Giải đáp thắc mắc trẻ bị ho, viêm phổi nên ăn và không nên ăn gì

Blog Mẹ Xuka xin chia sẻ những giải đáp, tư vấn của các bác sĩ nhi chuyên khoa II – Bệnh viện nhi đồng 2 về các thắc mắc chung của các Mẹ có trẻ bị viêm phổi: khi trẻ bị viêm phổi nên ăn gì? Trẻ bị viêm phổi cần kiêng những thức ăn nào? Trẻ bị viêm phổi có nên nằm phòng điều hòa hay không? Trẻ bị viêm phổi có được tắm không? Các Mẹ cùng theo dõi với Mẹ Xuka nhé.

TRIỆU CHỨNG BỆNH VIÊM PHỔI THƯỜNG GẶP Ở TRẺ NHỎ

– Sốt, trẻ sơ sinh xuất hiện hạ thân nhiệt, mệt mỏi, ăn kém, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, ho, ho khan hoặc có đờm xanh, khó thở.

– Nhịp thở nhanh so với lứa tuổi. Đây được coi là dấu hiệu chính và xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi:

  • Dưới 2 tháng: ≥ 60 lần/phút
  • Từ 2 tháng đến 12 tháng: ≥ 50lần/phút
  • Từ 1-5 tuổi: ≥ 40lần/phút
  • Từ 5 tuổi trở lên: > 30 lần/phút

– Co rút lõm ngực, cánh mũi phập phồng, bác sĩ khám thấy ran bệnh lý ở phổi.

– Chụp phim có hình ảnh tổn thương phổi trên X-quang.

– Xét nghiệm có bạch cầu trong máu tăng, CRP tăng (CRP là một glycoprotein được gan sản xuất, bình thường không thấy protein này trong máu).

TRẺ BỊ VIÊM PHỔI CẦN KIÊNG NHỮNG THỨC ĂN GÌ?

Để trẻ bị viêm phổi nhanh khỏi và tránh các biến chứng, bố mẹ cần chú ý đến những cấm kỵ trong ăn uống dưới đây:

Thực phẩm lạnh không tốt cho trẻ khi bị viêm phổi

Khi trẻ bị viêm phổi không nên cho bé ăn đồ lạnh hoặc uống các loại đồ uống đông lạnh. Theo quan niệm Đông y, khi cơ thể bị nhiễm lạnh sẽ gây tổn thương cho phổi. Lúc này nếu ăn uống các thực phẩm lạnh dễ gây ra tắc khí ở phổi, khiến các triệu chứng càng nặng thêm. Đồng thời, các chứng viêm ít nhiều cũng có quan hệ đến tì. Nếu ăn uống quá nhiều thực phẩm lạnh, cũng có thể gây tổn thương tì vị, khiến chức năng tì bị suy giảm.

Thực phẩm ngọt, vị đậm

Theo Đông y, viêm phổi phần lớn do phổi bị nhiệt gây ra. Hàng ngày nếu trẻ ăn quá nhiều các thực phẩm béo, ngọt, vị đậm sẽ khiến cơ thể bị bốc hoả, làm triệu chứng viêm nặng hơn.

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng ăn quýt có thể chữa ho, long đờm. Tuy vỏ quýt có công hiệu trị ho, long đờm, nhưng thịt quýt lại khiến cơ thể sinh nhiệt, sản sinh ra nhiều dịch đờm hơn.

Thực phẩm chiên, rán

Khi trẻ em bị viêm phổi, chức năng tiêu hóa yếu và các loại thực phẩm chiên cung cấp nhiều chất béo tạo nên gánh nặng cho hệ tiêu hóa, sinh nhiều đờm làm tình trạng ho của trẻ ngày càng trầm trọng.

Cá, cua cần kiêng kị cho trẻ bị viêm phổi

Nếu cho bé ăn các thực phẩm này khi đang bị ho do viêm phổi, bệnh sẽ càng nặng hơn. Việc này có liên quan đến tính kích thích của vị tanh với hệ hô hấp và do trẻ bị dị ứng với chất protein trong tôm cá.

Đậu phộng, hạt dưa, sô cô la

Đây là nhóm thực phẩm chứa dầu có thể làm tăng lượng đờm khi ăn chúng. Do vậy, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm này khi trẻ bị viêm phổi.

Thực phẩm bồi bổ

Không ít bậc phụ huynh cho các bé cơ thể bị suy nhược dùng thực phẩm chức năng có tác dụng bồi bổ. Tuy nhiên khi trẻ bị viêm phổi, nên dừng việc sử dụng các thực phẩm này để tránh khiến bệnh viêm phổi khó chữa trị hơn.

Phương pháp cho trẻ ăn

Trẻ ho nhiều do viêm phổi có thể ói ra thức ăn vừa mới ăn xong kèm theo nhiều đờm nhớt, vì thế trước khi cho trẻ ăn nên cho uống vài muỗng nước, sau đó cho trẻ nằm sấp rồi vỗ về lưng trẻ nhằm giúp đờm nhớp không còn đọng ở cổ trẻ. Điều này giúp trẻ đỡ ho và ăn bớt ói.

Thức ăn có nhiều nước giúp làm loãng đờm nhớt ở trẻ, không bị kích thích ho nhiều. Nên chia bữa ăn ra làm nhiều lần.

Lúc bình thường, trẻ có thể ăn 6 lần/ngày (kể cả bữa bột và bữa sữa) nhưng lúc trẻ ho có thể tăng từ 8-10 lần/ngày, mỗi lần ăn một ít, đo đó có thể cách khoảng 2 giờ cho trẻ ăn 1 lần.

TỔNG HỢP CÁC MÓN ĂN GIÀU DINH DƯỠNG CHO TRẺ BỊ VIÊM PHỔI.

TRẺ BỊ VIÊM PHỔI NÊN ĂN GÌ? luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các Mẹ đang có trẻ bị viêm phổi.

Đối với những trẻ còn nhỏ, nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Chế độ ăn của người mẹ khi đó nên chú ý đầy đủ chất dinh dưỡng cả bốn nhóm: chất đạm, đường, chất béo và các vitamin.

Với những trẻ lớn hơn đã có thể ăn bột, cháo, cơm thì nên ăn thức ăn loãng, uống nhiều nước sẽ giúp làm loãng đờm, dịu họng, giảm ho. Các món ăn chế biến cho trẻ cần phải đủ chất dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch, chống lại tác nhân gây bệnh. Một chế độ ăn cân bằng, giàu dưỡng chất và luôn bổ sung nước sẽ đảm bảo sự phục hồi bình thường của cơ thể trẻ nhanh chóng. Trong đó trái cây và rau quả là nguồn cung cấp hàng đầu các chất vitamin và các chất kháng khuẩn tự nhiên, giúp cơ thể phòng tránh các bệnh lây nhiễm.

Các loại bột từ ngũ cốc nguyên hạt cũng cung cấp dồi dào các vitamin nhóm B, Selen … hỗ trợ tăng cường chức năng của hệ miễn dịch. Cha mẹ có thể nấu cháo cho trẻ từ những nguồn nguyên liệu này. Sau đây, Blog Mẹ Xuka xin giới thiệu một số món ăn cho từng giai đoạn bệnh của trẻ bị viêm phổi được tư vấn bởi Lương y Đinh Công Bảy – Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM

I. Giai đoạn khởi phát: từ 1 đến 2 ngày

Triệu chứng thường gặp: sốt, sợ lạnh, ra ít mồ hôi hoặc không ra mồ hôi, nhức đầu, ho, đàm ít, miệng khô khát, hơi thở ngắn, gấp, ngực đau, rêu lưỡi trắng mỏng, lưỡi đỏ.

Trong giai đoạn này, nên thường xuyên dùng các loại thực phẩm có tác dụng phát tán phong nhiệt, làm ra mồ hôi, giải độc như kinh giới, bạc hà, húng chanh, húng quế, lá xương sông, hành tươi, khế, lê, cần tây, chanh…

1/ Cháo thịt gà hoặc súp gà ngô non

Chất đạm luôn đóng vai trò rất quan trọng để cơ thể phát triển và còn giúp hồi phục các mô của hệ miễn dịch. Thịt gà rất giàu protein và thích hợp với tất cả mọi người. Theo như các nghiên cứu từ các nhà khoa học Mỹ, súp gà có thể giúp cải thiện độ ẩm và cân bằng dinh dưỡng khi cơ thể đang bị nhiễm trùng đường hô hấp. Súp gà có thể hỗ trợ làm giảm tình trạng viêm và giúp cơ thể người bệnh mau hồi phục. Các mẹ nấu súp gà hoặc cháo gà cho con có thể thêm chút rau cải cắt (băm- xay nhuyễn) để tăng cường vitamin cho các trẻ.

2/ Cháo gạo lứt, thịt nạc, rau chân vịt (bó xôi) và cần tây

Gạo lứt 80 g, rau chân vịt 250 g, rau cần tây 250 g. Rau chân vịt, rau cần rửa sạch, cắt khúc, gạo vo sạch.

Các mẹ dùng gạo lứt nấu thành cháo; thịt nạc, rau bó xôi và rau cần băm hoặc xay và cho vào khi gạo đã được nấu thành cháo, đun và khuấy đều thêm 10 phút cho thịt chín là được. Đây là món ăn giàu vitamin và dinh dưỡng cho trẻ. Không chỉ khi bị ốm cần tăng cường sức đề kháng mà các mẹ hoàn toàn có thể nấu món này thường xuyên cho trẻ.

3/ Cháo tôm, vỏ quýt

Vỏ quýt thái thành sợi nhỏ, cho nước vào nồi đun sôi rồi cho vỏ quýt vào đun sôi thêm 5 phút. Sau đó cho gạo vào nấu thành cháo. Tôm nõn bóc vỏ rồi băm hoặc xay cho vào nồi cháo sôi 10 phút là được. Món cháo này không chỉ bổ dưỡng mà có tác dụng rất tốt với những trẻ đang bị ho, sổ mũi v.v.v

4/ Cháo bạc hà

Bạc hà khô 15 g (tươi 30 g), gạo 100 g, đường phèn vừa đủ.

Trước tiên nấu bạc hà để lấy nước, bỏ bã (nấu khoảng 2 phút, không nấu lâu). Gạo vo sạch, nấu với lượng nước vừa đủ thành cháo, chờ khi cháo chín, nêm đường phèn và nước thuốc bạc hà, nấu lại cho sôi gấp là được.

Dùng ăn khi còn ấm, chia mỗi ngày ăn 2 lần.

5/ Cháo sung

Sung chín tươi 50-100 g, gạo tẻ 50-100 g.

Sung rửa sạch, gọt bỏ vỏ. Gạo vo sạch, để ráo. Hai thứ đem nấu với lượng nước thích hợp thành cháo. Chia ăn hai lần trong ngày. Có thể cho thêm ít nho khô hoặc đường phèn cho dễ ăn.

6/ Canh thịt heo, cần tây, nấm hương

Thịt heo nạc 100 g, cần tây 100 g, nấm hương 30 g, gừng 5 g, tỏi 10 g, hành 10 g, dầu mè lượng thích hợp, muối một ít.

Thịt heo rửa sạch, cắt miếng; cần tây rửa sạch, cắt khúc; nấm hương lựa sơ, bỏ cuống, cắt làm 2, rửa sạch; gừng cắt lát, hành cắt đoạn, tỏi bỏ vỏ, cắt lát. Để nồi nóng đổ dầu vào, chờ dầu nóng bỏ gừng, hành vào khử cho thơm, bỏ thịt heo vào xào sơ. Sau đó cho tất cả vào nấu thành canh với lửa nhỏ chừng 35 phút là được. Mỗi ngày ăn 1 lần.

II. Giai đoạn toàn phát

Thường có các triệu chứng: sốt cao, không ra mồ hôi, ho ra đờm vàng, hoặc có dính máu, miệng khô khát, khó thở, cánh mũi phập phồng, đau ngực nhiều hơn, rêu lưỡi vàng khô, chất lưỡi hồng.

Trong giai đoạn này, thường xuyên dùng các loại thực phẩm có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, trừ đàm, giải độc, làm ra mồ hôi, như: diếp cá, bí đao, rễ tranh, rễ mía lau, kim ngân hoa, bách hợp, ngân nhĩ, lê, mạch môn (củ lan tiên)…

Một số món ăn nên dùng

1/ Nấm mộc nhĩ trắng (ngân nhĩ) xào tỏi

Ngân nhĩ có công dụng trừ đàm, giải độc, tốt cho bệnh nhân viêm phổi. Ảnh: biologypop

Nấm mộc nhĩ trắng 40 g, tỏi 15 g, gừng 5 g, dầu mè lượng thích hợp.

Nấm ngâm nước, bỏ rễ, xé thành sợi; tỏi bỏ vỏ, cắt lát, gừng cắt lát, hành cắt khúc. Để nồi nóng đổ dầu vào, chờ dầu nóng bỏ tỏi, gừng, hành vào khử cho thơm, cho nấm vào xào chín là được. Khi dùng rắc ít tiêu xay. Mỗi ngày ăn 1 lần.

2/ Cháo ngân nhĩ

Gạo tẻ 100 g, nấm ngân nhĩ 3 cái, táo đỏ 12 trái, đường phèn 50 g.

Gạo vo sạch để ráo nước. Ngân nhĩ ngâm nước cho mềm, cắt bỏ cuống, cắt vụn. Cho 1 lít nước vào nồi nấu sôi; cho gạo, ngân nhĩ, táo đỏ vào, dùng lửa nhỏ nấu trong vòng 30 phút, cho đường phèn vào nấu tan là được.

3/ Cháo gạo lứt, nấm ngân nhĩ

Gạo lứt 80 g, nấm ngân nhĩ 10 g.

Nấm ngâm nước, bỏ rễ, xé thành sợi, gạo vo sạch. Bỏ tất cả vào nồi, với một lượng nước thích hợp, nấu thành cháo chín nhừ là được. Mỗi ngày ăn 1 lần, dùng vào bữa sáng.

4/ Cháo lê, ngân nhĩ

Ảnh: revitalash

Nấm ngân nhĩ 25 g, lê 1 trái, gạo tẻ 100 g, đường phèn 20 g.

Nấm ngâm nước, bỏ rễ, xé thành sợi. Cho ngân nhĩ nấu với nước sạch đến khi gần nhừ, cho gạo vào nấu tiếp đến khi thành cháo, cho đường phèn vừa ăn, khuấy đều.

Chia ăn 2 lần trong ngày.

5/ Canh ngân nhĩ, trứng chim cút

Nấm ngân nhĩ 50 g, trứng chim cút 20 quả, đường phèn 250 g.

Nấm ngâm nước, bỏ rễ, xé thành sợi. Nấu ngân nhĩ cho chín nhuyễn, cho đường phèn vào, đảo đều và loại bỏ váng bã, cho trứng chim câu đã được bỏ vỏ, khuấy đều và đun cho sôi đều là được. Dùng cho các trường hợp ho khan, táo bón.

6/ Canh lê, đường phèn

Lê 2 trái rửa sạch, bỏ hạt, giã nhỏ, cho 50 g đường phèn vào trong, đem hấp cách thủy đến khi tan đường là được. Dùng ăn 2-3 lần trong ngày. Tác dụng thanh nhiệt, trừ đàm, giảm ho.

Hoặc lấy 1,5 kg lê, rửa sạch, bỏ hạt, ninh thành cao, cho mật ong với lượng vừa phải vào trộn đều. Mỗi lần lấy ra 2 – 3 muỗng cà phê hòa nước sôi để uống. Tác dụng nhuận phế, sinh tân dịch, tan đàm.

7/ Cháo tôm sú, rau hẹ (hoặc hoa hẹ) 

Tôm sú 100 g, rau hẹ 50 g, hành tím 5 củ, hạt tiêu sọ 10 g, gạo tẻ 50 g, gia vị các loại.

Tôm làm sạch, ướp gia vị. Rau hẹ và hành rửa sạch, xắt nhỏ. Nấu gạo tẻ thành cháo. Khi cháo chín, cho tôm vào, đảo đều rồi cho hẹ, hành vào, quậy đều và nêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng

Canh hẹ nấu với thịt hoặc với đậu hủ non ăn rất mát có thể chữa được các chứng rôm sảy, mụn nhọt, nóng bứt rứt trong người, cảm cúm, ho hen, sốt, cơ thể nhiễm độc, chảy máu cam do huyết nhiệt.

III. Giai đoạn nhiễm độc

Thường có các triệu chứng: sốt cao, vào buổi tối bệnh càng nặng thêm, miệng khô khát nhiều, người vật vã, hơi thở nhanh, gấp, đàm khò khè, ho đờm ra máu, tay chân co giật, có khi mê sảng, môi khô, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô.

Trong giai đoạn này, ngoài việc dùng thuốc để chữa trị, nên cho người bệnh ăn những món ăn loãng, uống nhiều nước, dùng các thực phẩm có vị ngọt, tính mát, tác dụng lương huyết (làm mát máu), dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận phế, trừ đàm, giải độc, như: diếp ca, bí đao, rễ tranh, rễ mía lau, kim ngân hoa, bách hợp, ngân nhĩ, lê, củ sen, mạch môn (củ lan tiên), thiên môn (củ tóc tiên), sinh địa, sứa biển,

Một số món ăn nên dùng

1/ Cháo lê

Cách làm: Gạo tẻ 80 g vo sạch, để ráo nước; lê 1 trái rửa sạch, bỏ hạt, bỏ cuống, xắt hạt lựu.

Cho 1 lít nước vào nồi nấu sôi; cho gạo trắng, lê vào, tiếp tục nấu sôi trở lại, khuấy đều, vặn nhỏ lửa nấu 30 phút là được. Có thể thêm ít đường phèn để ăn. Chia 2 lần ăn vào lúc đói bụng.

2/ Canh sứa, củ năng

Sứa 30-50 g, củ năng (hoặc cà rốt) 30-50 g, gia vị các loại.

Sứa rửa sạch, cắt đôi. Củ năng gọt vỏ, rửa sạch, cắt làm 4. Cho vào nồi đất hoặc nồi thủy tinh, nấu thành canh. Nêm gia vị vừa ăn, để ăn vào lúc đói bụng.

Món này rất tốt cho người bị viêm phổi, giãn phế quản, ho nhiều đờm.

3/ Canh bí đao nấu tôm

Bí đao (hoặc bí xanh) 400 g, tôm đất 200 g, hành tím, hành lá, rau ngò, gia vị: nước mắm, tiêu, dầu ăn, bột ngọt hoặc bột nêm.

Bí đao gọt vỏ, bỏ ruột, cắt miếng dày chừng 3-4 cm. Tôm bóc vỏ, bỏ đầu (con lớn có thể cắt đôi). Hành lá, rau ngò rửa sạch, cắt nhỏ. Hành tím giã dập, băm nhỏ. Ướp tôm với hành tím, ít tiêu, bột ngọt, và nước mắm.

Bắc chảo lên bếp, chảo nóng thì cho dầu ăn vào, dầu nóng thì cho hành tím vào phi thơm, cho tôm đã ướp vào xào qua. Nêm một ít nước lạnh rồi đổ tôm vào một tô để riêng. Đổ nước vào nồi, nêm chút gia vị. Đợi nước sôi, thả bí đao vào. Chờ bí sôi lại lần nữa rồi đổ phần tôm đã xào vào canh. Nêm lại vừa ăn, bắc nồi xuống, múc ra tô, rắc hành ngò xắt nhỏ lên trên.

4/ Canh bí đao, nấm hương

Bí đao (hoặc bí xanh) 300 g, nấm hương 10 g, gừng tươi, hành lá, dầu ăn, muối, bột ngọt, đường, bột đao, nước dùng (rau, củ, quả).

Bí đao gọt bỏ vỏ, bỏ ruột, cắt miếng dày chừng 3-4 cm. Nấm hương ngâm nước cho mềm, bỏ cuống, cắt 4; gừng rửa sạch, xắt sợi; hành lá rửa sạch, cắt khúc ngắn.

Cho chảo dầu lên bếp, khi dầu sôi cho thêm gừng tươi, nấm hương vào xào thơm. Cho nước dùng vào nấu sôi, nêm muối, đường rồi cho bí xanh vào. Đun sôi lửa nhỏ đến khi bí chín nhừ, nêm bột ngọt, múc ra tô, rắc hành lên trên.

Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng.

5/ Bí đao hầm hạt sen, nấm hương, táo tàu

Bí đao 300 g, hạt sen 80 g, nấm hương 10 cái, táo tàu 10 trái, gừng tươi 10 g, muối, bột nêm, dầu mè, mỗi thứ 1 muỗng cà phê, nước dùng (rau, củ, quả) khoảng 1 lít.

Bí đao gọt vỏ, bỏ ruột, rửa sạch, cắt miếng dày chừng 3-4 cm. Hạt sen ngâm nước nóng cho mềm. Bắc nồi lên bếp, cho ít dầu vào đun nóng, cho gừng vào phi vàng thơm rối cho tiếp nấm hương, hạt sen, nước dùng vào, nấu khoảng 30 phút. Nêm muối, bột nêm, sau cùng cho bí đao và táo tàu vào. Nấu sôi thêm khoảng 10 phút cho bí đao chín mềm là được. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng.

6/ Canh rong biển, thịt heo

Rong biển 50 g, thịt heo nạc 100 g, giò sống 100 g, cà rốt 1 củ nhỏ, táo tàu 10 trái, nấm hương 50 g, hành củ, muối, tiêu, bột ngọt, dầu mè

Nấm đông cô ngâm nước, rửa sạh, cắt bỏ cuống, cắt 4; táo tàu ngâm nước, rửa sạch, bỏ hột. Cà rốt, gọt vỏ, rửa sạch, cắt lát mỏng, tỉa hoa. Rong biển ngâm nước, rửa sạch, cắt nhỏ, để ráo.

Thịt heo bằm nhuyễn, trộn chung giò sống, rong biển, tiêu, muối, bột ngọt, dầu mè, củ hành băm. Vo hỗn hợp thành từng viên. Bắc nồi nóng, phi hành thơm rồi xào sơ cà rốt, sau đó chế nước dùng vào, nấu sôi thì bỏ nấm và táo tàu. Ðợi nước sôi thì cho từng viên hỗn hợp vào nồi. Nấu chín lại là được. Múc ra tô, rắc hành, ngò, tiêu, dùng ăn nóng.

Kẽm đặc biệt có lợi cho trẻ bị viêm phổi

 

trẻ bị viêm phổi nên uống bổ sung kẽm

trẻ bị viêm phổi nên uống bổ sung kẽm

 

Đối với trẻ nhỏ bị viêm phổi cấp, kẽm có khả năng đẩy nhanh quá trình hồi phục. Theo các nhà khoa học Bangladesh, vi chất này rất hiệu quả trong việc làm giảm sưng viêm và tắc nghẽn đường hô hấp.

Bệnh viêm phổi là kẻ thù số một của trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh thấp cân hoặc có hệ miễn dịch non yếu do bị suy dinh dưỡng hoặc bệnh tật. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 2 triệu em chết vì viêm phổi, phần lớn tập trung ở các nước đang phát triển. Tổ chức Liên Hợp Quốc đã đặt ra mục tiêu cắt giảm 2/3 số trẻ tử vong trong giai đoạn 1990-2015, trong đó ưu tiên hàng đầu là số nạn nhân viêm phổi.

Trong một nghiên cứu nhỏ, các bác sĩ thuộc Trung tâm nghiên cứu Dân số và Sức khỏe Bangladesh tình cờ phát hiện ra tác dụng của kẽm đối với khả năng phục hồi của trẻ bị viêm phổi. Trong gần 300 trẻ bệnh 2-23 tháng tuổi, nhóm ngẫu nhiên cho một số em uống 20 mg kẽm mỗi ngày, số khác dùng giả dược kèm theo các loại thuốc kháng sinh truyền thống. Kết quả cho thấy, những em được bổ sung kẽm đã khỏi bệnh nhanh hơn 1 ngày so với nhóm dùng giả dược. Đồng thời, số trẻ dùng kẽm phần lớn được xuất viện sớm hơn 1 ngày. Vì sao có hiện tượng này? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có lời giải. Song theo phán đoán của nhóm nghiên cứu, kẽm có thể đã thúc đẩy khả năng hồi phục của trẻ bằng cách khống chế tình trạng sưng viêm và tắc nghẽn trong đường thở.

Hy vọng với bài viết này, các Mẹ sẽ có thêm nhiều lựa chọn để làm những món cháo ngon và đầy dinh dưỡng cho bé yêu của mình nhé. Chúc các con luôn khỏe mạnh !

3 Comments
Leave a Reply