Đừng xem thường khi trẻ hay bị chảy máu cam sau khi ngủ dậy

Chắc có không ít bà mẹ hốt hoảng khi đột ngột thấy con em mình bị chảy máu cam. Chảy máu mũi ở trẻ nhỏ thường không đáng lo ngại lắm, tuy nhiên, tình trạng này kéo dài gây nguy hiểm cho em bé và có thể gây ra thiếu máu, chậm tăng trưởng, phát triển và dẫn đến sự suy yếu của hệ thống miễn dịch.

Nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam:

Mũi là phần đầu của cơ quan hô hấp, có nhiệm vụ lọc, làm ẩm và sưởi ấm không khí trước khi chuyển sâu vào bên trong để thực hiện quá trình hô hấp. Nó còn giữ chức năng lấy oxy và thải khí cacbonic giúp cơ thể duy trì nhịp thở đều đặn. Vì thế, khi mũi bị chấn thương hay gặp các vấn đề rắc rối, dù nhỏ cũng ảnh hưởng tới khả năng hít thở của mỗi người.

Để tìm ra hướng giải quyết, việc đầu tiên ba mẹ nên làm là xác định nguyên nhân chính gây tổn thương mũi ở trẻ, nhằm tìm được biện pháp xử trí phù hợp:

Chấn thương: Mũi là nơi tập trung nhiều mao mạch, vì thế khi vui chơi hoặc đi lại, vô tình trẻ bị chấn thương hay va đập vào phần mũi. Quá trình tác động này sẽ khiến cho các mạnh máu bị vỡ.

Do dị vật: Một số trẻ nhỏ trong quá trình chơi đùa thường vô ý nhét các dị vật là các loại hạt như đậu, lạc, hạt cườm, bi… vào hốc mũi. Các vật này sẽ khiến cho lớp da non bên trong mũi bị tổn thương, xây xước hoặc rách rồi chảy máu.

Nguyên nhân sinh lý: Chứng chảy máu cam diễn ra thường xuyên hơn vào mùa hè. Nhiệt độ của thời tiết làm cho cơ thể trẻ trở nên nóng và sinh nhiệt cao hơn đồng thời xuất hiện các triệu chứng khó chịu trong người. Lúc này, trẻ thường có thói quen lấy tay dụi hoặc cho vào mũi, vô tình làm cho lớp chất nhầy bảo vệ bề mặt niêm mạc mũi bị tổn thương, các mạch máu dần bị vỡ và máu sẽ chảy ra. Dùng thuốc quá nhiều do gặp phải chứng cảm cúm, thương hàn, sốt xuất huyết, tim mạch… cũng khiến trẻ gặp phải tình trạng chảy máu cam.

Một số nguyên nhân khác cũng rất quan trọng liên quan đến tình trạng chảy máu cam của trẻ đó là sự thiếu hụt vitamin C, các bệnh lý di truyền liên quan đến thay đổi trong cấu trúc của thành mạch máu, tình trạng viêm mạch máu…

Trẻ bị chảy máu cam có phải là bệnh lý?

Khi không có tác động gì mà bé chảy máu cam thì phụ huynh cần kiểm tra xem trẻ có bệnh lý gì về máu không, bằng cách cho bé kiểm tra các xét nghiệm huyết học.

Theo BS Duy Long (khoa Huyết học BV Nhi Đồng 1), có rất nhiều trường hợp (nhất là bé trai) hay bị chảy máu cam, khi đã bị thì rất lâu và khó cầm máu, khi đó có thể trẻ mắc bệnh hemophilie hoặc xuất huyết giảm tiểu cầu. Đây là hai bệnh lý về huyết học tương đối thường gặp ở trẻ nhỏ. Cần phải được xét nghiệm để chẩn đoán chính xác và điều trị theo phác đồ phù hợp.

Nguyên nhân bệnh lý thứ hai là tình trạng viêm mũi ở trẻ, hiện tượng này làm cho lớp chất nhầy bảo vệ bề mặt niêm mạc mũi bị thương tổn, vì thế các mạch máu nằm ngay dưới đó và niêm mạc mũi cũng bị trầy xước hoặc rách. Viêm mũi gây kích thích tạo ra các dịch rỉ viêm, gây đau, ngứa ngáy, khó chịu, làm trẻ càng cho tay vào mũi ngoáy, gây chảy máu.

Thêm một nguyên nhân rất nguy hiểm mà phụ huynh thường bỏ qua hoặc xem thường, đó là u xơ vòm mũi họng – một bệnh lý có thể gây tử vong và nhiều tai biến nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh u xơ vòm mũi họng chỉ xảy ra ở trẻ em, thường gặp ở trẻ 6-15 tuổi, phần lớn là bé trai. Triệu chứng ban đầu là chảy máu cam, tái phát nhiều lần, số lượng máu chảy ngày càng nhiều.

Sau một thời gian, nếu không được điều trị, khối u sẽ phát triển lớn và trẻ có thêm nhiều triệu chứng khác như tắc mũi, ù tai. Trường hợp nặng, có thể dẫn đến tử vong. Điều mà các bác sĩ lo ngại nhất ở bệnh này là nguy cơ chảy máu ồ ạt khi đụng vào khối u. Nếu can thiệp không khéo, máu từ khối u sẽ chảy dữ dội, khó cầm lại được. Không ít bệnh nhân đã tử vong trên bàn mổ hoặc trong giai đoạn thay gạc mũi sau phẫu thuật. Khối u càng lớn thì nguy cơ tử vong trong phẫu thuật của bệnh nhân sẽ càng cao.

Nếu được phát hiện sớm khi khối u còn nhỏ, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp phẫu thuật nội soi để cắt bỏ u một cách dễ dàng. Nhưng khi khối u đã lớn, bác sĩ phải cắt xương mặt để tiến vào hốc mũi loại bỏ khối u, điều này vừa gây nguy hiểm vừa ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ cho trẻ.

Vì vậy, khi thấy trẻ em (nhất là các bé trai) có triệu chứng chảy máu cam nhiều lần, lượng máu chảy ngày càng lớn, cha mẹ nên đưa trẻ đến chuyên khoa tai mũi họng để khám và điều trị ngay, tránh để khối u phát triển lớn.

Cách cầm máu cho trẻ

Trước tiên, bạn nên bình tĩnh, dỗ dành bé. Chảy máu cam là dấu hiệu dễ gặp nhưng hiếm khi để lại hậu quả nghiêm trọng.

Bạn nên ôm bé trong lòng và khẽ nghiêng người bé, ngả về phía sau. Tiếp đến, bạn dùng một chiếc khăn sạch, mềm thấm và dịt nhẹ vào lỗ mũi của bé. Có thể giữ động tác này trong vài phút, cho đến khi máu ở mũi bé ngừng chảy. Cùng thời gian này, bạn có thể “gây nhiễu” sự chú ý bằng cách hát cho bé nghe, cho bé xem một cuốn sách hoặc phim hoạt hình (tùy vào độ tuổi của bé).

Tre bi chay mau cam 2

Sau vài phút, bạn thử kiểm tra xem bé còn chảy máu nữa không. Nếu máu còn chảy, bạn có thể dùng một chiếc khăn sạch, mềm khác, tiếp tục dịt vào lỗ mũi bị chảy máu cho bé. Dùng một miếng gạc mát, chườm sống mũi cho bé cũng có tác dụng giúp cầm máu. Nếu các mẹo trên không hiệu quả, bạn nên đưa bé đi khám.

Lưu ý: không nên nghiêng người bé quá mức, không đặt bé nằm ngửa vì máu từ lỗ mũi của bé có thể chảy xuống cổ họng, gây nên vị khó chịu và làm bé bị nôn (trớ).

Cũng không nên dùng bông để cầm máu cam vì khi máu thấm vào bông sẽ làm cục bông tăng thể tích, có thể gây nghẽn ở mũi bé.

Cách ngăn chặn máu

Bạn cũng có thể đặt một vật thể lạnh vào mũi của trẻ. Nó có thể là một chiếc khăn được ngâm trong nước đá hoặc khăn lạnh để giảm lưu thông máu trong mũi và cầm máu.

Sau khi máu mũi ngưng chảy, bạn nên kiểm tra lại nhịp tim và huyết áp của trẻ. Lúc đó nhớ đừng để con của bạn thổi mũi hoặc xì mũi để tránh kích thích trở lại.

Nếu sau 20 phút, máu trong mũi của trẻ vẫn không ngừng chảy, cần phải đưa trẻ đến bác sĩ ngay, tránh để bé mất nhiều máu, xây xẩm.

Ngăn ngừa chứng chảy máu cam

Vì chảy máu mũi có rất nhiều nguyên nhân nên khi trẻ xuất hiện chảy máu mũi nhiều lần phải đưa trẻ đi khám và điều trị tại các cơ sở tai mũi họng, để tìm ra nguyên nhân giúp cho việc xử lý triệt để chảy máu mũi.

Ngoài ra, 2 lần một tuần bạn có thể dùng nước muối sinh lý rửa sạch mũi, không nên rửa nước muối nhiều lần vì cũng làm cho niêm mạc mũi mất đi lớp nhầy bảo vệ và dễ bị tổn thương.

Nếu không khí trong phòng trở nên khô, bạn có thể dùng máy tạo độ ẩm cho bé. Không nên cho bé nhét bất kỳ vật gì vào lỗ mũi. Nếu bé có thói quen ngoáy mũi, bạn nên tìm cách giữ cho đôi tay của bé được bận rộn.

Trao đổi với bác sĩ nếu bạn cho rằng bé mắc dị ứng – yếu tố có thể gây nên chứng chảy máu cam. Bạn cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ về dung dịch muối, để nhỏ mũi và vệ sinh mũi cho bé.

Dấu hiệu phải lo lắng

Thông thường, hiện tượng đổ máu cam ít nguy hiểm. Các bé dễ bị chảy máu cam trong thời tiết mùa đông, khi không khí trở nên khô và cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn hơn. Bạn cũng có thể nhận thấy những vệt máu khô, chảy ra từ mũi của bé vào buổi sáng (do bé chảy máu cam khi ngủ).

Tuy nhiên, nếu bé xuất hiện những dấu hiệu sau, bạn nên đưa bé đi khám:

– Chảy máu cam sau khi bé bị ngã hoặc do bị va đập vào vùng đầu hoặc vùng mũi.
– Bé bị mất khá nhiều máu do chảy máu cam. Ngay khi bạn nhận thấy việc cầm máu cho bé không thành công, bạn nên nhanh chóng đưa bé đi khám.
– Bé dùng một loại thuốc mới; sau đó, bé bị chảy máu cam không ngừng.
– Bé chảy máu cam thường xuyên.
– Vừa chảy máu cam, bé vừa bị chảy máu ở bộ phận khác trên cơ thể (chẳng hạn ở lợi).

Tre bi chay mau cam

Bé chảy máu cam thường xuyên, phải làm sao?

Chào bác sĩ, Con tôi 5 tuổi. Cháu rất hay bị chảy máu cam. Tôi không hiểu tại sao cháu lại bị như vậy, dù tôi vẫn thường xuyên cho cháu uống nước cam hoặc ăn các loại hoa quả giàu vitamin C. Những đợt cháu bị chảy máu cam, tôi có bổ sung thêm rutin vitamin C theo lời khuyên của bác sĩ nhưng sau đó một thời gian hiện tượng này lại tái phát. Mong bác sĩ tư vấn cách chữa trị.

Bác sĩ nhi khoa tư vấn:

Chảy máu cam là hiện tượng mạch máu nhỏ bị vỡ làm máu chảy ra ngoài. Chảy máu cam thường gặp ở trẻ nhỏ và mang yếu tố cơ địa tức là không rõ nguyên nhân ngoại trừ một số trường hợp có bất thường về mạch máu. Mặc dù chảy máu cam làm cha mẹ lo lắng nhưng ít ảnh hưởng đến sức khỏe của bé do lượng máu mất rất ít và máu tự cầm.
Chảy máu cam có thể tự phát nếu niêm mạc mũi bị khô, đóng vảy và bị rách, nhất là vào lúc khí hậu khô hanh, mùa đông… Do vậy, để hạn chế chảy máu cam ở trẻ, nhất là vào mùa hanh khô, bạn có thể nhỏ nước muối sinh lý hằng ngày cho cháu, vừa có tác dụng làm ẩm niêm mạc mũi, vừa có tác dụng rửa sạch các chất bụi bẩn và vi khuẩn giúp bé thở tốt hơn. Bên cạnh đó việc bổ sung các vitamin, đặc biệt là vitamin C như bạn đã làm là rất cần thiết, làm chắc thành mạch và tăng miễn dịch cho cơ thể bé.

Khi trẻ bị chảy máu cam cho trẻ cúi đầu về phía trước hoặc nằm xuống nghiêng đầu về một bên, dùng ngón cái và ngón trỏ bóp ép nhẹ 2 cánh mũi, giữ như vậy trong 5 phút. Tránh để trẻ ngửa đầu ra sau lúc đang chảy máu cam, vì như vậy khiến máu chảy xuống phía sau hốc mũi vào dạ dày có thể gây khó chịu và buồn nôn. Sau khi máu ngưng chảy, bạn cần chú ý nhắc nhở con không được ngoáy mũi, không xì mũi mạnh để tránh kích thích trở lại. Chảy máu cam không có thuốc điều trị đặc hiệu, khi trẻ lớn dần hiện tượng này sẽ giảm và tự khỏi.

Hỏi: Thưa bác sĩ, gần được một năm rồi, cứ lâu lâu bé nhà em lại chảy máu mũi mà không rõ nguyên nhân. Có nhiều khi vừa chảy xong hết thì một lúc sau lại chảy tiếp và gần đây nhất bé còn bị chảy máu mũi nhiều hơn, thậm chí là trong lúc ngủ. Em thấy khá lo lắng về sức khỏe của bé. Liệu có vấn đề gì không thưa bác sĩ? Hi vọng bác sĩ có thể giúp em! Em xin cảm ơn. (leeh…@yahoo.com)

Trả lời:

Chào em,

Nếu thường xuyên bị chảy máu cam chứng tỏ sức khỏe bé đang có vấn đề nghiêm trọng. Thông thường chảy máu mũi là do một số nguyên nhân chính sau đây:

1. Viêm mũi dị ứng: Do phản ứng của cơ thể khi bị dị ứng mà các mô dọc theo mũi bị sưng lên. Lúc này các mao mạch giãn ra và đôi khi bị vỡ gây chảy máu. Máu có thể chảy ra thành những vệt nhỏ bất cứ khi nào xì mũi hoặc hắt hơi.

Em nên đi kiểm tra nguy cơ dị ứng của mình để biết mình có thể bị dị ứng với những điều gì để có biện pháp phòng ngừa thích hợp, ví dụ như uống thuốc chống dị ứng hoặc chống sung huyết.

2. Khí hậu khô khắc nghiệt: Điều này thường gặp ở những bệnh nhân có độ lệch vách ngăn vì luồng không khí khi “đi” qua một diện tích hẹp trong mũi sẽ nhanh hơn và làm cho mũi khô hơn. Điều này gây ra sự kích thích, tiếp theo là hắt hơi và làm chảy máu mũi.

3. Thường xuyên hắt hơi: Hắt hơi nhiều cũng là nguyên nhân gây loét các lớp lót của vách ngăn (phân vùng trung tâm giữa hai lỗ mũi) và điều này dễ gây chảy máu.

Trẻ em bị chảy máu mũi thường là do các mạch máu trên mặt trước của vách ngăn mũi bị vỡ, loét mà nguyên nhân chủ yếu là do cảm lạnh hoặc hắt hơi. Điều này có thể được kiểm soát được bằng cách giúp trẻ hạn chế hắt hơi nhờ giữ cho mũi không bị khô (có thể bôi trơn cho mũi bằng các loại dầu như dầu dừa hoặc dầu ôliu).

4. Ngoáy mũi: Ngoáy mũi là một việc làm tưởng không có hại gì nhưng thực tế lại có thể làm rụng lông mũi, tổn thương niêm mạc, vỡ mạch máu và gây chảy máu. Ngoài ra, ngoáy mũi nhiều cũng dễ làm nhiễm khuẩn mũi. Thói quen ngoáy mũi nên từ bỏ vì có thể sẽ làm suy yếu chức năng bảo vệ khoang mũi, gây chảy máu mũi nhiều hơn.

5. Nhiễm trùng xoang hoặc có khối u: Ở người lớn, trường hợp chảy máu mũi mà máu có màu đậm hoặc mùi hôi thì rất có thể đó là biểu hiện một nhiễm trùng xoang hoặc khối u trong mũi. Nếu có dấu hiệu này, người bệnh cần đi kiểm tra bằng cách nội soi và chụp CT.

Nhiễm trùng xoang hoặc khối u trong mũi nếu không được điều trị có thể dẫn đến ung thư mũi xoang. Ung thư mũi xoang có thể xuất hiện các dấu hiệu như: nghẹt mũi liên tục, đặc biệt là ở một bên; đau ở trán, mũi, má hoặc xung quanh mắt hoặc tai; chảy dịch qua cửa mũi sau xuống họng; chảy máu cam thường xuyên và liên tục; mất cảm giác về mùi hoặc hương vị; đau hoặc tê ở mặt hoặc răng; sưng nề vùng mặt, vòm miệng, mũi hoặc cổ; chảy nước mắt; khó mở miệng; tái phát nhiễm khuẩn tai; khó khăn trong việc nghe…

6. Tăng huyết áp: Tăng huyết áp là nguyên nhân thường xuyên chảy máu cam ở người lớn tuổi. Khi huyết áp tăng dẫn đến áp lực thành mạch tăng, có thể nứt vỡ thành mạch, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như chảy máu mũi, xuất huyết não, suy tim, bóc tách thành động mạch chủ, xuất huyết đáy mắt gây mù vĩnh viễn…

7. Thay đổi sinh lý: Trường hợp thay đổi sinh lý dẫn đến chảy máu mũi thường gặp ở phụ nữ mang thai, nhất là những người bị cao huyết áp khi mang thai. Trong trường hợp này, thai phụ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa để biết cách đối phó và trị bệnh.

Nếu mũi thường xuyên bị chảy máu do những nguyên nhân thông thường như kích thích, dị ứng… thì tốt nhất nên khắc phục và hạn chế tình trạng này bằng cách:

– Tránh các chất độc hại hoặc các chất kích thích tác động vào mũi.

– Sử dụng khẩu trang sạch khi ra ngoài trời.

– Tránh ngoáy mũi.

– Rửa mặt bằng nước lạnh và massage làm sạch mũi để cải thiện lưu thông mũi.

– Không cắt hết lông mũi để đảm bảo chức năng bảo vệ khoang mũi.

– Xì mũi đúng cách.

Trường hợp của bé nhà em có thể đã gần thành mãn tính. Bé đã gặp phải triệu chứng chảy máu mũi gần một năm rồi mà lại không đi khám và kiểm tra sức khỏe như thế là hết sức chủ quan. Bác sĩ khuyên em nên đưa bé ngay lập tức nên đến Bệnh viện Tai Mũi Họng hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để thăm khám em nhé.

Chúc bé sớm khỏi bệnh và luôn khỏe mạnh!

5 bài thuốc chữa chảy máu cam

Chảy máu cam là chứng thường gặp, thường không có dấu hiệu gì báo trước, cũng không kể về thời gian. Có khi trẻ em đang nô đùa cũng chảy máu cam, có khi đêm ngủ máu cam ra lúc nào cũng không hay… Nếu bị chảy với lượng ít, số lần bị ít, thì ảnh hưởng cũng không lớn. Song nhiều trẻ do việc chăm sóc và quan tâm của gia đình không chu đáo, hiện tượng chảy máu cam sẽ xuất hiện nhiều lần, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đến việc học tập của các cháu.

YHCT cho rằng, chảy máu cam là do nguyên nhân “huyết nhiệt” gây ra “huyết nhiệt sinh phong”, tức cơ thể ở trạng thái nhiệt sẽ làm cho “bức huyết vong hành”, tức là gây xuất huyết; mà trong trường hợp này là xuất huyết ở mũi. Do vậy mà YHCT thường sử dụng các vị thuốc và phương thuốc mang tính lương huyết, chỉ huyết, kèm với bổ huyết để điều trị chứng bệnh này.

Một số bài thuốc thường dùng

Khi bị chảy máu cam, trước hết lấy ngón tay trỏ và ngón tay cái, ấn vào chỗ phía trên cánh mũi, hơi ngửa cổ về phía sau. Đồng thời lấy một ít tóc rối, tên vị thuốc là “loạn phát”, loạn là “rối”, “phát” là tóc. Trường hợp không có tóc rối có thể cắt ngay một nhúm tóc cũng được. Đem tóc đốt cháy thành than, vò cho thành bột mịn, rồi đặt ngay vào bên lỗ mũi bị chảy máu, hít sâu vào trong, máu sẽ ngừng chảy ngay.

Sau đó hãy dùng các bài thuốc sau đây.

Bài 1: Ngó sen tươi 40 g, móng giò lợn 1 cái. Ninh nhừ, ngày ăn một lần. Cách 2 ngày ăn lại. Làm liền như vậy 2 tuần lễ, là được. Cách này rất dễ làm, và tiện cho các trẻ nhỏ.

Bài 2: Lá sen tươi 50 g, hoặc 20 g khô. Sắc uống. Để tăng tác dụng, cần đem lá sen sao cháy.

Bài 3: Lá cây huyết dụ 12 – 16 g, cỏ nhọ nồi, lá trắc bách diệp, đồng lượng, sao đen, sắc uống, ngày một thang, 2 lần, uống sau bữa ăn 1 giờ 30 phút. Uống liền hai tuần lễ.

Bài 4: Hoa hòe (sao cháy) 12g, trắc bách diệp (sao cháy) 12g, kinh giới tuệ (sao cháy) 12g, chỉ xác (sao vàng xém cạnh) 12g. Dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang, chia 2 lần uống, sau bữa ăn 1 giờ 30 phút. Uống liền 2 tuần lễ.

Bài 5: Thục địa 16g, trạch tả 6g, hoài sơn 8g, bạch linh 6g, sơn thù du 8g, mẫu đơn bì 6g.
Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang, chia 3 lần uống sau bữa ăn khoảng 1 giờ 30 phút. Uống liền 3 tuần lễ. Cũng có thể làm dưới dạng viên hoàn với mật ong, ngày uống 2 lần, mỗi lần 9g. Phương này thích hợp cho những trường hợp cơ thể bị huyết nhiệt, do chứng âm hư hỏa vượng, chứng chảy máu cam, nhiều lần, cơ thể gầy và xanh…

Ngoài việc dùng thuốc YHCT ra, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhất là cần bổ sung thêm thường xuyên các loại rau quả tươi, chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin C. Trong trường hợp cần thiết nên kết hợp uống thêm vitamin C và hoa hòe sao đen hàng ngày, dưới dạng chè hãm. Vì trong hoa hòe chứa rutin, một chất có hoạt tính vitamin P, có tác dụng làm giảm tính thấm của thành mạch, làm tăng sự bền vững của hồng cầu, làm giảm trương lực cơ trơn, chống co thắt.

Do đó, nó là thành phần hữu hiệu để đề phòng những biến cố của bệnh xơ vữa động mạch và suy yếu tĩnh mạch, gây chảy máu cam, ho ra máu và các chứng xuất huyết khác.

(GS. TS. Phạm Xuân Sinh, Sức khỏe đời sống)

Leave a Reply