Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nguyên nhân do đâu? Chế độ dinh dưỡng điều trị bệnh

Khi có con, các mẹ thường sẽ quan tâm rất nhiều tới vấn đề dinh dưỡng của con. Nhưng song song đó, việc “đầu ra” của con có đều đặn, màu có đẹp và “đúng chuẩn” hay không cũng là một vấn đề đau đầu của các mẹ trẻ. đã bao lâu rồi con chưa “ra”, hay phân con có nhầy, bọt, chua hay có lẫn máu, mẹ lại đau đầu, đau lòng, đau xót không yên và tìm mọi cách chữa rối loạn tiêu hóa cho con. Nhưng bạn đã hiểu hết về bệnh rối loạn tiêu hóa ở trẻ chưa? Phải làm gì để bảo vệ đường ruột cho trẻ?

Thế nào biết trẻ bị rối loạn tiêu hóa?

Nhiều bà mẹ “kêu cứu” con bị rối loạn tiêu hóa do bú sữa mẹ, nghi ngờ do mẹ ăn “linh tinh” nên làm “rối loạn” luôn cả sữa mẹ! Trên thực tế, tất cả những gì người mẹ ăn khi qua “bộ máy xử lý tinh vi” của người mẹ sẽ được lọc thành các chất gồm các đạm, mỡ, lactose, vitamin, sắt, muối khoáng, nước và các enzym. Bé bú là uống những chất này nên khó có thể gây rối loạn tiêu hóa cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn.

Chỉ trừ trường hợp trẻ có cơ địa dị ứng sữa bò, nếu mẹ uống sữa bò, sữa qua đường tiêu hóa vẫn còn nguyên, do đó sẽ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.

Ngay như cụm từ “rối loạn tiêu hóa” cũng là một từ chung chung biểu hiện tiêu hóa không bình thường ở trẻ. Ví dụ, trẻ ói mà không rõ nguyên nhân từ đâu thì kết luận chung là trẻ đang có rối loạn tiêu hóa (rối loạn đường ruột), nhưng nếu trẻ ói mà kèm theo đỏ họng thì có thể kết luận trẻ bị viêm họng…

Ở trẻ thường có 4 biểu hiện rối loạn tiêu hóa chính: ói, tiêu chảy, đầy hơi ăn không tiêu và táo bón. Trong trường hợp, trẻ có biểu hiện của tình trạng rối loạn tiêu hóa trên trong 1 – 2 ngày, nhưng trẻ vẫn ăn, chơi, ngủ bình thường, không có triệu chứng của bệnh lý khác kèm theo thì cha mẹ có thể yên tâm là trẻ vẫn khỏe mạnh, không có bệnh gì. Sau đó, cơ thể trẻ sẽ tự điều chỉnh và hồi phục.

Các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý, các bệnh ở đường tiêu hóa rất dễ nhầm lẫn với nhau và nhẫm lẫn với các bệnh khác vì cơ thể cũng biểu hiện bằng các triệu chứng đã kể ở trên, nên nếu không phát hiện kịp thời có thể sẽ nguy hiểm. Ví dụ, nếu triệu chứng ói, tiêu chảy có kèm theo sốt, ho, chảy mủ tai thì có thể trẻ đang mắc bệnh viêm tai giữa cấp hoặc có biến chứng viêm màng não. Trẻ bị viêm phổi nặng, ngoài sốt, ho, thở mệt cũng có thể bị ói đờm, tiêu chảy.

Do đó, trước một triệu chứng của rối loạn tiêu hóa, bản thân của nó có thể thoáng qua hoặc do một bệnh nào đó của đường tiêu hóa hoặc ngoài đường tiêu hóa. Vì vậy, cần lưu ý tổng trạng của trẻ để có cách xử trí thích hợp. Tốt nhất là đưa trẻ đến bác sĩ khi tình trạng rối loạn tiêu hóa của trẻ có diễn biến nặng hơn hoặc kèm theo một triệu chứng bệnh lý khác.

Có nhiều bà mẹ “than thở “ con bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, uống mem vi sinh thì khỏi, không uống thì tái phát, do đó lo sợ con bị phụ thuộc men tiêu hóa. Thực tế, không có khái niệm rối loạn tiêu hóa kéo dài. Khi tình trạng đi ngoài của bé kéo dài, bạn nên đưa đi bác sĩ khám để chấn bệnh, tìm bệnh cụ thể, sau đó chữa trị theo phác đồ của bệnh đó. Việc tự ý cho trẻ uống men vi sinh cũng không thể giải quyết hết “gốc” của bệnh, ví dụ nếu trẻ đi ngoài do lỵ thì phải uống kháng sinh mới khỏi, còn men vi sinh thì không có tác dụng.

Việc uống men vi sinh dài ngày tuy không có tác hại nhưng không cần thiết. Vì bản thân ruột đã có vi khuẩn có lợi, sẽ tự cân bằng. Khi bổ sung dư thì cũng sẽ được loại thải ra ngoài qua đường phân. Chỉ khi ruột thiếu (trường hợp trẻ bị loạn khuẩn) bổ sung men vi sinh là cần thiết.

“Men vi sinh” tự nhiên tốt nhất chính là hệ vi khuẩn đường ruột cân bằng. Sữa mẹ là thực phẩm nuôi dưỡng và tạo hệ vi sinh tốt nhất, với trẻ đã ăn dặm thì chế độ ăn cân bằng, phù hợp lứa tuổi còn hơn các loại men tiêu hoá. Ngoài ra, sữa chua có chứa men vi sinh tốt, tuy nhiên chỉ nên cho trẻ ăn sữa chua khi trên 12 tháng tuổi.

Đối với trẻ, do hệ tiêu hóa còn non yếu, chưa sẵn sàng chứa một khối lượng lớn thức ăn, do đó tránh cho trẻ ăn uống nhiều một loại thức ăn, nước uống trong ngày.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở trẻ em

Nói về nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa thì có nhiều, nhưng đối với trẻ em thì những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là do trẻ chưa ý thức được vấn đề vệ sinh cơ thể, vệ sinh ăn uống, nề nếp sinh hoạt và sự lây nhiễm qua tiếp xúc. Đặc biệt là đối với học sinh thì những rối loạn tiêu hóa thường gặp là táo bón và tiêu chảy cấp.

Táo bón ở trẻ em

trẻ bị rối loạn tiêu hóa-trẻ bi táo bón

Táo bón là một trong những triệu chứng rất phổ biến của bệnh lý hệ thống tiêu hoá và cũng là triệu chứng xuất hiện trong rất nhiều bệnh lý khác trong cơ thể. Tuy chỉ là triệu chứng nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống nhưng gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân và nếu táo bón xảy ra kéo dài ở trẻ em, rất dễ dẫn tới các tổn thương thực thể của đại trực tràng nếu không được điều trị kịp thời.

Có rất nhiều nguyên nhân gây táo bón như sau sốt cao, do dùng thuốc; do thói quen đi đại tiện không đều; do chế độ ăn nhiều đạm, ít chất xơ, do căng thẳng thần kinh, do tổn thương trong ống tiêu hóa… tuy nhiên ở trẻ em trong độ tuổi đi học thường táo bón do một vài nguyên nhân sau: chứng táo bón do chế độ ăn không đủ nước và chất xơ. Những trẻ ăn chế độ ăn đặc biệt với thức ăn nhanh – giàu chất béo (thịt rán, sữa trứng khuấy sẵn) và đường (kẹo, nước ngọt nhiều đường) có thể bị táo bón thường xuyên hơn. Thường thì chứng táo bón xuất hiện sau khi trẻ trải qua một thời gian viêm nhiễm, không khỏe.

Trong khi bị ốm, trẻ thường không uống đủ lượng nước cần thiết khiến chất thải trở nên rắn và rất khó di chuyển. Những chất thải này sẽ gây xước hậu môn và là nguyên nhân gây ra bệnh nứt hậu môn. Stress cũng có thể dẫn tới táo bón, trẻ có thể bị táo bón khi chúng lo lắng về điều gì đó, chẳng hạn như khi trẻ bắt đầu đi học ở trường mới hoặc khi trẻ gặp vấn đề gì đó ở nhà. Trẻ lười đi vệ sinh, thậm chí ngay cả khi trẻ có “nhu cầu”. Tuy nhiên đây lại là một nguyên nhân ít được để ý đến.

Một số trẻ bị táo bón do mắc phải hội chứng ruột kích thích (IBS), có thể xảy ra khi trẻ bị stress hoặc khi trẻ ăn phải thức ăn nào đó, thường là thức ăn quá nhiều chất béo hoặc gia vị. Tuy nhiên cũng cần chú ý trong một số trường hợp, táo bón kéo dài có thể là dấu hiệu của một bệnh lý thực thể nào đó như dài đại tràng, trĩ… vì vậy cần đưa trẻ đến bác sĩ để thăm khám nếu táo bón kéo dài.

Tiêu chảy cấp ở trẻ

tre bi roi loan tieu hoa - tre bi tieu chay

Cũng giống như ở người lớn, nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ em thường gặp nhất là do nhiễm trùng, đây là loại tiêu chảy gặp khắp nơi trên thế giới đặc biệt ở các nước kém phát triển, đồng thời là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng và tử vong cao ở trẻ em. Sở dĩ nguyên nhân gây tiêu chảy cấp chủ yếu do nhiễm khuẩn vì điều kiện vệ sinh thấp kém, môi trường ô nhiễm, thiếu nước sạch, ăn ở đông đúc chật chội, thiếu giáo dục và y tế. Hầu hết nhiễm trùng gây tiêu chảy cấp lây truyền qua đường phân – tay – miệng, qua nước và thức ăn nhiễm bẩn.

Khi bị tiêu chảy cấp, ngoài đi đại tiện nhiều lần trong ngày, phân lỏng nhiều nước, thường có kèm theo nôn mửa, đau bụng, sốt và các biểu hiện toàn thân khác tùy theo từng nguyên nhân. Các nguyên nhân hay gặp gây nên tiêu chảy cấp ở trẻ em là:

– Tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn, do các vi khuẩn dạng campylobacter gây ra. Ổ chứa vi khuẩn là động vật, thường là ở gia súc và gia cầm như chó con, mèo con, chim, lợn, các động vật gặm nhấm… đều có thể là nguồn lây bệnh cho người. Nguyên nhân các vụ dịch xảy ra phần lớn liên quan đến thức ăn và nhất là thịt gia cầm không được nấu chín, sữa không được tiệt khuẩn và nước chưa được lọc sạch.

– Tiêu chảy cấp do salmonela: đây là nguyên nhân hay gặp nhất trong các nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn. Khi nhiễm vi khuẩn, sau 12 – 36 giờ sẽ xuất hiện các biểu hiện đau bụng dữ dội vùng thượng vị và quanh rốn, đôi khi đau lan tỏa khắp bụng; buồn nôn và nôn nhiều lần, ỉa chảy nhiều lần trong ngày, dẫn đến mất nước nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến thiểu niệu, vô niệuvà tử vong do rối loạn nước và điện giải. Điều trị chủ yếu bổ sung nước và điện giải, hạ sốt, an thần và cân nhắc khi sử dụng kháng sinh.

– Tiêu chảy cấp do độc tố của tụ cầu: bệnh cảnh này là do ăn phải thức ăn đã nhiễm ngoại độc tố của tụ cầu vàng. Sau khi nhiễm từ 30phút – 6giờ, bệnh nhân đột ngột xuất hiện đau bụng dữ dội vùng thượng vị nhiều hơn vùng rốn, đau quặn từng cơn; buồn nôn và nôn nhiều lần trước khi đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước; thường không có sốt hoặc sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, có thể rối loạn nước và điện giải dẫn đến trụy tim mạch, dễ gây tử vong ở trẻ nhỏ. Điều trị chủ yếu là bổ sung nước và điện giải, trợ tim mạch.

– Bệnh do Rotavirus: bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống nhiễm virus. Virus này chủ yếu gây bệnh cho trẻ em dưới 2 tuổi; thường xuất hiện sau 24 – 48h, khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao hoặc không sốt, nôn nhiều, ỉa chảy nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước, đôi khi dẫn đến rối loạn nước và điện giải rất nhanh. Điều trị chủ yếu là điều chỉnh cân bằng nước và điện giải.

– Bệnh do phẩy khuẩn tả: Bệnh lây nhiễm theo đường tiêu hóa, do ăn phải thức ăn, nước uống… bị nhiễm mầm bệnh trong quá trình nuôi trồng, chế biến, bảo quản… hoặc do ruồi nhặng, chuột gián… làm lây lan mầm bệnh. Đặc biệt nguồn nước bị ô nhiễm là phương tiện lây truyền hết sức nguy hiểm. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè, đặc biệt những vùng sau lũ lụt; thường xuất hiện ở các nước và những vùng có trình độ kinh tế xã hội thấp kém, không cung cấp đủ nước sạch, điều kiện vệ sinh môi trường không tốt.

Sau khi nhiễm phẩy khuẩn tả, bệnh biểu hiện đột ngột xuất hiện ỉa lỏng dữ dội, phân toàn nước, màu trắng đục như nước vo gạo có lẫn những hạt trắng lổn nhổn mùi tanh. Đi ngoài dễ dàng, số lượng nhiều, nhiều lần. Sau khi đi lỏng vài giờ sẽ xuất hiện nôn, nôn dễ dàng, số lượng nhiều, lúc đầu là nước và thức ăn, sau dịch giống như dịch phân; thường không sốt hoặc sốt nhẹ; bệnh nhân mệt lả, khát nước, có khi xuất hiện khó thở, các đầu chi lạnh rúm ró, mạch nhanh nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt. Nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong vì shock không hồi phục.

Vai trò của hệ vi sinh với tiêu hóa của trẻ

Hệ vi sinh đóng một vai trò rất quan trọng ở đường tiêu hóa, đặc biệt là ở đại tràng. Ở đại tràng có khoảng 400 – 500 loại vi khuẩn có ích khác nhau, ngoài việc tham gia vào khâu cuối cùng của quá trình tiêu hóa còn đảm nhiệm chức năng bảo vệ đại tràng. Các vi khuẩn này có nhiệm vụ biến đổi chất xơ thực phẩm, thức ăn chưa tiêu hóa hết ở ruột non thành acid lactic, acetic, butyric, hàng loạt vitamin, axit amin, men, hocmon và các chất dinh duỡng quan trọng khác. Đồng thời sinh ra các khí như NH3, CO2, H2S… Quá trình biến đổi đó gọi chung là quá trình lên men, mà nhờ nó, thức ăn được tiêu hóa hoàn toàn. Trong môi truờng hoạt động của đại tràng, các vi khuẩn có ích có khả năng lấn áp, đè bẹp và tiêu diệt rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.

Phòng tránh rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như thế nào?

Táo bón: Tập cho trẻ có thói quen đi đại tiện đúng giờ, những ngày đầu chưa quen, trẻ không đại tiện được cũng không sao, cứ kiên trì, đúng giờ cho trẻ ngồi vào bô như vậy (khoảng 10-15 phút), nói chung khoảng vài tuần sau là có thể tạo thành thói quen phản xạ đi ngoài.

Tăng cường rau xanh trong bữa ăn của trẻ kết hợp hoa quả như cam, bưởi, đặc biệt là chuối, cho trẻ ăn 1 – 2 quả chuối một ngày có thể đạt được hiệu quả của việc nhuận tràng, uống nước đun sôi để ấm. Ngoài ra có thể cho trẻ uống một chút nước mật ong vào sáng sớm, mỗi lần uống không ít hơn 60ml và pha bằng nước sôi.

Tiêu chảy: Để dự phòng tiêu chảy cấp cho trẻ, người lớn (gia đình và nhà trường) cần giáo dục cho học sinh có ý thức giữ gìn môi trường sạch sẽ; giữ gìn vệ sinh cá nhân như luôn rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; không chơi đùa tại những nơi có rác bẩn; không ăn thức ăn đường phố, thức ăn không đảm bảo vệ sinh; ăn chín uống sôi… Với người lớn thì cần chế biến và bảo quản thức ăn, nước đảm bảo an toàn thực phẩm; phải đảm bảo có “đôi bàn tay sạch” khi chế biến thức ăn; quản lý tốt chất thải sinh hoạt ra môi trường. Không nên để trẻ gần gũi, ôm ấp vật nuôi, đặc biệt khi vật nuôi có dấu hiệu bị ốm. Cần cách ly trẻ mang bệnh với các trẻ khác để tránh bệnh lây lan…

Rối loạn tiêu hóa là chứng bệnh thường gặp và cũng có nhiều người chủ quan nên đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Do đó, người lớn nên quan tâm tới vấn đề tiêu hóa của trẻ để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh những biến chứng có hại cho sức khỏe của trẻ. Điều quan trọng là cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi trẻ gặp rối loạn tiêu hóa để được khám, chẩn đoán và có biện pháp điều trị thích hợp.

Biện pháp giải quyết tận gốc rối loạn tiêu hóa cho trẻ

Khi trẻ có các dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa, bên cạnh các biện pháp như: giữ vệ sinh trong ăn uống, tẩy giun đúng lịch, điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Cần chú ý bổ sung sớm men vi sinh có ích cần thiết cho hệ tiêu hóa của trẻ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới: “Men vi sinh là các chế phẩm tổng hợp giúp bổ sung các vi khuẩn có lợi nhằm tạo nên sự cân bằng vi khuẩn trong hệ tiêu hóa và ức chế các vi khuẩn có hại gây bệnh và tiết độc tố. Men vi sinh được dùng cho trẻ trong trường hợp bị rối loạn tiêu hóa do loạn khuẩn đường ruột, biểu hiện là các triệu chứng biếng ăn, tiêu chảy, phân sống, táo bón…”

Trẻ em bị rối loạn tiêu hoá nên dùng thuốc gì?

Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng rối loạn tiêu hoá trẻ em cũng như có nhiều loại men tiêu hoá. Vì vậy, cần phải hiểu rõ cách sử dụng từng loại thuốc đối với từng trường hợp rối loạn tiêu hoá cụ thể:

– Trường hợp 1: Nếu chữa tiêu chảy, táo bón do dùng kháng sinh gây ra thì phải dùng antibio, có thành phần là men vi sinh lactobacillus acidophilus có tác dụng phục hồi rối loạn hệ vi sinh có ích trong đường tiêu hoá đã bị tiêu diệt khi dùng kháng sinh (dùng thuốc xa bữa ăn 2 giờ).

– Trường hợp 2: Nếu chữa rối loạn tiêu hoá phân thối, quánh thì dùng neopeptin trong thành phần có men tiêu hoá đường bột (amylase), men tiêu hoá đạm (papin) và tinh dầu kích thích tiêu hoá (dùng cho trẻ em là loại thuốc giọt, lọ 15ml).

Cách chữa tốt nhất là dùng antibio để giúp cơ thể phục hồi hệ vi sinh vật có ích trong đường tiêu hoá. Sau đó nếu đi ngoài phân thối và quánh thì dùng neopeptin để bổ sung men tiêu hoá đường và đạm cho cơ thể (dùng thuốc giữa bữa ăn).

Debridate có thành phần chính là trimebutin maleate có tác dụng chữa khó tiêu, đau bụng quặn hoặc rối loạn nhu động ruột ở trẻ em. Trẻ 5 tuổi nên dùng loại thuốc nước (truyền dịch) mỗi lần 2 thìa cà phê x 2 lần/ngày.

Becombion xirô gồm có 6 vitamin nhóm B là B1, B2, B3, B5, B6 và B12 (chai 110ml và 60ml) có tác dụng chữa bệnh thiếu vitamin nhóm B. Thiếu máu, suy nhược cơ thể. Trẻ em chậm lớn, suy dinh dưỡng, các bệnh đường ruột, gan. Liều trẻ em 1 thìa cà phê/ngày.

Tuy nhiên, muốn giải quyết tận gốc chứng rối loạn tiêu hoá trẻ em cần:

– Tập cho trẻ thói quen: Rửa sạch tay trước và sau mỗi lần ăn uống. Ðánh răng, súc miệng sạch sau khi ăn. Vì tay và miệng là nơi chuyển vào cơ thể đủ thứ: giun sán, vi khuẩn… Nếu tay và miệng sạch thì giảm được 60-70% các bệnh từ ngoài vào cơ thể.

– Tẩy giun 6 tháng 1 lần (1 viên kẹo giun quả núi 500mg mebendazol hoặc 1 viên fugacar 500). Tác hại của giun là hút dưỡng chất làm người suy kiệt. Ðộc tố của giun cũng gây chứng rối loạn tiêu hoá: buồn nôn, ỉa lỏng, táo bón, khó tiêu…

– Bổ sung men tiêu hoá và men sinh hoá từ các loại quả: Ðu đủ chín hoặc dứa (khóm) chín: ăn 1 miếng nhỏ sau khi ăn cơm có tác dụng bổ sung men tiêu hoá chất đạm, chữa chứng ỉa phân thối.

Cam, quýt, bưởi (ăn cả cùi cam vỏ dày và lấy chất nhày hạt bưởi uống) để giúp cơ thể tổng hợp các loại men cần cho quá trình sinh hoá trong cơ thể chống nhiễm độc môi trường. Chống táo bón (ăn cả múi).

– Bữa ăn nào cũng có rau, nay thứ này mai thứ khác, để đảm bảo nhu cầu vitamin, khoáng chất, chất xơ chống táo bón.

– Khi cần dùng thuốc chữa bệnh phải đến bệnh viện (Ðông hoặc Tây y) khám và dùng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc.

Trẻ bị rối loạn tiêu hóa – Nên ăn uống gì?

Tiêu chảy là tình trạng khi trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc nhiều nước trên 3 lần 1 ngày, thường hay xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là những trè từ 6 tháng tuổi đến 2 tuổi.

Tiêu chảy cấp xảy ra đột ngột kéo dài không quá 14 ngày (thường dưới 7 ngày). Tiêu chảy kéo dài là khi bị tiêu chảy trên 2 tuần hoặc nhiều hơn.

Trẻ em bị tiêu chảy thường bị suy dinh dưỡng và có thể dẫn tới tử vong, do cơ thể mất một lượng nước và muối lớn. Một nguyên nhân quan trọng nữa gây ra chết là lỵ. Để giúp trẻ phục hồi nhanh sau tiêu chảy và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, ăn càng sớm càng tốt khi chúng muốn ăn.

Chế độ ăn uống của trẻ bị rối loạn tiêu hóa

Trong điều trị tiêu chảy, điều quan trọng nhất là đề phòng mất nước, nhanh chóng điều trị mất nước và chế độ ăn của trẻ.

Để phòng mất nước ngày tại nhà bằng cách cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường như ORS (oresol), nước đun sôi để nguội, hoặc các dung dịch chế từ thực phẩm như cháo, nước cháo muối, nước gạo rang, nước cơm…
Nếu có mất nước phải đưa trẻ đến gặp cán bộ y tế cơ sở hoặc trạm y tế để điều trị. Cách điều trị mất nước tốt nhất là cho trẻ uống ORS và các loại dung dịch chế từ thực phẩm. Số lượng dung dịch cần cho uống tại nhà sau mỗi lần đi ngoài:

•Trẻ dưới 2 tuổi: 50 – 100ml.
•Trẻ từ 2 – 10 tuổi: 100 – 200ml.
•Trẻ từ 10 tuổi trở lên và người lớn: uống theo nhu cầu.

Các loại dịch dùng trong điều trị ORS và cách pha: rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi pha. Đổ bột gói vào một cái bình ấm hay ấm tích nước sạch. Đong một lít nước sạch (hoặc một lượng nước thích hợp với từng loại gói được dùng), tốt nhất là nước đun sôi để nguội, trong trường hợp không thể có được thì dùng nước nào sạch nhất. Đổ nước vào bình chứa và lắc kỹ cho đến khi bột hòa tan hoàn toàn. Đậy bình lại và cho trẻ uống trong vòng 24 giờ. Đổ dung dịch đã pha đi khi đã quá 24 giờ và pha lại dung dịch mới.

Nước cháo muối: dùng một nắm gạo, một nhúm muối và 6 bát ăn cơm nước sạch rồi đun nhừ, lọc qua rá, lấy nước cho trẻ uống dần.

Nước gạo rang muối: lấy 50g gạo (một vốc tay) đem rang vàng, cho 6 bát nước đem nấu nhừ lọc qua rá cho 1 thìa cà phê muối ăn vào rồi cho trẻ uống dần.

Nước chuối, nước hồng xiêm: chuối hoặc hồng xiêm 5 quả xay hoặc nghiền nát với 1 lít nước sôi để nguội + 1 thìa cà phê gạt ngang muối ăn, cho trẻ uống dần.

Súp cà rốt muối: cà rốt 500g, muối ăn một thìa cà phê gạt ngang, 8 thìa cà phê đường. Cà rốt nấu nhừ chà qua rá hoặc cho vào máy xay sinh tố xay nhừ, cho một nhúm muối đun sôi lại, cho trẻ uống dần.

Cho trẻ ăn khi bị tiêu chảy

Là vấn đề rất quan trọng để đề phòng trẻ bị sút cân và suy dinh dưỡng.

Các loại thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy: gạo (bột gạo), khoai tây, thịt gà nạc, thịt lợn nạc, sữa đậu tương, dầu ăn, cà rốt, hồng xiêm, chuối.

Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ: vẫn tiếp tục cho trẻ bú bình thường và tăng số lần bú.

Trẻ trên 6 tháng tuổi: ngoài sữa mẹ cần cho trẻ ăn thêm nhiều lần và từng ít một, các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt, trứng, cá, sữa… và cần cho thêm một ít dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần.

Thức ăn cần mềm, nấu kỹ, nấu loãng hơn bình thường và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm, nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã được nấu sẵn thì cần phải đun lại trước khi cho ăn. Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả chín như chuối, cam, chanh, xoài, đu đủ… để tăng lượng kali. Không dùng các loại nước giải khát công nghiệp vì chúng có thể làm tăng tiêu chảy.

Tránh các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như các loại rau thô, tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ…) khó tiêu hóa.

Không dùng các loại thức ăn có nhiều đường vì những loại thức ăn này có thể làm tiêu chảy nặng hơn.

Số lượng thức ăn:

Cần khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt. Trẻ nhỏ cho ăn 6 lần/ ngày hoặc nhiều hơn.

Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp cho trẻ phục hồi nhanh và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa trong hai tuần liền. Với trẻ bị tiêu chảy kéo dài thì phải cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa và kéo dài tối thiểu một tháng.

Ghi chú:

– Nếu trẻ ăn ít hoặc ăn vào bị nôn thì cho ăn ít hơn và tăng số bữa lên so với thực đơn.
– Trẻ dùng sữa bò tiêu chảy tăng thêm thì thay bằng sữa đậu tương 10% hoặc sữa không có latoza như (Isomil, Olac) hoặc cho ăn sữa chua làm từ sữa pha giống như các bữa sữa nước của trẻ.
– Từ ngày thứ 5 nếu trẻ bớt tiêu chảy quay dần về chế độ ăn, ăn bình thường.

Phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ

nuôi con bằng sữa mẹ phòng bệnh rối loạn tiêu hóa

•Nuôi con bằng sữa mẹ.
•Cho trẻ ăn bổ sung đúng và hợp lý, đảm bảo vệ sinh khi chế biến, bảo quản, dùng nguồn nước sạch, thực phẩm sạch và tươi không bị nhiễm khuẩn hoặc hóa chất bảo vệ thực vật.
•Rửa tay bằng xà phòng: Sau khi đi vệ sinh, thay tã lót cho trẻ, trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, chăm sóc trẻ.
•Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, xử lý an toàn phân trẻ nhỏ bị tiêu chảy.
•Tiêm phòng sởi: trẻ mắc các bệnh sởi hoặc sau khi khỏi do mắc tiêu chảy, lỵ nặng dẫn tới tử vong. Tiêm vắc-xin sởi có thể phòng ngừa được 25% số ca tử vong liên quan tiêu chảy trẻ dưới 5 tuổi.

Trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài do chế độ ăn uống?

Chào bác sỹ. Con tôi được 6 tháng, cháu bú sữa ngoài hoàn toàn từ lúc mới sinh. Nhưng từ tháng thứ 4 cho đến nay cháu bị đi ngoài lúc đặc lúc lỏng, lúc hoa cà hoa cải lúc thì toàn nước.Cháu đã đi khám ở bệnh viện nhi Trung Ương 2 lần ,lần thứ nhất bác sỹ kết luận cháu bị tiêu chảy kéo dài nhưng cháu uống thuốc chỉ đỡ hơn nhưng cũng không khỏi ( trước khi uống thuốc cháu đi 7-8 lần /ngày. Sau khi uống thuốc cháu đi 4-5 lần / ngày ). lần thứ 2 tôi lại cho cháu lên viện nhi Trung Ương khám bác sĩ kết luận cháu bị nhiễm khuẩn bạch cầu và uống thuốc vẫn không khỏi. Một ngày cháu đi ngoài 3-4 lần.Cháu được 8,5 kg ,ăn uống ,vui đùa bình thường.Mong bác sỹ tư vấn giúp tôi. Và khi nào cháu nên uống bổ sung thêm canxi .Uống loại nào là tốt nhất. Rất mong nhận được câu trả lời sớm từ bác sỹ. Tôi xin chân thành cám ơn bác sỹ.

Trả lời của bác sỹ nhi khoa:

Cháu được 6 tháng, cân nặng 8,5kg là bình thường. Tình trạng đi ngoài của cháu như vậy là rối loạn tiêu hóa kéo dài. Nguyên nhân phần lớn do chế độ ăn. Mặt khác, cháu bú sữa ngoài từ lúc sinh nên sức đề kháng sẽ giảm so với cháu bú sữa mẹ hoàn toàn. Bởi vì, trong sữa mẹ có các chất dinh dưỡng và kháng thể mà sữa ngoài không thể có được.

Để khắc phục, trước hết cần điều trị triệt để tình trạng nhiễm khuẩn đường ruột (nếu có). Từ tháng thứ 6 trở đi ngoài sữa ra, cần bổ sung thêm 2 – 3 bữa cháo hoặc bột. Cần chế biến gồm thịt (trứng, cá), rau xanh, dầu (mỡ). Chú ý cần vệ sinh sạch sẽ từ bát đũa, cốc, bình sữa. Rửa tay sạch trước khi cho ăn và sau khi đi vệ sinh.

Ngoài ra cần bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất, các loại men vi sinh giúp bé ăn ngon, kích thích tiêu hóa, tăng sức đề kháng. Chị hoàn toàn có thể bổ sung canxi và vitamin D3 cho cháu.

Lưu ý phòng bệnh trẻ bị rối loạn tiêu hóa trước năm học mới?

Thưa bác sĩ, tại sao thời điểm đầu năm học trẻ có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa cao?

Vào thời điểm đầu năm học, trẻ đến trường sẽ gặp nhiều bạn bè, việc giao tiếp diễn ra nhiều hơn, kể cả tiếp xúc chân tay. Do đó, trẻ có nhiều nguy cơ lây nhiễm vi trùng từ bạn bè nên khả năng bị rối loạn tiêu hóa cũng tăng.

Đây là thời điểm giao mùa, nóng ẩm thất thường nên nấm mốc phát triển nhanh, dẫn đễn thức ăn dễ bị ôi thiu. Khi ăn phải những thức ăn này, trẻ sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa. Hơn nữa, thời tiết thay đổi trẻ dễ bị mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm tai mũi họng… Quá trình sử dụng kháng sinh dài ngày cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở trẻ.

Vậy phải làm sao để trẻ đủ sức khỏe học tập và tránh được bệnh về tiêu hóa, thưa bác sĩ?

Để trẻ có sức khỏe dẻo dai trong thời kỳ mới bắt đầu vào năm học mới, nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dương như thịt cá, đậu, sữa, rau xanh và hoa quả. Tốt nhất cung cấp cho trẻ đủ lượng nước hàng ngày. Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nhiều chất béo, chất đạm, thức ăn để lâu ngày dễ bị nhiễm khuẩn.

Nên cho trẻ ăn no vào bữa sáng để tránh trẻ ăn quà vặt ở đường phố, dẫn đến tình trạng ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh và mắc bệnh rối loạn tiêu hóa.

Thưa bác sĩ, cần làm gì khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa?

Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, điều đầu tiên cha mẹ cần xác định tình trạng mất nước ở trẻ, bằng việc kiểm tra ngay xem trẻ khát không, đi tiểu có như bình thường hay không, môi khǴ như thế nào, từ đó nhanh chóng bù nước cho con.

Khi rối loạn tiêu hóa có kèm theo đau bụng thì đi khám bệnh càng sớm càng tốt để đề phòng mắc bệnh cấp tính như bệnh viêm ruột thừa, thủng dạ dày, ngộ độc thực phẩm…

Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nhiều chất béo, chất đạm, thức ăn để lâu ngày dễ bị nhiễm khuẩn. Với bé bị rối loạn tiêu hóa dạng tiêu chảy cha mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn của trẻ tăng cường rau xanh và chất xơ, uống nhiều nước,… đặc biệt nên giữ vệ sinh ăn uống, có thể bổ sung các men vi sinh có lợi.

Làm thế nào để phòng chống rối loạn tiêu hóa ở trẻ, đặc biệt là khi mùa tựu trường sắp tới thưa bác sĩ?

Đến trường là bước vào một ŧiai đoạn mới trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ, vì vậy, việc giữ gìn sức khỏe cho trẻ để trẻ học tập tốt là hết sức cần thiết. Các bậc phụ huỳnh cần lưu ý:

– Có thực đơn đa dạng, lành mạnh, dinh duỡng phù hợp với từng giaũ đoạn phát triển của trẻ.

– Giữ gìn vệ sinh, tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh.

Kể cả khi đi học hay ở nhà, nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay với xà phòng diệt khuẩn (hoặc người lớn rửa tay cho trẻ với xà phòng này) để ngăn ngừa tình trạng trẻ tiếp xúc với các vi khuẩn gây bệnh có trong môi trường sống, trên đồ chơi, thú vật cưng hoặc ở các khu vực vệ sinh… Điều này đồng thời giúp hệ miễn dịch non nớt của trẻ không phải “đối phóĢ nhiều với virus gây bệnh nên có khả năng phòng ngừa rối loạn tiêu hóa tốt hơn.

Nếu trẻ có biểu hiện của rối loạn tiêu hóa ngày càng nặng các mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sỹ nhi khoa để có hướng điều trị.

Trên đây là tổng hợp những nguyên nhân và cách điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ, hy vọng với những thông tin này, các mẹ sẽ bắt đúng bệnh cho con và có phương pháp điều trị thích hợp. 

Mời các mẹ xem thêm các vấn đề về bệnh tiêu hóa ở trẻ nhỏ trong chuyên mục: Bệnh tiêu hóa

 

1 Comment
Leave a Reply