Trẻ hay khóc đêm, thức đêm – Làm sao tập cho bé sơ sinh ngủ đêm ngoan

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh luôn là nỗi ám ảnh của mỗi bà mẹ. Đa số trẻ sơ sinh hay thức đêm, nên có nhiều mẹ có cảm giác sợ hãi khi mỗi đêm đến vì sắp phải đối diện với một đêm trắng dỗ bé ngủ. Thay vì lịch sinh hoạt của mẹ phải đảo lộn theo ý bé, mẹ hãy thử cải thiện tình hình bằng cách luyện cho bé ngủ theo giờ mình muốn. Như vậy mẹ vừa khỏe, con lại ngoan, còn gì bằng.

Trẻ sơ sinh ngủ như thế nào?

Trẻ mới sinh đến 1 tháng tuổi (trẻ sơ sinh) gần như ngủ suốt ngày đêm, chỉ thức dậy để bú (khoảng 2 đến 3 giờ bú một lần). Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể tích dạ dày nhỏ nên mau đói, vì vậy phải thức dậy sau vài giờ để bú . Trẻ sơ sinh cũng chưa phân biệt được ngày đêm nên có những bé sẽ ngủ suốt vào ban ngày và thức giấc nhiều hơn vào ban đêm. Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ ngủ tổng cộng khoảng 8 đến 9 giờ vào ban ngày và khoảng 8 giờ vào ban đêm. Hầu hết trẻ nhỏ sẽ bắt đầu ngủ suốt đêm (6 đến 8 giờ) không thức giấc khi được 3 tháng tuổi hay khi được khoảng 6 ký. Thông thường, không cần phải đánh thức trẻ sơ sinh dậy để cho bú nhưng cũng không nên để bé  ngủ quá 3 giờ mà không cho bú. Các trường hợp đặc biệt như non tháng, nhẹ cân, trào ngược dạ dày thực quản…có thể phải cho bú thường xuyên hơn.

Chăm sóc giac ngu cua tre so sinh

Các giai đoạn của một giấc ngủ

Cũng giống như người lớn, giấc ngủ của trẻ nhỏ cũng chia ra nhiều giai đoạn khác nhau. Tùy từng giai đoạn mà trẻ có thể nằm yên hay vẫn có những cử động. Có 2 loại giấc ngủ:

  • Giấc ngủ nhanh (REM – rapid eye movement: cử động mắt nhanh): Đây là giấc ngủ nông, trẻ sẽ nằm mơ và mắt sẽ cử động nhanh theo chiều trước sau. Mặc dù trẻ nhỏ ngủ khoảng 16 giờ mỗi ngày, nhưng khoảng phân nửa thời gian là giấc ngủ REM. Tức là bé chỉ ngủ sâu khoảng 8 giờ. Trẻ lớn và người lớn ngủ ít hơn nhưng ngủ REM cũng ít hơn.
  • Giấc ngủ chậm (Non-REM – Non- rapid eye movement: không cử động mắt nhanh): Có 4 giai đoạn:
    • Giai đoạn 1: buồn ngủ – mí mắt sụp xuống hay có thể chớp liên tục, ngủ gà ngủ gật.
    • Giai đoạn 2: ngủ lơ mơ – trẻ có thể vẫn cử động, giật mình, vặn mình, kêu “è è”
    • Giai đoạn 3: ngủ sâu – trẻ im lặng và không cử động
    • Giai đoạn 4: ngủ rất sâu – trẻ im lặng và không cử động

Giấc ngủ của bé sẽ diễn tiến theo chu kỳ, bắt đầu tuần tự từ giai đoạn 1, sau đó chuyển sang giai đoạn 2, giai  đoạn 3, giai đoạn 4, rồi quay lại giai đoạn 2, rồi chuyển sang ngủ REM. Trong một giấc ngủ có thể có vài chu kỳ ngủ trên. Trong vài tháng đầu, trẻ có thể  thức giấc khi chuyển từ ngủ sâu sang ngủ lơ mơ và có thể khó ngủ trở lại.

Trẻ sơ sinh tỉnh giấc như thế nào?

Trẻ sơ sinh cũng có nhiều kiểu tỉnh giấc khác nhau. Nếu trẻ sơ sinh thức giấc vào cuối của chu kỳ ngủ thì trẻ sẽ bắt đầu giai đoạn tỉnh giấc yên lặng. Trong giai đoạn này, trẻ vẫn yên lặng dù đã tỉnh táo và nhận thức được môi  trường xung quanh. Trong giai đoạn tỉnh giấc yên lặng, trẻ có thể nhìn mọi vật hay nhìn chăm chú vào một vật và đáp ứng với âm thanh và động chạm. Giai đoạn này thường sẽ chuyển sang giai đoạn tỉnh giấc hoạt động. Trong giai đoạn này, trẻ cũng chú ý đến mọi tiếng động và hình ảnh nhưng có cử động. Sau giai đoạn này là giai đoạn khóc. Bé cử động nhiều hơn và có thể khóc lớn. Bé có thể bị tăng kích thích trong giai đoạn khóc này. Bạn phải làm bé dịu đi bằng cách ôm bé sát vào người hay quấn bé trong một cái khăn/mền.

Tốt nhất là bạn cho bé bú trước khi bé bước sang giai đoạn khóc. Trong giai đoạn khóc, bé có thể quá “cáu” (quá  khó chịu) nên không chịu bú. Đối với trẻ sơ sinh, khóc là dấu hiệu cuối cùng của đói bụng, sau khi bé đã làm một số dấu hiệu như tìm vú, đưa tay vào miệng…

Tại sao trẻ sơ sinh hay khóc đêm? Trẻ sơ sinh hay thức đêm có phải là bệnh?

Cham soc giac ngu tre so sinh3

Thông thường, khoảng hơn 8h đến 10h30 đêm, bé có thể ngủ rất sâu và sẽ có 2 lần thức giấc không hoàn toàn ngắn (nghĩa là bé vẫn mơ màng, không tỉnh ngủ hẳn). Từ gần 11h đêm đến khoảng 5h sáng là những giấc ngủ không sâu, đồng thời xuất hiện những cơn mơ, xen lẫn những lần thức dậy ngắn. Từ 5h-6h sáng, bé ngủ sâu trở lại. Việc bé thức dậy trong đêm và quấy khóc là hoàn toàn bình thường. Do đó, các mẹ không nên quá căng thẳng hay lo lắng. Vấn đề lúc này là cần “chiến thuật” để bé ngủ lại sau đó.

Nếu đầu đêm, bé đang ngủ mà giật mình thức dậy, khóc hay la hét thì rất có thể do một nhân tố nào đó bên ngoài tác động khiến bé cảm thấy bất an, hoảng loạn. Ví dụ như: tiếng động nhỏ hay tiếng nói chuyện, tiếng tivi… Việc cần làm của mẹ lúc này đơn giản chỉ là YÊN LẶNG. Vì bé sẽ tự ru mình ngủ lại rất nhanh. Hoặc nếu bé lật người hay đứng lên trên cũi thì mẹ hãy nhẹ nhàng đặt bé nằm lại, không nên bế ẵm, ru hay nói chuyện với bé bởi thực ra lúc này bé vẫn đang ngủ.

Nếu từ giữa đêm đến gần sáng, bé thức dậy khóc thì về cơ bản có 2 nguyên nhân:

Thứ nhất là do cảm thấy bất an: Bình thường, khi ru bé ngủ, mẹ có thói quen là: ôm bé, bật cho bé nghe một đoạn nhạc hoặc cho bé ngậm ti giả… Đến khi bé ngủ say, mẹ rời vòng tay ôm, tắt đoạn nhạc… để đặt bé ngủ ngay ngắn trở lại tì nửa đêm giật mình thức giấc, bé thấy mình nằm một mình giữa không gian yên tĩnh, không có nhạc, không có mẹ, không có ti giả… thì bé sẽ cảm thấy bất an và do đó sẽ khóc. Tiếng khóc của bé lúc này có thông điệp “Mẹ ơi, hãy ôm con đi” hoặc “Mẹ ơi, ti giả của con đâu”…

Thứ hai là do thói quen uống sữa/ ăn đêm: Với những trẻ đã quen bú đêm thì việc tỉnh dậy, khóc toáng đòi ăn là tất nhiên. Do đó, để ru ngủ lại những đứa trẻ này, chỉ cần 1 bình sữa là mọi chuyện sẽ ổn. Tuy nhiên, nhiều mẹ cứ nghe tiếng con khóc đêm thì nghĩ rằng bé đói bụng và cho ti sữa là hoàn toàn sai. Với quan niệm này, mẹ vô tình tập cho bé thói quen hễ ban đêm thì ăn và ngủ chỉ là việc xen kẽ giữa các cữ ăn.

Mẹ thông thái luôn hiểu rằng, không nên cho bé ăn khi ngủ, vì cơ thể khi ngủ cần được nghỉ ngơi hoàn toàn. Nếu ngủ mà hệ tiêu hóa vẫn phải làm việc thì sẽ sản sinh ra một số chất ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Một khi bé ngủ xuyên đêm, bé sẽ biết điều chỉnh ăn nhiều hơn vào các cữ ban ngày.

Tập cho trẻ sơ sinh ngủ ngoan suốt đêm

Ngay từ sáu tuần tuổi, bé đã có  thể học cách ngủ ngoan. Trong độ tuổi này, có vài cách rất hiệu quả để giúp bé ngủ ngon

Nhận biết dấu hiệu cho thấy bé buồn ngủ

Trong sáu đến tám tuần đầu sau sinh, bé không thể thức lâu hơn hai giờ liên tục. Nếu bạn để bé thức lâu hơn hai giờ, bé sẽ quá mệt mỏi và lại trở nên khó ngủ.

Vì vậy, bạn nên nhận biết những dấu hiệu buồn ngủ của bé như chớp mắt liên tục, lim dim, kéo tai, ngáp hay quầng  dưới mắt thâm lại. Bạn đừng lo, bạn sẽ mau chóng có giác quan thứ sáu nhận ra con mình đang buồn ngủ. Nếu bạn nhận thấy bé buồn ngủ thì nên đặt bé vào nôi hay giường.

Con bạn có thể cho thấy những dấu hiệu sẵn sàng ngủ khi bạn thấy những dấu hiệu sau:

  • Bé dụi mắt.
  • Ngáp.
  • Quay đầu đi.
  • Làm ầm lên.

Tư thế nào đem lại giấc ngủ sâu cho trẻ

  • Hãy đặt con bạn nằm ngửa trên tấm nệm vừa vặn, vững chắc trong giường cũi (loại giường đạt tiêu chuẩn an toàn hiện nay).
  • Lấy tất cả gối, mền bông, mền làm bằng da cừu, đồ chơi nhồi bông và những vận khác ra khỏi giường cũi.
  • Hãy suy nghĩ kỹ việc sử dụng một loại giường ngủ thay thế cho những cái mền mà không cần vật che phủ khác.
  • Nếu sử dụng một cái mền, hãy đặt con bạn vào giường cũi rồi nhét một cái mền mỏng quanh nệm giường, chỉ đắp mền cao đến ngực trẻ.
  • Cần chắc là đầu con bạn không bị che phủ trong lúc ngủ.
  • Không đặt con bạn vào một cái nệm nước, ghế sofa, nệm mềm, gối hoặc bề mặt mềm khác để bé ngủ.

Việc phân chia giường hoặc cùng ngủ chung với con có thể là điều mạo hiểm đối với trẻ trong những hoàn cảnh nào đó. Vì thế, bạn cần chú ý đến những điều sau:

  • Vợ chồng bạn cần suy nghĩ kỹ về việc đặt giường cũi của con gần giường vợ chồng bạn để tiện cho bú và tiếp xúc với nhau.
  • Nếu bạn cho con ngủ trong giường của bé, nên cho bé ngủ nằm ngửa, tránh những bề mặt mềm hoặc những vật chung quanh có thể phủ lên người con bạn. Không nên đặt giường của con bạn sát tường hoặc gần sát đồ vật khác trong nhà để tránh bé bị mắc kẹt trong chúng.
  • Những người lớn khác, cha mẹ, trẻ con, anh chị em trong nhà không nên ngủ chung giường với trẻ còn ẵm ngửa.
  • Nếu ngủ chung giường với con, vợ chồng bạn không nên hút thuốc hoặc sử dụng những chất như dược phẩm hoặc rượu bia, vì điều này có thể làm suy yếu khả năng thức tỉnh của con bạn.

Để ngăn ngừa sự nóng bức quá mức, bạn nên cho con mặc quần áo nhẹ khi ngủ và nhiệt độ phòng cần giữ ở mức thoải mái. Tránh bọc thân thể bé quá kín. Hãy kiểm tra da của con bạn để biết chắc là không nóng khi bạn chạm vào.

Nếu cho trẻ ngủ nằm ngửa, khi trẻ thức bạn có thể đặt trẻ trong tư thế khác, thí dụ như nằm sấp để giúp phát triển cơ bắp và mắt, giúp ngăn ngừa những vùng bị dẹp ở phía sau đầu.

Dạy bé phân biệt giữa ngày và đêm

Vài bé sơ sinh có thói quen thức đêm ngay từ trong bụng mẹ. Bạn có thể nhận biết điều này khi nhận thấy bé quẫy  đạp trong bụng mẹ nhiều hơn vào ban đêm. Khi chào đời, bé cũng vẫn duy trì thói quen này và làm mẹ mệt mỏi vì không chịu ngủ khi mẹ đã ríu mắt rồi. Trong vài ngày đầu sau sinh, bạn không thể thay đổi bé ngay được mà chỉ có thể bắt đầu dạy bé khi bé đã được hai tuần tuổi.

Ban ngày, khi bé còn thức:

– Chơi với bé càng nhiều càng tốt.
– Nói chuyện và hát cho bé nghe khi cho bú các cữ ban ngày.
– Đảm bảo phòng ngủ nhiều ánh sáng vào ban ngày.
– Không cần “cắt đứt” mọi tiếng ồn thông thường vào ban ngày, như tiếng tivi, radio, máy giặt…
– Nếu đang bú mà bé thiu thiu ngủ thì nhẹ nhàng đánh thức bé dậy.

Ban đêm:

– Giữ yên lặng và nói khẽ khi cho bé bú cữ đêm.
– Giữ phòng tối (có thể để đèn ngủ ánh sáng dịu) và yên tĩnh, không trò chuyện  với bé nhiều.

Cần phải dạy bé nhận biết ban đêm là lúc ngủ ngay từ khi bé được hai tuần tuổi, đừng để quá muộn.

Dạy bé tự ngủ

Khi bé đã được sáu đến tám tuần tuổi, bạn có thể bắt đầu dạy bé tự ngủ. Bạn nên đặt bé vào nôi hay xuống giường khi bé buồn ngủ nhưng vẫn còn thức. Cách bạn dỗ bé ngủ trong tám tuần đầu sau sinh rất quan trọng. Nếu bạn cho bé nằm võng hay nằm nôi lắc, đu đưa bé, bế rung bé khi trong tám tuần đầu thì bé sẽ quen và bé sẽ không thể ngủ  nếu không được rung lắc, đu đưa như vậy. Vì vậy, nhiều chuyên gia khuyên không nên đung đưa bé, không cho bé ngậm núm vú giả để dỗ bé ngủ ngay từ sau sinh. Bạn sẽ thiết lập một “thủ tục” trước khi ngủ cho bé như hát ru, nghe nhạc nhẹ, vỗ nhẹ mông, gãi nhẹ đầu… nhưng cần nhớ rằng bạn sẽ phải làm “thủ tục” này mỗi đêm nên bạn cần chọn “thủ tục” nào vừa thích hợp với bé vừa “khả thi” đối với  bạn. Bạn có thể bế bé đến khi bé thiu thiu ngủ rồi đặt bé xuống chứ không nên để bé ngủ trên tay mình rồi mới đặt xuống vì sẽ tạo nên thói quen xấu là phải được bế mới ngủ và bé sẽ thức dậy ngay khi bạn đặt bé xuống giường.

Làm sao huấn luyện bé ngủ ngon cả đêm

Có những bé chỉ ngủ khi được mẹ bế trên tay. Điều này sẽ gây không ít rắc rối cho mẹ vào ban đêm. Thực tế không ít mẹ luôn trong tình trạng ngủ ngồi, tay vẫn bế bé vì không đặt được con. Vì vậy mẹ có thể cân nhắc việc luyện cho con tự học cách ngủ mà không có mẹ. Nếu không, bé có thể sẽ khóc lóc không ngừng nếu thức dậy giữa đêm mà không nằm trên tay mẹ. Nếu mẹ đủ kiên nhẫn và “dũng cảm”, hãy thử một lần xem sao. Mẹ có thể đặt bé vào nôi (hoặc nơi bé ngủ trên giường) khi bé vẫn còn thức và đang buồn ngủ, nựng bé bằng cách xoa đầu, xoa lưng, cho bé nhìn những đồ chơi treo cũi hoặc hát ru cho con.

Trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi cần thức dậy nhiều lần trong đêm để bú, vì vậy, chỉ rèn bé ngủ qua đêm khi đã được 3 tháng tuổi trở lên. Nguyên tắc như sau:

Tạo không gian ngủ lý tưởng 

Phòng ngủ của bé là nhân tố quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Do đó, mẹ nên chú ý đến không gian và các trang thiết bị trong phòng. Điều kiện tiên quyết là phòng ngủ nên tối và mát mẻ. Nhiệt độ phòng ngủ lý tưởng cho bé là khoảng 27 – 28 độ C. Nếu trời nóng, mẹ có thể bật quạt cây hoặc quạt trần phe phẩy. Quạt ngoài tác dụng làm mát, còn giúp tạo tiếng ồn trắng giúp trẻ ngủ sâu giấc. Giường cũi cần an toàn và thân thiện đối với trẻ. Đối với trẻ sơ sinh, nên dùng túi ngủ cho bé thay vì dùng những chiếc chăn quấn hờ. Nếu trẻ nằm giường thì cần bố trí thanh chắn an toàn để trẻ không ngã khỏi giường.

Giữ vệ sinh chỗ ngủ của trẻ

Nếu bé tè ướt, nếu bỉm đang quá tải, chắc chắn bé sẽ bứt rứt không yên và không thể nào ngon giấc được rồi. Việc cứ phải thức dậy giữa đêm, khóc vì lạnh hoặc ướt sẽ khiến cho quá trình phát triển của trẻ bị chậm lại, trẻ cũng trở nên mệt mỏi hơn, khó chịu hơn và không thể linh hoạt, nhanh nhẹn như trẻ bình thường được. Vì vậy nhiệm vụ của mẹ là luôn đảm bảo cho con có được chiếc nôi êm ái, sạch sẽ, gọn gàng và bé luôn được khô ráo, ấm áp. Bạn cần nhớ là trong bụng mẹ, thân nhiệt của bé luôn được ổn định nhưng khi chào đời thì nhiệt độ môi trường thấp hơn nhiệt độ bé đã quen trong bụng mẹ. Vì vậy, nhiễm lạnh trong giai đoạn này không chỉ làm gián đoạn giấc ngủ, khiến bé không ngủ ngon mà còn dễ khiến bé bị cảm lạnh, mắc bệnh nhiễm khuẩn. Với mùa hè, các mẹ nên nhớ bật điều hoà cho con từ 28 – 29 độ C, có kèm chậu nước trong phòng để chống khô mũi, khô da cho con.

Cho trẻ bú đủ no trước khi ngủ

Giấc ngủ của bé sẽ chỉ thực sự sâu và không gián đoạn nếu như bé được bú no. Bạn cần biết trẻ sơ sinh có dạ dày rất nhỏ nên mỗi lần bú, bé chỉ bú được ít thôi. Điều này có nghĩa là bé cần thức giấc sau vài giờ một lần để bú (trong đa số trường hợp là 3-4 tiếng đồng hồ bé sẽ thức dậy bú một lần). Bạn không cần phải đánh thức con để bú trừ khi bác sỹ đề nghị. Bé sẽ tự thức dậy bú mẹ, sau đó no nê lại ngủ tiếp. Tuy nhiên, cần nắm rõ công thức của bé là không để trẻ sơ sinh ngủ liên tục lâu hơn 5 tiếng đồng hồ mà không dậy bú. Vì nếu vậy, bé sẽ không đủ chất dinh dưỡng để phát triển. Trong trường hợp này, bạn có thể đánh thức con, cho con bú, sau đó một lúc mới đặt bé ngủ lại.

Ngủ theo một trình tự nhất định

Mẹ có thể dạy cho bé một thói quen ‘đặc biệt’ trước khi đi ngủ. Ví dụ như: mặc cho bé bộ đồ yêu thích và đặt bé vào nôi sau khi đã tắt hết đèn. Trước khi đặt bé vào nôi, có thể đọc cho bé nghe một câu chuyện hoặc hát ru để giúp các giác quan của bé hoạt động chậm lại.

Ngoài ra, mẹ cũng cần chú ý tới những thứ có thể dụ bé nhanh chìm vào giấc ngủ . Chẳng hạn, đối với một số bé, việc tắm có thể là ‘liều thuốc’ thư giãn vô cùng hiểu quả. Một số bé khác lại thích nghe tiếng ro ro của quạt máy…

Cho bé thời gian tự ru ngủ

Ngày đầu tiên của ‘kế hoạch’ tập cho bé ngủ thâu đêm, nếu giữa đêm bé giật mình tỉnh và khóc toáng thì mẹ đừng vội bế nựng ngay mà hãy dành cho bé khoảng 5 phút để tự ru ngủ trở lại. Sau 5 phút đó, nếu bé vẫn ‘đấu tranh’ dữ dội thì mẹ hãy vào vỗ nhẹ, nói nhỏ dỗ dành khoảng 2 phút rồi lại đặt bé nằm ngủ trở lại dù lúc đó bé có khóc hay không. Nếu 10 phút sau, bé vẫn khóc, thì lại làm như vậy. Rồi khoảng cách giữa những lần đi vào dỗ dành cứ thế thưa dần: 5, 10, 15… phút cho đến khi bé ngủ. Nếu bé thức dậy trong đêm và khóc, thì thực hiện lại từ đầu: 5, 10, 15… phút.

Cứ thế, mẹ tiếp tục kiên trì trong ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 và khoảng thời gian chờ đợi ngày càng được kéo dài hơn.

Lưu ý: Hầu hết các bé làm quen được với chương trình này sau từ 3 – 5 ngày. Bởi vậy, mẹ cần cứng rắn kẻo dễ “sôi hỏng bỏng không”. Thậm chí, đôi khi phải chấp nhận chịu tiếng “ác” thì mới thành công.

 

Top 10 sai lầm phổ biến khi cho bé ngủ

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi bé mỗi kiểu. Có những bé, đôi khi mẹ chỉ cần cho vào xe đẩy hay nôi một lúc, cho bé bú, ngậm ti giả, ngay lập tức bé lăn ra ngủ. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng vậy dù cho mẹ đã thử hết mọi cách. Mẹ ơi, mẹ đã làm đúng cách chưa? Tham khảo 10 sai lầm phổ biến mẹ hay mắc phải khi cho trẻ sơ sinh ngủ và điều chỉnh lại nhé!

Sai lầm 1: Đi ngủ đúng giờ là quy định

Không phải quy định, nhưng là thói quen. Khi đồng hồ điểm giờ ngủ, mẹ thường vội vã bế bé vào giường và luôn muốn con yêu ngủ đúng giờ, đủ giấc. Tuy nhiên mẹ ơi, bé không phải rô bốt tí hon đâu. Nhiều khi đang chơi, vui vẻ và phấn khích hay vừa ăn no xong, sao mẹ có thể muốn bé ngủ ngay được. Thay vì vậy, mẹ nên tạo thói quen trước khi ngủ cho bé.

Khoảng một tiếng trước khi bé say giấc, mẹ cho bé vào giường, kéo rèm, bật đèn ngủ, tạo môi trường thoải mái. Mẹ có thể tắm hoặc lau người sơ qua cho bé bằng nước ấm, thay quần áo và bỉm để bé thêm dễ chịu. Đừng quên chuẩn bị những bản nhạc êm ái hoặc những mẩu chuyện ngắn thủ thỉ cùng con. Vài tuyệt chiêu này nhanh chóng làm bé buồn ngủ. Lúc này, nhiệm vụ của mẹ sẽ trở nên cực kỳ đơn giản.

Sai lầm 2: Bỏ qua dấu hiệu buồn ngủ của bé

Trẻ sơ sinh có xu hướng ngáp, dụi mắt, trở nên khó chịu và chậm chạp, mỗi khi “phát” tín hiệu buồn ngủ. Tuy nhiên, mẹ thường bỏ qua những dấu hiệu đó và không cho bé ngủ theo nhu cầu. Thực tế, cơ thể bé sẽ không “sản xuất” melatonin, chất làm dịu giúp bé thư giãn, nếu mẹ bỏ qua cơn buồn ngủ tự nhiên này. Thay vào đó, hormone gây stress, cortisol xuất hiện làm bé khó ngủ.

Vì vậy, ngay khi thấy bé có dấu hiệu, mẹ nên cho bé đi ngủ. Nếu bé con nhà bạn quá mải chơi, gần đến giờ ngủ nhưng vẫn không thấy ngáp hay dụi mắt, mẹ nên sử dụng tuyệt chiêu ở trên. Chỉ khi vào đúng “ổ”, bé mới bắt đầu có cảm giác muốn ngủ đấy mẹ.

Sai lầm 3: Làm mọi cách để bé ngủ lại

Trẻ sơ sinh không ngủ thẳng giấc, cứ khoảng 2-3 tiếng/lần bé lại thức. Mỗi lần như vậy, mẹ lại thực hiện quy trình cho con ngủ lại từ đầu. Lâu ngày, mẹ đã vô tình tạo cho bé thói quen: Muốn ngủ lại ắt phải nhờ người khác. Khi bé được 6-8 tuần tuổi, mẹ có thể yên tâm về sự cứng cáp nhất định của bé. Thay vì hát ru, vỗ mông, xoa lưng, để bé tự ngủ lại theo bản năng. Đây mới là chiêu thông minh để mẹ khỏe, bé tự lập.

Sai lầm 4: Chuyển chỗ ngủ cho bé quá sớm

Cảm thấy chiếc cũi trở nên quá chật chội cho bé con đang ngày một lớn lên, mẹ quyết định mở rộng “địa bàn” cho bé sang giường trẻ em. Sự thay đổi đột ngột khi bé chưa sẵn sàng khiến bé lạ lẫm với không gian mới và trở nên khó ngủ. Chỉ khi bé con tự mình leo ra khỏi cũi (khoảng 2 tuổi), đây mới là thời điểm thích hợp mẹ nên đổi giường cho con.

Người lớn cũng mất thời gian trong việc thích nghi với chỗ ở mới, trẻ em cũng vậy. Để bé quen dần, mẹ nên tháo bớt một bên rào của cũi, đặt bên cạnh giường mới có độ cao vừa tầm. Cách sắp xếp này giúp bé “thân thiết” với “ổ” mới nhanh hơn. Mẹ đừng quên rào quanh giường để đảm bảo bé không lăn xuống đất nhé!

Sai lầm 5: Bạ đâu ngủ đấy

Với những bé khó ngủ, khi mẹ có thể cho bé say giấc nồng trong xe đẩy, trên ghế salon hay trong tay mẹ, hẳn là quá tuyệt vời. Mẹ sẽ không vì đặt con vào giường mà làm bé tỉnh giấc, để sau đó rất khó cho bé ngủ lại. Tuy nhiên, cách này không giúp bé ngủ sâu giấc và được thư giãn thoải mái. Hơn nữa, khi thức giấc, bé sẽ khó chịu và cau có nhiều hơn bình thường.

Mẹ thử nghĩ xem ngủ trên giường và ở ghế salon, ở đâu thích hơn? Vì vậy, trừ khi là những giấc ngủ ngắn, bạn nên cho bé ngủ đúng nơi để bé yêu ngủ ngon, mơ đẹp nhé.

Sai lầm 6: Lịch ngủ lộn xộn

Chỉ khi sắp xếp giờ ngủ cho bé trong ngày hợp lý, mẹ mới có thể yên tâm bé say giấc mỗi đêm. Thử nghĩ xem bé mới ngủ giấc chiều 6-7 giờ mới dậy, 8 giờ tối mẹ lại muốn bé ngủ ngay? Chia đều thời gian ngủ cho bé, tránh để mỗi ngày mỗi kiểu khiến múi giờ sinh hoạt của bé trở nên lộn xộn. Tuy nhiên, có những ngày bé ngủ trưa ít hoặc nhiều, mẹ nên dựa vào điều này để sắp xếp giờ ngủ cho bé vào buổi tối. Linh hoạt đôi chút để cả hai mẹ con đều có giấc ngủ ngon.

Sai lầm 7: Cho bé ngủ muộn

Khi bé chưa muốn ngủ, mẹ thường để bé thức khuya với hy vọng hôm sau bé sẽ ngủ bù. Điều này chỉ đúng với trẻ 13 tuổi trở lên thôi mẹ ơi. Đồng hồ sinh học của trẻ sơ sinh vận hành theo đúng quy trình, dù mẹ cho bé ngủ giờ nào, cứ sáng sớm bé sẽ thức dậy. Do đó, cho bé thức khuya chỉ làm bé thêm cáu gắt, mệt mỏi vào ngày hôm sau mà thôi. Trẻ sơ sinh cần ngủ đủ 10-11 tiếng mỗi đêm.

Sai lầm 8: Mặc kệ bé khóc

Nửa đêm khi trẻ tỉnh giấc, mẹ nghĩ rằng cứ để bé khóc cho đến khi mệt sẽ lăn ra ngủ. Tuy nhiên, chưa được 15 phút, mẹ đã phải quay sang vỗ về, bồng bế. Có thể mẹ mệt và chỉ muốn nằm thêm chút nữa, nhưng mẹ ơi đây không phải giải pháp hay. Chuyện này tiếp diễn, bé sẽ học được rằng: Hễ khóc, mẹ sẽ dỗ. Mẹ chỉ càng mệt thêm thôi.

Thay vì vậy, khi bé thức giấc nửa đêm và cần ai vỗ về, bạn, ông xã hay thậm chí ông, bà thay phiên nhau để trông bé. Đừng để bé khóc thành quen nhé!

Sai lầm 9: Mỗi người mỗi ý

Thay phiên nhau để trông con ngủ nhưng cách xoa dịu của ba mẹ lại hoàn toàn khác nhau. Ba vỗ mông, mẹ xoa lưng. Ba mẹ nên cùng nhau thống nhất cách cho bé ngủ để tránh làm lộn xộn thói quen của bé nhé!

Sai lầm 10: Từ bỏ quá sớm

Thói quen không phải dễ thay đổi. Vì vậy, ba mẹ nên kiên nhẫn trong quá trình hình thành giờ giấc ngủ nghỉ cho bé. Ít nhất mất đến 3 tuần, bé mới có thể quen dần với phương pháp ba mẹ đặt ra. Đừng từ bỏ quá sớm nhé ba mẹ!

Quan niệm sai lầm về giấc ngủ trẻ sơ sinh

1. Không bao giờ đánh thức bé đang ngủ
Sự thật: Có thể bạn đã nghe điều này cả ngàn lần (và có thể đã làm theo khi mẹ chồng khuyên như vậy), nhưng đừng tin điều này. Trong một vài tuần đầu, bé yêu của bạn dường như cần được ăn liên tục, nhưng thật ra là cách mỗi 2 đến 3 tiếng mỗi lần. Vì thế, có những lúc bạn sẽ phải nhẹ nhàng đánh thức bé dậy để cho bé bú, Tanya Remer Altmann, MD., tác giả của cuốn sách Mommy Calls (American Academy of Pediatrics, 2008) cho biết. Có nghĩa là việc đánh thức bé đang ngủ không những chẳng sao cả, mà còn là điều quan trọng mà bạn cần làm để bé có được cân nặng mạnh khỏe. Nhưng một khi bé mới sinh đã đạt đủ cân nặng, thì bạn có thể để bé ngủ vào buổi tối bao nhiêu tùy bé mà không cần đánh thức bé dậy để cho bé bú (và nếu bé có thể kéo dài được thời gian ngủ thì mẹ quá sướng!), bà Altmann cho biết. Lúc đó, các mẹ chỉ cần bảo đảm cho bé bú thường xuyên vào ban ngày. Điều quan trọng với giấc ngủ trẻ sơ sinh là bạn không nên để bé ngủ quá nhiều.

2. Miếng đệm quanh nôi bảo vệ bé
Sự thật: Các miếng đệm quanh nôi mới trông qua thì có vẻ như chúng giúp bảo vệ bé khỏi u đầu, sứt trán hay có những vết tím bầm do va chạm vào thành nôi, nhưng thật ra lại rất nguy hiểm (cũng giống như những loại gối mềm hay tương tự khác) có thể gây nguy cơ ngộp thở cho bé. Theo bà Altmann, mặc dù chưa gặp trường hợp bé nào bị u đầu nghiêm trọng do đập đầu vào thành nôi nhưng bà đã gặp trường hợp các bé lăn và bị quấn vào các miếng đệm quanh nôi rất nguy hiểm. Do vậy, mẹ nên loại bỏ ngay những miếng đệm hoặc bất cứ thứ gì để che chắn quanh ra khỏi nôi ngay, chỉ trừ khăn trải vừa khít nôi và bé yêu mà thôi các mẹ nhé.

3. Giữ phòng bé hoàn toàn yên ắng
Sự thật: Đúng là bạn có thể cần sự yên lặng hoàn toàn để ngủ và duy trì giấc ngủ, nhưng hầu hết trẻ sơ sinh lại thích những tiếng ồn môi trường với tiếng động chẳng hạn giống như tiếng quạt quay. Altmann cho biết “tiếng động này có thể rất thoải mái và quen thuộc vì các bé được nghe thường xuyên trong dạ con 24/7”. Vâng, nếu bạn không biết thì sự thật là trong bụng bạn khá là ồn ào đấy. Hơn nữa tiếng ồn “trắng” (white noise) này có thể “xua đi” những tiếng động khác trong nhà, vốn là những thanh âm gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Do vậy, nếu mẹ gặp rắc rối không thể dỗ hoặc khiến bé duy trì giấc ngủ, hãy thử tìm cách tạo ra tiếng ồn “trắng” hoặc những dùng thiết bị gì đó tạo âm thanh tương tự để giúp bé ngủ nhé.

4. Nên cho bé ngủ suốt đêm từ tuần 12
Sự thật: “Nếu bé nhà bạn ăn tốt vào ban ngày, duy trì thói quen thường xuyên và kèm một chút may mắn, bé yêu của bạn sẽ ngủ suốt cả đêm vào từ tháng 12”, Altmann cho biết và nhấn mạnh chỗ “may mắn”. Với những người khác thì điều này có thể không xảy ra trong hơn 1 tháng, 2 tháng, hay có khi là 3 tháng tới nữa, và bạn cũng nên biết như thế không có nghĩa là bạn làm gì sai đâu nên đừng lo lắng. Nhưng bạn có thể làm vài thứ để “vận động” bé kéo dài giấc ngủ lâu hơn: thiết lập quy trình ngủ ngắn và yên lặng, để bé tự ngủ (không cần dỗ hay chăm cho bé ngủ), và khi bé đã ngủ, đừng lao ngay vào phòng bé mỗi khi mẹ nghe tiếng ồn của bé cất lên – bé cần phải học cách tự ngủ. Nếu mẹ kiên trì, bảo đảm là thiên thần của bạn có thể sẽ ngủ ít nhất 6 đến 8 tiếng liền vào ban đêm từ thời điểm 4 đến 6 tháng tuổi.

Cham soc giac ngu tre so sinh 1

 

4 nguyên tắc “vàng” cho giấc ngủ trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh thường không hoàn toàn tuân theo sự định hướng chăm sóc do người lớn đề ra. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhẹ nhàng áp dụng một số quy tắc giúp cả bé lẫn mẹ được thư giãn và tận hưởng khoảng thời gian đầu đời đáng yêu này. Mỗi khi cảm thấy lo lắng vì bé ngủ quá ít, ăn quá nhiều hay bé quá ồn ào, hiếu động, bạn nên nhớ ngay đến 4 quy luật đơn giản sau đây

1. Nhu cầu ngủ của trẻ sơ sinh rất khác nhau

Trung bình trong tháng đầu sau sinh, trẻ ngủ 16.5 tiếng mỗi ngày. Bạn nên biết rằng 16.5 tiếng/ngày chỉ là con số bình quân và con bạn hoàn toàn có thể ngủ nhiều hoặc ít hơn thế. Điều đó có nghĩa là đôi khi con bạn chỉ ngủ 12 tiếng/ngày, trong khi bé nhà cô bạn thân khò khò đến 19 tiếng/ngày. Bạn đừng quan tâm quá mức đến việc con ngủ ít hay nhiều, vì thước đo nằm ở chỗ bé có khoẻ mạnh và vui vẻ không, chứ không ở ngưỡng thời gian bé ngủ thấp nhất hay cao nhất.

2. Trẻ sơ sinh cần bú đều đặn theo giờ

Giống như các bộ phận nhỏ xinh khác trên cơ thể, bao tử của trẻ sơ sinh cũng rất bé. Bạn đừng hy vọng nhanh chóng tập được cho trẻ bú sữa trước khi lên giường và ngủ một mạch tới sáng. Trẻ sơ sinh cần bú ít nhất mỗi 2-4 tiếng và trẻ có thể ngủ liên tục dài nhất là 5 tiếng đồng hồ trong đêm.

Vậy làm sao để biết khi nào trẻ thức giấc đòi bú, hay chỉ đơn thuần là trẻ đã ngủ đủ giấc hoặc trẻ đang trong giai đoạn chuyển tiếp của giấc ngủ? Thông thường, trẻ sẽ cất tiếng để ra hiệu rõ ràng cho bạn biết bé đang muốn gì. Song khi ngủ bé hay phát ra nhiều âm thanh như thút thít, khụt khịt, ư ử, khóc rền rĩ từng hồi hoặc thét ầm lên… Bạn cần tập nhận biết dần đâu là tín hiệu trẻ đòi bú để đáp ứng kịp thời cơn đói của trẻ hay cứ để trẻ ngủ tiếp.

3. “Giấc ngủ hiếu động” của trẻ sơ sinh

Trái với lầm tưởng của nhiều người, những bé sơ sinh không khi nào chịu ngủ yên hàng giờ liền cả. Các bé thường xuyên trằn trọc và thức giấc rất thường xuyên. Đó là vì khoảng một nửa thời gian ngủ của trẻ diễn ra trong các chu kỳ ngủ mơ (ngủ động mắt nhanh REM). Vào cuối mỗi chu kỳ ngủ mơ, trẻ thường thức giấc ngắn và thỉnh thoảng có thể khóc chút ít trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo của giấc ngủ. Càng lớn, trẻ sẽ càng ít ngủ mơ hơn, thay vào đó là thời gian ngủ sâu và êm hơn.

4. Trẻ sơ sinh ngủ hay phát ra tiếng động

Tiếng trẻ sơ sinh thở khi ngủ có thể bất thường do những quãng ngừng thở ngắn, không đáng ngại. Hầu như cha mẹ nào cũng từng lo sợ đến mức phải ghé mặt vào nôi để lắng nghe xem trẻ có dấu hiệu rắc rối gì về hô hấp không. Để đánh giá đúng tình huống, bạn cần biết một bé sơ sinh bình thường có nhịp thở khoảng 40 lần/phút khi thức, và số nhịp thở của bé giảm chỉ còn một nửa khi ngủ. Hoặc trẻ cũng có thể đột nhiên ngừng thở dưới 10 giây, rồi thở nhanh và nông suốt 15-20 giây sau đó. Bạn đừng quá lo lắng, dần dần não trẻ sẽ hoàn thiện cơ chế điều chỉnh hơi thở tốt hơn.

Nếu con đang phát ra những âm thanh sau đây khi ngủ, bạn cũng đừng lo lắng quá nhé, nó chỉ là những âm thanh thông thường mà thôi.

Tiếng nấc: Đôi khi dịch nhầy trong mũi gây cản trở đường thở, khiến trẻ bị nấc. Bạn có thể làm sạch mũi cho bé dễ thở bằng dụng cụ hút mũi trẻ em.

Tiếng huýt gió: Trẻ sơ sinh chỉ thở bằng mũi và không thở bằng miệng. Điều này giúp trẻ vừa hít thở, vừa bú cùng một lúc. Nhưng chiếc mũi bé xíu với đường thở hẹp dễ bị dịch nhầy hoặc thậm chí là sữa khô cản trở, gây ra tiếng huýt gió kỳ quặc.

Tiếng ừng ực: Không có gì bí hiểm cả, trẻ chỉ đang nuốt nước miếng làm sạch cổ họng mà thôi.

Ngược lại, nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng rắc rối nào sau đây, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ ngay:

Thở gấp: Nhịp thở lên đến hơn 70 nhịp/phút và ngày càng tăng.

Khò khè liên tục: Trẻ phát ra tiếng khò khè sau mỗi nhịp thở do phải vật lộn để mở đường thở bị nghẹt.

– Hai cánh mũi phồng lên nhiều do phải cố gắng hít thở.

– Cơ ngực và cổ bị co rút thấy rõ một cách khác thường.

Tất cả những dấu hiệu kể trên đều cho thấy trẻ gặp vấn đề về hô hấp, bạn nên lưu ý cẩn thận nhé!

Bé sơ sinh giống  như tờ giấy trắng, bé sẽ là một em bé ngoan ngoãn, dễ ngủ nếu bạn không bỏ lỡ thời gian có thể dạy bé thói quen ngủ ngoan. Giấc ngủ của bé không chỉ quan trọng đối với sự phát triển của bản thân bé mà còn quan trọng với mẹ. Nếu bé quấy đêm nhiều quá thì bạn cũng sẽ thiếu ngủ và không đủ sức khỏe cũng như tinh thần để chăm sóc bé tốt được. Hãy khôn ngoan lựa chọn cách dỗ bé ngủ thích hợp để cả con và mẹ đều được ngủ ngon.

 

1 Comment
Leave a Reply