Đậu xanh hay đỗ xanh bổ nguyên khí, thanh nhiệt mát gan, còn có tác dụng chữa bệnh cao huyết áp, phòng chống chứng xơ cứng động mạch, là thực phẩm bổ dưỡng thường được dùng để nấu chè. Đậu xanh có thể kết hợp với nhiều loại ngũ cốc, rau củ trái cây để cho ra nhiều loại chè khác nhau. Sau đây, Blog mẹ Xuka sẽ hướng dẫn các bạn cách nấu 7 loại chè đậu xanh ăn cực mát mà ngon nhé.
1/ Chè đậu xanh nước dừa truyền thống
Rong biển rất mát lại bổ dưỡng có thể ngừa bệnh bướu cổ, vậy tại sao chúng ta lại bỏ qua một món ăn vừa ngon lại vừa bổ như thế được đúng không? Mình sẽ hướng dẫn bạn thực hiện món chè đậu xanh rong biển, một món ăn chơi tuyệt vời cho ngày hè đấy. Bạn chỉ mất khoảng 30 phút thôi, không tin à, vậy hãy thử xem nha.
Nguyên liệu nấu chè đậu xanh rong biển:
- Rong biển: 50g
- Đậu xanh: 100g
- Đường phèn: 300g
- Vani: 1 ống.
Thực hiện:
Rong biển ngâm trong nước lạnh, rửa sạch nhớt và cắt khúc khoảng 5 cm, để ráo.
Đậu xanh rửa sạch, loại bỏ những hạt đậu hư, cho lên bếp nấu đến khi chín mềm.
Cho đường phèn vào khuấy đều cho tan hết đường, tắt lửa và cho ống vani vào.
Đợi khi chè nguội chúng ta mới cho rong biển vào, nếu bạn cho rong biển vào khi nước còn nóng hay đang sôi thì sợi rong biển sẽ bị mềm ra ăn không còn ngon nữa.
Bạn múc chè cho vào ly, cho đá lên trên. Vậy là bạn đã có một món chè đơn giản lại rất bổ dưỡng rồi đấy.
Yêu cầu món ăn:
Chè không quá ngọt, sợi rong biển không bị mềm nhũn.
Đậu xanh mềm, bùi.
2/ Chè cốm đậu xanh
Nguyên liệu nấu chè cốm đậu xanh:
- 2 nắm đậu xanh đã cà vỏ
- 2 nắm cốm khô
- 2.5 bát con nước Đường, muối
- 1.5 thìa bột năng
- Nước cốt dừa
- Va ni hoặc tinh dầu hoa bưởi (không bắt buộc)
Cách làm chè cốm đậu xanh:
Đậu xanh đãi sạch. Cho vào nồi đun sôi với 2.5 bát con nước. Đợi nước sôi thì hớt bọt, đậy vung, vặn nhỏ lửa. Ninh đến khi đậu xanh chín mềm thì cho 1 thìa cafe muối và đường vào. Trong quá trình đun thi thoảng cả nhà nhớ khuấy đều (có thể đun đến khi có hỗn hợp chè đậu xanh nhuyễn mịn).
Pha bột năng với khoảng 2-3 thìa nước. Đợi đậu xanh chín mềm thì đổ bột năng pha nước vào nồi, vừa đổ vừa khuấy đều đến khi có hỗn hợp chè sánh như ý muốn.
Cốm đãi cho sạch vỏ trấu và sạn. Rửa qua với nước lạnh. Sau khi cho bột năng thì cho cốm vào. Nêm lại đường cho vừa ăn. Đun đến khi cốm nở mềm. Vừa đun vừa khuấy (đoạn này khá nhanh, mình nấu mất tầm 5 phút gì đấy).
Chè chín vừa ăn thì bắc ra khỏi bếp, thêm đường nếu cần. Cho vani hoặc tinh dầu hoa bưởi (mình dùng cốm khô nên gần như chẳng còn mùi cốm gì hết, không rõ cốm tươi có thơm hơn không, nếu cốm tươi đã thơm rồi thì chắc là không cần cho thêm vani đâu). Khi ăn múc chè ra bát, chan nước cốt dừa lên trên.
Yêu cầu thành phẩm:
Chè dẻo vị cốm, thơm mùi đậu xanh và va ni, ngầy ngậy beo béo của nước cốt dừa. Ăn nóng hoặc lạnh đều ngon cả.
3/ Chè khoai sọ, đỗ xanh
Khoai sọ bùi bùi, được nấu cùng với đỗ xanh ngọt mát, thỉnh thoảng ăn lẫn vài viên trân châu ăn dai dai rất lạ miệng.
Nguyên liệu nấu chè khoai sọ đậu xanh:
- 0,5 kg khoai sọ
- Nửa bát con đỗ xanh đã cà vỏ
- 1 thìa canh trân châu hạt lớn (bạn có thể mua tại siêu thị hoặc quầy bán gia vị đồ khô)
- Đường (tùy theo khẩu vị)
- 150ml nước cốt dừa đóng hộp
- 1 ống vani nhỏ.
Cách làm chè khoai sọ đỗ xanh:
Trân châu hạt lớn ngâm vào thố nước lạnh khoảng một tiếng.
Khoai sọ xắt khúc ngắn, ngâm khoai vào thố nước lạnh có pha ít muối để khoai ra bớt chất nhờn, rửa lại cho thật sạch.
Đỗ xanh đãi vài lần nước cho sạch, ngâm đỗ xanh vào thố nước ấm, ngâm khoảng từ 2 đến 3 tiếng.
Tiếp theo đổ nước lạnh xâm xấp với mặt đỗ xanh, bắc lên bếp đun sơ đến khi đậu mềm nhưng chưa nát. Tiếp theo đổ khoai sọ vào nồi khác, đun sôi đến khi ăn thử khoai thật mềm, bạn mới từ từ cho đường và đỗ xanh vào. Nếu khoai chưa mềm, bạn cho đường vào khoai sẽ dễ bị sượng.
Cho từ từ nước cốt dừa vào nồi khoai, đun sôi lửa nhỏ, thỉnh thoảng dùng muôi khuấy nhẹ tay để khoai không bị nát.
Đun nồi nước sôi, thả trân châu vào đun sôi đến khi trân châu nổi trong là chín, vớt trân châu ra thố nước lạnh để chống dính.
Nồi chè khoai sọ sau khi bạn nêm nếm lại tùy theo khẩu vị, đổ trân châu vào nồi chè, dùng muôi khuấy đều để hỗn hợp trân châu hòa đều trong nồi chè, cho một ống vani vào. Múc ra bát, có thể để vào tủ lạnh trước khi dùng.
4/Chè đậu xanh, trân châu và thạch đen
Mùa hè nóng nực, ly chè đỗ xanh còn lẫn nguyên vỏ, được dùng kèm với những hạt trân châu dai và thạch đen ngọt mát.
Nguyên liệu nấu chè đậu xanh, trân châu và thạch đen:
- 300g đỗ xanh còn lẫn vỏ
- 300g thạch đen
- 2 thìa canh trân châu hạt lớn
- Đường cát trắng hay đường phèn
- Nước cốt dừa.
Cách làm chè đậu xanh, trân châu và thạch đen:
Bước 1:
– Đỗ xanh đãi sạch, lặt bỏ những hạt hỏng, ngâm đỗ xanh vào âu sạch, ngâm qua đêm hoặc ngâm từ 6 đến 7 tiếng.
– Cho đỗ xanh vào nồi, thêm nước lọc, đun sôi, hầm đến khi đỗ xanh mềm, thêm từ từ đường phèn hay đường cát trắng vào, đun lửa nhỏ để đường thấm, liều lượng đường tùy theo sở thích.
Bước 2:
– Thạch đen rửa sạch, cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn.
Bước 3:
– Trân châu hạt lớn luộc chín, đổ ra rổ và xả lại nước lạnh để không bị dính chùm
Bước 4:
– Nếu không mua sẵn, bạn có thể làm bằng cách: cho 1/2 bát con bát bột năng ra âu sạch, châm từ từ khoảng 50-60ml nước sôi nóng, vừa châm vừa dùng muôi trộn, để bột hơi nguội thì bạn dùng tay nhồi đến khi bột mịn, dẻo, vo thành những viên tròn nhỏ và luộc chín, đổ ra rổ cho ráo nước.
Bước 5:
– Khi dùng, bạn múc vào cốc một ít chè đỗ xanh.
Bước 6:
– Bên trên thêm một ít hạt trân châu và thạch đen, dùng kèm với đá bào, rưới lên bên trên một ít nước cốt dừa.
5/ Chè đậu xanh bí đỏ
Bát chè ngọt dịu có vị bùi bùi của bí đỏ, quyện lẫn đỗ xanh và phổ tai (rong biển) giòn giòn.
Nguyên liệu nấu chè đậu xanh bí đỏ:
– 1/4 bát con đậu xanh còn lẫn vỏ
– 1/2 quả bí ngô, loại bí nhỏ
– Một nắm gạo nếp
– Đường cát trắng
– Một ít phổ tai.
Cách làm chè đậu xanh bí đỏ:
Bước 1:
– Đậu xanh đãi qua nhiều lần nước cho thật sạch, ngâm đỗ xanh qua đêm hoặc từ 4 đến 5 tiếng.
– Đậu xanh sau khi ngâm, cho vào nồi, thêm nước lạnh, đun đến khi hạt đỗ nở bung và mềm, để tiết kiệm thời gian bạn có thể đun đậu xanh bằng nồi áp suất.
Bước 2:
– Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, thái quân chì.
Bước 3:
– Phổ tai rửa qua vài lần nước cho thật sạch, ngâm vào âu nước lạnh khoảng 15 phút đến khi phổ tai nở ra, rửa lại cho thật sạch, dùng kéo cắt ngắn, để lên rổ cho ráo nước.
Bước 4:
– Gạo nếp đãi qua nhiều lần cho thật sạch, cho gạo vào nồi, thêm vào khoảng hai bát con nước lọc, đun sôi, lửa nhỏ, thỉnh thoảng dùng muôi khuấy đều để gạo không bị dính vào đáy nồi.
Bước 5:
– Đun đến khi hạt gạo nở mềm thì cho tiếp bí đỏ vào đun cùng, thêm vào khoảng năm thìa canh đường cát trắng, tiếp tục đun sôi lửa nhỏ.
Bước 6:
– Đun bí đỏ chừng tầm 5 – 8 phút thì cho đỗ xanh ở bước 1 vào đun cùng, nêm đường tuỳ theo khẩu vị của bạn, đun lửa nhỏ để đỗ ngấm đường. Tiếp tục đun sôi đến khi bí đỏ và đỗ xanh vừa ý.
Bước 7:
– Cho tiếp phổ tai vào, dùng muôi khuấy đều, đun thêm 2 phút nữa thì tắt bếp, không nên đun lâu sẽ làm phổ tai mất giòn, múc chè ra bát, dùng nóng hay lạnh đều ngon.
6/ Chè đậu xanh thốt nốt, đậu phộng, nước cốt dừa
Nguyên liệu:
– Đỗ xanh: 100 g
– Nước cốt dừa
– Thạch sương sáo trắng: 1 gói
– Đường thốt nốt
– Đường trắng
– Đậu phộng rang
– Bột ngô
– Sữa đặc: 2 hộp nhỏ
Cách làm:
Bước 1: Đỗ xanh vo sạch, ngâm vào âu nước lạnh khoảng 2 tiếng rồi cho vào nồi ninh đun sôi. Đến khi hạt đỗ chín mềm thì hạ lửa.
Bước 2: Khi hạt đỗ chín cho đường thốt nốt vào, dùng muôi khuấy đều để đỗ xanh ngấm vị ngọt và không bị dính đáy nồi. Khi chè đỗ xanh chín bắc xuống bếp để nguội. (Nếu bạn thích đỗ xanh nhuyễn thì cho vào máy sinh tố xay thật mịn còn không bỏ qua bước này nhé).
Bước 3: Với phần thạch sương sáo: cho thạch sương sáo vào bát tô nhỏ thêm ½ nước lọc hòa với hỗn hợp bột rau câu, để khoảng 15 phút cho bột tan hoàn toàn. Nếu bạn thích rau câu đặc thì cho lượng bột nhiều, nước ít nhé. Tiếp đến đổ 1 hộp sữa đặc nhỏ vào hòa tan rồi cho lên bếp đun sôi.
Bước 4: Khi bột rau câu tan hoàn toàn đổ ra bát để nguội cho thạch đông lại, cắt hạt lựu rồi để vào ngăn mát tủ lạnh.
Bước 5: Đậu phộng xát bỏ vỏ (có thể giã dối nếu thích).
Bước 6: Với phần nước cốt dừa: cho ½ bát nước lọc nhỏ cùng nước cốt dừa và 3 thìa bột ngô, 2 thìa đường cát.
Đun nhỏ lửa đến khi hỗn hợp sền sệt, tắt bếp để nguội.
Bước 7: Khi chuẩn bị các thứ đã hoàn tất, giờ bạn chỉ việc múc chè ra cốc. Cứ một lớp chè đỗ xanh bạn rưới lên ít thạch sương sáo, 1 ít nước cốt dừa và trên cùng là vài hạt lạc cùng đá bào nhỏ.
Nếu thích ngọt bạn có thể thêm ít sữa đặc. Vậy là bạn có một cốc chè mát lạnh, thơm ngon cho ngày nắng nóng rồi nhé.
Món chè đỗ xanh này rất ngon và mát.
7/ Chè đậu xanh đánh
Nguyên liệu làm chè đậu xanh đánh đặc biệt
- Đậu xanh bỏ vỏ: 600g.
- Đường: 200g.
- Đậu phộng rang sẵn: 100g.
- Dừa xiêm: 1 quả.
- Nước cốt dừa: 200ml.
- Sữa tươi không đường: 1 gói 220ml.
- Gừng tươi: 1 nhánh.
- Muối: 1 thìa.
- Va ni: 2 ống.
- Đá bào: 500g.
Sơ chế nguyên liệu
- Đậu xanh: Ngâm với nước ấm 3 giờ, nhặt hết đậu sâu và những hạt nổi lên trên mặt nước rồi đãi nhiều lần cho thật sạch, để ráo.
- Gừng tươi: Làm sạch, gọt vỏ, giã hoặc băm thật nhuyễn.
- Đậu phộng: xa sạch vỏ, giã nhỏ vừa.
- Dừa xiêm: tách riêng phần nước và nạo có hình răng cưa nạo phần cùi dừa để riêng.
Thực hiện làm chè đậu xanh đánh đặc biệt
- Cho đậu vào nồi, đổ nước dừa tươi, nước lạnh sao cho ngập mặt đậu 1cm, cho thêm 1 thìa muối, 1 thìa gừng băm nhuyễn vào rồi đun đậu thật nhừ với lửa nhỏ vừa.
- Khi nước sôi, bạn dùng thìa lớn, gạn hết phần bọt bên trên rồi tiếp tục đun với lửa nhỏ, thỉnh thoảng bạn phải dùng một nắm khoảng 10 cây đũa đảo đều để đậu tơi ra và không bị cháy.
- Khi thấy đậu đã nhừ, bạn dùng nắm đũa quậy đều, đánh cho đậu thật tơi và nhuyễn trên bếp rồi cho đường, vani vào sao cho vừa ăn. Bạn nấu sao cho chè đặc một chút thì khi ăn sẽ ngon hơn nhé.
- Múc chè ra từng ly nhỏ khi chè còn nóng khoảng ½ ly, để nguội rồi cho vào tủ lạnh để ăn dần hoặc ăn ngay.
Cách thưởng thức và trình bày
- Múc chè ra bát hoặc ly to, cho 3 thìa sữa tươi không đường, 1 thìa nước cốt dừa, 1 thìa đậu phộng, một ít dừa nạo và 3 thìa đá bào rồi trộn đều lên là có thể thưởng thức món chè đậu xanh đánh cực ngon rồi đấy, bạn có thể cho thêm hạt trân châu, thạch vào ăn kèm cũng rất ngon mát.
- Chè đậu xanh đánh nấu xong bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 3-4 ngày và khi ăn mới cho các thành phần kèm theo vào nhé.
Yêu cầu món chè đậu xanh đánh đặc biệt
- Món chè đậu xanh đánh mịn nhuyễn, màu vàng sánh, có vị ngọt thanh của đường và nước dừa tươi rất hấp dẫn.
- Chè đông đặc lại khi để nguội.
- Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được sự hòa quyện của các hương vị vào với nhau, vị ngọt thanh của chè, vị bùi của đậu xanh, vị béo của sữa, mùi thơm của nước cốt dừa, dừa nạo và hương vani kết hợp với vị nồng ấm của gừng tạo nên một hương vị đặc trưng của món chè đậu xanh đánh cực kỳ thơm ngon.
Trên đây là cách làm chè đậu xanh đánh đặc biệt cho mùa hè, rất đơn giản mà bổ dưỡng lắm đấy, đậu xanh là thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt, chính vì vậy vào những ngày hè nắng nóng bạn hãy trổ tài làm món chè đậu xanh đánh thơm ngon, hấp dẫn để giải nhiệt cho cả nhà nhé. Chúc bạn chế biến thành công.