Trẻ bị sốt là dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm mà ba mẹ không nên chủ quan, đặc biệt là khi trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân và kéo dài nhiều ngày. Có rất nhiều ca nhập viện nguy kịch do bé bị mắc các bệnh nhiễm trùng, bệnh lý ác tính kéo dài mà ba mẹ chủ quan vì cho rằng trẻ bị sốt do thay đổi thời tiết hoặc tâm lý theo dõi chờ thêm những triệu chứng khác đi kèm.
NHỮNG BỆNH NGUY HIỂM KHIẾN TRẺ BỊ SỐT KÉO DÀI
ThS-BS Lê Bửu Châu – Trưởng khoa Nhiễm B, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, một số bệnh gây sốt có diễn tiến rầm rộ, cấp tính nên bệnh nhân được nhập viện sớm, trong vòng vài giờ hoặc vài ngày đầu tiên của bệnh. Một số bệnh lý khác diễn tiến ít rầm rộ hơn, bệnh nhân thường nhập viện trễ hơn, với biểu hiện sốt kéo dài. Một số trường hợp trẻ bị sốt kéo dài phải nhập vào Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực vì bệnh diễn tiến nặng, có biểu hiện suy chức năng của một hoặc nhiều cơ quan của cơ thể, nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Cũng theo ThS-BS Lê Bửu Châu, trẻ bị sốt kéo dài không phải là một bệnh mà là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau, do vậy muốn điều trị, điều quan trọng là phải tìm được nguyên nhân gây sốt. Nguyên nhân trẻ bị sốt kéo dài rất phức tạp, cần phải thăm khám tỉ mỉ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định bệnh, từ đó điều trị đặc hiệu các nguyên nhân này. Sốt kéo dài thường làm bệnh nhân mệt mỏi, ăn uống kém, sụt cân, nhức đầu, khó ngủ. Sốt cao có thể đưa đến tai biến nguy hiểm.
Nhiễm trùng
Đa số các bệnh gây sốt kéo dài là những bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên các nhiễm trùng khác nhau cũng có những đặc điểm sốt khác nhau. Bệnh nhiễm trùng có thể kể như nhiễm vi trùng, vi-rút, ký sinh trùng và nấm.
Do vi trùng: Có nhiều loại vi trùng có thể gây sốt kéo dài. Ngoài sốt, tùy loại vi trùng gây bệnh mà có các triệu chứng kèm theo khác nhau. Chẳng hạn như bệnh thương hàn, bên cạnh sốt còn có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, bụng lình xình khó tiêu, nhiệt độ tăng nhưng mạch không tăng tương ứng. Lao phổi và lao ngoài phổi thường kèm theo triệu chứng sốt về chiều, kém ăn, sút cân, ho, tức ngực, đổ mồ hôi về đêm.
Do vi-rút: Đa số các bệnh do vi-rút gây ra đều có sốt đột ngột hoặc tương đối đột ngột và thời gian sốt thường chỉ kéo dài hai-bảy ngày hoặc tới 10 ngày. Sốt do vi-rút còn gọi là sốt cấp tính hay sốt ngắn ngày (để phân biệt với sốt kéo dài). Tuy vậy cũng có một số vi-rút gây sốt kéo dài như: Epstein-Barr, vi-rút hợp bào, Coxackie nhóm B, vi-rút sốt chim, vẹt… nhưng đây là những bệnh ít phổ biến.
Do ký sinh trùng: Đa số các bệnh do ký sinh trùng gây ra đều sốt nhẹ và sốt vừa, ít khi có sốt cao, trừ một số ít các trường hợp như sốt rét, áp xe gan do amíp… Sốt do ký sinh trùng sốt rét có đặc điểm rất riêng là: sốt cao đột ngột, thành cơn (rét, nóng, vã mồ hôi), có chu kỳ. Leishmania gây sốt kéo dài, kèm theo là hội chứng gan, lách to và thiếu máu. Với amíp (Entamoeba histolytica) nếu gây bệnh đường ruột (lỵ amíp) chỉ gây sốt nhẹ, nhưng nếu gây áp xe ở gan, não… thì có thể gây sốt cao, rét run và kéo dài. Một số loại ký sinh trùng gây viêm màng não tăng bạch cầu ái toan. Ở những bệnh nhân này, ngoài sốt còn có các biểu hiện của viêm màng não như nhức đầu, ói, có dấu màng não. Ngoài ra một số loại khác, tuy hiếm gặp, cũng có thể là căn nguyên gây sốt kéo dài như giun xoắn, sán lá gan lớn, sán lá phổi.
Xem thêm: Trẻ bị sốt cần phải làm gì
Bệnh lý miễn dịch
Các bệnh như Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp… là các căn nguyên gây ra sốt kéo dài. Hệ miễn dịch là một hệ thống phòng thủ vững chắc giúp cơ thể ngăn ngừa được nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Khi mắc các bệnh lý miễn dịch sẽ làm hệ miễn dịch suy giảm, cơ thể dễ dàng bị vi khuẩn, vi-rút tấn công gây bệnh, trong đó biểu hiện thường gặp nhất là sốt cao.
Bệnh lý ác tính
Các bệnh ung thư hệ tạo máu: bệnh bạch cầu mạn (Chronic Leukemia), ung thư hạch (Limphôm và bệnh Hodgkin); ung thư gan, thận, ruột, phổi, tụy, bao tử… thường gây sốt kéo dài rất dai dẳng trước khi xuất hiện các triệu chứng khác.
Do thuốc
Đây là một nguyên nhân quan trọng gây sốt kéo dài. Các thuốc có thể gây sốt kéo dài chủ yếu là các loại kháng sinh nhóm beta lactam, sulfonamid, muối brom, các thuốc có asenic, muối iod, thiouracil, barbiturat, các thuốc có chứa phenolphtalein (thuốc tẩy)… Khi ngưng thuốc, bệnh nhân hết sốt và sốt trở lại khi tái sử dụng cùng một loại thuốc.
NHỮNG DẤU HIỆU CHO BIẾT TRẺ BỊ SỐT VIRUS
Do sức đề kháng của trẻ chưa cao và chưa hoàn thiện nên trẻ rất dễ bị nhiễm bệnh, dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt virus. Đặc biệt trong những thời điểm giao mùa, dịch bệnh bùng phát, nhiều trẻ phải nhập viện trong tình trạng sốt cao chiếm phần lớn, nguyên nhân là bởi trẻ bị sốt do virut.
Đây là một dịch bệnh thường xuyên diễn ra khi giao mùa, bởi trong điều kiện bình thường, cơ thể trẻ vẫn có những virut ký sinh trên đường hô hấp, đường tiêu hóa,… khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng phát triển và xâm nhập vào cơ thể bé và gây ra bệnh.
Những loại virut: Myxo virut, Coxackie, Entero virut, sởi, thủy đậu, virut viêm não Nhật Bản… Những loại virut này thường gây sốt, có thể lây từ người này sang người khác, đặc biệt là nhiễm virut qua đường hô hấp, tiêu hóa và có thể dây thành dịch.
Một triệu chứng điển hình của tình trạng nhiễm virut là sốt cao, sốt khoảng 3 – 5 ngày sẽ giảm dần và mất đi, trẻ sẽ trở lại khỏe mạnh. Những dấu hiệu khi trẻ bị sốt do virut thường là:
Sốt cao: Đây là biểu hiện thường gặp ở những trường hợp sốt do virut, thường từ 38-39oC, thậm chí 40-41oC. Trong cơn sốt trẻ thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol…
Cùng với sốt cao, ở trẻ lớn thì đau cơ bắp, trẻ thường kêu đau khắp mình. Trẻ nhỏ có thể quấy khóc, đau đầu. Một số trường hợp trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không kích thích, vật vã.
Viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng có thể đỏ…
Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do virut đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là phân lỏng, không có máu, chất nhày.
Viêm hạch: Đặc biệt là các hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy.
Phát ban: Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt.
Ở mắt: Kết mạc mắt có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt.
Nôn: Có thể trẻ nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn.
Khi trẻ sốt do virut nên chườm cho trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín. Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, giàu chất dinh dưỡng.
Chú ý: Phải đưa trẻ đến khám ngay tại trung tâm y tế khi có các dấu hiệu sau: khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, đặc biệt là trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không hạ sốt. Lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục và tăng dần, buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài trên 5 ngày. Sốt do virut rất dễ gây thành dịch nên khi trẻ bị nhiễm bệnh cần cách ly với trẻ khác và giữ ấm cho trẻ. Không nên cho trẻ ốm đến trường vì dễ lây cho nhiều trẻ khác.