Chăm sóc giấc ngủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi đúng cách giúp bé phát triển vượt trội

Giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng với trẻ sơ sinh. Trẻ ngủ đủ giấc sẽ phát triển về cả trí tuệ và tinh thần. Vì thế việc chăm sóc cho giấc ngủ của trẻ sơ sinh cũng là một việc quan trọng. Các mẹ hãy theo dõi tổng hợp bài viết sau để nuôi con khỏe mạnh nhé.

Xem thêm: Làm sao cho bé sơ sinh tập ngủ đêm ngoan

Thời gian ngủ của trẻ theo từng độ tuổi

1/ Thời gian ngủ cho trẻ từ 1 đến 4 tuần tuổi

Trẻ độ tuổi này thường sẽ ngủ từ 15-18 giờ một ngày, nhưng mỗi lần chỉ khoảng 2-4 tiếng. Trong khi những bé sinh non sẽ có xu hướng ngủ lâu hơn, những bé đang bị đau bụng sẽ có giấc ngủ ngắn hơn.

Trẻ sơ sinh chưa phát triển nhịp sinh họ, theo kịp chu kỳ ngày và đêm của mẹ. Do đó, bé chưa có khung giờ cố định cho giấc ngủ.

2/ Thời gian ngủ cho trẻ từ 1 đến 4 tháng tuổi

Trẻ từ 1 đến 4 tháng tuổi cần khoảng 14-15 giờ ngủ mỗi ngày. Khi được sáu tuần tuổi, bé bắt đầu hình thành khung giờ ngủ cố định. Tại một giờ cố định trong ngày, bé sẽ có một giấc ngủ kéo dài 6 tiếng và có xu hướng ổn định thường xuyên hơn vào buổi tối.

3/ Thời gian ngủ cho trẻ từ 4 đến 12 tháng tuổi

Thời gian ngủ lý tưởng cho trẻ em 4 đến 12 tháng tuổi là 15 giờ một ngày, nhưng hầu hết trẻ chỉ ngủ khoảng 12 tiếng. Điều quan trọng là thiết lập thói quen ngủ đúng giờ ở thời điểm này để khuyến khích trẻ ngủ và giao tiếp xã hội nhiều như người lớn. Giấc ngủ cố định thường xuyên sẽ khích lệ giúp nhịp sinh học hình thành bình thường.

4/ Thời gian ngủ cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi

Ở giai đoạn từ 18-21 tháng, bé có thể sẽ chỉ có một giấc ngủ ngắn trong ngày, nhưng trẻ mới biết đi vẫn cần đến 14 giờ mỗi ngày. Hầu hết trẻ tập đi sẽ cần giấc ngủ kéo dài 10 tiếng. Trẻ em 21-36 tháng vẫn sẽ cần một giấc ngủ ngắn, có thể dài 1-3 giờ. Mẹ nên khuyến khích bé ngủ từ khoảng 7-9 giờ tối đến 6-8 giờ sáng.

5/ Thời gian ngủ cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi

Ở lứa tuổi này, bé vẫn sẽ cần một giấc ngủ ngắn mỗi ngày, nhưng nhiều bé bỏ qua điều này vào khoảng 5 tuổi. Ngủ trưa là khoảng thời gian quan trọng, giúp trẻ phục hồi năng lượng. Bé sẽ cần từ 10-12 tiếng cho giấc ngủ mỗ ngày.

6/ Thời gian ngủ cho trẻ từ 7 đến 12 tuổi

Hầu hết trẻ 12 tuổi sẽ lên giường khoảng lúc 9 giờ, nhưng giờ đi ngủ có thể khác nhau rất nhiều. Lượng thời gian bé ngủ ở tuổi này cũng sẽ khác nhau. Trẻ em ở độ tuổi này cần được khuyến khích ngủ 10-11 tiếng mỗi đêm. Tuy nhiên, hầu hết chỉ ngủ khoảng 9 tiếng mỗi ngày.

7/ Thời gian cần cho trẻ từ 12 trở lên

Thanh thiếu niên cần ngủ để được khỏe mạnh và duy trì một trạng thái tinh thần tối ưu, do đó con thực sự cần giấc ngủ nhiều hơn giai đoạn trước. Mẹ nên khuyến khích bé ngủ 8-9 tiếng mỗi ngày.

8/ Bí quyết giúp con ngon giấc

– Vừa chào đời

Ở độ tuổi này trẻ có thể ngủ bất cứ lúc nào nhưng vẫn phải cho trẻ ăn và thay tả đầy đủ. Một số trẻ sẽ rất quấy khi chúng mệt trong khi những trẻ khác sẽ ngủ rất nhanh. Mẹ nên lưu ý dấu hiệu khi bé mệt mỏi, và dỗ bé đi ngủ khi thấy bé có vẻ buồn ngủ. Cố gắng dỗ trẻ ngủ đêm bất cứ khi nào có thể.

– Trẻ sơ sinh

Nhiều trẻ sẽ bắt đầu ngủ suốt đêm trong khi có 1-4 giấc ngủ trưa một ngày. Điều quan trọng ở giai đoạn này là khuyến khích các bé ngậm núm vú giả là để có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ một mình. Xây dựng một lịch trình ngủ ngày và ngủ đêm thường xuyên. Tạo cho bé một thói quen trước khi đi ngủ sẽ giúp con ngủ ngon hơn.

– Trẻ tập đi

Trẻ mới biết đi sẽ bắt đầu có biểu hiện sụt giảm về số lượng và độ dài của giấc ngủ trưa. Ở tuổi này, ác mộng và các vấn đề giấc ngủ có thể trở nên phổ biến hơn dẫn đến việc ngủ ngày và các vấn đề hành vi tiêu cực.

Tập cho trẻ các thói quen lên giường và đi ngủ đúng giờ. Thiết lập giới hạn phù hợp được quy định rõ ràng nếu con của bạn liên tục thức dậy hoặc đi ra khỏi giường. Khuyến khích việc sử dụng một món đồ chơi tạo cảm giác an toàn cho trẻ hay lo sợ.

– Trẻ mẫu giáo

Ở lứa tuổi này, trẻ em có thể bị khó ngủ và thường thức dậy vào ban đêm. Nỗi sợ hãi bóng đêm cũng có thể trở nên phổ biến hơn khi trí tưởng tượng phát triển. Mẹ nên tạo cho trẻ cảm giác thoải mái vào ban đêm và giữ lịch trình giấc ngủ thích hợp nhất với trẻ.

– Tuổi đi học

Tiếp xúc với các yếu tố kích thích như internet hoặc các loại nước ngọt có ga cũng có thể hạn chế giấc ngủ của trẻ. Dạy cho trẻ về thói quen ngủ lành mạnh và tiếp tục giữ cho trẻ thói quen đi ngủ đúng giờ và không gian thích hợp. Tránh để các yếu tố kích thích như caffeine, TV hoặc máy tính trên giường hoặc trong phòng của trẻ.

Chăm sóc giấc ngủ của trẻ sơ sinh: Từ lúc mới sinh đến 3 tháng tuổi

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh 3

Trong những tuần đầu, bé sơ sinh ngủ rất nhiều, thường lên đến 16 đến 17 giờ một ngày. Bé ngủ từng giấc ngắn 2-4 giờ mỗi lần.

Điều gì đang xảy ra với giấc ngủ của trẻ sơ sinh?

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh không theo nhịp ngày đêm. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ mệt mỏi với thời gian biểu bất thường của bé. Bạn sẽ phải thức dậy nhiều lần trong đêm để thay tã, cho bú và dỗ bé ngủ.

Chu kỳ giấc ngủ của trẻ sơ sinh ngắn hơn so với người lớn, bé dành nhiều thời gian ngủ ở tình trạng chuyển động mắt nhanh (REM), điều cần thiết cho sự phát triển đặc biệt của bộ não bé. Đặc điểm của giấc ngủ với chuyển động mắt nhanh (REM) là không sâu như giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (non-REM). Kết quả, trẻ sơ sinh dễ dàng thức giấc.

Khi được 6 đến 8 tuần tuổi, hầu hết trẻ sơ sinh bắt đầu ngủ ít hơn vào ban ngày và ngủ dài hơn vào ban đêm, mặc dù vẫn thức dậy để bú suốt đêm. Giấc ngủ của bé đang dần chuyển sang trạng thái ngủ sâu (non-REM) nhiều hơn trước.

Trong giai đoạn 4 đến 6 tháng tuổi, hầu hết các bé có thể ngủ một giấc dài từ 8-12 giờ suốt đêm. Một số bé đã ngủ được lâu vào ban đêm ngay từ khi 6 tuần tuổi, nhưng nhiều bé khác phải chờ tới 5 hoặc 6 tháng tuổi.

Làm thế nào để thiết lập thói quen ngủ tốt cho trẻ sơ sinh?

Dưới đây là một số mẹo để giúp bé nhanh chìm vào giấc ngủ:

Tìm hiểu những dấu hiệu cho thấy bé mệt

Trong 6 đến 8 tuần đầu tiên, hầu hết các bé không thể thức lâu hơn 2 tiếng mỗi khi tỉnh giấc. Ngược lại, nếu thức lâu hơn 2 tiếng, có thể bé bị mệt và gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ.

Đây là lúc bạn cần kiểm tra xem bé có mệt mỏi hay không. Bé có dụi mắt, bứt tai hoặc tỏ vẻ bứt rứt hơn bình thường không? Nếu thấy những biểu hiện này, thử đặt bé nằm xuống. Bạn sẽ sớm phát triển giác quan thứ sáu về các thói quen và nhịp điệu hàng ngày của bé. Bản năng sẽ giúp bạn biết khi nào bé sẵn sàng cho một giấc ngủ trưa.

Bắt đầu dạy cho bé sự khác biệt giữa ngày và đêm

Một số trẻ sơ sinh là cú đêm sẽ thức khi bạn muốn đi ngủ. Trong vài ngày đầu tiên bạn sẽ không thể làm được gì nhiều để thay đổi điều này. Khi bé được khoảng 2 tuần tuổi, bạn có thể bắt đầu dạy bé phân biệt ngày và đêm.

Khi bé còn tỉnh vào ban ngày, bạn nên dành thời gian tương tác với bé nhiều nhất có thể, giữ cho ngôi nhà và phòng bé đầy ánh sáng. Bạn cũng không cần cố gắng giảm thiểu những tiếng ồn ban ngày quen thuộc như điện thoại, tiếng nhạc, hoặc máy giặt. Nếu bé có vẻ buồn ngủ khi đang bú, nhẹ nhàng đánh thức bé dậy.

Vào ban đêm, nếu bé có thức dậy cũng đừng chơi đùa với bé. Thay vào đó, nên giữ cho ánh sáng, độ ồn ở mức thấp, không nói chuyện với bé. Chẳng bao lâu bé sẽ bắt đầu nhận ra rằng ban đêm là để ngủ.

Xem xét việc tập cho bé một số thói quen vào giờ đi ngủ

Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu một thói quen trước khi đi ngủ. Đó có thể là thay đồ ngủ, hát một bài hát ru và cho bé một nụ hôn chúc ngủ ngon.

Cho bé cơ hội để tự đi vào giấc ngủ một mình

Ngay khi bé được 6 đến 8 tuần tuổi, bạn có thể bắt đầu cho bé cơ hội để tự đi vào giấc ngủ một mình. Làm thế nào? Đặt bé nằm xuống khi bé buồn ngủ, tránh lắc lư để cho bé ngủ. Các bậc cha mẹ có thể nghĩ rằng những gì họ làm lúc này không có ảnh hưởng gì nhưng thực ra, bé đang hình thành thói quen ngủ. Nếu lắc lư bé trong tám tuần đầu tiên, bé sẽ có thói quen đó trong thời gian sau.

Tuy nhiên, một số phụ huynh chọn lắc lư hoặc cho bé của mình bú để ngủ vì họ tin rằng đó là bình thường. Họ thích điều đó vì nghĩ con sẽ phát triển mạnh và ngủ ngon, hoặc họ cho rằng cách này hiệu quả hơn. Họ muốn thức dậy cùng với em bé nhiều lần trong đêm để giúp bé quay trở lại giấc ngủ.

Chăm sóc giấc ngủ của trẻ sơ sinh: Từ 9 đến 12 tháng tuổi

Hiểu được đặc điểm về giấc ngủ của các bé độ tuổi 9-12 tháng, ba mẹ sẽ biết cách làm thế nào giúp bé ngủ ngon và có thói quen ngủ tốt.

Khi 9 tháng tuổi, trẻ sơ sinh thường ngủ khoảng 14 tiếng một ngày bao gồm cả những giấc ngủ ngắn trong ngày (khoảng từ một đến hai tiếng mỗi lần).

Trẻ sơ sinh 9 – 12 tháng tuổi ngủ như thế nào?

Sẵn sàng để tập thói quen đi ngủ

Nếu chưa quen với giờ giấc ngủ của gia đình, đây chính là thời điểm thích hợp để tập thói quen đi ngủ cho bé. Sau đó, bé sẽ dễ ngủ hơn, ngủ lâu hơn và đúng giờ hơn.

Ngủ trọn giấc suốt đêm

Nếu ngủ 9 đến 10 tiếng vào buổi tối, điều đó có nghĩa bé đã biết cách dỗ mình ngủ, đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy bé đang ngủ ngoan.

Nếu vẫn thức dậy vào đêm khuya để bú, có thể bé đã sẵn sàng để được cai sữa cữ khuya. Thực tế, trẻ sơ sinh ở độ tuổi này không nhất thiết tỉnh giấc chỉ vì đói.

Người lớn cũng có thể tỉnh dậy nhiều lần mỗi đêm. Tuy nhiên, khác với các trẻ sơ sinh, người lớn có khả năng ngủ lại rất nhanh và không để ý là mình đã từng tỉnh dậy nửa đêm. Điều đó cho thấy nếu không tập được kỹ năng này, bé sẽ tỉnh dậy và khóc suốt buổi tối dù không đói.

Tỉnh giấc giữa đêm

Đừng ngạc nhiên nếu bé con đang ngủ ngoan của bạn bỗng nhiên trở thành cú đêm và phải mất khá lâu bé mới ngủ lại được. Những vấn đề này thường xuất hiện khi trẻ sơ sinh đạt được bước phát triển quan trọng với khả năng nhận thức và khả năng vận động của mình, đi kèm một chút cảm giác lo lắng về sự xa cách.

Ở giai đoạn 9 tới 12 tháng tuổi, bé bắt đầu tập đi, tập dừng và học cách đi đứng. Bé đang hoàn thiện và phát triển các kỹ năng này, bé tỉnh dậy vào ban đêm để tập luyện hoặc quá vui mừng nên khó ngủ. Bé sẽ khóc nếu không thể tự ngủ lại.

Cảm giác sợ xa cách cũng là lý do khiến bé thức dậy. Bé thức dậy sẽ đi tìm bạn để cảm thấy an tâm hơn và chỉ bình tĩnh lại khi bạn bước vào phòng và vỗ về bé.

Làm thế nào để giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon?

Đây là khoảng thời gian thích hợp để tiếp tục các phương pháp mà bạn và bé đã tập luyện trong 9 tháng đầu, bao gồm:

Duy trì lịch trình đi ngủ đều đặn

Cả ba mẹ và bé đều cần ngủ đủ giấc vào ban đêm. Bạn thử lặp lại các hoạt động từng làm trước đây cho con như tắm, đọc truyện, chúc ngủ ngon hoặc có thể thêm vào một hoạt động mới.

Ba mẹ cần giúp bé cảm thấy thoải mái với việc đi ngủ. Chỉ cần bạn giúp bé duy trì lịch trình này thường xuyên mỗi tối là ổn. Bé đang phát triển mạnh về tính nhất quán và bé sẽ cảm thấy an toàn hơn khi biết trước những gì sẽ diễn ra. Bạn cũng cần chú ý tập giờ giấc đi ngủ cho bé vào khung thời gian hợp lý để bé không bị quá mệt, điều này làm cho bé khó chìm vào giấc ngủ.

Đi ngủ đúng giờ

Bé sẽ ngủ đúng giờ nếu bạn giữ cố định mỗi ngày. Một khi quen giấc, việc đi ngủ sẽ dễ hơn rất nhiều.

Tạo cho bé nhiều cơ hội để bé tự ngủ

Nếu muốn bé ngủ độc lập, bạn cần tạo thật nhiều cơ hội để bé rèn luyện kỹ năng cần thiết này. Thay vì vỗ về hay đung đưa ru bé ngủ, hãy để bé tự dỗ mình ngủ bằng cách đặt bé lên giường. Nếu không, mỗi khi thức dậy giữa đêm, bé sẽ khóc đòi mẹ.

10 nguyên tắc vàng giúp cho trẻ sơ sinh ngủ ngon

1. Đừng để bé nằm sấp (bằng bụng).

Vị trí này trước đây được các bác sĩ khuyến cáo cho bé nằm, nhưng hiện nay các nhà khoa học đã cùng đồng thuận rằng cho bé nằm bằng lưng (nằm ngửa) giảm nguy cơ bị đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Do các bé còn nhỏ này chưa có đủ sức để tự lật mình hay cử động khi được đặt nằm sấp. Chính vì thế các bé rất dễ bị ngộp thở. Trong khi đó các bé nằm ngửa thì mặt bé không bị che chắn nên có thể thở dễ dàng. Vào khoảng 6 tháng tuổi, các bé mới có thể ngủ tùy thích và có thể di chuyển khắp mọi hướng. Khi này, ngay cả khi nằm sấp thì bé cũng đã có thể di chuyển lật mình khi cần thiết.

2. Cố định thanh chắn nôi cho đến khi bé được 2 tuổi.

Kiểm tra các thanh chắn ở nôi có khoảng cách nhỏ hơn 6 cm để đầu của bé không thể chui lọt giữa các thanh chắn này.

3. Chọn khung giường là các thanh gỗ.

Giac ngu tre so sinh

Điều này sẽ làm giảm bụi vi sinh vật (còn gọi là ve bụi, bọ bụi) và nguy cơ bị dị ứng đường hô hấp.

(Bụi vi sinh vật hay có khi còn gọi là bụi nhà là những loại mạt – mò, chúng sống trong nhà, đặc biệt là trên da người và vật cưng nuôi trong nhà, sau đó chúng vung vãi đi khắp nơi. Bụi mạt – mò có thể tìm thấy ở đồ dùng chăn, gối, nệm, thảm trải… nơi mà nhiệt độ ấm, độ ẩm cao; ngược lại ở nơi nhiệt độ khô hanh rất khó kiếm thấy chúng.)

4. Trong một vài tuần đầu có thể bạn sẽ thấy khá căng thẳng với ý tưởng để bé ngủ một mình

Nếu muốn, bạn có thể cho bé ngủ trong giỏ chuyên dụng cho bé hoặc trong nôi ngay bên sát giường bạn. Khuyến cáo bạn nên cho bé ngủ chung phòng với bạn trong 6 tháng đầu đời của bé.

5. Tấm nệm cho bé phải vững chắc và vừa khít với khung giường một cách hoàn mỹ.Tấm nệm quá nhỏ sẽ để lại những khoảng trống mà bé có thể ngã hoặc mắc kẹt vào đó. MarryBaby cũng muốn nhắc nhở thêm là bạn không bao giờ nên dùng các tấm nệm cũ đã qua sử dụng cho bé.

6. Không đặt gối, chăn hoặc thanh chống va vào nôi của bé! Các bé rất dễ bị ngạt thở trong gối hoặc bị đè giữa mớ chăn gối và không thể thoát ra. Chưa kể còn tạo nguy cơ bé bị hầm.

7. Cố định các tấm đệm trên các thanh chắn trên nôi của bé để đem đến sự thoải mái cho thiên thần của bạn (một số thiên thần nhỏ cảm thấy thoải mái hơn khi ngủ tiếp xúc với thứ gì đó). Tuy vậy bạn cũng nên thường xuyên vệ sinh giặt rửa các tấm đệm này vì các bé có xu hướng đổ mồ hôi vùng đầu rất nhiều.

8. Điều chỉnh “các trang bị ngủ” theo sự phát triển của bé. Khi bé còn rất nhỏ và không di chuyển nhiều, một chiếc giỏ là lý tưởng (cho 2 tháng đầu đời). Nó sẽ che chắn tốt cho bé và giúp bạn có thể dịch chuyển bé dễ dàng mà không làm bé tỉnh giấc. Bạn có thể sử dụng chăn quấn bé trong suốt 3 tháng đầu đời, đây là một lựa chọn tốt vì nó sẽ giúp bé có cảm giác như đang trong tử cung và chiếc chăn còn tạo chút áp lực lên bụng bé tạo hiệu quả thư giãn. Một chiếc túi ngủ cho bé cũng là giải pháp lý tưởng vì nó che chắn cho bé khi cần mà không gây bất kỳ rủi ro nào.

9. Nhiệt độ trong phòng nên bằng hoặc nhỏ hơn 19 độ C. Bạn nên treo một nhiệt kế trong phòng để theo dõi. Nếu quá nóng, thân nhiệt bé tăng không tốt cho sức khỏe của bé.

10. Không hút thuốc ở bất kỳ nơi đâu trong nhà. Hít khói thuốc thụ động gây hại rất lớn đến sức khỏe của trẻ sơ sinh và các vấn đề hô hấp có xu hướng xấu đi vào ban đêm. Nếu bạn hút thuốc, hãy thay quần áo và rửa tay trước khi đến gần bé.

7 quan niệm sai lầm về giấc ngủ trẻ sơ sinh 

1. Không bao giờ đánh thức bé đang ngủ

Sự thật: Có thể bạn đã nghe điều này cả ngàn lần (và có thể đã làm theo khi mẹ chồng khuyên như vậy), nhưng đừng tin điều này. Trong một vài tuần đầu, bé yêu của bạn dường như cần được ăn liên tục, nhưng thật ra là cách mỗi 2 đến 3 tiếng mỗi lần. Vì thế, có những lúc bạn sẽ phải nhẹ nhàng đánh thức bé dậy để cho bé bú, Tanya Remer Altmann, MD., tác giả của cuốn sách Mommy Calls (American Academy of Pediatrics, 2008) cho biết. Có nghĩa là việc đánh thức bé đang ngủ không những chẳng sao cả, mà còn là điều quan trọng mà bạn cần làm để bé có được cân nặng mạnh khỏe. Nhưng một khi bé mới sinh đã đạt đủ cân nặng, thì bạn có thể để bé ngủ vào buổi tối bao nhiêu tùy bé mà không cần đánh thức bé dậy để cho bé bú (và nếu bé có thể kéo dài được thời gian ngủ thì mẹ quá sướng!), bà Altmann cho biết. Lúc đó, các mẹ chỉ cần bảo đảm cho bé bú thường xuyên vào ban ngày. Điều quan trọng với giấc ngủ trẻ sơ sinh là bạn không nên để bé ngủ quá nhiều.

2. Miếng đệm quanh nôi bảo vệ bé

Sự thật: Các miếng đệm quanh nôi mới trông qua thì có vẻ như chúng giúp bảo vệ bé khỏi u đầu, sứt trán hay có những vết tím bầm do va chạm vào thành nôi, nhưng thật ra lại rất nguy hiểm (cũng giống như những loại gối mềm hay tương tự khác) có thể gây nguy cơ ngộp thở cho bé. Theo bà Altmann, mặc dù chưa gặp trường hợp bé nào bị u đầu nghiêm trọng do đập đầu vào thành nôi nhưng bà đã gặp trường hợp các bé lăn và bị quấn vào các miếng đệm quanh nôi rất nguy hiểm. Do vậy, mẹ nên loại bỏ ngay những miếng đệm hoặc bất cứ thứ gì để che chắn quanh ra khỏi nôi ngay, chỉ trừ khăn trải vừa khít nôi và bé yêu mà thôi các mẹ nhé.

3. Giữ phòng bé hoàn toàn yên ắng

Sự thật: Đúng là bạn có thể cần sự yên lặng hoàn toàn để ngủ và duy trì giấc ngủ, nhưng hầu hết trẻ sơ sinh lại thích những tiếng ồn môi trường với tiếng động chẳng hạn giống như tiếng quạt quay. Altmann cho biết “tiếng động này có thể rất thoải mái và quen thuộc vì các bé được nghe thường xuyên trong dạ con 24/7”. Vâng, nếu bạn không biết thì sự thật là trong bụng bạn khá là ồn ào đấy. Hơn nữa tiếng ồn “trắng” (white noise) này có thể “xua đi” những tiếng động khác trong nhà, vốn là những thanh âm gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Do vậy, nếu mẹ gặp rắc rối không thể dỗ hoặc khiến bé duy trì giấc ngủ, hãy thử tìm cách tạo ra tiếng ồn “trắng” hoặc những dùng thiết bị gì đó tạo âm thanh tương tự để giúp bé ngủ nhé.

4. Nên cho bé ngủ suốt đêm từ tuần 12

Sự thật: “Nếu bé nhà bạn ăn tốt vào ban ngày, duy trì thói quen thường xuyên và kèm một chút may mắn, bé yêu của bạn sẽ ngủ suốt cả đêm vào từ tháng 12”, Altmann cho biết và nhấn mạnh chỗ “may mắn”. Với những người khác thì điều này có thể không xảy ra trong hơn 1 tháng, 2 tháng, hay có khi là 3 tháng tới nữa, và bạn cũng nên biết như thế không có nghĩa là bạn làm gì sai đâu nên đừng lo lắng. Nhưng bạn có thể làm vài thứ để “vận động” bé kéo dài giấc ngủ lâu hơn: thiết lập quy trình ngủ ngắn và yên lặng, để bé tự ngủ (không cần dỗ hay chăm cho bé ngủ), và khi bé đã ngủ, đừng lao ngay vào phòng bé mỗi khi mẹ nghe tiếng ồn của bé cất lên – bé cần phải học cách tự ngủ. Nếu mẹ kiên trì, MarryBaby bảo đảm là thiên thần của bạn có thể sẽ ngủ ít nhất 6 đến 8 tiếng liền vào ban đêm từ thời điểm 4 đến 6 tháng tuổi.

5. Cho bé ngủ trễ sẽ ngăn bé dậy quá sớm vào buổi sáng.

Sự thật: Được thế thì chẳng phải tốt hơn sao? Mặc dù nghe có vẻ hợp lý, nhưng điều này thường là con dao hai lưỡi.

Lý do là: để giữ cho bé thức khuya mẹ sẽ khiến bé rất mệt, và khi rất mệt rồi thì sẽ có hiệu ứng dây chuyền, mà thực tế là khiến bé khó ngủ hơn và khó ngủ lại được nếu bé dậy sớm. Và để bé ngủ trễ hơn vào buổi sáng hôm sau, bạn phải may mắn lắm mới có thể khiến bé đi ngủ sớm hơn được. Không tin thì bạn cứ thử đi! Cứ để bé nhà bạn ngủ sớm 30 phút so với bình thường, bảo đảm với bạn là bé sẽ bắt đầu ngủ trễ hơn vào buổi sáng.

6. Cho chó ngủ trong phòng của bé cũng không sao.

Sự thật: Cơ quan American Academy of Pediatrics khuyến cáo không bao giờ được để em bé hoặc trẻ một mình với thú nuôi – và đó cũng bao gồm cả việc để thú nuôi ngủ trong phòng trẻ.

Lý do: có khoảng 600.000 trẻ em bị chó cắn mỗi năm, nghiêm trọng tới mức cần phải điều trị y tế. Ngay cả một con mèo “ham vui” cũng có thể nhảy vào nôi của bé mới sinh và cào bé. Altmann còn cho biết thêm: “Tôi đã gặp nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị chó cắn rất dã man, và thường đều là chó quen trong gia đình”. Thế nên để an toàn cho bé, các mẹ nên giữ phòng ngủ của bé “an ninh” bằng cách không được cho thú nuôi ở gần nơi bé ngủ.

7. Thêm ngũ cốc vào bình sữa của bé sẽ giúp bé ngủ suốt đêm.

Sự thật: Chẳng có bằng chứng nào cho thấy việc thêm ngũ cốc vào bình sữa bú trước khi ngủ sẽ giúp bé ngủ lâu hơn, vì thế bạn không nên làm thế. Trên thực tế, ngũ cốc trong bình sữa làm tăng lượng calo mà bé hấp thụ, và một số nghiên cứu chỉ ra rằng cho bé chưa đến 4 tháng ăn thức ăn đặc có thể góp phần làm bé bị béo phì. Cơ quan American Academy of Pediatrics khuyến cáo nên chờ đến khi bé được 4 đến 6 tháng tuổi mới nên cho bé làm quen với thức ăn đặc, và luôn luôn dùng muỗng đúc thức ăn đặc cho bé để tránh bé bị sặc nếu cho bé ăn bằng bình sữa. Tuy nhiên cũng có một số ngoại lệ, chẳng như nếu bác sĩ khuyến cáo bổ sung ngũ cốc để điều trị chứng trào ngược. Trong những trường hợp ngoại lệ này thì mẹ cần làm theo khuyến cáo của bác sĩ thật cẩn thận. Và nếu muốn bé ngủ suốt đêm, tốt nhất bạn nên thử mẹo nhỏ ở sai lầm số 4.

Chăm sóc giấc ngủ của trẻ sơ sinh: Hội chứng ngưng thở khi ngủ

Hình ảnh một đứa bé đang ngủ có thể khiến ta thấy thật ấm áp và bình yên. Tuy nhiên, trong thực tế giấc ngủ của bé không phải lúc nào cũng bình yên như thế.

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh: Những điều bạn chưa biết

Các bé sơ sinh thường xuyên phát ra tiếng rên, mếu máo và quơ quào trong khi ngủ . Tất cả những điều này có thể khiến những ai lần đầu làm cha mẹ lo lắng. Nếu đã từng quan sát bé ngủ, thỉnh thoảng bạn sẽ nhận ra hơi thở của bé dường như ngưng lại hay còn được gọi là hiện tượng ngưng thở khi ngủ. Bé đột nhiên giật mình thức giấc, thậm chí nếu đã mọc răng, bé còn nghiến răng, lăn qua lăn lại hay đập đầu vào thanh chắn cũi.

Đó là những biểu hiện hoàn toàn bình thường và không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu hiểu hơn về hành vi của bé khi ngủ và cách xử trí các tình huống thường gặp, có lẽ bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ sơ sinh

Bạn có thể nhận thấy rằng nhịp thở của bé thường thay đổi khi ngủ. Bé có thể thở gấp trong một lúc, sau đó chậm lại, thậm chí có thể tạm ngưng thở khoảng 15 giây trước khi quay về trạng thái thở bình thường.

Đừng quá lo lắng khi thấy bé thỉnh thoảng ngưng thở khi ngủ. Các bác sĩ gọi đây là “chu kỳ thở” của bé từ sơ sinh cho đến 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu bé đã hơn 6 tháng mà vẫn còn thở theo cách này, bạn nên nói chuyện với bác sĩ nhi khoa. Việc thở của bé sơ sinh theo chu kỳ nói trên chiếm khoảng 5% khoảng thời gian bé ngủ. Con số này đối với các bé sinh non là 10%.

Nhìn chung, thói quen thở bất thường của bé không đáng lo ngại, cũng không có gì là bất thường nếu bàn tay và bàn chân của bé hơi xanh. Nhưng nếu trán, lưỡi, móng tay móng chân, môi hoặc mình bé chuyển sang màu xanh, đây là dấu hiệu cho thấy bé có thể bị thiếu ôxy. Trong trường hợp này, nếu lo lắng rằng bé đang ngừng thở, bạn chỉ cần chạm vào hoặc lay nhẹ người bé để xem liệu bé có phản ứng không. Nếu bé không có phản ứng gì, có thể bé đang ở trong giai đoạn ngưng thở. Bạn cần thực hiện thủ thuật hồi sức tim phổi (CPR) ngay lập tức và gọi cấp cứu. Nếu bạn chỉ có một mình với bé, hãy thực hiện hồi sức tim phổi cho bé trong 2 phút sau đó tìm người đến giúp. Bạn cần tiếp tục thực hiện hồi sức nhân tạo cho đến khi xe cấp cứu đến hoặc bé bắt đầu thở lại.

Nếu bé ngưng thở khi ngủ, có dấu hiệu lả đi, da trở nên xanh xao hoặc nhợt nhạt, đặc biệt khi bé trông như đang mắc nghẹn và ngạt thở, rất có thể bé đang trong tình trạng nguy hiểm tính mạng, cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Các bác sĩ sẽ sớm xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng khẩn cấp ở bé.

Điều hữu ích nhất bạn có thể làm để giúp bé thở dễ dàng là đặt bé nằm ngửa khi ngủ. Nếu bạn lo lắng về nhịp thở của bé, hãy nhờ bác sĩ chuyên khoa tư vấn.

Chăm sóc giấc ngủ của trẻ sơ sinh: Các thói quen thường gặp khi bé ngủ

Các thói quen thường gặp ở bé khi ngủ có thể không gây nguy hại gì không có nghĩa là ba mẹ không cần quan tâm đâu nhé!

Thói quen lăn qua lăn lại khi ngủ của trẻ sơ sinh

Nhiều bé thích được dỗ dành bằng những chuyển động nhịp nhàng như chuyển động của ghế bập bênh. Một số bé có thói quen lăn qua lăn lại hoặc đu đưa trong khi đang ngồi. Thói quen này thường xuất hiện ở tháng thứ 6 và kèm thói quen đập mặt xuống giường hoặc đập đầu vào thanh chắn cũi, lắc đầu qua lại.

Khi bé lăn qua lăn lại, bạn nên can thiệp hết sức nhẹ nhàng vì khi cố ngăn không cho bé lăn, bé sẽ xem đây là thử thách và ra sức chống đối. Ở trẻ sơ sinh, việc lăn mình qua lại thường không phải là dấu hiệu cho thấy bé có vấn đề về hành vi hoặc cảm xúc nên ba mẹ không cần lo lắng.

Tuy nhiên, nếu bé lăn qua lại thật mạnh vào buổi tối, bạn nên di chuyển cũi cách xa tường và cố gắng siết chặt vít, bu-lông của cũi để tránh tai nạn có thể xảy ra.

Thói quen đập đầu xuống giường của trẻ sơ sinh

Cũng như việc lăn mình, hành động đập đầu xuống giường là hành vi tự an ủi phổ biến ở trẻ sơ sinh. Kỳ lạ hơn nữa, bé con của bạn có thể dùng việc đập đầu này như một cách đánh lạc hướng cơn đau của mình nếu bé đang mọc răng hay bị nhiễm trùng tai.

Hành động đập đầu thường bắt đầu khi bé được 6 tháng trở lên và thường gặp nhất là lúc bé được 18 đến 24 tháng tuổi. Thói quen này có thể kéo dài trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm, và các bé sẽ tự bỏ trước khi bé 3 tuổi. Điều bạn cần làm lúc này là thường xuyên kiểm tra và gia cố các ốc vít, bu-lông trên giường cũi của bé. Bạn cũng không nên để gối, mền… trong cũi của bé quá nhiều mặc dù hầu hết các trường hợp đột tử ở trẻ sơ sinh thường xảy ra trước 6 tháng tuổi.

Hành động đập đầu ở trẻ nhỏ hiếm khi là dấu hiệu của tình trạng bất thường trong phát triển hay cảm xúc, nhưng bạn cũng nên trao đổi với bác sĩ mỗi khi cho bé đi khám. Trong một số trường hợp hiếm hoi, đặc biết nếu bé của bạn bị chậm phát triển, hành động này báo hiệu bé đang có vấn đề cần được giúp đỡ.

Thói quen nghiến răng của trẻ sơ sinh

Hơn một nửa số trẻ sơ sinh sẽ có hành vi nghiến răng. Hành vi này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nó phổ biến nhất đối với những em bé mọc răng lần đầu tiên, bắt đầu từ khoảng 6 tháng tuổi.

Lý do nghiến răng ở trẻ sơ sinh có thể là do cảm giác có răng mới, đau nhức do đau tai hay mọc răng hoặc các vấn đề về hô hấp như nghẹt mũi hoặc dị ứng.

Tiếng nghiến răng do bé phát ra có thể làm cho bạn thấy lo lắng nhưng thực tế nghiến răng không hề làm cho răng bé đau. Tuy nhiên, bạn cũng nên đề cập đến việc này khi cho bé đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem men răng của bé có bị ảnh hưởng hay không và tìm ra thủ phạm khiến bé hay nghiến răng cũng như tư vấn cho ba mẹ nên làm gì để giúp bé. Một vài bé nghiến răng quá “nhiệt tình” có thể làm cho răng của bé bị mòn.

Chăm sóc giấc ngủ của trẻ sơ sinh khi bé hay đổ mồ hôi trộm, ngáy và khịt mũi khi ngủ

Ngáy, khịt mũi và đổ mồ hôi trộm là những hiện tượng thường gặp khi bé ngủ, đặc biệt là ban đêm. Các vấn đề bình thường này có thể trở nên đáng lo ngại nếu đi kèm theo một số biểu hiện nhất định.

Thói quen ngáy và khịt mũi khi ngủ của trẻ sơ sinh

Nếu bé của bạn thỉnh thoảng ngáy hoặc khịt mũi trong khi ngủ, bạn không cần phải lo lắng, nhất là khi tiếng ngáy của bé đều đặn. Nhiều em bé cũng sẽ ngáy khi chúng bị nghẹt mũi. Nếu bé đang bị cảm lạnh, bạn có thể thử đặt máy phun sương tạo độ ẩm trong phòng để giúp bé dễ thở hơn.

Nếu bé ngủ ngáy dai dẳng, đây có thể là dấu hiệu đáng lo ngại. Trong trường hợp bé lúc ngáy lúc không và sau đó là thở hổn hển, có thể đường hô hấp của bé đang bị tắc nghẽn. Triệu chứng này được gọi là “chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn”. Đây là một tình trạng mãn tính, không giống như giai đoạn ngưng thở trong chu kỳ thở của bé đã được nói ở trên. Lúc này, bạn nên đưa bé đến khám bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa tai – mũi – họng để kiểm tra.

Còn một lý do khác gây ra hiện tượng ngáy khi ngủ ở trẻ sơ sinh là dị ứng. Đối với những trường hợp này, máy lọc không khí trong phòng ngủ hoặc một vài loại thuốc do bác sĩ kê toa có thể giúp bé cảm thấy khỏe hơn. Bạn nên đưa bé đi khám để xác định xem liệu bé có bị dị ứng hay không và bạn cần làm gì cho bé lúc này.

Trẻ sơ sinh hay đổ mồ hôi trộm ban đêm

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh - bé hay đổ mồ hôi trộm

Một số trẻ sơ sinh đổ mồ hôi đầm đìa khi giấc ngủ của bé ở giai đoạn sâu nhất vào ban đêm. Đổ mồ hôi ở trẻ nhỏ rất phổ biến nhưng nếu mồ hôi ra quá nhiều, có thể có điều gì đó không ổn. Đó có thể là dấu hiệu của bệnh tim bẩm sinh cũng như các bệnh nhiễm trùng khác hay do tình trạng ngưng thở khi ngủ, bởi bé rất khó khăn để có thể thở được cho nên bé sẽ đổ mồ hôi nhiều.

Một trong những nguy cơ dẫn đến hội chứng đột tử ở bé sơ sinh (SIDS) là do quá nóng, vì vậy, phòng ngủ của bé cần được thoáng mát. Ngoài ra, quần áo cũng cần đủ ấm, thoải mái để bé có thể ngủ mà không cần phải đắp chăn. Để tránh nguy hiểm cho bé, ba mẹ không nên quấn bé quá nhiều lớp, cũng không nên để vật dụng giường ngủ trong cũi của bé.

Nguyên tắc cơ bản là nếu bạn thấy nóng, em bé của bạn cũng sẽ thấy nóng. Nếu nhiệt độ trong nhà mát mẻ, bé mặc đồ thoáng mát nhưng vẫn ra mồ hôi, tốt nhất là bạn nên nói chuyện với bác sĩ.

2 Comments
  1. I always spent my half an hour to read this web site’s articles all the time along with a mug of coffee.

Leave a Reply