Dị ứng sữa ở trẻ sơ sinh cách nhận biết và điều trị

Dị ứng sữa ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý thường gặp không nguy hiểm nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khiến ba mẹ chủ quan, dẫn đến trẻ không hấp thụ được chất gây suy dinh dưỡng. Sau đây, mời các mẹ cùng amthucvasuckhoe.com tìm hiểu về bệnh dị ứng sữa và cách điều trị bệnh này nhé.

Nguyên nhân bé dị ứng sữa

Dị ứng là phản ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể lên một vật thể lạ (trong trường hợp này là các protein trong sữa). Điều này có nghĩa là hệ thống miễn dịch của bé sẽ tấn công các protein trong sữa, “thấy” nó như là một vật thể lạ cần phải được tiêu diệt và vì vậy gây nên phản ứng dị ứng.

Tương tự thế cơ thể bé cũng sẽ không thể hấp thu các protein có trong sữa bột công thức, đi kèm theo sẽ là phản ứng dị ứng, nên bé có thể bị thiếu dinh dưỡng. Tùy thuộc vào những biểu hiện của dị ứng mà ta xác định mức độ nghiêm trọng của phản ứng.

Di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trẻ sơ sinh dị ứng với sữa bột công thức. Nếu mẹ hoặc cha đã từng dị ứng với sữa bột (hoặc sữa bò) lúc còn bé thì có khoảng 50-80% cơ hội con của họ sẽ thừa hưởng những biểu hiện tương tự.

Cho đến nay, mặc dù đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khác nhau về lĩnh vực miễn dịch học ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn nguyên nhân gây ra dị ứng thực phẩm nói chung và dị ứng sữa bò nói riêng, cũng như tại sao lại có một số trẻ bị dị ứng còn một số trẻ khác lại không? Nhưng người ta tin rằng, nguyên nhân gây ra dị ứng sữa bò là do sự kết hợp giữa những yếu tố về di truyền học và việc cho trẻ bú sữa bò hay sữa đậu nành quá sớm.

Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ có ít nguy cơ phát triển những dị ứng với sữa bò hơn là trẻ được nuôi bằng sữa bột công thức. Nhưng các nhà nghiên cứu vẫn không sao lí giải nổi tại sao một số trẻ dị ứng sữa còn số khác thì không.

triệu chứng dị ứng sữa ở trẻ sơ sinh

Tình trạng dị ứng sữa với tình trạng bất dung nạp sữa /đường lactose có giống nhau?

Trước tiên cần phải phân biệt với tình trạng bất dung nạp Lactose, là một tình trạng hoàn toàn khác với tình trạng dị ứng sữa bò. Bất dung nạp Lactose xảy ra khi cơ thể mất khả năng tiêu hóa Lactose, một loại đường có trong sữa. Còn dị ứng với sữa bò là tình trạng hệ miễn dịch trong cơ thể của trẻ “tấn công” một cách bất thường những thành phần protein đã được định lượng một cách chuẩn mực trong thành phần của sữa dành cho trẻ, gây ra phản ứng dị ứng.

Những loại sữa nào có thể gây dị ứng?

Một trong những dị ứng phổ biến nhất của trẻ sơ sinh là dị ứng với sữa bò mà sữa bò là thành phần chiếm nhiều nhất trong công thức của sữa bột. Con bạn có thể dị ứng với sữa bò, sữa công thức được làm từ sữa bò hay thậm chí bé có thể bị dị ứng với sữa mẹ nếu bạn ăn hay uống những sản phẩm từ sữa bò.

Nếu con bạn bị dị ứng với sữa bò thì hầu như bé cũng sẽ dị ứng với sữa dê vì thành phần đạm trong hai loại sữa này tương tự như nhau. Thông thường rất dễ phát hiện ra dị ứng bằng xét nghiệm máu đơn giản hay có thể kiểm tra trực tiếp trên da tại các bệnh viện.

Biến chứng

Trẻ em bị dị ứng với sữa thường có nhiều khả năng xuất hiện các vấn đề về sức khỏe khác, bao gồm:

– Dị ứng với các thực phẩm khác – như trứng, đậu nành, lạc, thậm chí thịt bò.

– Bệnh sốt mùa hè – môt phản ứng thông thường với lông vật nuôi, bọ ve trong bụi, phấn hoa và các chất khác.

Những triệu chứng của dị ứng sữa bột công thức

Bác sĩ, tiến sĩ John Moissidis, nhà dị ứng và miễn dịch học, đưa ra 6 dấu hiệu cho thấy bé của bạn có thể bị dị ứng sữa bột công thức. Chúng bao gồm:

1. Dấu hiệu bé bị dị ứng sữa: Tiêu chảy

Tiêu chảy là phổ biến ở trẻ sơ sinh nhưng nếu nó xảy ra thường xuyên (trung bình 2 đến 4 lần một ngày trong vòng hơn một tuần) và/hoặc có máu trong tã thì đó là dấu hiệu trẻ bị dị ứng sữa bột công thức.

2. Dấu hiệu bé bị dị ứng sữa: Nôn mửa

Trẻ sơ sinh thường nôn một ít thực phẩm khi ăn nhưng nếu bé của bạn nôn ngoài giờ ăn thì bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ. Triệu chứng trào ngược, thể hiện bởi hiện tượng nôn và khó nuốt, có thể là biểu hiện của những triệu chứng dị ứng.

3. Dấu hiệu bé bị dị ứng sữa: Da nổi mẫn đỏ

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng nổi mẫn đỏ trên da trẻ sơ sinh làm da trông giống như bị sưng phòng hay phát ban. Một trong những nguyên nhân có thể là do dị ứng sữa bột công thức nếu tình trạng này kéo dài và đi kèm với một số triệu chứng khác.

4. Dấu hiệu bé bị dị ứng sữa: Bé cáu gắt bất thường:

Trẻ sơ sinh thường quấy khóc nhưng sẽ là bất thường nếu trẻ khóc kéo dài. Khi không có lí do rõ ràng, trẻ khóc thường được cho là do đau bụng. Đôi khi trẻ cực kì quấy khóc là do đau bao tử gây ra bởi dị ứng protein trong sữa bột công thức.

5.  Dấu hiệu bé bị dị ứng sữa: Trẻ đánh rắm, xì hơi:

Tất cả trẻ sơ sinh đều thường “xì hơi” tuy nhiên nếu trẻ đánh rắm thường xuyên kèm theo những triệu chứng khác thì đó có thể là dấu hiệu của dị ứng với protein trong sữa.

6. Có vấn đề về hô hấp

Cảm lạnh là thông thường với các bé sơ sinh nhưng khò khè, khó thở, có đờm trong mũi và cổ họng có thể là những biểu hiện của phản ứng với protein trong sữa.

7. Cân nặng giảm hoặc không tăng cân

Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ tăng gấp đôi cân nặng khi được 6 tháng tuổi và tăng gấp 3 khi được 12 tháng tuổi. Nhưng khi bé không nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng mà bé cần do tiêu chảy và nôn mửa quá nhiều thì tất nhiên bé sẽ rất chậm lớn.

Phản vệ (anaphylaxis)

Dị ứng sữa có thể gây phản vệ, một phản ứng đe dọa đến tính mạng mà có thể làm hẹp đường thở và cản trở hô hấp. Sữa là thức ăn phổ biến nhất đứng hàng thứ ba, sau lạc và hạnh nhân, gây nên phản vệ.

Nếu bạn hoặc con bạn có phản ứng với sữa, hãy gọi bác sĩ, cho dù phản ứng đó nhẹ như thế nào. Các xét nghiệm (test) có thể giúp xác định dị ứng sữa, nhờ đó bạn có thể tránh được các phản ứng trong tương lai hoặc các phản ứng có khả năng tồi tệ hơn.

Phản vệ là một cấp cứu y khoa, cần được điều trị bằng tiêm thuốc adrenaline (epinephrine) và chuyển ngay đến khoa/phòng cấp cứu. Các dấu hiệu và triệu chứng của phản vệ bắt đầu sớm ngay sau khi dùng sữa và có thể bao gồm:

– Co thắt đường thở, bao gồm cả phù nề hầu họng gây khó thở.

– Đỏ bừng mặt

– Ngứa da

– Tình trạng sốc, với triệu chứng tụt huyêt áp

Chẩn đoán dị ứng sữa bột công thức

Nếu bạn cho rằng bé của bạn có thể bị dị ứng với sữa bột công thức bởi quan sát được những triệu chứng trên thì nên đưa bé đến bác sĩ. Thông thường bác sĩ sẽ tham chiếu tiền sử bệnh của gia đình như là một trong những khả năng để phỏng đoán có yếu tố di truyền trên những triệu chứng của bé hay không. Sau đó bác sĩ sẽ lấy mẫu máu và phân,làm các xét nghiệm da để có thể xác định bất kì chẩn đoán nào.

Để chẩn đoán bệnh chính xác cần:

– Xét nghiệm phân. Phân của trẻ bị dị ứng sữa bò thường có lẫn máu, trong khi phân của trẻ bị bất dung nạp Lactose lại có tính axit và chứa thành phần đường không tiêu hóa được.

– Xét nghiệm thử phản ứng dị ứng trên da. Nếu thấy nổi một đốm đỏ và cứng ở chỗ tiêm thì có phản ứng. Tuy nhiên, test này chưa phải là đặc hiệu vì nhiều trẻ nhỏ bị dị ứng với sữa bò vẫn cho kết quả âm tính, trong khi nhiều em lớn hơn không bị dị ứng lại cho kết quả dương tính.

Bác sĩ cũng sẽ yêu cầu ngưng cung cấp sữa bột công thức trong khẩu phần ăn của bé trong một tuần sau đó cho bé ăn lại để xem có bất kì tác động tiêu cực nào không. Điều quan trọng là phải biết chắc rằng liệu bé có bị dị ứng với protein trong sữa hay không, nếu có bạn phải đảm bảo loại sữa và các sản phẩm từ sữa ra khỏi chế độ dinh dưỡng của bé.

Ðiều trị bệnh dị ứng sữa bò, sữa công thức ở trẻ em

Dị ứng sữa ở trẻ sơ sinh

Nguyên tắc điều trị dị ứng sữa bò chủ yếu là tránh tác nhân gây dị ứng và thay đổi lối sống, việc dùng thuốc cần phải có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Vấn đề chăm sóc và phòng bệnh cho trẻ là vô cùng cần thiết.

Tránh tác nhân gây dị ứng và thay đổi lối sống:

– Ngưng sử dụng sữa bò/ sữa công thức cho trẻ. Nếu con bạn bị dị ứng thuộc kiểu phản ứng dị ứng nhanh, cần chuyển sang sử dụng sữa đậu nành vì trong đó cũng khá đầy đủ những thành phần dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

– Nếu đã chuyển sang sử dụng sữa đậu nành nhưng triệu chứng vẫn không hết thì có thể con bạn đồng thời cũng bị dị ứng với thành phần protein có trong sữa đậu nành. Ở thể phản ứng nhanh, chỉ có 8%-15% trẻ nhỏ bị dị ứng với protein của sữa đậu nành, nhưng ở thể phản ứng chậm lại chiếm tỷ lệ khá cao là khoảng 50%.

Lúc này, bạn phải chuyển sang sử dụng những loại thực phẩm có thành phần protein ít gây ra phản ứng dị ứng. Những loại protein này đã được xử lý đặc biệt để hạn chế tối đa việc gây dị ứng, tuy nhiên giá thành của chúng thường đắt gấp ba lần so với sữa bò. Có thể sử dụng một số sản phẩm sau: sữa gạo (rice milk), sữa hạnh nhân, những sản phẩm ghi ngoài nhãn là Non-dairy hay Pareve (sản phẩm không chứa sữa như: kem, chocolate, pho mát, sữa chua)…

– Thời gian sử dụng sản phẩm ít gây kích ứng dị ứng ít nhất phải là 2 tháng, cũng có khi phải kéo dài đến 12 tháng. Sau thời gian này, cần cho trẻ dùng lại sữa bò để xem trẻ có dung nạp được hay chưa? Nếu vẫn còn dị ứng thì lại dùng tiếp sản phẩm thay thế và cứ mỗi 3-6 tháng lại cho trẻ dùng lại sữa bò để kiểm tra vấn đề dung nạp.

– Có thể chuyển sang cho trẻ bú mẹ nếu trẻ còn nhỏ và mẹ còn sữa, tuy nhiên chế độ ăn của mẹ phải được thiết lập bởi một bác sĩ chuyên về dinh dưỡng để có thể đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cần thiết. Cần lưu ý rằng các protein có trong sữa bò có thể đi qua sữa mẹ, vì vậy cần phải loại bỏ hết những thực phẩm có chứa sữa trong chế độ ăn của người mẹ.

Sử dụng thuốc:

Các loại thuốc sử dụng khi có dị ứng cần phải theo chỉ định của bác sĩ. Các thuốc thường được dùng trong điều trị là: Cromolyn, Antihistamin, Ketotifen, Corticosteroid và các thuốc ức chế tổng hợp Prostaglandin. Epinephrine được sử dụng trong trường hợp bị phản ứng phản vệ cấp tính.

Phòng ngừa dị ứng sữa bò ở trẻ

Không có một cách chắc chắn nào để dự phòng dị ứng sữa, nhưng bạn có thể dự phòng các phản ứng bằng việc tránh các thực phẩm gây phản ứng. Nếu bạn hoặc con bạn bị dị ứng sữa, hãy tránh sữa và các sản phẩm từ sữa.

Luôn luôn phải kiểm tra thành phần ghi trên nhãn sản phẩm trước khi sử dụng. Ngay cả với những sản phẩm đã dùng quen vẫn phải đọc lại vì nhà sản xuất có thể thay đổi thành phần của sản phẩm.
Đọc nhãn sản phẩm cẩn thận. Hãy tìm kiếm casein, một dẫn xuất của sữa, mà nó có thể được tìm thấy trong một số nơi không ngờ tới, như cá ngừ đóng hộp hoặc các sản phẩm không làm từ bơ sữa. Hỏi về thành phần khi đặt món ở nhà hàng.

Cần báo cho những người chăm sóc con bạn như người trông trẻ, cô giáo, ông bà… về tình trạng dị ứng của trẻ để họ tránh cho trẻ sử dụng sữa hay những sản phẩm có chứa sữa.

Nếu cần, có thể dán một miếng giấy nhỏ lên những thực phẩm có chứa sữa.

Phải ghi rõ tiền sử dị ứng của con bạn trong những hồ sơ liên quan.

Chuẩn bị sẵn một số thuốc chống dị ứng tại nhà để dùng khi cần thiết. Ở một số nước đã có loại Epinephrine được định liều sẵn trong một ống tiêm nhỏ nhằm có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Nếu con bạn bị phản ứng phản vệ cấp cần phải nhanh chóng đưa trẻ đi bệnh viện ngay.

Nguồn gốc của các sản phẩm từ sữa

– Các nguồn gốc rõ rang của các protein trong sữa gây dị ứng được tìm thấy trong các sản phẩm từ sữa, bao gồm:

+ Sữa nguyên chất, sữa ít béo, sữa tách kem (sữa gầy), sữa bơ
+ Bơ
+ Sữa chua
+ Kem, kem ly (gelato)
+ Pho-mát và các sản phẩm có pho-mát
+ Vân vân

– Sữa có thể khó để xác định hơn khi được sử dụng trong một sản phẩm chế biến sẵn, bao gồm đồ nướng lò, thịt chế biến sẵn hay ngũ cốc ăn sáng. Các nguồn sữa bị ẩn dấu bao gồm:

+ Whey có trong nước sữa chua
+ Casein
+ Các thành phần phát âm với tiền tố “lact”, vì dụ lactose, lactat
+ Các loại kẹo, như socola, nuga hay caramen
+ Bột đạm (bột protein).
+ Hương liệu bơ nhân tạo
+ Hương liệu pho-mát nhân tạo
+ Hydrosolate

– Kể cả một sản phẩm được dán nhãn “không có sữa” hay “không có bơ”, nó cũng có thể có các protein sữa gây dị ứng – vì vậy bạn cần phải đọc nhãn hết sức cẩn thận. Khi bạn nghi ngờ, hãy liên hệ với nhà sản xuất để đảm bảo nó không có thành phần từ sữa.

– Khi đi ăn ở ngoài, hãy hỏi xem thức ăn đã được chuẩn bị như thế nào. Liệu có phải miếng thịt nướng của bạn đã được phết bơ lên đó, hay đồ hải sản đã được nhúng trong sữa trước khi nấu không?

– Nếu bạn có nguy cơ bị các phản ứng nghiêm trọng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc mang theo và sử dụng epinephrine (adrenaline) cấp cứu. Nếu bạn đã từng có các phản ứng nặng, hãy đeo một chiếc vòng tay hoặc vòng cổ để cho mọi người biết bạn bị dị ứng thực phẩm.

Sữa thay thế cho trẻ sơ sinh

Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng cho bú sữa mẹ trong 4 đến 6 tháng đầu của bé thay vì sử dụng sữa bò công thức theo tiêu chuẩn có thể giúp ngăn chặn di ứng sữa. Trẻ em bị dị ứng với sữa, cho trẻ bú sữa mẹ và sử dụng công thức sữa ít gây dị ứng có thể dự phòng được các phản ứng dị ứng.

– Bú sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Cho bú sứa mẹ trong ít nhất 4 đến 6 tháng đầu sau sinh nếu có thể, đặc biệt với các trẻ có nguy cơ cao bị dị ứng sữa.

– Các sữa công thức giảm dị ứng được sản xuất bằng cách sử dụng các men (enzyme) để bẻ gẫy (thủy phân) các protein của sữa, như là casein hoặc whey. Quá trình tiếp có thể theo bao gồm đun nóng và lọc. Tùy thuộc vào mức độ xử lý, sản phẩm có thể được phân loại như thủy phân một phần hoặc hoàn toàn. Hoặc chúng cũng có thể được gọi là sữa công thức cơ bản.

Một vài sữa công thức giảm dị ứng không được làm từ sữa, nhưng thay vào đó nó sẽ có các axít-amin. Bên cạnh các sản phẩm được thủy phân hoàn toàn, các sữa công thức dựa trên các axít-amin ít có khả năng gây các phản ứng di ứng hơn.

– Sữa công thức từ đậu nành dựa trên protein của đậu nành thay vì sữa. Sữa công thức từ đậu nành được tăng cường để có dinh dưỡng đầy đủ – nhưng, thật không may, một vài trẻ em bị dị ứng với sữa cũng có thể bị dị ứng với đậu nành.

Nếu bạn đang cho con bú và con bạn bị dị ứng sữa, các protein của sữa bò đi qua sữa mẹ có thể gây phản ứng dị ứng. Khi đó bạn cần phải loại bỏ các sản phẩm có sữa ra khỏi khẩu phần của bạn. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn biết hoặc nghi ngờ con bạn bị dị ứng sữa và có các dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng sau khi được bú sữa mẹ.

Nếu bạn hoặc con bạn đang trong chế độ ăn không có sữa, bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn xây dựng một bữa ăn cân bằng về dinh dưỡng. Bạn hoặc con bạn cần phải dùng thực phẩm bổ sung để thay thế canxi hay các chất dinh dưỡng có trong sữa, như vitamin D và B2.

Chia sẻ kinh nghiệm của các mẹ khi con bị dị ứng sữa bò

Sữa nào dành cho trẻ dị ứng sữa bò?

Cùng tham khảo chia sẻ của các mẹ có kinh nghiệm trong việc chăm bé bị dị ứng sữa nhé:

Mẹ của bé Gấu Mèo: Mọi người giúp em với. Bé nhà em bị dị ứng sữa công thức rất nặng. Em thử rất nhiều loại rồi nhưng không khả thi gì cả. Bé dị ứng luôn cả similac isomil.

Bây giờ bé được 7 tháng, mẹ hết sữa nên phải cho dùng sữa ngoài. Hôm trước em có thử làm sữa đậu nành tại nhà cho bé uống thì không sao cả. Nhưng bé mới 7 tháng có lẽ không dùng được sữa đậu nành nấu tại nhà đúng không các mẹ. Nếu bé không hợp với các loại sữa công thức thì mình phải thay thế bằng sữa gì bây giờ ạ.

Em thử nhiều loại nên giờ cũng hoang mang quá. Bé nhà em là bé trai mà uống sữa đậu nành nhiều em nghĩ là không tốt ! Dị ứng thế này có hết không ? Kéo dài đến mấy tuổi a. Mong các mẹ có kinh nghiệm bé dị ứng sữa giúp em với ! Làm sao bé có chế độ ăn đủ chất bây giờ ạ.

Mẹ Minh Quân tư vấn: Mẹ nó cho đi bác sĩ chưa? đã kết luận là dị ứng chưa? Triệu chứng dị ứng thế nào? Đi phân có máu không? Nếu dị ứng đạm sữa bò bạn có thể chuyển qua sữa đậu nành hoặc sữa dê. Nếu vẫn không ổn thì chuyển tiếp qua sữa có thành phần từ gạo. Cuối cùng là kiếm sữa thuỷ phân (sữa thuỷ phân có mùi không thơm đâu nghen).

Nhưng bạn mình là bác sĩ nhi nói rằng sữa mẹ là nhất, không được sữa mẹ thì sữa bò là lựa chọn phù hợp nhất. Nên tốt nhất bạn cần kiểm tra lại xem có đúng là con dị ứng sữa bò không thì hãy đổi. Hoặc mẹ cố gắng vắt sữa nhiều lên cho con chứ sữa đậu nành hay các loại sữa khác chỉ là phương pháp tạm thời. Nếu đúng là con bị dị ứng thật thì sau 1 tuổi thì khả năng con mới hết.

Mẹ bé Kitty tư vấn sữa cho trẻ dị ứng: Bé Kitty nhà mình lúc trước cũng bị dị ứng đạm sữa bò, mỗi lần uống sữa cho dù 1 muỗng nhỏ thôi cũng gây sưng húp mặt mày luôn. Mình có cho bé uống thử sữa của Frisosoy, chiết suất từ đạm đậu nành cũng ok lắm, nhưng chậm tăng cân, đến tháng thứ 11 thì mình chuyển qua cho bé uống sữa dê Kabrita thấy cũng hạp sữa, nhưng tiền sữa thì ngán quá. Đợi bé qua chớm 1 tuổi thì mình thử lại sữa bò và thấy bé không còn bị dị ứng nữa. Bạn thử mua sữa Frisosoy cho bé uống thử xem sao nhé.

Dinh dưỡng cho bé bị dị ứng sữa bò

Mẹ bé Mướp lo lắng khi bé bị dị ứng sữa: Con em sắp được 6 tháng, bé bị dị ứng sữa bò, ăn vào là bị tiêu lỏng, nổi mẩn, quấy khóc. Hiện tại bé đang uống sữa dê – Kabrita và ăn bột ăn dặm sữa dê – Mamako. (trộm vía là ổn). Ngày bé bú khoảng 900ml sữa ( 5 cữ sữa x 180ml) và 100 ml bột – bé có vẻ rất thích ăn bột lúc nào cũng đòi thêm nhưng em chỉ cho ăn như vậy thôi( kèm 2 muỗng dầu oliu) ( trộm vía con) Bé sắp 6 tháng, em rất muốn con em có thể sử dụng các loại như sữa chua, phô mai và bánh ăn dặm ( vì bé rất thích cầm bánh bỏ vào miệng cũng là để tập nhai cho con) nhưng mà các chế phẩm này đều làm từ sữa bò. Em thật sự rất lo và buồn vì bé cũng thiệt thòi so với các bé khác nên muốn hỏi các mẹ có con bị dị ứng sữa bò giống em, có kinh nghiệm nào để lại giúp em như các sản phẩm nào thì bé bị dị ứng sữa bò dùng không sao.

Mẹ bé Kem hướng dẫn chăm sóc trẻ dị ứng: Con nhà mình cũng có cơ địa dị ứng (bị viêm da cơ địa dị ứng) nên cũng bị dị ứng sữa bò. Uống sữa công thức từ sữa bò vào là trớ hết ra luôn, rồi người bị nổi mề đay. Hôm vừa rùi mình thử lại cho bé, cho ăn 1 ít sữa chua, có chút xíu bé bằng hạt ngô thôi, bé vừa nuốt vào 1 cái là nôn trớ sạch, nôn hết cả bột ăn trước đó 1,5 giờ. Mình sợ quá lại không dám cho bé thử nữa. Chắc phải đợi đến lúc 1 tuổi mới dám cho bé thử lại.

Thật sự là mình cũng rất đau đầu về vụ sữa cho con. Thương con vì không được hưởng các sản phẩm tốt từ sữa. Vì thế, giờ con mình hơn 7 tháng rồi mà mình vẫn kiên trì cho con bú mẹ và vắt sữa hàng ngày để ở nhà cho con uống. Ăn dặm thì ăn bột mặn ngày 3 bữa có đủ 4 nhóm thực phẩm và ăn thêm hoa quả.

Ngoài ra, con không được ăn gì từ các sản phẩm có chứa sữa cả, thật là 1 sự thiệt thòi lớn cho con. Có lẽ, chúng ta nên nghĩ thoáng hơn bạn ạ, ngày xưa chúng ta cũng được bố mẹ nuôi nấng mà đâu cần sữa, bơ, váng sữa gì đâu. Mà chúng ta vẫn phát triển tốt đấy thôi. Vì vậy, chúng ta phải kiên trì nuôi con cho con khỏe và mau hết dị ứng. Phải cố gắng, kiên trì từng ngày, từng ngày…

Mẹ Thanh Hà: Bé nhà em gần 2 tháng tuổi cũng bị đi tiêu chảy xét nghiệm thấy hồng cầu, đi khám tư, bác sĩ kêu là bị dị ứng sữa bò nên chuyển sang Pregestimil. Nhưng uống sữa này vào mà bé vẫn bị tiêu chảy có chất nhày và bọt. Ngoài ra, bé không bị nổi mề đay. Bé vẫn lên cân đều đều. Trước đây bé uống Similac IQ. VẬy không biết là bé bị gì nữa. Nếu uống hết hộp Pregestimil mà bé không đỡ chắc em phải bế bé vào Nhi Đồng khám thôi . Có chị nào bị trường hợp giống em không ạ?

Mẹ Thu Hương: Con nhà mình cũng bị dị ứng sữa bò. Uống Nan cũng bị nổi nốt. Trước đấy toàn ép cho uống các loại sữa công thức nhưng con khóc và nôn nhiều, lại còi nữa. Mới đây mình mới mua được sữa Aptamil HA 2 cho con. May mà con ăn không khóc. Do sữa Aptamil HA 2 hiếm và đắt nên mình đã mua dự trữ những 8 hộp HA 2 vì sữa này không thấy bán ở VN, mà đặt thì giá cao quá. Hi vọng con sẽ hấp thụ và phát triển tốt.

Hỏi đáp: Cách nhận biết trẻ bị dị ứng sữa

Bé nhà em được 5 tháng tuổi, nặng 7 kg, bú sữa mẹ hoàn toàn. Gần đây em tập cho bé ăn khoảng 20 ml sữa ngoài, một tiếng sau bé ói hết.

Trẻ đi ngoài sau khi đổi sữa có phải do dị ứng / Bé hay trớ là bệnh gì

Bé ói liên tục, có chất màu vàng, còn bị sốt nhẹ và tiêu chảy. Đến Bệnh viện Nhi đồng 2 khám thì bác sĩ khuyên vẫn phải tập cho bé uống sữa cho quen. Sau đó khoảng một tháng em cho bé tập uống lại sữa, dùng loại khác, chỉ pha hai thìa cà phê, thì bé vẫn ói nhiều. Có phải con em bị dị ứng sữa không ạ? (Bích Chi)

Trả lời

Chào bạn,

Hiện tượng dị ứng sữa thường xảy ra trong 3 năm đầu đời. Nếu bị dị ứng sữa, bé thường có các biểu hiện như tiêu chảy, nôn trớ nhiều lần và có thể nôn cả những khi chưa được bú mẹ. Một số bé còn có các biểu hiện như phát ban, quấy khóc liên tục và không nín trong một thời gian dài, hay đánh hơi. Về lâu dài, bé có thể sút cân, chậm lớn và ảnh hưởng đến hệ hô hấp… Trường hợp con bạn đã đi khám và bác sĩ khuyên nên tập cho con ăn nhưng tình tạng vẫn tái diễn thì cũng cần xem xét lại:

– Nếu con bạn quả thực dị ứng với sữa bò, bằng mọi cách bạn cần đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ để có đủ sữa cho con bú mẹ hoàn toàn. Chỉ tính đến ăn sữa công thức khi mẹ không đủ sữa mà thôi. Việc ăn thêm sữa ngoài, có thể chuyển sang bổ sung thêm cho bé sữa đậu nành. Nếu dùng sữa đậu nành con vẫn dị ứng, lúc đó cần sử dụng sản phẩm có thành phần ít gây phản ứng dị ứng. Sau vài tháng, thậm chí có thể tới 12 tháng, bạn mới có thể tập cho bé ăn lại sữa bò nhưng phải rất từ từ để cơ thể bé có thể làm quen và thích ứng dần.

– Ngay cả khi đã xác định không phải bé bị dị ứng sữa bò, bạn nên tập cho bé dùng sữa từ từ. Lúc đầu, bạn có thể cho bé làm quen một đến vài ml sữa, có thể dùng thìa bón cho bé, khi cho ăn, nên đổ sữa vào dưới lưỡi hoặc vào hai bên má. Sau khi con ăn, nên theo dõi và thăm dò thái độ cũng như sự phản ứng của cơ thể bé. Nếu được, những ngày sau bạn mới từ từ tăng số lượng lên. Vì bé đang được bú mẹ, khi chuyển sang thức ăn khác lạ, thời gian đầu bé sẽ phản ứng, nếu mình cho ăn nhiều ngay từ đầu bé sẽ khóc, thậm chí khóc nhiều sẽ dẫn đến hay bi nôn trớ.

Chúc bạn thành công.

Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi – Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội

Hy vọng với bài chia sẻ trên đây, các mẹ sẽ không còn lo lắng khi thấy con bị dị ứng sữa nữa nhé. Sinh con và nuôi con là thiên chức thiêng liêng của người mẹ, amthucvasuckhoe.com luôn đồng hành cùng các mẹ trong quá trình chăm cục cưng của mình một cách tôt nhất.

Leave a Reply