiện tượng này cho trẻ và xử lý ra sao? Giáo sư bác sĩ Nguyễn Gia Khánh – Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa VN tư vấn cách hạn chế nôn trớ cho trẻ.
Sau khi sinh, dạ dày trẻ còn nhỏ, nằm ngang, nên trẻ rất dễ nôn. Đây là hiện tượng đẩy ngược các chất trong dạ dày qua miệng do các động tác gắng sức của cơ thể, là biểu hiện bất thường ở trẻ khi bú. Nôn trớ xảy ra mỗi khi trẻ ăn no, sữa trào ra khỏi miệng sau mỗi lần rướn người hoặc thay đổi tư thế đột ngột.
Sau khi nôn, nghỉ ngơi, trẻ vẫn có thể ăn bình thường, không sút cân, thì đó là nôn trớ sinh lý mà sau 7 – 8 tháng tuổi thường không còn nữa, không nên dùng thuốc. Để hạn chế trớ sinh lý, cần phối hợp cả chế độ ăn, cho trẻ bú đúng tư thế. Bú nhiều lần trong ngày, từ từ, mỗi lần bú không quá no, nếu trẻ đã ăn giặm thì từ từ tăng độ đặc của bột. Chú ý ở thời gian trước 3 tháng, nước bọt bài tiết rất ít. Vì vậy, bà mẹ không nên cho trẻ ăn bột trước thời điểm này.
Khi trẻ nôn, lưu ý tư thế giúp trẻ dễ chịu: Bế trẻ ngồi, đặt một tay ở trán trẻ để đỡ phần đầu, tay còn lại đỡ phần dưới ngực để trẻ nôn dễ dàng. Với trẻ dưới 6 tháng, nên đặt ở tư thế nằm nghiêng bên trái, đầu hơi cao để trẻ không bị sặc chất nôn vào đường thở gây ngạt, không nên bắt trẻ uống sữa lại ngay sau khi bị nôn. Khi trẻ nôn xong, nên cho trẻ nằm nghỉ. Nôn trớ nhiều có thể gây mất nước, mất điện giải và mệt mỏi do co thắt cơ hoành, cơ thành bụng. Lau mặt, miệng cho trẻ, thay áo, súc miệng để tránh mùi khó chịu do chất nôn gây nên. Biện pháp dùng thuốc chỉ sử dụng khi việc điều chỉnh chế độ ăn và tư thế bú không có kết quả, đồng thời có chỉ định của bác sĩ. Các thuốc tăng cường co thắt phần cuối thực quản, chống trào ngược và mở rộng cơ môn vị để thức ăn tống khỏi dạ dày.
Tuy nhiên, ngoài nôn trớ sinh lý còn có thể nôn trớ do bệnh lý. Nôn trớ có thể xảy ra cấp tính kèm theo với tiêu chảy, chướng bụng, táo bón hoặc kéo dài trong vài tuần, vài tháng. Vì thế, cha mẹ cần theo dõi và đưa trẻ đến bệnh viện nếu trẻ nôn nhiều kèm theo sốt mệt mỏi, kèm theo co giật hoặc ngủ li bì, nôn nhiều lần trong vòng 6 giờ. Khi nôn trớ, trẻ có sốt thì cần chú ý tới các bệnh đường tiêu hóa như nhiễm trùng dạ dày, ngộ độc thức ăn, viêm mũi – tai, viêm màng não, viêm ruột thừa, nhiễm vi khuẩn.
Nôn trớ kéo dài không kèm sốt có thể do chế độ ăn sai lầm, hẹp môn vị lồng ruột, thoát vị nghẹt, không dung nạp một số chất, rối loạn vận động dạ dày, thực quản. Theo dõi và ghi nhận số lần nôn, khối lượng màu sắc, mùi chất nôn, tình trạng toàn thân trẻ, dấu hiệu mất nước, sốt, chướng bụng, bí trung đại tiện, tình trạng bài tiết phân su. Nếu trẻ nôn mọi thứ, nôn nhiều lần, dữ dội, nôn ra dịch vàng, máu, thức ăn cũ hôi; nôn kèm mất nước, sốt, bí trung đại tiện, chướng bụng, co giật thì cần đưa đến bác sĩ nhi khoa khám.
Giáo sư Khánh cũng cho biết thêm: Khi trẻ sắp nôn, gia đình thường có cách đối phó là bật nhạc, bật TV, thậm chí là véo tai… nhằm đánh lạc hướng của trẻ, lấy kích thích để lấn át sự thèm ăn. Nếu trẻ đang nôn dở chừng thì không thể ngăn lại được. Hoặc nếu nguyên nhân nôn là do chế độ ăn sai lầm, do bệnh lý thì lại phản tác dụng.
Làm gì khi bé bị ói sau khi ăn
Con gái em 10 tháng tuổi, bé ăn dặm rất ít, mỗi lần ăn xong là bé bị ói ngay, Xin hỏi Bác sĩ tình trạng như vậy có ảnh hưởng gì không ? (võ hồng mai)
Trả lời:
Không có bà mẹ nào không trải qua tâm trạng xót ruột khi con nôn trớ. Giải thích điều này, bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, đó là do cấu tạo hệ tiêu hóa trẻ em. Trước 6 tuổi, thực quản – dạ dày trẻ gần như là một đường thẳng, chưa tạo thành góc cong rõ rệt như người lớn. Do đó, thức ăn đưa vào rất dễ trào ngược lên. Ngoài ra, hệ thần kinh của trẻ chưa hoàn thiện nên dễ gây kích thích co bóp dạ dày, dẫn đến hiện tượng này.
Trẻ dưới 1 tuổi (nhất là 6 tháng đầu) rất hay bị trớ khi ăn quá nhiều, hoặc bú không đúng cách nên nuốt phải quá nhiều hơi. Trẻ cười to, đùa nghịch, vận động nhiều khi đang ăn hoặc mới ăn xong cũng dễ bị trào thực phẩm ra ngoài.
Ngoài ra, nếu bị viêm họng, amiđan, phế quản, phổi…, trẻ cũng dễ nôn sau ăn, hay khi ho quá nhiều. Đó là hiện tượng bình thường, bố mẹ không nên quá lo lắng.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nôn lại là dấu hiệu của bệnh lý, thậm chí rất nguy hiểm, cần sớm đưa trẻ đến gặp bác sĩ:
Nôn do dị dạng đường tiêu hóa
Teo hẹp thực quản: Thường phát hiện ngay ở giai đoạn sơ sinh (1 tháng đầu). Do dị tật này, trẻ vừa bú đã sặc và nôn ngay bởi thức ăn không kịp xuống phía dưới của đường tiêu hóa.
Hẹp tá tràng, ruột non: Thức ăn không tiếp tục đi xuống đoạn cuối ống tiêu hóa được, dẫn đến hiện tượng nôn sau khi ăn 2-3 tiếng, nôn hết mới thôi. Triệu chứng cũng được phát hiện ngay ở giai đoạn sơ sinh.
Phì đại cơ môn vị ở phần cuối dạ dày, cơ này co bóp thường xuyên khiến trẻ dễ bị nôn khoảng 1-2 tiếng sau ăn, chất nôn có vón sữa. Thường xuất hiện khi trẻ 2-3 tháng.
Phình đại trạng bẩm sinh: Đoạn cuối ống tiêu hóa không có thần kinh co bóp nên phân tắc lại, lâu ngày phình to. Khi tắc đầy quá, trẻ sẽ bị nôn, găp từ sơ sinh đến lớn.
Nôn do các bệnh về não
Viêm não, màng não: Gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó viêm màng não (do vi khuẩn) thường gặp ở những cháu dưới 1 tuổi; viêm não (thường do virus) hay xảy ra nhất ở trẻ 3 tuổi trở lên. Trẻ sốt, thóp phồng, nôn vọt (phun như vòi), sau đó là lơ mơ, mất tri giác, hoặc ngủ li bì…
Xuất huyết não, màng não do thiếu vitamin K: Xảy ra lúc khoảng 45 ngày tuổi ở những trẻ không được tiêm vitamin K khi mới ra đời. Thường trẻ tự nhiên khóc thét lên một tiếng (có những trẻ không khóc), da xanh nhợt đi do thiếu máu, nôn vọt, li bì, thóp phồng.
Tai biến mạch máu não: Do dị dạng mạch máu, thường xảy ra ở trẻ lớn, khoảng 9-10 tuổi. Trẻ tự nhiên đau đầu, sau đó có biểu hiện thiếu máu (da, môi, niêm mạc xanh nhợt), nôn, hôn mê.
Các nguyên nhân khác
Bã thức ăn: Thức ăn không được tiêu hóa hết, vón thành cục, gây tắc ở tá tràng. Trẻ không sốt, cứ ăn vào là nôn, đi ngoài rất ít phân. Bệnh thường xảy ra ở trẻ ngoài 3 tuổi.
Nhiễm virus đường tiêu hóa: Thường gặp nhất là rota virus, gây tiêu chảy và nôn, kèm sốt. Bệnh xảy ra nhiều ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Lồng ruột: Gặp nhiều nhất ở trẻ 7-8 tháng đến 1 tuổi. Trẻ bỗng nhiên khóc thét vì đau bụng, nôn vọt nhiều lần, thậm chí không còn thức ăn vẫn nôn.
Trường hợp bé của bạn bị nôn / ói sau khi ăn kéo dài, bạn nên đưa bé đi khám để tìm hiểu nguyên nhân và được các bác sĩ tư vấn cách điều trị hiệu quả.
Sai lầm cần tránh khi trẻ nôn trớ nhiều do ho
Xem thêm các bài viết về chủ đề trẻ bị ho ở chuyên mục Sức khỏe – Bệnh hô hấp
Sau các cơn ho kéo dài thường xuyên, bé Nghé ăn bao nhiều là nôn ói ra bấy nhiêu. Xót con nên mỗi lần như thế, chị Oanh (quận 2, TP HCM) lại cho con dùng siro ho.
Siro ho có vị ngọt khiến bé rất thích, hơn nữa lúc đầu dùng thấy hiệu quả rất nhanh nên chị Oanh thường xuyên “ưu ái” sử dụng. Sau một thời gian bé Nghé bị nhờn thuốc, bây giờ mỗi lần điều trị ho cho bé rất vất vả.
Sốt ruột vì chăm mãi mà con vẫn ốm đau, thường ho húng hắng và chậm tăng cân, chị Vân Hà, nhân viên thu ngân của một nhà hàng tại Bình Thạnh đưa con đi khám bác sĩ. Bé được kết luận bị viêm họng và kê thuốc về uống. Dùng 3 ngày thấy đã bớt ho, hơn nữa bé lại bị tiêu chảy, sợ con còi cọc thêm nên thay vì báo lại bác sĩ, chị tự động cho con dừng thuốc, khiến bệnh không dứt điểm mà tái phát dai dẳng.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thanh, Trưởng khoa Dịch vụ 1 bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, ho là một triệu chứng làm cho cha mẹ lo lắng , tuy nhiên đôi lúc ho là phản xạ tốt, là cơ chế có thể giúp tống chất nhầy nhớt ra khỏi phế quản, giúp bảo vệ họng và phổi của bé.
“Không nên tự động cho trẻ uống kháng sinh, thuốc ức chế ho, thuốc ngủ, hoặc thuốc chống dị ứng. Điều này vô cùng nguy hiểm vì những loại thuốc này có thể làm nặng thêm tình trạng viêm phổi, viêm thanh phế quản và hen suyễn ở trẻ. Ngoài ra những thuốc này còn có thể gây suy hô hấp ở trẻ nhỏ”, bác sĩ Thanh khuyến cáo.
Bác sĩ Thanh đưa ra lời khuyên, nên đưa bé đến ngay cơ sở y tế khi trẻ ho đột ngột kèm co thắt, khò khè, hoặc thở rít, tím tái. Đây có thể là do trẻ bị dị vật đường thở, phải sơ cứu ban đầu và cho trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Khi trẻ ho kèm nôn ói hoặc sốt cao 39 độ C, trẻ ho kèm khó thở, thở nhanh, nông, trẻ co giật hoặc li bì khó đánh thức, trẻ ho kèm thở mệt, cánh mũi phập phồng, co lõm ngực, tiết đàm nhớt nhiều… cũng cần được nhanh chóng đi gặp bác sĩ.
Trong trường hợp khi bé ho do cảm lạnh kèm sổ mũi, không sốt hoặc sốt nhẹ nhưng bé vẫn ăn uống, chơi đùa bình thường, không nôn ói, có thể theo dõi bé ở nhà. Nên chăm sóc bé bằng cách cho bé uống nhiều nước cam, chanh hoặc ăn trái cây tươi, nấu cháo hoặc súp để bé dễ ăn hơn và theo dõi nhiệt độ của bé. Nếu bé đỡ ho, ăn uống tốt, không sốt, thở dễ thì thường bé sẽ khỏi trong vòng một tuần. Nếu bé hắt hơi sổ mũi thì nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý.
Chia sẻ về liều dùng kháng sinh ở trẻ, bác sĩ Võ Quang Phúc, phó giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết, liều dùng kháng sinh cho các trường hợp bị ho thường một đến hai tuần, theo từng mức độ nặng nhẹ khác nhau. Việc lạm dụng hay ngưng thuốc nửa chừng có thể dẫn việc nhờn thuốc, bệnh dễ tái phát và khó điều trị hơn. Trẻ em sử dụng kháng sinh khi có những triệu chứng như tiêu chảy, mẩn ngứa, dị ứng… cần phải báo cho bác sĩ biết để đổi thuốc hợp lý.
“Trẻ em phải tùy theo cân nặng, trọng lượng của cơ thể sẽ có liều lượng sử dụng thuốc phù hợp. Nhiều cha mẹ không tuân theo chỉ định của bác sĩ mà tự động cho con dùng một nửa liều của người lớn, điều này có thể dẫn đến những hậu quả tai hại”, bác sĩ Phúc khuyến cáo.