Trẻ bị sốt là tình trạng bình thường khi cơ thể bé đang đối kháng lại những đối tượng lạ xâm nhập. Thế nhưng, những cơn sốt nói gì cho bạn biết điều gì về tình trạng cơ thể bé thì không phải các bậc làm cha, làm mẹ nào cũng biết. Hiểu tâm lý ba mẹ lo lắng khi con sốt, mệt mỏi nên hôm nay Mẹ Xuka chia sẻ những điều cần biết khi bé bị sốt để ba mẹ có thể yên tâm hơn về tình trạng của con và có những hướng xử lý đúng đắn.
Trẻ bị sốt có phải là dấu hiệu nguy hiểm?
Bản thân triệu chứng sốt tự nó không phải là một dấu hiệu đe dọa đến tính mạng ngoại trừ những trường hợp sốt cực kỳ cao và kéo dài, ví dụ như cao hơn 41,6oC khi đo bên trong hậu môn. Sốt có thể là dấu hiệu chỉ điểm cho một tình trạng bệnh nặng nhưng nhiều khi chỉ là biểu hiện của một tình trạng nhiễm khuẩn thông thường. Có một trung tâm trong não bộ có tên là “vùng dưới đồi” (hypothalamus) có chức năng kiểm soát toàn bộ nhiệt độ của cơ thể. Khi vùng dưới đồi chỉ huy việc tăng nhiệt độ của cơ thể là một cách để cơ thể chống lại các tác nhân gây nhiễm khuẩn. Sốt là một biểu hiện thường gặp của bệnh nhiễm khuẩn tuy nhiên còn có những tình trạng bệnh không phải do nhiễm khuẩn nhưng vẫn có thể gây sốt.
Cơn sốt chỉ bắt đầu từ 38°C
Bé tỉnh dậy với đôi má đỏ ửng, da nóng hừng hực. Chiếc nhiệt kế đã khẳng định nghi ngờ của bạn khi chỉ đến con số 37°8. Bạn cuống cuồng lục tung đống thuốc hoặc tìm kiếm số điện thoại của bác sĩ?
Trên thực tế thì trong trường hợp này bé thậm chí còn chưa đủ điều kiện để được coi là sốt. Ngay cả đối với trẻ sơ sinh nhỏ tuổi nhất, nhiệt độ bình thường của cơ thể có thể thay đổi trong khoảng 37°C đến dưới 38°C.
Nhiệt độ cơ thể trẻ em, cũng như như nhiệt độ cơ thể người lớn, có thể tăng nhẹ vì nhiều lý do, từ vận động đến tắm nước ấm, thời tiết nóng nực nhưng mặc quá nhiều đồ. Hơn nữa, nhiệt độ cơ thể có xu hướng tăng vào chiều tối và hạ vào sáng sớm. Vì vậy, trừ khi con số hiển thị trên nhiệt kế là 38,°C hoặc hơn thì hãy nghĩ đến việc hạ sốt cho bé cưng của bạn.
Các nguyên nhân khiến trẻ bị sốt
Sốt không phải là một bệnh, sốt chỉ là một triệu chứng của nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Thông thường người ta chia căn nguyên của sốt làm hai loại: sốt do các căn nguyên nhiễm khuẩn và sốt do các căn nguyên không phải nhiễm khuẩn. Sốt do các căn nguyên nhiễm khuẩn thông thường là biểu hiện của tình trạng nhiễm virut hoặc vi khuẩn. Sốt do các căn nguyên không nhiễm khuẩn có thể gặp trong nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau ví dụ khi tế bào máu bị phá hủy; khi quá trình viêm bị rối loạn; khi quá trình thở gặp trục trặc; do tác dụng phụ của thuốc; do mất nước; do say nắng, say nóng; sốt sau khi tiêm vaccin; có khi do chính trung tâm điều nhiệt (vùng dưới đồi) bị trục trặc…
Xem thêm: Các loại bệnh nguy hiểm khiến trẻ bị sốt mà ba mẹ không nên chủ quan
Sốt vi khuẩn khác với sốt virus
Sốt virus xảy ra khi cơ thể đang chống lại căn bệnh gây ra bởi một loại virus, chẳng hạn như bệnh đường ruột, cúm, cảm lạnh hoặc sốt siêu vi. Sốt virus có xu hướng giảm dần trong vòng ba ngày. Kháng sinh không có tác dụng với virus vì vậy mẹ không nên cho bé uống kháng sinh khi con sốt virus.
Một trong các triệu chứng nổi bật của tình trạng nhiễm virus là sốt cao, thường là 38-39 độ C, thậm chí 40-41 độ C. Trong cơn sốt, trẻ thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol. Khi hạ sốt, trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường.
Sốt vi khuẩn xảy ra khi cơ thể chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như nhiễm trùng tai (có thể do vi khuẩn hoặc virus), nhiễm trùng đường tiết niệu, hoặc viêm phổi do vi khuẩn. Sốt vi khuẩn đáng ngại hơn sốt virus bởi vì chúng có thể dẫn đến những bệnh nghiêm trọng. Trong trường hợp này thường phải dùng kháng sinh.
Quan tâm đến các yếu tố tiền sử khi trẻ bị sốt
Điều này giúp cho việc định hướng các căn nguyên gây sốt ở trẻ. Nếu trẻ sống trong vùng sốt rét hoặc có đến vùng sốt rét trong vòng 6 tháng qua cần đặt ra việc xác định nguy cơ mắc sốt rét ở trẻ. Nếu trẻ sống trong vùng sốt xuất huyết hoặc có qua lại vùng sốt xuất huyết trong vòng 2 tuần gần đây là những thông tin quan trọng trong việc xác định nguy cơ mắc sốt xuất huyết ở trẻ. Nếu trẻ đã mắc sởi trong vòng 3 tháng qua, nay xuất hiện thêm sốt cần phải cảnh giác với các biến chứng của sởi… Quan tâm đến việc trẻ có được dùng thuốc trước khi xuất hiện sốt sẽ giúp cho việc có thêm thông tin để xác định căn nguyên gây sốt. Khi phát hiện được các dấu hiệu về tiền sử cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám cũng như xác định thông tin và chẩn đoán, điều trị.
Các biểu hiện thường đi kèm khi trẻ bị sốt
Khi trẻ bị sốt, đi cùng với tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao là một số biểu hiện thường gặp khác như mệt mỏi, quấy khóc, đỏ mặt, vã mồ hôi, rùng mình hay run, trẻ lớn có thể kêu đau đầu… Cần phải để ý, theo dõi diễn biến các dấu hiệu trên tuy nhiên không nên quá lo lắng, căng thẳng mà nghĩ rằng trẻ có tình trạng bệnh nặng hoặc biến chứng.
Một số trẻ nằm trong nhóm tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi khi nhiệt độ tăng cao đột ngột có thể làm xuất hiện cơn giật lúc đó gọi là trẻ có sốt cao co giật. Khi trẻ co giật có thể nhìn thấy chân, tay và một số bộ phận của cơ thể (miệng) co giật, mắt trợn ngược. Mặc dù chỉ là sốt cao co giật đơn thuần nhưng nếu được chứng kiến cơn giật cũng thấy rất sợ hãi (nhất là cha mẹ và những người trực tiếp chăm sóc trẻ) tuy nhiên cơn giật thường không quá 15 phút và trẻ phục hồi hoàn toàn trong vòng 1 giờ.
Xem thêm: Cách sơ cứu tại nhà khi trẻ bị sốt cao, co giật để tránh những biến chứng nguy hiểm
Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt rất nguy hiểm
Nếu bé dưới 3 tháng tuổi có nhiệt độ trên 38°C thì cần được đưa đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Mẹ không dùng thuốc hạ sốt cho bé trừ khi được bác sĩ cho phép.
Sốt ở bé dưới 3 tháng tuổi rất nguy hiểm vì trẻ sơ sinh không có dấu hiệu nhiễm trùng nặng như các bé lớn. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng máu mà không có các triệu chứng điển hình.
Trẻ sơ sinh bị sốt có thể kiểm tra máu và nước tiểu để xác định xem có bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc chọc dò tủy sống để xem có viêm màng não không.
Đo nhiệt độ ở hậu môn là chính xác nhất khi trẻ bị sốt
Bạn có thể chần chừ trong việc đo nhiệt độ cho bé theo cách này – nhưng cách tốt nhất để có được nhiệt độ chính xác là sử dụng nhiệt kế trực tràng.
Chỉ có nhiệt kế trực tràng mới cho nhiệt độ cơ thể chính xác. Nhiệt kế nách, trán và tai vẫn bị sai số.
Điều trị các triệu chứng, không phải con số
Nhiều cha mẹ tin rằng càng sốt cao, bé càng ốm nặng hơn nhưng điều đó không đúng. Một em bé sốt tới 39°4 độ vẫn có thể nằm chơi trên giường. Trong khi một em bé sốt 38°3 có thể quấy khóc, mệt mỏi và cần bạn ở bên mọi lúc, mọi nơi.
Thay vì tập trung vào biến động của nhiệt kế thì bạn nên chú ý đến các dấu hiệu khác để xác định xem con bạn ốm thế nào để đưa bé đến gặp bác sĩ kịp thời hay chỉ cần theo dõi tại nhà.
Làm gì khi trẻ bị sốt?
Trong hầu hết các trường hợp, căn nguyên gây sốt ở trẻ là do nhiễm virut vì vậy trẻ sẽ tự hết sốt, trở lại bình thường sau một vài ngày. Hầu hết các bậc cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ thường cố gắng tìm mọi cách để hạ sốt cho trẻ nhằm mong muốn tránh tình trạng sốt cao co giật có thể xảy ra. Điều này không sai về mặt lý thuyết, tuy nhiên theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia cho rằng chính bản thân tình trạng sốt cũng có nhiều tác dụng tốt với tình trạng của đứa trẻ cho nên nhiều khi cũng nên để cho cơn sốt làm nhiệm vụ của nó.
Mặc dù vậy cũng cần thiết phải hạ sốt cho trẻ khi trẻ sốt cao trên 38,5oC. Có thể dùng nước ấm để lau cho trẻ nhưng cũng có thể làm trẻ run hoặc giật mình hoảng hốt. Vì vậy cũng không nên lau nước ấm toàn thân cho trẻ khi trẻ bị sốt mà chỉ cần lau ở một vài nơi như trán, nách… Việc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ vẫn có nhiều quan điểm trái ngược nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nên bắt đầu dùng thuốc hạ sốt cho trẻ khi nhiệt độ đo được ở nách trên 38,5oC. Thuốc hạ sốt thường được sử dụng là paracetamol với liều dùng theo chỉ dẫn và không quá 6 lần/24 giờ và 15mg/kg
Khi trẻ bị sốt thường mất nhiều nước (qua đường mồ hôi, hô hấp…) vì vậy điều quan trọng là phải động viên khuyến khích cho trẻ uống đủ nước, không cho trẻ ăn kiêng khi ốm. Một điều còn quan trọng hơn cả việc cố gắng tìm mọi cách hạ sốt cho trẻ thậm chí hơn cả thuốc hạ sốt là việc phải theo dõi chặt chẽ tình trạng sốt, cho trẻ nghỉ ngơi và cặp nhiệt độ thường xuyên
Xem thêm: Trẻ bị sốt cao dùng thuốc hạ sốt như thế nào là đúng cách, không gây hại não, gan của trẻ
Cần đưa trẻ đi khám tại bệnh viện, nếu:
Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ phải hiểu, để theo dõi và nhận biết được khi nào đưa trẻ đi khám… Trẻ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế khi có ít nhất một trong số các dấu hiệu dưới đây:
Không uống được hoặc bỏ bú; Nôn tất cả mọi thứ; Co giật; Trẻ buồn ngủ một cách khác thường hoặc li bì; Trẻ khó thở; Nổi ban bất thường; Đau đầu nhiều; Trẻ có bị sốt sau khi đến vùng có sốt rét, sốt xuất huyết…
Điều này có ý nghĩa trong việc sớm có chẩn đoán tìm căn nguyên gây sốt đồng thời có các can thiệp điều trị kịp thơi.
Sốt là một phản ứng của sự khỏe mạnh
Dù bạn nghe nói gì đi nữa, sốt sẽ không làm tổn thương não của con bạn. Thậm chí những cơn co giật do sốt cao cũng chưa từng được chứng minh là gây hại cho não của bé.
Nhiệt độ tăng cao là cách cơ thể của chống lại những “kẻ xâm lược” và thực sự là một dấu hiệu của sự khỏe mạnh. Sốt chẳng phải là điều hay ho – nhưng hệ thống miễn dịch của bé đã làm chính xác những gì cần làm.
Theo Ths Bs Nguyen Thanh Lam
Trên đầy là kiến thức tổng quan về bệnh sốt ở trẻ nhỏ. Mời các Mẹ theo dõi thêm các bài viết liên quan đến bệnh sốt và phương pháp điều trị bệnh sốt ở trẻ nhỏ sau đây:
Làm sao phân biệt trẻ bị sốt do sởi và trẻ bị sốt phát ban?
Các món ăn dinh dưỡng cho trẻ bị sốt và sau khi lành bệnh
Trẻ bị sốt có nên tắm, nằm điều hòa hay không?