Triệu chứng trẻ bị viêm phổi và chăm sóc trẻ bị viêm phổi hiệu quả nhất

Hằng năm, có rất nhiều trẻ bị viêm phổi phải nhập viện chiếm gần 30% – 45% và các biến chứng gây tử vong do bệnh viêm phổi chiếm hơn 75% trong các bệnh lý hô hấp. Tuy nhiên, không phải ông bố bà mẹ nào cũng có đủ kiến thức để nhận biết về căn bệnh nguy hiểm này. Sau đây, Blog Mẹ Xuka xin chia sẻ cho các bạn những tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa hô hấp hàng đầu Việt Nam về nguyên nhân gây ra bệnh, những dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi, các triệu chứng của trẻ bị viêm phổi, và cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi.

TẠI SAO TRẺ BỊ VIÊM PHỔI?? NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY RA BỆNH VIÊM PHỔI Ở TRẺ SƠ SINH???

Trẻ bị viêm phổi - mô hình

Nguồn gây bệnh: 

  • Vi khuẩn: ở các nước đang phát triển nguyên nhân do vi khuẩn còn phổ biến. Các loại vi khuẩn thường gặp là phế cầu, hemophilus influenzae, sau đó là các loại vi khuẩn khác như: tụ cầu, liên cầu, E coli, klebsiella pneumoniae….
  • Virus: Các virus thường gặp gây viêm phổi là virus hợp bào hô hấp, virus cúm, á cúm, adenovirus….
  • Mycoplasma thường gặp ở trẻ trên 5 tuổi.
  • Nấm: thường gặp nhất là nấm candida albicans gây tưa miệng có thể phát triển xuống phế quản phổi gây viêm phổi do nấm.

Bệnh có thể xuất hiện khi bé đang bị một đợt ho hoặc cảm cúm. Lúc này, dịch nhầy tiết ra trong phổi trở thành nguồn dinh dưỡng béo bở cho vi trùng. Sau vài ngày, vi khuẩn và virus có thể nhanh chóng sinh sôi nảy nở, tạo nên những túi phế nang chứa mủ và chất nhầy bị nhiễm khuẩn. Ho chính là phản xạ tự vệ rất quan trọng của cơ thể, giúp đẩy chấy nhầy ra khỏi túi phế nang trước khi nhiễm trùng đặt chân được vào đây.

Ủ ấm trẻ quá kỹ cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị viêm phổi: Nhiều mẹ nghĩ rằng vào mùa đông cần phải ủ ấm cho trẻ một cách cẩn thận bằng nhiều lớp áo dày mỏng khác nhau. Tuy nhiên đây là một điều hoàn toàn sai lầm, việc ủ ấm quá mức có thể sẽ gây thêm bệnh cho trẻ. Các mẹ nên biết, thân nhiệt của trẻ không giống như người lớn. Trẻ sẽ cảm thấy nóng hoặc lạnh nhanh hơn. Trẻ thường hay chạy nhảy, chơi đùa nên dễ nóng người, toát mồ hôi ngay cả khi thời tiết đang rất lạnh. Vì thế, mặc quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, đầu. Nếu bố mẹ không sớm nhận thấy điều đó, thì trẻ sẽ bị cảm lạnh, viêm phổi.

Ở bé mới sinh bị viêm phổi là do các loại vi khuẩn như Listeria (Coli, các vi khuẩn Gram âm) gây ra. Bé có thể bị nhiễm khi còn trong bụng mẹ, hay khi sinh (do khi  sinh bé hít phải nước ối, phân su đã bị nhiễm khuẩn hoặc dịch tiết ở đường sinh dục của người mẹ),hoặc là sau sinh (do không thực hiện vô trùng nên  bé bị nhiễm khuẩn từ dụng cụ và môi trường, người chăm sóc). Một số bệnh như viêm khoang miệng, viêm da, viêm dây rốn… cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm phổi ở bé.

Trường hợp bé đẻ non do các phản xạ đường thực quản còn chưa hoàn thiện, vận động cơ chưa đều đặn nên thường xuyên bị trào ngược thực quản dạ dày. Khi bé bú mẹ thường hay bị nôn trớ. Nếu sữa bị hít nhầm vào phổi, sẽ gây ra các triệu chứng như thở gấp (hụt hơi, tím tái mặt), lượng sữa hít vào càng nhiều càng có khả năng gây viêm phổi.

LÀM SAO PHÁT HIỆN SỚM BỆNH VIÊM PHỔI Ở TRẺ NHỎ? CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH VIÊM PHỔI, DIỄN BIẾN RA SAO?

 

Viêm phổi là căn bệnh rất dễ mắc ở trẻ nhỏ. Bệnh tiến triển rất nhanh mà không có triệu chứng đặc hiệu khiến việc nhận biết rất khó khăn. Tổ chức y tế thế giới đã dày công nghiên cứu và tìm ra các phương tiện rất đơn giản, dễ dàng mà lại chính xác để giúp chúng ta có thể áp dụng ngay tại nhà như sau

Triệu chứng ban đầu của trẻ bị viêm phổi: bao gồm

 

Ho vừa đến nặng thường là ho nặng tiếng, nhưng không nhất thiết như vậy.

Sốt – sốt vừa đến sốt cao.

Thở nhanh liên tục (khác với thở nhanh nhất thời khi trẻ bị sốt cao):

Khi trẻ bị viêm phổi, phổi của trẻ sẽ mất tính mềm mại và không thể giãn nở dễ dàng khi trẻ hít thở mà hậu quả là trẻ có thể bị thiếu oxy. Vì vậy trẻ buộc phải thở nhanh hơn dể bù đắp lại sự thiếu hụt này.

Dựa theo công trình nghiên cứu khoa học quy mô tại nhiều nơi trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới đã thấy rằng: thở nhanh là triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi trẻ vị viêm phổi, sớm hơn cả các dấu hiệu có được khi nghe phổi bằng ống nghe và cũng là triệu chứng rất dễ phát hiện ở mọi lúc, mọi nơi chỉ bằng một phương tiện rất dễ tìm: đồng hồ có kim giây.

Chúng ta có thể đếm được nhịp thở của trẻ trong trọn một phút để xem trẻ có thở nhanh hay không. Gọi là thở nhanh khi:

  • Nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên ở trẻ dưới 2 tháng.
  • Từ 50 lần/phút trở lên ở trẻ từ 2 – 11 tháng.
  • Từ 40 lần/phút trở lên ở trẻ từ 12 tháng – 5 tuổi.

Khi đó trẻ đã có triệu chứng viêm phổi, cần được đưa đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị ngay.

Vì nhịp thở có thể tăng khi trẻ gắng sức (bú, quấy khóc…) nên chúng ta cần phải đếm nhịp thở khi trẻ nằm im, tốt nhất khi ngủ.

Triệu chứng trẻ bị viêm phổi cấp:

 

Đau ngực – không chỉ trong lúc ho, mà cả giữa các cơn ho.

Nôn – không chỉ sau những cơn ho mạnh mà cả giữa các cơn ho.

Thở gắng sức: Khi viêm phổi diễn tiến thành nặng, phổi sẽ ngày càng mất tính mềm mại có thể trở nên đặc cứng làm trẻ phải gắng sức nhiều để thở. Khi đó các cơ hô hấp, đặc biệt là cơ hoành – một loại cơ hô hấp ngăn đội ngực và bụng, phải tăng cường co bóp để bù đắp. Khi đó phần dưới lồng ngực của trẻ sẽ bị cơ này kéo lõm vào khi trẻ hít vào.

Cách để cha mẹ phát hiện tình trạng rút lõm lồng ngực ở trẻ nhỏ: cánh mũi phập phồng, thở rên, co kéo cơ liên sườn (phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào), co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực. Vén áo trẻ và nhìn vào ranh giới giữa ngực và bụng xem có dấu hiệu lõm vào khi trẻ hít vào không. Khi bé hít vào, phần dưới lồng ngực không phình ra như thường lệ mà lõm vào, nguyên nhân là do cơ hoành phân cách ổ bụng và lồng ngực cũng tham gia vào quá trình thở. Nếu chỉ phần mềm giữa xương sườn hoặc vùng trên xương đòn rút lõm thì không phải là rút lõm lồng ngực.

trẻ bị viêm phổi - rút lõm lồng ngực

Như vậy khi trẻ có dấu hiệu thở co lõm lồng ngực thì bệnh viêm phổi đã nặng, cần nhập viện ngay để điều trị.

Dấu hiệu cho biết bệnh viêm phổi của trẻ đã tới mức nguy hiểm cần phải đi bệnh viện cấp cứu ngay lập tức?

 

Cơ thể tím tái: Tím tái là biểu hiện cơ thể trẻ, có thể nhận biết triệu chứng ở mặt, chân, tay cho đến toàn thân có biểu hiện da nhợt nhạt và tím lại thì đó là dấu hiệu của rối loạn hô hấp. Trẻ có hiện tượng này có nghĩa là đang viêm phổi nặng, nếu không được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời rất dễ để lại biến chứng, thậm chí là tử vong.

trẻ bị viêm phổi - tím tái toàn thân

– Triệu chứng khác như:

  • Ở trẻ dưới 2 tháng, đó là: bỏ bú hoặc bú kém, co giật, trẻ ngủ li bì – khó đánh thức trẻ dậy, sốt hoặc lạnh, thở khò khè.
  • Ở trẻ từ 2 tháng – 5 tuổi, đó là: trẻ không thể uống được gì cả, co giật, ngủ li bì – khó đánh thức, thở có tiếng rít, suy dinh dưỡng nặng.

trẻ bị viêm phổi - ngủ li bì, mê man

Làm sao xác định bé có bị viêm phổi không?

 

–  Nếu bé có TẤT CẢ các biểu hiện trên thì nhiều khả năng trẻ bị viêm phổi.

–  Nếu bé chỉ có 1 hay 2 triệu chứng thì nhiều khả năng là trẻ KHÔNG bị viêm phổi.

–  Quan trọng nhất là 3 dấu hiệu – ho + sốt + thở nhanh hay thở gắng sức.

Ví dụ:

– Nếu bé ho rất nhiều, sốt và đau ngực nhẹ khi ho, nhưng thở êm ái và không đau ngực ngoài cơn ho, ít khả năng là trẻ bị viêm phổi.

– Nếu bé ho nhiều, có kèm nôn sau một số cơn ho nhưng KHÔNG SỐT, thì cũng ít khả năng là trẻ bị viêm phổi.

ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM PHỔI Ở TRẺ NHỎ RA SAO? CÁCH CHĂM SÓC TRẺ BỊ BỆNH TẠI NHÀ HIỆU QUẢ NHẤT

 

Khi bị viêm phổi, trẻ có thể được điều trị tại nhà. Bốn công việc cần phải làm là:

1/ Cho trẻ bị viêm phổi uống kháng sinh thích hợp và đúng liều.

trẻ bị viêm phổi uống kháng sinh

Điều quan trọng nhất để trẻ có thể khỏi bệnh là trẻ cần phải được cho uống kháng sinh thích hợp đúng cách, đủ liều và đủ thời gian. Khi được thầy thuốc chỉ định, các bậc cha mẹ cần nhận biết đúng dạng thuốc cần cho trẻ uống, liều lượng mỗi lần uống, số lần uống trong ngày và số ngày cần cho trẻ uống thuốc.

Đối với các loại thuốc viên, cần tán nhỏ viên thuốc trước khi cho trẻ uống (có thể cho vào một ít nước và chờ vài phút, nước sẽ làm viên thuốc bở ra và dễ nghiền nhỏ hơn). Có thể pha thêm một ít đường, hoặc pha với một ít sữa, nước cháo để bé có thể uống dễ dàng hơn. Nếu trẻ ói trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc, cần cho bé uống lại một liều khác.

Tuy nhiên cũng cần tránh lạm dụng kháng sinh khi trẻ chỉ bị cảm ho thông thường. Thật thế ngoài việc tốn kém, tác dụng phụ trước mắt hay lờn thuốc về lâu về dài, người ta cũng đã chứng minh được rằng việc lạm dụng kháng sinh như thế cũng không ngừa được biến chứng viêm phổi ở trẻ chỉ bị ho cảm thông thường.

2/ Điều trị các triệu chứng ho, sốt, khò khè kèm theo.

Tùy trường hợp mà thầy thuốc sẽ cho trẻ các loại thuốc cần thiết khác như thuốc hạ sốt (Paracetamol), thuốc điều trị khò khè (Salbutamol, Trebutaline). Cần cho trẻ uống đúng theo hướng dẫn dù rằng các loại thuốc này cũng khá an toàn cho trẻ em.

3/ Chăm sóc trẻ tại nhà đúng cách.

Thông thường trẻ bị viêm phổi nhẹ hoàn toàn có thể điều dưỡng và dùng thuốc trị liệu tại nhà, ngoài việc tuân thủ theo lời dặn của thầy thuốc, trong chăm sóc phải chú ý

Môi trường và nghỉ ngơi:

Khi trẻ bị viêm phổi thì phòng ở phải giữ yên tĩnh để bé nghỉ ngơi thoải mái. Nghỉ ngơi nhiều có thể giảm bớt tiêu hao năng lượng, bảo vệ công năng tim phổi và giảm chứng bội nhiễm. Để bé gối đầu cao một chút hoặc nằm nửa ngồi, còn phải thường xuyên trở mình đổi tư thế nằm hoặc thường xuyên bế bé dậy để giảm nhẹ ứ máu phổi. Bé trong thời kỳ hồi phục có thể tham gia hoạt động ngoài trời vừa phải, đều xúc tiến tiêu tan chứng viêm phổi. Tránh khói bụi, đặc biệt là khói thuốc lá, khói xe hơi, thời tiết lạnh hoặc tiếp xúc với các hóa chất. Do đó các Mẹ nên giữ ấm trẻ khi thời tiết lạnh và giữ môi trường xung quanh trẻ thật trong lành.

Xem thêm: Trẻ bị viêm phổi có nên nằm phòng điều hòa hay không?

Dinh dưỡng và cho ăn:

Trẻ bị viêm phổi vì các tiêu hao sốt tăng, công năng tiêu hóa bị ảnh hưởng cho nên thức ăn cho bé phải dễ tiêu hóa – giàu chất dinh dưỡng. Phải kiên trì cho bé ăn, bú, tránh các tập quán kiêng ăn để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.

Cần cho trẻ ăn đủ chất, bú đều đặn khi đang bệnh. Khi trẻ vừa khỏi bệnh cũng cần bồi dưỡng thêm cho trẻ mau lại sức. Đối với trẻ nhỏ, khi mũi bị nghẹt, tắc, trẻ sẽ khó bú, khó ăn hơn. Vì vậy cần thông thoáng mũi, để trẻ có thể bú, ăn dễ dàng hơn.

Nếu bé khó thở vừa ăn vừa suyễn, có thể cho ăn thành nhiều bữa, và cẩn thận không để bé sặc, khi bé ho nên tạm dừng cho ăn để tránh gây ngạt thở, đồng thời nên cho trẻ uống nhiều nước để giúp hóa lỏng đờm.

Cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc tăng cường cho trẻ bú. Đây là điều rất quan trọng vì trẻ bị viêm phổi cần được cung cấp nhiều nước để làm loãng đàm, dịu họng, giảm ho.

Xem thêm: Những thực phẩm nên và không nên cho trẻ bị viêm phổi ăn

Hít thở hơi nước ấm và vỗ lồng ngực – phương pháp này RẤT QUAN TRỌNG.

 Đưa bé vào ngồi trong phòng tắm đã bật vòi sen với nước nóng, cho bé hít thở hơi nước ấm trong vòng 10 phút, khoảng 4-6 lần mỗi ngày. Khum bàn tay và vỗ vào lồng ngực bé, tập trung vào vùng được chẩn đoán là có viêm phổi. Vỗ nhanh trong vòng 1 phút, rồi nghỉ 1 phút, rồi tiếp tục vỗ và nghỉ như vậy trong vòng 10 phút. Động tác này giúp các ổ đờm long ra, nhờ đó bé có thể ho và khạc đờm ra ngoài. Khuyến khích bé ho trong quá trình vỗ rung.

Riêng đối với triệu chứng ho ở bé bị viêm phổi, chúng ta cần lưu ý:

trẻ bị viêm phổi, ho

Khi trẻ bị Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, ho chính là một phản xạ có lợi để tống đàm dãi ra ngoài, giúp đường thở được thông thoáng cho trẻ có thể hít thở dễ dàng. Vì vậy không nên lạm dụng các loại thuốc ho để kìm hãm phản xạ có lợi này của trẻ nhất là khi hiện nay có nhiều loại thuốc ho có thể gây ngộ độc, tác dụng phụ quan trọng ở trẻ em nếu dùng không đúng cách.

Trên thực tế nếu dùng đúng loại kháng sinh thích hợp để trị viêm phổi cũng sẽ giúp trẻ giảm ho nhanh chóng. Chỉ khi nào trẻ ho nhiều dẫn đến những hậu quả xấu cho trẻ như nôn ói, mất ngủ, đau tức ngực, đau rát họng… chúng ta có thể cho trẻ dùng các thuốc ho an toàn.

Tổ chức y tế thế giới cũng như Bộ Y tế khuyến cáo nên dùng các loại dược thảo, thuốc nam an toàn đã từng được lưu truyền rất rộng rãi trong dân gian: tắc (quất) chưng đường, rau tần dầy lá, mật ong, gừng… Các loại thuốc ho như sirop Astex (dùng tại BV. Nhi Đồng 1), sirop Pectol E là các thuốc có thành phần chính là thảo dược an toàn (Tần dầy lá, núc nác…) cũng có thể được sử dụng cho trẻ em.

– Ban ngày: Nếu trẻ không quá mệt mỏi vì ho thì không nên dùng các loại thuốc ức chế cơn ho. Có thể dùng thuốc long đờm nếu cần, giúp làm loãng chất nhầy kẹt lại trong phổi.

– Ban đêm: Nếu trẻ ho quá nhiều, có thể dùng kết hợp thuốc long đờm và thuốc ức chế cơn ho. Nếu bé chỉ ho vừa phải thì cố gắng không dùng thuốc chống ho.

Quan sát bệnh tình: Trong chăm sóc tại nhà phải quan sát kỹ tình hình sắc mặt, ho và hít thở của bé. Theo dõi môi có tím xanh không nếu phát hiện có tình huống dị thường nên kịp thời đưa bé đến bệnh viện trị liệu.

4/ Đúng lịch đưa trẻ bị bệnh việm phổi đến tái khám hoặc khám lại ngay lập tức khi trẻ trở nặng.

Tái khám theo hẹn: trẻ cần được bác sĩ khám lại sau 2 ngày để đánh giá xem thuốc kháng sinh này có hiệu quả tốt hay không. Ngay trong trường hợp tốt nhất (trẻ thở trở lại bình thường, hết sốt, ăn – bú khá hơn) trẻ cũng cần phải tiếp tục cho uống kháng sinh đủ thời gian là 5 ngày.

Nếu sau 2 ngày tái khám, nếu trẻ còn thở nhanh, thầy thuốc sẽ cho bé dùng một loại kháng sinh cần thiết khác hoặc cho cháu nhập viện điều trị.

Khám lại ngay: cũng cần lưu ý theo dõi và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế, bệnh viện nếu thấy trẻ có một trong các dấu hiệu sau: thở khó khăn (thở nhanh hơn – mạnh hơn, thở co lõm lồng ngực), trẻ không thể uống được nước, trẻ trở nên mệt hơn. Đây là những dấu hiệu cho biết bệnh của trẻ đã trở nặng, cần nhập viện ngay.

Kết luận

Viêm phổi là bệnh rất phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi mà nếu không được phát hiện, chữa trị sớm, đúng cách trẻ rất dễ tử vong. Chúng ta có thể tóm lược cách phát hiện và xử trí tại nhà như sau:

  • Trẻ có dấu hiệu nguy hiểm = bệnh rất nặng, nhập viện cấp cứu
  • Trẻ thở co lõm lồng ngực – viêm phổi nặng, cần nhập viện ngay
  • Trẻ thở nhanh = viêm phổi, cần uống kháng sinh tại nhà – tăng cường ăn uống – sử dụng thuốc ho an toàn.

Đây cũng là nội dung cơ bản nhất của phác đồ xử trí Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do Tổ chức Y tế Thế giới đề ra từ 1990, đang được áp dụng rộng rãi tại các nước đang phát triển và đã chứng minh hiệu quả thực tế trên phạm vi toàn cầu: người ta đã ước tính chỉ với những cách làm khá đơn giản nêu trên đã giúp giảm được 50% tử vong do viêm phổi, cứu sống được khoảng 600.000 trẻ dưới 5 tuổi mỗi năm tránh khỏi lưỡi hái của hung thần viêm phổi trên toàn thế giới.

ThS.BS. Phạm Bích Đào

PHÒNG NGỪA BỆNH VIÊM PHỔI Ở TRẺ SƠ SINH VÀ TRẺ NHỎ DƯỚI 2 TUỔI NHƯ THẾ NÀO LÀ HIỆU QUẢ

 

 Nhằm giúp con trẻ không bị viêm phổi, các bậc cha mẹ cần chú ý:

– Nơi ở phải đầy đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt, ấm áp về mùa đông. Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, cho súc miệng hàng ngày. Không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ. Cách ly trẻ với người bị bệnh để tránh lây lan thành dịch.

– Phát hiện sớm các triệu chứng biểu hiện sớm của bệnh viêm đường hô hấp nói chung như: ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở… và các rối loạn khác như tiêu chảy, ăn kém, chậm tăng cân…

– Đảm bảo cho trẻ có một sức khỏe tốt. Khi mang thai, bà mẹ phải khám thai đầy đủ, đảm bảo thai nhi phát triển tốt, có chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng như protid, lipid, các loại vitamin, muối khoáng… Nên cho trẻ bú mẹ từ ngay sau khi sinh đến 2 tuổi để cơ thể trẻ phát triển toàn diện và khả năng chống lại bệnh tật tốt hơn.

– Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế cơ sở theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu tiêm một số loại vaccine phòng viêm đường hô hấp ngoài chương trình, cần có sự hướng dẫn và tư vấn của cán bộ y tế nhằm bảo đảm hiệu quả và tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.

– Lập sổ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ và lưu giữ sổ sau mỗi lần khám nhằm giúp nhân viên y tế nắm được diễn biến sức khỏe, bệnh tật của trẻ mà có hướng điều trị, phòng bệnh tốt.

Hiện nay, ở Việt Nam có 2 loại vaccine chủng ngừa các bệnh viêm phổi, viêm tai giữa do phế cầu khuẩn gây ra là Synflorix (cho bé từ 2 tháng – 5 tuổi) chủng ngừa 10 loại phế cầu và Phenuo23 (cho bé trên 2 tuổi) chủng ngừa 23 loại phế cầu khuẩn. Các Mẹ xem chi tiết thêm bài viết bên chuyên mục vắc xin nhé.

Xem thêm: Vắc xin phế cầu ngừa trẻ bị viêm phổi

4 Comments
Leave a Reply