Trẻ bị bệnh luôn là nỗi lo hàng đầu của các ông bố, bà mẹ trẻ. Tâm lý các Mẹ thường sợ con nằm điều hòa nhiều thì sẽ dễ bị các bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên trong thời tiết ngày hè nắng nóng ở Việt Nam hiện nay, nhu cầu sử dụng điều hòa càng ngày càng tăng. Vậy sử dụng máy điều hòa đúng cách là một vấn đề mà các Mẹ nên trang bị sẵn cho mình.
Sử dụng máy điều hóa đúng cách cho trẻ sơ sinh
Ở điều kiện sinh lý bình thường, trẻ được mang thai trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày, luôn được sởi ấm bởi thân nhiệt của mẹ khoảng 37,5 – 38oC. Khi bé chào đời, nhất là trong tháng của đầu đời gọi là giai đoạn sơ sinh, giai đoạn này bé không có khả năng điều hòa nhiệt độ cho cơ thể như những đứa trẻ lớn hơn, đặc biệt là những trẻ sinh thiếu tháng thì khả năng điều hòa thân nhiệt cho cơ thể càng kém hơn. Trước đó, khi còn ở trong bụng mẹ, trẻ luôn được sởi ấm bởi thân nhiệt của mẹ khoảng 37,5 – 38oC. Vì vậy, bé rất dễ bị nhiễm lạnh nếu không được chăm sóc đúng cách như: mặc áo ấm, quấn tả lót, khăn, đội mũ, mang vớ.
– Nhiệt độ lý tưởng: BS Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cho biết, nguyên nhân là do thời tiết quá nắng nóng, trẻ thường nằm quạt thốc trực tiếp vào người khi ngủ. Vì khi trẻ ngủ say, thân nhiệt giảm nên rất dễ bị viêm họng, sốt dẫn đến tiêu chảy. BS Lộc cảnh báo, nhiều cha mẹ quá lạm dụng điều hòa nhiệt độ đã để nhiệt độ chênh hơn nhiều so với ngoài trời, điều này không tốt cho trẻ nhỏ, chỉ nên để 27 – 30oC là hợp lý. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngoài trời và trong phòng khoảng 7 – 8 độ C là phù hợp với sự thích ứng của cơ thể trẻ.
Ngược lại, trong những thời gian thời tiết nắng nóng với độ ẩm cao như mùa hè ở miền Bắc hay khoảng thời gian giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa ở miền Nam thì việc cho bé nằm phòng máy lạnh đúng cách lại có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh viêm đường hô hấp trên của trẻ. Nếu sinh đủ tháng và được chăm sóc đúng cách, thân nhiệt bình thường của trẻ sẽ ở khoảng 36,5 – 37,5oC và nếu được mặc quần áo, mang bao tay, mang vớ chân, đội mũ và đắp chăn, bé có thể chịu được nhiệt độ phòng từ 25 – 28oC.
– Không để điều hòa quá 2 tiếng: Thời gian tối đa bạn dùng điều hòa cho trẻ không nên quá 2 tiếng mỗi lần. Tức là khoảng 2 tiếng, bạn nên cho trẻ ra ngoài nhiệt độ bình thường khoảng 10 – 15 phút. Mỗi khi ra ngoài, bạn nên mở rộng cửa, đứng lại khoảng hai ba phút để thích ứng với môi trường xung quanh. Để trẻ nằm quá lâu (trên 3 tiếng) trong phòng có điều hòa khiến cơ thể dễ mất nước, khô da, tạo điều kiện cho các vi khuẩn tấn công vào vùng hầu họng, gây ra bệnh hô hấp. Điều hòa dễ làm khô tuyến hô hấp, dẫn đến khó thở, trẻ nhỏ còn có thể sốt và dẫn đến các bệnh tiêu chảy… Nếu không được chăm sóc tốt, trẻ có thể bị những biến chứng nguy hiểm.
– Tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột: Khi bé ở ngoài nắng về, ra nhiều mồ hôi, tránh cho trẻ vào ngay phòng dùng điều hòa quá lạnh. Mẹ nên lau khô mồ hôi cho bé, để bé ngồi một lát ở phòng không bật điều hòa khoảng vài phút rồi mới để bé vào phòng bật điều hòa. Nếu bé muốn ra ngoài, mẹ lại mở cửa phòng, cho bé đứng vài phút cho quen với môi trường xung quanh. Nên hạn chế việc cho bé ra vào phòng máy lạnh thường xuyên để tránh hiện tượng thay đổi đột ngột với những ngày trời quá nắng nóng vì sự chênh lệch nhiệt độ cơ thể làm trẻ bị tăng tiết dịch ở mũi và họng.
– Tránh để bé nơi gió lùa như quạt máy, hoặc hơi lạnh thổi ra từ máy điều hòa quạt thẳng vào người của bé; vào mặt, đầu trẻ vì như vậy, trẻ dễ bị ngạt mũi, khó thở và mắc các bệnh về hô hấp, viêm họng; không để bé bị ẩm ướt nhất là từ nước tiểu của bé. Vì vậy, khi cho bé ở phòng lạnh cần đảm bảo duy trì nhiệt độ phòng từ 26 – 28oC, mặc áo, quấn tả, mặc quần dài, mang găng tay, mang vớ chân, đội mũ, đắp mền nhẹ, ấm, thay tả khi trẻ bị ướt, không nằm ngay nơi hơi lạnh được thổi ra từ máy điều hòa. Phòng phải thoáng, sạch, không được để quá nhiều đồ vật trong phòng vì dễ phát sinh nấm mốc, tránh nhiều người ra vào phòng lạnh vì dễ lây lan các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
– Đuổi không khí tù đọng: Mỗi ngày, ít nhất bạn phải 2 lần tắt điều hòa, mở hết các cửa, dùng quạt đuổi hết không khí tù đọng ra ngoài. Kết hợp đón ánh nắng vào phòng càng nhiều càng tốt.
– Tạo độ ẩm trong phòng: Điều hòa thường làm cho da trẻ khô nên khi sử dụng, bạn cần đặt một chậu nước trong phòng hoặc máy phun hơi nước tạo ẩm để tránh khô da và ngạt mũi cho trẻ. Bên cạnh đó, cần xịt, nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên làm sạch đường hô hấp trên của trẻ.
– Giữ ấm trẻ: Khi trẻ ngủ, hãy đắp một tấm chăn mỏng, đặc biệt che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh. Cần chọn cho trẻ những bộ quần áo thấm mồ hôi tốt như đồ cotton.
– Vệ sinh điều hòa và vệ sinh phòng: Mẹ chú ý về việc vệ sinh máy điều hòa định kỳ 1-2 tuần, rũ bỏ bụi trong tấm lưới lọc, tránh các loại nấm mốc, mầm bệnh lưu trú trong máy. Nếu không, điều hòa lại trở thành nguồn gốc phát sinh bệnh cho trẻ em. Phòng bật điều hòa thường xuyên cũng phải được dọn dẹp sạch sẽ. Khi không bật điều hòa, mở cửa phòng cho thoáng khí.
– Đề phòng viêm hô hấp dẫn đến hen: Khi trẻ có triệu chứng khó thở, thở co thắt vùng ngực thì cần đưa trẻ đi khám, không được sử dụng thuốc điều trị hen mà không theo chỉ định của bác sĩ.
– Cho bé uống nước, bú đầy đủ vì nhiệt độ lạnh làm cho bé tiêu hao nhiều năng lượng hơn bình thường.
Một số thắc mắc của đọc giả và tư vấn của bác sĩ được tổng hợp tại đây để các Mẹ yên tâm
Trẻ sơ sinh có được nằm trong phòng điều hoà không?
Đọc giả Manvodhv@gmail.com:
Thưa Bác sĩ! Tôi mới sinh con được 1 tháng rưỡi. Dưới cái nóng gay gắt của miền Trung hiện nay liệu tôi có thể cho con nằm trong phòng điều hoà được không? và nằm phòng có điều hoà liệu trẻ có bị ảnh hưởng đến đường hô hấp hay viêm mũi hay viêm phổi không? Xin cảm ơn
Tư vấn của Bs Nguyễn Mai Hương – Nhi khoa – Vụ sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em – Bộ Y tế:
Chào bạn,
Thực tế hiện nay do thời tiết nắng nóng bất thường nên các gia đình thường phải cho trẻ nằm phòng điều hòa. Tuy nhiên việc sử dụng điều hòa, đặc biệt cho trẻ nhỏ cần phải đúng cách để tránh những tác hại đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Việc lạm dụng quá nhiều và sử dụng điều hòa không đúng cách sẽ làm cho trẻ mắc các bệnh về hô hấp như viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi, đau họng… trẻ có cơ địa thường bị hen suyễn. Nếu để trẻ nằm lâu trong phòng có điều hoà khiến cơ thể dễ mất nước, khô da, tạo điều kiện cho các vi khuẩn tấn công và gây ra các bệnh về đường hô hấp.
Điều hòa dễ làm khô tuyến hô hấp, dẫn đến khó thở, trẻ nhỏ còn có thể sốt và dẫn đến các bệnh tiêu chảy… Đặc biệt, khi sử dụng điều hòa, nếu trẻ không được chú ý và chăm sót tốt, trẻ có thể bị những biến chứng nguy hiểm.
Để có thể sử dụng điều hòa đúng cách, không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, bạn nên áp dụng các cách sau:
Để an toàn cho bé, bạn nên để điều hòa ở chế độ chênh với nhiệt độ ngoài trời 7 độ C (ví dụ ngoài trời là 35độ C thì trong phòng điều hòa nên để 28 độ C là phù hợp) và sẽ không ảnh hưởng đến việc điều hòa thân nhiệt của bé.
Không cho bé ở trong phòng điều hòa quá 4 giờ liên tục vì nếu bé ở trong phòng điều hòa quá 4 giờ liên tục thường làm da bé khô, họng khô. Tốt nhất, khoảng 2 – 3 giờ, bạn nên cho bé ra ngoài nhiệt độ bình thường một lần.
Trước khi ra khỏi phòng 30 phút, nên tắt máy điều hòa, mở cửa phòng cho không khí được lưu thông và để cơ thể bé thích nghi dần với nhiệt độ bên ngoài.
Bạn nên chú ý về việc vệ sinh máy điều hòa định kỳ, tránh các loại nấm mốc, mầm bệnh lưu trú trong máy. Nếu không, điều hòa lại trở thành nguồn gốc phát sinh bệnh cho bé. Phòng bật điều hòa thường xuyên cũng phải được dọn dẹp sạch sẽ. Khi không bật điều hòa, mở cửa phòng cho thoáng khí.
Tăng cường cho trẻ bú mẹ để tránh làm trẻ mất nước do ở trong phòng điều hòa.
Nên nhỏ mũi thường xuyên cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý để giữ độ ẩm cần thiết trong cơ thể, tránh khô mũi.
Chú ý thay tã ướt thường xuyên và kịp thời để tránh lạnh cho bé. Khi bé ngủ, hãy đắp một tấm chăn mỏng, đặc biệt che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh. Cần chọn cho bé những bộ quần áo thấm mồ hôi tốt như đồ cotton.
Nên bật quạt thông gió khi sử dụng điều hòa.
Nên tránh hướng điều hoà thổi thẳng vào mặt, đầu bé vì như vậy, trẻ dễ bị ngạt mũi, khó thở và mắc các bệnh về hô hấp, viêm họng.
Khi trẻ có triệu chứng khó thở, thở co thắt vùng ngực thì cần đưa bé đi khám, không được tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ.
Tuy nhiên, nếu thời tiết không quá nóng thì không cần thiết phải cho bé sử dụng điều hòa. Gió và khí trời tự nhiên, thậm chí là gió quạt vẫn là tốt nhất cho bé và tất cả chúng ta.
Chúc bé mạnh khỏe.
Trẻ bị sốt có nên nằm quạt không?
Đọc giả Mai Hương:
Bác sĩ cho tôi hỏi, trẻ em bị sốt nóng bật quạt để hạ sốt có được không. Tôi làm cách nào để hạ sốt cho trẻ là tốt nhất?
Trả lời của bác sĩ nhi khoa:
Chào bạn ! Khi trẻ bị sốt nóng, bạn có thể bật quạt với tốc độ vừa phải cho bé để hạ sốt vì khi bật quạt sẽ làm tăng tốc độ bay hơi mồ hôi trên da, do đó làm phản ứng thải nhiệt qua con đường bay hơi mồ hôi được tốt hơn. Vì vậy, quạt gió có tác dụng hỗ trợ làm hạ nhiệt cơ thể khi bé bị sốt. Lưu ý không để quạt gió thẳng vào vùng mũi họng của trẻ vì có thể làm khô niêm mạc mũi, niêm mạc họng và dễ gây viêm nhiễm vùng mũi, họng.
Các biện pháp hạ sốt theo phương pháp vật lý khác thường được sử dụng khi trẻ có sốt như: cởi bớt quần áo, mặc quần áo mỏng, thoáng mát. Sử dụng khăn trườm mát vùng chán, khăn làm mát tại các vị trí có động mạch lớn của cơ thể đi qua như hai bên cổ, hai hố nách, vị trí mặt trong đùi và vùng bẹn hai bên.
Ngoài ra khi trẻ sốt, có thể tắm nhanh cho trẻ trong một chạu nước mà nhiệt độ của nước tắm thấp hơn nhiệt độ cơ thể khoảng 2 độ C, khi tắm như vậy cũng giúp trẻ hạ sốt, trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
– Khi trẻ có sốt cao trên 39 độ C, các biện pháp hạ nhiệt vật lý không có hiệu quả thì cho bé sử dụng thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol, liều dùng 10mg/kg cân nặng và có thể lặp lại mỗi 4 đến 6 giờ nhưng tổng liều không quá 60 mg/kg/24 giờ, không nên dùng thuốc hạ sốt kéo dài.
Trẻ bị viêm phổi có nằm điều hòa được không?
Đọc giá fanpage hoibacsinhidong
Bác sĩ ơi! Bé gái em được 3 tháng, mới chích 5 in 1 và vgb. Trước khi chích, bác sĩ khám và bảo bé phổi trái bị khò khè. 2 ngày hôm trước bé có hầm hầm sốt, có ho vài tiếng trong ngày. Bé có tiền sử viêm phổi khi mới sanh. Như vậy bé có phải bị viêm phổi tái lại không thưa bác? Bé có thể ngủ máy lạnh không? Bao nhiêu độ là vừa?
Tư vấn của Bs Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1
Bé bị hầm hầm phải thường xuyên cặp nhiệt độ nhé để theo dõi tình trạng bé và có hướng xử lý kịp thời. Nếu bé bú được, ngủ được thì khò khè không vấn đề gì. Bé bị viêm phổi vẫn nằm điều hòa được nhé, tầm 27 độ, tránh gió lùa.
Trẻ bị sốt cao có nên tắm, nằm phòng điều hòa không?
Đọc giả Caovanhung:
Chào bác sĩ, bác sĩ cho tôi hỏi bé đang bị sốt cao, trên 38,5oC; được chuẩn đoán là viêm phế quản cấp thì có nên tắm và nằm phòng điều hòa không?
Tư vấn của Bs nhi chuyên khoa hô hấp BV Nhi Đồng 2
Chào bạn, đối với trẻ càng sốt cao càng cần phải tắm. Tuy nhiên phải biết tắm cho trẻ đúng cách. Tắm cho bé cũng góp phần làm bé hạ sốt.
Ngoài việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt cách 4-6 giờ, bố mẹ còn có thể hạ sốt cho trẻ bằng cách tắm an toàn, đúng kỹ thuật.
Cách tắm đúng như sau: Khi bé sốt, bạn hãy cặp nhiệt độ cho trẻ, sau đó đóng hết các cửa phòng cho kín gió và pha nước tắm vào chậu.
Nhiệt độ của nước tắm thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ 2 độ và cần phải duy trì nhiệt độ này trong suốt thời gian tắm. Ví dụ nhiệt độ khi bé sốt là 39 độ thì bạn hãy pha nước ở mức 37 độ.
Bạn có thể tắm từ đầu trở xuống và tắm trong khoảng 5 phút. Sau rồi hãy lau thật khô người bé và mặc quần áo thông thoáng.
Nếu không đảm bảo có thể tắm đúng kỹ thuật nêu trên, thì tốt nhất bạn không nên tắm cho trẻ khi sốt, mà chỉ cần lau người và các khu vực: nách, cổ, bẹn, lưng để hạ sốt cho trẻ.
Bé đang sốt cao cần mặc áo thoáng mát, không nên ủ ấm quá kỹ vì sẽ làm bé đổ mồ hôi, thấm ngược vào người khiến bệnh tình càng nặng thêm. Bên cạnh đó việc ủ ấm kỹ sẽ càng làm tăng nhiệt độ cơ thể, tăng nguy cơ co giật ở trẻ, rất nguy hiểm. Bạn có thể cho bé nằm phòng điều hòa ở nhiệt độ lý tưởng là 27 – 28oC, tránh gió lùa và thường xuyên làm thông thoáng phòng ốc để tránh tù đọng không khí, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh.
Chúc bé khỏe!
Như vậy, qua bài viết này Mẹ Xuka hy vọng các Mẹ có thể an tâm sử dụng máy điều hòa đúng cách trong những ngày hè nóng nực với bé yêu nhé. Các Mẹ nào đang chuẩn bị mua máy lạnh đừng quên tìm hiểu thêm Cách chọn mua và lắp đặt máy điều hòa. Thân chào các Mẹ!