Kỹ năng sơ cứu khi trẻ bị ngã dập môi, rách môi

Trẻ con thì rất hiếu động, chỉ cần chút lơ là mà ba mẹ không để ý là bé đã có thể bị ngã và chịu những vết thương từ nặng tới nhẹ, thường thấy nhất là trẻ hay bị ngã dập môi, cắn phải lưỡi, sưng mặt, gãy răng … Dưới đây là những điều mẹ cần biết để ngăn ngừa và xử lý khi miệng bé có vết thương.

Thực tế, nhiều bé cứ trung bình mỗi tháng lại có vết thương miệng một lần. Thật may mắn là đa phần những thương tích này đều nhỏ và dễ điều trị (dù có chảy máu).

Tại sao bé lại bị chấn thương ở miệng?

Những kiểu vết thương như cắn trúng miệng, cắn trúng lưỡi ở trẻ em giống như một phần trong danh sách “những điều phải làm trước khi lớn”, chỉ sau dập đầu gối và cụng đầu. Khi những chiếc răng sữa nhú lên khỏi nướu là bé đã có ngay một món đồ nguy hiểm treo biển “sắc nhọn” luôn bên mình rồi.
Do mô vùng miệng rất mềm, bé có thể dễ dàng bị thương khi đang tập nhai, hay ăn mà không tập trung, vừa ăn vừa di chuyển,… Ngoài ra, không thể tránh khỏi những lần bé trượt ngã, nhào lộn làm răng cắn vào môi hay lưỡi, hoặc đập miệng vào vật khác.

Mẹ phải làm gì khi bé bị chấn thương miệng?

Thông thường, những chấn thương miệng ở trẻ em nhìn có vẻ tồi tệ hơn thực tế. Do khu vực quanh miệng có rất nhiều mạch máu mà chỉ cần một vết cắt nhỏ cũng đủ khiến bé chảy rất nhiều máu. Cũng vì vậy, không dễ dàng xác định xem đâu là nguồn chảy máu. Mẹ cần phải hết sức bình tĩnh (dù mẹ rất sợ máu đi chăng nữa) bởi rất có thể mẹ chỉ đang đương đầu với một vết thương nhỏ mà thôi. Thêm vào đó, bé đang rất sợ, việc mẹ nhanh chóng lấy lại bình tĩnh sẽ giúp bé bớt sợ hơn. Khi đã lấy lại được tâm trí, mẹ xử lý vết thương miệng cho bé theo các bước sau để cầm máu, giảm đau, phòng ngừa nhiễm trùng và chữa lành vết thương:
trẻ bị ngã dập môi
1. Cầm máu:
– Đối với các vết thương phía ngoài miệng hay lưỡi, mẹ cần dùng một miếng gạc hoặc khăn sạch (đã được làm ướt với nước lạnh), đè nhẹ nhàng lên chỗ chảy máu càng lâu càng tốt. Lý tưởng nhất là đè khoảng 10 phút, nhưng thực tế bé sẽ giãy giụa nhiều vì đau và sợ. Mẹ cần tìm cách dỗ dành để bé bình tĩnh lại và tiếp tục đè cầm máu.
– Đối với các vết thương ở trong miệng (môi trên hay môi dưới), mẹ nhẹ nhàng đè chỗ môi bị chảy máu lên phần răng hay nướu của bé trong khoảng 10 phút hoặc càng lâu càng tốt. Tránh kéo môi bé ra kiểm tra thử vì làm như vậy máu sẽ chảy trở lại.
2. Đánh lạc hướng bé
Nếu có thể, mẹ hãy mở một đĩa DVD hoặc một kênh chương trình bé yêu thích nhằm làm bé phân tâm. Bé ngồi yên càng lâu cho mẹ xử lý vết thương thì máu càng nhanh ngừng chảy.
3. Làm mát
Để giảm đau và giảm sưng, mẹ có thể dùng một túi nước đá hoặc rau củ đông lạnh áp vào chỗ chảy máu. Nếu được, mẹ có thể cho bé mút kem lạnh khi vết thương trong miệng không quá lớn.
4. Dùng thuốc giảm đau nếu cần thiết
Thường thì vết thương miệng sẽ không làm bé đau quá lâu. Nhưng nếu bé vẫn khó chịu nhiều, mẹ có thể cho bé dùng một ít thuốc giảm đau. Đương nhiên, chỉ dùng khi cảm thấy thật sự cần thiết và nên có sự thông qua của bác sĩ.
5. Cho bé ăn cẩn thận
Khi vết thương đang lành dần, những thức ăn cho bé nên được nêm nhạt một chút, tránh các món có tính a-xít như nước cam hay quá mặn như nước mắm. Các món ăn mềm, dễ nhai sẽ giúp bé cảm thấy bớt khó chịu. Lúc này, kem lạnh vẫn sẽ giúp làm dịu vết thương của bé. Ngoài ra, khi máu đã hết chảy một thời gian, mẹ có thể cho bé súc miệng bằng nước hơi ấm sau khi ăn để thức ăn không bám vào vết thương. (súc miệng sớm bằng nước ấm có thể làm máu chảy trở lại).
6. Đợi vài ngày
Vết thương miệng dù nhỏ cũng mất khoảng 3 đến 4 ngày để lành lại.

Khi nào mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ?

Mẹ có thể dễ dàng xử lý đa số các vết thương miệng của bé. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau đây, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ:
– Chảy máu nhiều, không cầm sau 10 phút đè ép.
– Bé giãy giụa nhiều, mẹ không đè gạc được và máu chảy rất nhiều.
– Vết cắt sâu, vết rách mở mép hoặc vết rách dài hơn 1cm.
– Có mảnh vỡ hoặc bụi bẩn trong vết thương.
– Vết thương xuyên thủng vòm miệng, cổ họng hoặc a-mi-đan (ví dụ như khi bé ngã mà đang cầm bút) có thể làm tổn thương sâu đến các mô ở đầu, cổ.
– Vết thương gây ra bởi những vật bẩn hoặc gỉ (nhất là khi mẹ không chắc về việc bé được tiêm ngừa uốn ván hay chưa).
– Vết thương do bị người hay động vật cắn .
– Mẹ nghi ngờ có gãy xương (ví dụ như bé không thể di chuyển hàm hoặc gò má bé sưng lên).
– Răng bé bị gãy hay vỡ ra (đem theo răng của bé đến gặp nha sĩ để được điều trị). Mẹ có thể xem cách bảo quản răng khi đem đến bệnh viện tại đây.
– Có dấu hiệu nhiễm trùng (sưng, đỏ, đau tăng nhiều, sốt) trong vài ngày đầu sau khi bị thương.
Phòng tránh để bé không bị chấn thương miệng
Dù mẹ có tìm mọi cách ngăn không để bé bị thương thì vẫn rất khó tránh khỏi một lần như vậy. Tuy nhiên, nguy cơ sẽ giảm đi nếu mẹ thực hiện các cách sau:
– Hạn chế không để bé bị té (như dùng thảm chống trượt trong nhà), bao các góc sắc như cạnh bàn, cạnh cửa,…
– Tập cho bé đi vững trên chân trần, hạn chế mang vớ cho bé khi chưa đi vững.
– Không để bé cầm vật sắc nhọn khi đang đi, chạy.
– Không để bé đi hay chạy mà có đồ chơi trong miệng.
– Tập cho bé thói quen ngồi vào bàn khi ăn.
– Cho bé ăn các phần ăn nhỏ. Như vậy, bé sẽ không cố cho thật nhiều thức ăn vào miệng, tăng khả năng cắn vào miệng hay lưỡi khi đang nhai.
– Khi không ở bên cạnh, mẹ nên đặt bé vào xe tập đi hay xe đẩy để tránh té ngã, gây ra chấn thương miệng cũng như các nơi khác trên cơ thể.
can-lam-gi-khi-be-nga-dau

Hỏi đáp của các bác sĩ nhi khoa: xử lý khi trẻ bị ngã dập môi, rách môi

Bé ngã bị rách môi, làm sao để vết thương mau lành?

Thưa BS,

Con trai tôi 2 tuổi, bé ngã bị rách môi, vết rách rất sâu từ môi cho đến hàm và chảy máu nhiều. Tôi đưa bé đi khám BS ngay, BS nói vết rách ở môi thì không cần phải khâu vì phần môi sẽ liền rất nhanh và cho bôi thuốc Solcoseryl Dental Adhesive Paste.

Bé ngã một hôm rồi, hiện vết thương sưng to. Xin hỏi BS, tôi có nên đưa bé đi khâu vết thương và có cần phải uống thuốc gì không? Nên cho bé ăn uống thế nào để vết thương mau lành?

Tôi cảm ơn BS. (Chí Đức – phuong…@yahoo.com)

BS-CK1 Nguyễn Thị Thu Thảo:

Chào bạn Chí Đức,
Qua mô tả của bạn, tôi chưa hình dung ra vết thương của bé ở mức độ nào. Tuy chưa rõ vết thương của bé có chỉ định may không, nhưng nếu có thì ở thời điểm này không thể may được nữa.
Theo tôi, nếu vết thương vẫn còn sưng to và sâu thì bạn nên đưa bé đến BV Nhi Đồng khám và điều trị thêm bằng thuốc uống, kết hợp rửa và chăm sóc vết thương tốt mỗi ngày, có như vậy mới hy vọng vết thương không bị nhiễm trùng và mau lành.
Còn chế độ ăn, bạn nên cho bé ăn uống bình thường, nhưng thức ăn cần mềm, lỏng và không quá nóng để bé dễ nuốt; hạn chế các món có nhiều gia vị, tiêu, tỏi, ớt, cố gắng không để thức ăn tiếp xúc trực tiếp lên vết thương… Sau mỗi lần ăn cần vệ sinh răng miệng bé sạch sẽ.

Bé bị té úp mặt, dập môi và chảy máu răng

Thưa bác sĩ, bé nhà em được 28 tháng rất hiếu động thường chạy nhảy và hay bị té. Bé bị té úp mặt xuống, bị dập môi và chảy máu răng và răng hơi bị rung rinh. Em phải làm sao, có nên dẫn bé di khám nha sĩ không, cám ơn bác sĩ nhiều. (Hoang quan, 23 tuổi, 163 thành thái , q10)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: 

Trẻ hiếu động là chuyện bình thường và khả năng bị té cũng thường xuyên xảy ra. Sau khi trẻ té, tùy độ cao và tư thế té, phụ huynh nên hình dung tới khả năng vùng bị chấn thương để có xử trí hợp lý. Nếu trẻ không té cao, không đập đầu thì khả năng chấn thương sọ não là không có.

Trường hợp này, bé dập môi, chảy máu răng thì mẹ nên cầm máu bằng cách dùng băng bông sạch ép chặt nơi vùng chảy máu khoảng 5-10 phút. Nếu thấy răng bị gãy hoặc có nguy cơ gãy thì mẹ nên đưa con đến bác sĩ nha khoa để bảo tồn răng. Vì theo quan niệm của y học hiện nay, răng gãy ở trẻ em vẫn phải bảo tồn (nếu được), vì nếu mất răng đó thì khả năng bị lệch của 2 răng bênh cạnh là rất cao và gây mất thẩm mỹ cho hàm răng.

 

Tư vấn: Cháu bé 6 tuổi bị ngã dập miệng – Lan Phương

Chào bác sĩ

Tôi có con gái 6 tuổi đang thời kỳ thay răng, cách đây 2 tháng cháu bị ngã đập miệng vào cạnh tủ làm dập lợi chảy máu phía trên răng cửa bên trái, nhưng răng chỉ hơi lung lay nhẹ nên tôi không cho cháu đi khám. Phần lợi bị va đập nay đã khỏi nhưng xuất hiện lỗ thủng nhỏ như đầu tăm, đến hôm nay khi răng cửa của cháu đã mềm có thể nhổ được thì khi tôi lung lay răng lại thấy phần chân răng nhìn qua lỗ thủng trên lợi của cháu cũng lung lay. Vậy xin bác sĩ cho biết đấy là chân của răng sữa hay răng vĩnh viễn, vì răng sữa chưa nhổ nó cứ dài ra nếu đo cả răng đến chỗ có lỗ nhỏ trên lợi phải dài đến 1cm ý.

Cảm ơn bác sĩ nhiều.

 

Trả lời:

Chào chị,

Mặc dù chị đã miêu tả khá chi tiết nhưng chúng tôi vẫn không thể hình dung thật cụ thể tình trạng răng của cháu được. Chị hãy chụp hình răng – miệng của cháu, chụp cận cảnh – rồi gửi lại cho chúng tôi. Có hình ảnh trực quan, chúng tôi sẽ tư vấn cho chị cụ thể, chính xác hơn.

Về lý thuyết thì lứa tuổi thay răng từ răng sữa thành răng vĩnh viễn của các cháu là khoảng 6 tuổi. Tuy nhiên, có bé thay sớm hơn, khoảng 5 tuổi; có bé lại thay muộn hơn, khoảng 6 tuổi rưỡi hoặc 7 tuổi.

Dù vậy, ở tất cả các bé, dù thay sớm hay thay muộn đều có một đặc điểm chung là chỉ được thay thế một lần.

Trường hợp cháu nhà chị, nếu trước đến giờ chưa thay (hai răng cửa) thì có nghĩa  những răng bị chấn thương vẫn còn là răng sữa. Răng sữa này, sau này sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn.

Cố nhiên, một vài chấn thương có thể làm ảnh hưởng đến xương ổ răng, đến mầm răng vĩnh viễn, nếu như sự va đập quá mạnh. Điều này có thể làm biến dạng hướng mọc của răng vĩnh viễn, hoặc thậm chí có thể làm cho răng vĩnh viễn không mọc được. Để kiểm tra chính xác những tình huống này, chị phải cho cháu chụp phim x-quang để xác định tình trạng những tổn thương mầm răng – xương ổ răng (nếu có).

Ở Hà Nội, chị hãy cho cháu đến khám tại một trung tâm Nha khoa uy tín hoặc khám tại Viện Răng Hàm Mặt Hà Nội để được khám và chẩn đoán cụ thể, chính xác hơn.

Chúc cháu nhà chị luôn có một chất lượng sức khỏe răng miệng thật tốt!

Thân chào chị,

3 Comments
  1. Xin chao bac sĩ, cu nha e duoc 5 tuoi . chau br rang moc tren loi hom nay e cho be di nho. Bs gay rang be tu tren xuong duoi làm ho loi ra e phai lam sao cho loi mau lien a, e cam on nhieu

  2. Cháu tôi được 2 tuổi ngã bị sứt 1 miếng nhỏ ở môi do đá dăm đâm vào liệu có để lại sẹo hay bị di chứng gì không

  3. Em gái của tôi mới 3 tuổi và bị té đập vào cạnh giường cằm của bé có một vết lằn khá sâu và bị chảy máu môi bị sưng cho hỏi coá cần đi bệnh viện không?

Leave a Reply