Trẻ sơ sinh hay bị ọc sữa, trớ sữa là tình trạng thường gặp do hệ thống tiêu hóa của bé còn yếu. Tuy nhiên nếu tình trạng ọc sữa, trớ sữa kéo dài thì các mẹ cần phải nghĩ ngay đến các bệnh lý đường tiêu hóa. Vậy làm sao khắc phục tình trạng trẻ hay ọc sữa, trớ sữa liên tục sau khi bú; mời các bạn theo dõi bài viết sau.
Tại sao trẻ sơ sinh bị ọc sữa, nôn trớ
Mẹ lo lắng khi thấy con liên tục bị ọc sữa, nôn trớ. Vậy nguyên nhân nào gây nên tình trạng này là gì?
Do sinh lý
– Đối với trẻ được khoảng 1 đến 2 tháng tuổi, hệ thống tiêu hóa của trẻ còn yếu, các van trong dạ dày hoạt động chưa đồng bộ. Khi bú trẻ có thể nuốt hơi theo vào dạ dày gây no, sau đó nếu mẹ lại đặt nằm ở tư thế nghiêng thì trẻ dễ bị ọc sữa.
– Mẹ cho bé bú sữa quá nhiều khiến cho dạ dày không kịp tiêu hóa khiến sữa bị trào ra ngoài.
Do bệnh lý
Nếu mẹ đã có biện pháp khắc phục nhưng trẻ vẫn bị ọc sữa liên tục hoặc nếu bé hay bị ọc sữa, nôn trớ kèm theo một số dấu hiệu khác thì mẹ cần lưu ý bởi rất có thể bé bị một bệnh lý nào đó.
– Khi trẻ sơ sinh hay bị ọc sữa liên tục mặc dù không bú cũng ọc, hoặc ói ra rồi bú, bú xong lại ói ra thì rất có thể trẻ bị các dị tật ở đường tiêu hóa như hẹp thực quản, hẹp tá tràng ,…
– Trẻ đột nhiên ói, đang bú bình thường bỗng nhiên khóc thét lên, ưỡn bụng, bụng có thể nổi phồng lên thì có thể trẻ bị một số bệnh đường tiêu hóa như tắc ruột, lồng ruột hay gặp ở những trẻ sau 3 tháng tuổi.
– Một điều đáng lưu ý là trẻ không chỉ ọc sữa mà còn bị giật mình kèm co giật trong lúc ngủ, vặn mình thì người mẹ cần xem lại chế độ ăn uống của mình vì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể trẻ đang thiếu canxi. Theo thống kê từ các bệnh viện nhi tại TP.HCM, mỗi năm hàng trăm trẻ thiếu canxi có biểu hiện tương tự.
Trẻ sơ sinh bị ọc sữa, trớ sữa phải làm sao?
Nôn trớ liên quan đến ăn uống: Hay gặp ở trẻ nhỏ do ép trẻ ăn quá nhiều, bú quá no, bú chai, ngậm vú giả, pha sữa không đúng cách, không dung nạp sữa bò hoặc bắt đầu ăn bổ sung với thức ăn mới lạ… Nôn thường xuất hiện sớm, số lượng chất nôn ít, chủ yếu là thức ăn. Trẻ vẫn chơi bình thường, không ảnh hưởng đến tình trạng cơ thể. Do vậy, chỉ cần điều chỉnh cách cho ăn.
– Không ép trẻ ăn nhiều làm cho trẻ sợ hãi khi nhìn thấy thức ăn.
– Chia thức ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày để bảo đảm đủ số lượng thức ăn cần thiết.
– Ở những trẻ bú mẹ thì sau khi bú xong nên bế trẻ 10-15 phút rồi mới đặt trẻ nằm.
– Pha sữa đúng công thức và nên cho ăn bằng thìa hoặc uống bằng cốc.
– Khi cho trẻ bú bình với đầu vú cao su thì cần nghiêng bình sao cho sữa ngập cổ bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày.
– Một số trẻ tạm thời cơ thể không dung nạp sữa bò tươi thì thay thế bằng sữa đậu nành hoặc sữa bò dưới dạng sữa chua.
Khi trẻ bị ọc sữa, nôn trớ do co thắt môn vị: Thường gặp ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, thể trạng thần kinh dễ bị kích thích hay quấy khóc hờn dỗi, kém ngủ. Nôn xuất hiện sớm trong những ngày đầu sau đẻ dù trẻ ăn sữa mẹ hay sữa bò, chất nôn là nước sữa hoặc sữa đông vón tùy theo thời gian sữa lưu lại tại dạ dày.
Trẻ vẫn háu ăn, ít bị sụt cân, cơ thể vẫn phát triển bình thường. Bệnh sẽ giảm dần khi trẻ bắt đầu ăn chế độ đặc, vì ăn chất lỏng không khí dễ vào dạ dày gây đầy hơi trẻ dễ bị nôn trớ. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ cần lưu ý:
– Cho trẻ ăn thức ăn đặc hơn bằng cách pha thêm nước cháo vào sữa.
– Cho trẻ bú nhiều lần hơn bình thường. Sau mỗi lần bú bế trẻ đầu cao một lúc sau đó đặt trẻ nằm nghiêng bên trái 10 phút rồi chuyển sang bên phải, cuối cùng đặt trẻ nằm ngửa.
– Ngoài ra có thể sử dụng thuốc chống nôn motilium, primperan.
Khi trẻ bị ọc sữa, nôn trớ do bệnh tật: Hay gặp trong các bệnh nhiễm khuẩn tiêu chảy, viêm mũi họng, viêm phổi, viêm màng não… một số bệnh ngoại khoa như lồng ruột, tắc ruột, viêm ruột non hoại tử…
Trẻ ọc sữa, nôn đột ngột và kèm theo các triệu chứng đặc hiệu của từng bệnh. Cần đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế để xử trí kịp thời.
Dấu hiệu trẻ bị ọc sữa, nôn trớ do dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa:
Hẹp phì đại môn vị: Là do phì đại lớp cơ môn vị gây hẹp tắc môn vị. Bệnh hay gặp ở trẻ trai. Sau khi sinh, trẻ vẫn bú mẹ và đại tiện bình thường, khoảng 3-4 tuần sau thì xuất hiện nôn, nôn liên tục sau khi ăn, nôn nhiều lần, nôn vọt thành tia, số lượng nhiều.
Chất nôn là sữa hoặc sữa đông vón đọng lâu trong dạ dày. Nôn kéo dài làm cho trẻ sụt cân nhanh, trẻ vẫn háu ăn, ỉa phân ít, đái ít. Thăm khám bụng thấy sóng nhu động ở hạ sườn trái lan từ trái sang phải hoặc sờ thấy u cơ môn vị di động nằm ở dưới bờ trước của gan.
Trào ngược dạ dày thực quản: là hiện tượng thức ăn trong dạ dày trào lên thực quản. Nôn trớ thường xuất hiện sớm ngay sau đẻ, nôn trớ sau bữa ăn, khi trẻ nằm hoặc khi trẻ khóc. Số lượng chất nôn ít, chất nôn thường là sữa mới ăn vào, đôi khi có màu nâu. Nôn làm cho trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng.
Để giảm bớt ọc sữa, nôn trớ và phòng thiếu dinh dưỡng thì cần lưu ý cách cho trẻ ăn.
– Chia thức ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, tăng số lần cho bú.
– Sau khi ăn nên bế vác trẻ 10-15 phút.
– Chế độ ăn đặc dần lên.
– Sử dụng thuốc chống nôn.
Nếu chẩn đoán nôn do các dị tật bẩm sinh thường phải xử trí ngoại khoa.
Tư thế cho bú đúng cách sẽ giúp trẻ ít bị ọc sữa, trớ sữa
Những thứ cần chuẩn bị
– Quần áo: những chiếc áo cài nút phía trước rất thuận tiện và nhanh chóng cho trẻ tiếp xúc bầu sữa mẹ. Mặc loại áo ngực có tính co giãn tốt để tiện kéo lên phía trên cho bé bú. Nên mua áo ngực lớn hơn 1 size so với lúc mang thai để có sự thoải mái. Hiện nay trên thị trường đã có loại áo ngực chuyên dụng để cho bé bú và dễ tìm mua.
– Miếng lót mềm: bằng bông hay vải thấm để đệm vào áo ngực có tác dụng thấm sữa thừa hoặc khi bé bú vương sữa ra.
– Tâm trạng: khi cho con bú, mẹ nên giữ tâm trạng thoải mái, không hấp tấp, tính toán thời gian. Tốt nhất nên ngồi ở nơi yên tĩnh.
Tư thế nào cho mẹ và con là tốt nhất?
– Tư thế cho bé bú tốt nhất là người mẹ ngồi thoải mái trên ghế, nếu sức khỏe mẹ yếu thì mẹ có thể nằm trên giường và bé nằm nghiêng bên cạnh để bú. Tuy nhiên nếu được thì hạn chế tối đa cho bé bú nằm vì vòi Eustache của bé chưa hoàn chỉnh nên khi bé bú ở tư thế nằm nghiêng sữa dễ qua vòi này mà gây viêm tai giữa.
– Khi cho bé bú, hướng mặt bé về phía bầu vú, đầu và chân bé phải thẳng hàng, bụng bé áp sát vào người mẹ, mẹ dùng tay nâng cả bầu vú về phía miệng bé. Mẹ chạm nhẹ núm vú vào miệng bé để kích thích phản xạ tìm vú và chờ bé há to miệng sẵn sàng để bú thì đưa núm vú vào miệng bé. Hướng môi dưới bé nằm dưới núm vú, điều này giúp cằ bé chạm sát vào bầu vú và lưỡi bé nằm ngay dưới phần vú có chứa các xoang sữa, cũng như giúp núm vú chạm sát vào vòm hầu của bé kích thích phản xạ mút.
– Và khi con bú xong, các mẹ nên nâng cho con thẳng lưng vài phút, vỗ nhẹ vào lưng để con ợ hơi, sau đó từ từ đặt con nằm xuống. Sau mỗi lần bú, nên đặt con nằm nghiêng 1 bên, để nếu có ọc, sữa không vào mũi gây sặc.
– Khi trẻ nằm cần cho trẻ nằm cao đầu, cũng như thân mình phía trên để tránh trào ngược. Sau mỗi lần bú, nên đặt con nằm nghiêng 1 bên, để nếu có ọc, sữa không vào mũi gây sặc. Nếu trẻ bị ọc sữa thì nghiêng trẻ sang 1 bên ngay để không bị hít vào phổi, tuyệt đối tránh bế xốc trẻ lên khi ói vì sẽ làm tăng nguy cơ trào dịch ói vào phổi.
– Cho trẻ bú chậm, ít một và nhiều lần trong ngày nhằm tránh làm căng dạ dày trẻ quá mức, có thể cho trẻ dùng thêm các loại sữa dễ đông đặc khi vào dạ dày thì sẽ tránh được việc trào ngược.
– Đối với trẻ bú bình: Các mẹ nên cầm dốc ngược bình sữa khi đang cho con bú. Phải để sữa lúc nào cũng đầy núm vú như vậy sẽ hạn chế tối thiểu hơi lọt vào cùng với sữa. Dù trẻ bú mẹ hay bú bình, cũng có thể có một ít hơi vào cùng sữa. Khi trẻ bú có tiếng thở rít, chứng tỏ có hơi vào cùng với sữa. Như vậy, dạ dày của trẻ nhanh chóng đầy, gây hiện tượng ọc sữa sau bú.
Nếu các mẹ áp dụng đúng những cách này thì sẽ hạn chế tối thiểu ọc sữa ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn này.
Tư vấn của bác sĩ chuyên khoa nhi
Trẻ sơ sinh bị ọc sữa, trớ sữa rất nhiều phải làm sao?
Hỏi: Chào bác sĩ!!
Bé nhà em sinh được 3kg, bây giờ được 2 tháng 12 ngày, bé được 8.3kg. Bé tăng cân rất tốt, tuy nhiên bé ọc sữa rất nhiều, ngày ít nhất 1 lần, có ngày đến 5 lần. Bé bị như vậy từ hồi gần 1 tháng đên tận bây giờ. Mỗi lần ọc sữa bé đều khịt khịt mũi, khó thở lắm, em nhìn mà đau xót quá. Bé bú mẹ hoàn toàn, em cũng đem bé phơi nắng nhưng không đều đặn vì nhà em ở hiếm có năng để phơi lắm.
Hồi tròn 2 tháng , bé đi khám đinh kỳ, em cũng trình bày hiện tượng ọc sữa của bé, bác sĩ khám dùng nước muối sinh lý xịt liên tục vào mũi bé, bé ọc ra nhớt rất nhiều. Bác sĩ nói co thể cổ họng bé bị nhớt nên ọc sữa. Tuy nhiên sau khi đi khám về bé vẫn tiếp tục ọc sữa, tình hình không cải thiện.
EM có hỏi bác sĩ về việc cho bé uống vitamin D, nhưng bác sĩ bảo không cần uống, đem phơi năng là được.
Bé ọc sữa lúc đang bú, bé rất hay ọe, bé dòi bú mà không cho bé bú, bé cũng ọe ọe, bé khóc mà không kịp dỗ, bé cũng ọe ọe. Đôi lúc ọe ọe, rùi phun ra sữa, lúc thì không. Em có cảm giác là bé ọc sữa thành thói quen, cứ ọe ọe để hù mẹ, bắt mẹ bế ẵm. Bé có biết làm thế không bác sĩ.
Đây là cân nặng của bé theo tháng: mới sinh 3kg (50cm), 1 tháng 5kg (57cm), 2 tháng 7.2kg (63cm), 2 tháng 12 ngày 8.3kg ( 69cm)
Trả lời:
Chào chị Thùy Trang,
Em bé của chị có thể bị trào ngược dạ dày thực quản. Chị nên đưa bé đến khám chuyên khoa tiêu hóa để được siêu âm bụng chẩn đoán và uống thuốc chống trào ngược. Trước mắt, chị nên cho bé uống 400 UI (đơn vị quốc tế) vitamin D mỗi ngày vì bé bú sữa mẹ hoàn toàn dễ thiếu vitamin D và phơi nắng không đảm bảo hoàn toàn được hiệu quả (vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự thường xuyên, mức độ da tiếp xúc ánh nắng, mây mù và khói bụi có thể cản trở những tia có lợi…).
Thân mến.
Trẻ sơ sinh ọc sữa liên tục phải làm thế nào?
Hỏi: Em sinh mổ, bé cân nặng 3,5 kg. Lúc bé được 20 ngày, bé ọc sữa liên tục và bé bị khò khè. Em có đưa bé vào cấp cứu ở bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, Bác sĩ chẩn đoán bé bị trào ngược dạ dày và gây ra khò khè và bị viêm phổi.
Em cho bé nhập viện để điều trị viêm phổi. Khoảng 10 ngày, Bác sĩ bảo đã điều trị khỏi bệnh viêm phổi. Về nhà, bé vẫn khò khè và ọc sữa. 1 ngày bé bị ọc sữa 1 lần. Có khi ọc sữa lên cả lỗ mũi, làm bé bị ngạt do đờm. Mỗi lần cho bé bú là em cảm thấy hồi hộp và lo lắng lắm.
Khi bé ọc sữa, đặt bé ở tư thế như thế nào để bé không ọc sữa lên mũi nữa ạ? Và nếu bé ọc sữa lên mũi, bị ngạt do đờm, cách sơ cứu thế nào? Có cách nào điều trị hết đờm cho bé không? Bé ngủ ít và khó ngủ lắm. Một ngày bé chỉ ngủ 8-9 tiếng thôi. Khi bé ngủ, đờm lên cổ họng làm bé thức giấc. Bé ngủ khoảng 30 phút là bé thức. Buổi tối cho đến sáng, bé ngủ khoảng 3-4 tiếng có khi bé ngủ được 5-6 tiếng. em cũng cho bé bú no. Bé bú 1 lần khoảng 90-120ml, thông thường vào buổi tối, bé bị khò khè nhiều hơn. Bé bú sữa ngoài. Bé bú sữa mẹ rất ít. Rất mong được sự tư vấn của Bác sĩ. em xin cảm ơn.
Trả lời
Chào bạn.
Bé xuất hiện ọc sữa liên tục sau khi sinh được 20 ngày, chứng tỏ không có nguyên nhân dị dạng thực quản mà chỉ là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ. Trẻ em hay bị trớ nhất là khi bú no do tư thế của dạ dày còn đứng thẳng, chưa tạo thành góc gấp và phình hơi phía trên của dạ dày.
Cách khắc phục tình trạng này là bạn không nên cho trẻ bú quá no, mà cho bé bú thành nhiều bữa, không nên cho con bú ở tư thế mẹ nằm; vì trẻ con có khi phàm ăn bú no đến đầy dạ dày, có khi thức ăn còn chứa tới tận thực quản nó mới thôi bú làm cho rât dễ bị trớ. Đồng thời khi bú xong phải giữ nguyên tư thế đang bú khoảng 15 phút để cho sữa tiêu bớt mới đặt trẻ nằm hoặc thay đổi tư thế khác.
Đối với trẻ hay bị ọc sữa, cần chú ý đặc biệt đến tư thế bú: Mẹ ngồi trên giường hoặc ghế vừa đủ cao để 2 chân chạm đến đất vững chắc, không để bé ngửa hẳn hoặc úp hẳn vào lòng mẹ, người trẻ nghiêng khoảng 30 độ (nghiêng hơn trẻ bình thường), cho bú vú phải trước và thôi bú ở vú bên trái và giữ nguyên ở tư thế này từ 10 -15 phút mới thay đổi tư thế khác.
Con bạn bú sữa ngoài, bạn chú ý giữ bình sữa nghiêng hợp lý không quá đứng làm trẻ bú nhanh hoặc nằm ngang làm trẻ bú cả hơi khí vào trong bụng, chọn núm vú cao su có lỗ nhỏ làm trẻ bú chậm hơn, khi bú nương nhẹ không ấn mạnh vào miệng làm sữa xuống nhanh hơn.
Trẻ khò khè đờm, có thể là bệnh phổi của bé chưa khỏi hẳn bạn có thể cho bé đi khám bệnh hoặc uống thuốc làm long đờm như Mitux…, các loại siro an thần…
Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe.
Bé sơ sinh 20 ngày bị ọc sữa lên mũi liệu có nguy hiểm?
Hỏi: Chào Bác sĩ! Con em được hơn 20 ngày tuổi. Vài ngày gần đây, con của em có hiện tượng trào sữa qua đường mũi và miệng. Em đã nâng phần đầu của bé lên cho không bị sặc. Nhưng hiện tượng này vẫn thường xuyên xảy ra và bé còn có hiện tượng gặng đau. Em không biết nguyên nhân nhờ Bác sĩ tư vấn giúp.
Trả lời:
Chào em,
Con em đang trong giai đoạn sơ sinh nên về sinh lý cũng hay bị ọc sữa. Đây là hiện tượng thường gặp ở trẻ sơ sinh do vòng van giữa thực quản và dạ dày chưa đủ mạnh để cản thức ăn trong dạ dày trào lên thực quản và đôi khi trào ra miệng và mũi của trẻ.
Ngoài ra cách cho trẻ ăn cũng có liên quan đến biểu hiện ọc sữa ở trẻ. Trong quá trình bú, trẻ có thể nuốt hơi theo vào dạ dày, kết hợp với tư thế của trẻ sau khi bú đặt nằm ngang hay nghiêng bên phải. Trong tình trạng đó, hơi và sữa trong dạ dày – với tư thế nằm không đúng ở trẻ – môn vị ở dưới đóng quá chặt, còn tâm vị ở trên lại lỏng lẻo sẽ là cơ hội đẩy sữa ngược trở lên qua tâm vị và ọc sữa ra ngoài.
Phản xạ tự nhiên của trẻ khi bú mẹ hoặc bú bình là nuốt, tuy nhiên nếu khoang miệng của trẻ nhỏ mà lượng sữa lại nhiều thì trẻ sẽ bị nôn ói. Đây là biểu hiện nôn sinh lý do thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng.
Không biết con em bú sữa mẹ hay ăn sữa ngoài. Nếu bú mẹ thì em nên cho bé bú từ từ, không để bú quá no, sau khi bú mẹ thì khoảng 15 phút sau hãy cho trẻ nằm. Nếu bé bú bình, nghiêng bình sữa sao cho ngập cổ bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày gây nôn trớ. Trường hợp này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên và có thể mất hẳn mà không cần biện pháp can thiệp nào khác.
Tuy nhiên, nếu thấy con ọc sữa nhiều kèm theo sốt, ho, bỏ bú…thì em cần đưa con đi khám ngay để được xử trí kịp thời.
Thân mến chào em.
Trẻ sơ sinh hay bị ọc sữa sau khi bú mẹ
Hỏi: Xin chào Bác Sĩ. Bác Sĩ cho tôi hỏi, cháu nhà tôi mới sinh được 3 tháng, nhưng từ lúc sinh tới giờ bé hay bị trớ sữa. Tôi đã làm nhiều cách nhưng bé vẫn luôn bị trớ sữa sau mỗi lần bé bú mẹ. Hiện giờ tôi rất lo lắng cho cháu, hiện giờ cháu đã được 3 tháng, liệu việc hay trớ sữa thế có ảnh hưởng gì tới cháu không? Mong Bác Sĩ sớm cho tôi câu trả lời (Mẹ bé Thùy An)
Trả lời của bác sĩ chuyên khoa nhi:
Nôn trớ là biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng nếu bé bị nôn trớ liên tục như vậy thì bạn nên đưa bé tới gặp Bác Sĩ. Bé của bạn cần được Bác Sĩ thăm khám trực tiếp để biết được chính xác tình trạng sức khỏe của bé.
Ngoài ra, bạn cũng có thể khắc phụ tình trạng nôn trớ của bé theo những hướng dẫn sau:
Bạn nên cho bú bên trái trước (vì bé mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng bên phải). Sau đó, chuyển bé sang bên phải (lúc này dạ dày bé đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái). Như vậy, sữa sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà không gây trào ngược ra ngoài.
Bạn cũng không nên cho bé bú quá lâu, trung bình 10 phút cho vú thứ nhất và 20 phút cho vú thứ hai, bú trên 30 phút không có lợi cho bé (nuốt hơi, mệt, rối loạn thèm bú/nghiền vú, chênh lệch thời gian bú).
Nếu bé của bạn có bú bình thì luôn giữ bình sữa hơi nghiêng để đầu núm vú cao su đầy sữa. Không để bình sữa nằm ngang trong khi bú, tránh tình trạng bé bú hơi trong bình sữa như thế bé có thể bị trớ ngược ra ngoài sau khi bú xong để đẩy không khí ra.
Khi cho bé bú, bạn không nên để bé quấy khóc vì như vậy, bé có thể nuốt nhiều hơi, gây căng dạ dày.
Sau khi bú, cần bế bé theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ nhẹ lưng cho ợ hơi. Sau đó, hãy nhẹ nhàng đặt bé nằm nghiêng bên trái, kê gối hơi cao.
Ngoài ra, bạn cũng không nên để bé nằm bú vì tư thế này khiến bé rất dễ bị sặc và trớ sữa. Sau khi bé bú, không nên đặt bé nằm ngay, cũng không đùa nghịch.
Trẻ sơ sinh bị trớ có đờm: Làm thế nào để bé tống được đàm ra ngoài?
Câu hỏi: Xin chào bác sĩ! Xin bác sĩ tư vấn giúp em với! Bé nhà em được 2 tháng 6 ngày. Tháng đầu bé bị ho 1 tuần, khi ho bé co rúm người lại, em cho bé uống amoxicilin 250mg thì khỏi nhưng tháng này bé chỉ tăng được 0.6kg, tháng thứ 2 tăng đươc 0.9kg.
Mấy hôm gần đây đêm bé bú nghe bé khò khè, ngày thì chỉ ho khan 1,2 cái, có ngày không ho. Bé vẫn bú bình thường và ngủ ngoan, khi ngủ ko bị khò khè gì cả. Từ lúc sinh đến nay bé có bị trớ sữa mấy lần, có lẽ do vậy mà giờ trong họng bé có đờm.
Lần đầu tiên làm mẹ nên em không biết phải vệ sinh mũi cho bé hằng ngày. Mấy hôm gần đây nghe bé khò khè, khó thở khi bú em mới tìm hiểu thông tin trên nhiều diễn đàn. Em thấy nhiều bác sĩ và mẹ mách cách vỗ rung đờm rãi cho bé, em cung mua nước muối sinh lý về làm. Em cho bé nằm nghiêng, đầu thấp hơn mình, 1 tay bịt lỗ mũi dưới của bé, tay kia tra nước muối sinh lý vao lỗ mũi con lại, va khom tay vỗ lưng cho long đờm, nhưng chỉ thấy ra 1 ít rãi, đờm không ra được ( em nghĩ có lẽ đờm đặc quá rồi). Bây giờ ban ngày cũng nghe bé khò khè khi bú.
Em sốt ruột quá nhưng em đang ở Miền Trung nên không thể đưa bé đến BV Nhi Đồng 1,2 được. Vậy, xin bác sĩ tư vấn giúp em nên làm thế nào để bé tống đờm ra được hoặc uống thuốc gì để bé không bị khò khè nữa, em sợ cho bé uống ks nữa thì bé suy dinh dưỡng mất, vì hiện tại bé chưa đạt theo chuẩn tăng trưởng. Em rất mong nhận được tin phản hồi sớm từ bác sĩ và em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn,
Ai lần đầu được làm mẹ cũng đều bối rối, lúng túng nên bạn không nên quá căng thẳng bạn nha. Từ từ chúng ta sẽ học được. Chúng tôi tin rằng bạn sẽ chăm sóc bé tốt vì bạn rất chịu khó học hỏi.
Bạn đã nhỏ nước muối sinh lý vào mũi cho bé , đây là việc làm đúng và cần thiết. Nhưng cách làm thì sẽ chỉnh sửa một chút như sau: cho bé nằm nghiêng, nhỏ mũi một bên mũi phía trên thật nhiều nước muối khoảng 5-6 giọt rồi nếu quá đặc đàm thì sẽ có ống hút mũi phía bên thấp rồi đổi bên làm ngược lại. Bạn không bịt mũi còn lại được vì 2 lý do: nếu nhỏ mũi 1 bên còn bịtmũi bên kia thì đàm trong mũi sẽ không thể thoát ra ngoài được đó bạn; thứ hai nếu làm như thế thì lấy chỗ đâu cho bé thở và sẽ gây nguy hiểm cho bé. Tốt nhất khi mình chưa làm mọi việc thật giỏi thì nên làm từ từ nghĩa là nhỏ mũi 5- 6 giot mỗi bên mũi và 5-6 lần mõi ngày rồi những điều tiếp theo sẽ là người có chuyên môn thực hiện bạn nha.
Chào thân ái
Chia sẻ từ các mẹ kinh nghiệm: Trẻ sơ sinh bị trớ sữa có đờm nhớt
Chia sẻ Mẹ Milan (webtretho):
Mấy hôm nay sáng nào con em cũng bị sặc sữa lên mũi, lẫn trong đó là đòm dãi, chất gì mà nhầy nhầy như lòng trắng trứng vậy đó. Mũi của bé cứ bị nghẹt, sụt sịt tội lắm. Mà bác sĩ bảo mũi bé sẽ lâu lành vì bé thiếu canxi, nên hô hấp kém. Em cũng thường cho bé uống ném chưng với đường, và xoa lưng cho bé. Cái khoản ọc sữa lên mũi làm em sợ lắm. Các chị ơi, có cách gì giúp em với? Mỗi ngày trước lúc đi làm là em đã cho bé uống mấy loại thuốc rồi vì con em nhỏ người quá, bị thiếu canxi mà. Các chị ai có cách gì để con em ra đờm mà không ọc sữa không hay có cách gì nhanh chóng khắc phục không? giúp em với, chứ nhìn con vậy thật tình em buồn không chịu nổi. Con em hiện giờ 5 tháng mà chỉ được có 6.8 kg
Chia sẻ của Mẹ Tiểu My (webtretho):
Con chị hồi nhỏ cũng hay bị ọc sữa như vậy. Em nên chịu khó bế bé lên sau khi cho con bú, vuốt nhẹ dọc sống lưng cho tới khi bé ợ hơi rồi hãy để nằm xuống. Nên kiên trì tập cho đến khi thành môt phản xạ với bé. Hoặc bế bé úp mặt vào ngực mẹ rồi vỗ nhè nhẹ vào lưng, không ảnh hưởng gì tới phổi của bé đâu. Chịu khó như vậy sau mỗi lần bú nhé. Và nhỏ mũi cho bé để rửa sạch mũi: đặt bé nằm nghiêng rồi nhỏ mũi bằng NaCl 0.9%, cho nước muối chảy qua mũi bên kia, rồi làm ngược lại. Điêù này sẽ giúp mũi sạch.
Chị cũng đã từng trải qua một khoảng thời gian vất vả lắm vì con chị ọc sữa gần cả một năm đầu. Cố lên em nhé!
Như vậy, hy vọng qua bài viết trên các mẹ đã có thêm kiến thức về cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Các mẹ lần đầu có con đừng quá lo lắng vì hầu như bé sơ sinh nào cũng từng trải qua một vài lần ọc sữa, trớ sữa. Đa số tình trạng này là biểu hiện sinh lý, tuy nhiên, nếu tình trạng ọc sữa, trớ sữa kéo dài liên tục mặc dù các mẹ đã áp dụng các phương pháp, tư thế cho bú thì các mẹ nên nghĩ tới bệnh lý đường tiêu hóa nhé. Chúc các bé luôn khỏe.