Cứ vào mùa hè thì con mình lại hay nổi rôm sảy. Bệnh tuy lành tính nhưng khiến bé rất khó chịu vì ngứa, mà càng ngứa lại càng hay gãi, thế là lưng bé, người bé đều đỏ lừ và một số chỗ còn tăng nặng thành mủ rất rát. Xót con, mình đi tìm tòi nghiên cứu trên mạng biết được một số thông tin về cách chữa bệnh rôm sảy ở trẻ em rất hiệu quả nên cũng muốn chia sẻ với các mẹ. Mời các mẹ theo dõi nhé.
Nguyên nhân và triệu chứng ở trẻ bị rôm sảy
– Nguyên nhân gây rôm sảy là do các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Điều này thường xảy ra khi thời tiết nóng nhưng đôi khi cũng do trẻ được cho mặc quần áo quá nóng. Trẻ bị sốt cao hay trẻ ở trong lồng ấp cũng có thể bị nghẽn các ống tuyến mồ hôi; khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm; do vận động cơ thể (làm việc nặng, chơi đùa…) với cường độ cao; mặc quần áo, tã lót bằng một số loại vải pha nilon gây bí; do một vài vi khuẩn thường trú ngoài da có thể bài tiết một loại chất nhờn làm bít các ống tuyến mồ hôi.
– Ở trẻ em, rôm sảy có chủ yếu ở da đầu, cổ, vai, ngực và lưng nhưng cũng có thể có thêm ở kẽ nách, háng. Triệu chứng là xuất hiện các mụn nước dưới da, sau đó nổi mẩn đỏ có thể gây ngứa cho trẻ, thông thường rôm sảy có thể tự khỏi nhưng cũng có một số trường hợp phải được điều trị.
– Nguyên nhân gây rôm sảy là do các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Việc tắc nghẽn có thể do: các ống tuyến mồ hôi ở trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh nên rất dễ khiến mồ hôi không có đường thoát ra ngoài. Điều này thường xảy ra khi thời tiết nóng nhưng đôi khi cũng do trẻ được cho mặc quần áo quá nóng. Trẻ bị sốt cao hay trẻ ở trong lồng ấp cũng có thể bị nghẽn các ống tuyến mồ hôi; khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm; do vận động cơ thể (làm việc nặng, chơi đùa…) với cường độ cao; mặc quần áo, tã lót bằng một số loại vải pha nilon gây bí; do một vài vi khuẩn thường trú ngoài da có thể bài tiết một loại chất nhờn làm bít các ống tuyến mồ hôi.
– Đa số trẻ chỉ bị rôm sảy khi nóng, còn khi thời tiết mát mẻ, rôm tự lặn hết, không gây tác hại gì. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp mụn rôm làm trẻ ngứa, gãi nhiều làm da sây sát, bị nhiễm khuẩn thêm thành những mụn mủ và nhọt.
Tổng hợp các phương pháp dân gian chữa trị cho trẻ bị rôm sảy
Một số loại rau quả theo dân gian có tác dụng chữa trị rôm sảy cho bé
Nên tắm rửa cho bé thường xuyên bằng một trong các thứ thuốc dân gian như:
– Mướp đắng (hay còn gọi là khổ qua) cho vào máy sinh tố xay nhỏ, cho bã vào miếng vải buộc chặt, nấu lấy nước cho bé tắm. Làm như vậy đều đặn trong một tuần, các nốt rôm sảy ở trẻ sẽ lặn hết. Liều lượng là 2 quả mướp/lần tắm.
– Lá chè xanh, rửa sạch, bóp nát nấu với nước, dùng tắm cho bé có tác dụng kháng khuẩn và làm mát da.
– Lá kinh giới, lá đậu ván nấu với lượng nước vừa đủ, đun lên tắm cho bé. Liều lượng là 2-3 mớ kinh giới/lần tắm.
– Dùng nước ấm, pha thêm chút muối không quá mặn và tùy theo lượng nước nhiều hay ít mà vắt thêm vào đó một hoặc nửa quả chanh, tắm cho bé sẽ cho cảm giác mát mẻ. Các mẹ nhớ đừng cho muối và chanh quán nhiều nhé vì sẽ làm rát da bé.
– Ngoài ra, mẹ cũng có thể tắm cho bé ít nhất một ngày một lần với dung dịch thuốc tím pha loãng tỷ lệ 1/10.000 hoặc lactaxcyd. Lưu ý, không nên tự ý bôi corticoid vì da bé rất mỏng, dễ gây phồng rộp, tổn thương da.
– Các mẹ cũng có thể dùng nước tắm bình thường và cho vào một lượng muối vừa phải để trị rôm sảy cho bé. Nước tắm có muối sẽ có tác dụng kháng khuẩn, sát trùng, góp phần giữ ẩm, vừa giúp da tỏa nhiệt tốt hơn, mang lại cho bé cảm giác mát mẻ sau khi tắm.
– Trong trường hợp nhọt mọc liên tiếp và mọc dày thì phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện để bác sĩ tìm ra nguyên nhân.
Bài thuốc đông y trị rôm sảy cho bé trong mùa hè
Rôm là bệnh ngoài da thường xuất hiện vào mùa hè, nhất là ở trẻ nhỏ. Theo y học cổ truyền, rôm phát sinh do phong huyết nhiệt, thấp nhiệt và nhiệt độc gây nên. Rôm sảy tuy không đe dọa tính mạng nhưng gây phiền toái, khó chịu và ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của trẻ. Dưới đây là một số bài thuốc dùng để trị rôm cho trẻ.
Bài 1: Gừng tươi 70g (để cả vỏ) rửa sạch, giã nát, dùng bông thấm nước gừng, bôi thấm lên những chỗ da nổi rôm, ngứa ngáy. Ngày bôi 2 – 3 lần. Bôi trong 5 ngày. Hoặc 50g gừng tươi giã nhỏ, sắc với khoảng 2 lít nước. Đun sôi, để nước nguội thì tắm. Mỗi ngày tắm một lần vào buổi sáng. Tắm trong 3 ngày.
Bài 2: Lá dâu tằm 200g, rửa sạch cho vào túi vải, nấu với khoảng 5 lít nước, đun sôi, chờ đến nước ấm thì tắm. Tắm xong lau khô, rồi bôi (hoặc rắc) bột đậu xanh vào những chỗ rôm mọc (đậu xanh cả vỏ, tán thành bột mịn, cho vào lọ nút kín dùng dần). Tắm liên tục 3 – 5 ngày là rôm hết mọc.
Bài 3: Lá bọ mẩy tươi 70 – 100g, bạc hà 15g. Sắc lá bọ mẩy lấy nước đặc, trước khi bắc ra thì cho bạc hà vào, đun sôi lại là được. Dùng nước bôi, rửa nơi có rôm, ngày 2-3 lần. Dùng trong khoảng 3 – 5 ngày. Hoặc lá bọ mẩy tươi 30g, rửa sạch đem sắc với 500ml nước còn 200ml, chia 2 lần uống sáng và chiều tối; liên tục 3-5 ngày.
Bài 4: Sài đất tươi 300g nấu với nước để tắm hàng ngày. Hoặc dùng 100g sài đất tươi giã với ít muối, thêm 100ml nước đun sôi để nguội rồi vắt lấy nước, uống 2-3 lần trong ngày. Bã đắp vào nơi có rôm. Dùng trong 4 ngày.
Bài 5: Dùng 60g rễ cây hẹ rửa sạch, sắc uống ngày 1 thang. Lấy một cây hành tươi rửa sạch, giã nát, trộn đều với chút giấm, sao lên rồi bôi vào nơi có rôm sảy rất tốt.
Bài 6: Dùng 1 nắm rau má tươi, rửa sạch, giã nát, cho thêm một ít nước mưa (đã đun sôi để nguội) rồi vắt lọc lấy nước, cho thêm đường, cho trẻ uống vào buổi sáng của mỗi ngày.
Bài 7: Bột yến mạch: Tắm cho con bằng yến mạch là một mẹo nhỏ em học được của cô bạn người nước ngoài. Yến mạch xay nhuyễn thành bột, hoà vào nước tắm, ngâm mình bé trong nước lặp lại vài lần trong ngày. Chất avenanthramide trong bột yến mạch có tính chất kháng viêm tự nhiên, sẽ giúp các vết rôm sảy mau lành.
Bài 8: Lá mảnh bát: Mua lá mảnh bát về, các mẹ nhớ rửa sạch rồi đem phơi. Khi nào cần dùng thì lấy ra chừng 2 nắm, rửa thật sạch một lần nữa rồi cho vào nồi, đổ xăm xắp nước và đun sôi. Khi lá bắt đầu chuyển sang màu vàng và có mùi thơm nhẹ là được. Mẹ chờ cho nước nguội bớt, đem lọc bã rồi pha nước tắm cho con. Một tuần cho con tắm lá mảnh bát 1-2 lần, da bé sẽ láng mịn, mát mẻ và hết hẳn rôm sảy.
Lá mảnh bát là loại cây thảo nhẵn và mảnh, mọc leo cao, đôi khi dài tới 5m hay hơn. Vỏ và rễ có tác dụng xổ, rễ hạ nhiệt; lá hạ nhiệt, dùng ngoài chống ngứa, tiêu viêm, quả trị đái đường. Các mẹ có thể tìm mua loại lá này tại các cửa hàng bán lá chuyên dụng ở các chợ lớn.
Trị rôm sảy cho bé bằng nước cốt lá tía tô
Để trị rôm sảy mùa hè cho con, các mẹ có thể thử áp dụng rất nhiều cách. Còn mình, mình đã trị rôm sảy cho con thành công chỉ bằng cây lá tía tô ngay trong vườn nhà.
Các mẹ cứ liên tục điều trị rôm sảy bằng nước cốt lá tía tô cho con 2-3 lần/ ngày và điều trị liên tiếp trong 1 tuần nhé. Các mẹ sẽ thấy chúng hiệu nghiệm hơn hẳn so với mướp đắng, kinh giới hay chè tươi đấy!
Nhà mình có một mảnh vườn nhỏ với đủ các loại rau như kinh giới, tía tô, ngải cứu, mùng tơi, rau lang, rau ngót, mướp đắng. Tất nhiên vì là mảnh vườn nhỏ nên mỗi loại cây chỉ được điểm mặt một vài cây. Song như thế cũng đủ để cho Cún nhà mình được tắm mát hoặc ăn canh suốt cả tuần.
Vào mùa đông còn đỡ, vào mùa hè Cún nhà mình cũng như nhiều bé khác rất hay bị rôm sảy tấn công. Cún giống bố nên máu nóng, lại hay chạy nhảy bên ngoài nên hè đến cứ đen nhẻm và bị rôm sảy hoành hành. Lúc đầu, mình cứ ra sức lấy mướp đắng để đun nước tắm hoặc lá kinh giới vò lấy nước để tắm cho con nhưng chẳng mấy ăn thua. Hình như tất cả những cách mình thử qua đều không mát và hiệu nghiệm bằng lá tía tô thì phải.
Một lần trong vườn những cây kinh giới, mướp đắng đều đã trơ trụi lá. Mình cũng lại lười đi chợ mua lá chè tươi về tắm cho con vì chợ ở cách nhà quá xa. Định bụng sẽ để cho con “nghỉ tắm” bằng những cây lá mát kia một hôm, nhưng đến chiều con cứ gãi vì ngứa ngáy không chịu được với lũ rôm sảy khi con ra mồ hôi. Thế là mình lại chạy ra vườn nhà xem còn ngọn rau kinh giới nào có thể lấy nhưng chỉ còn đám lá tía tô là chưa được bứt hái nhiều.
Vì biết lá tía tô cũng là một loại rau giải nhiệt nên mình đánh liều lấy lá tía tô vào rửa sạch và cho vào cối giã nát để lấy nước cốt chấm lên toàn bộ vùng lưng bị rôm sảy của Cún vài lần/ ngày. Không làm theo cách này, các mẹ có thể dùng lá tía tô xoa xát trực tiếp (với các bé lớn) hay nghiền nhuyễn rồi cho vào túi vải mà xoa xát cho con. Không ngờ, Cún nhà mình rất hợp khi điều trị rôm sảy bằng cách này và cho kết quả rất tốt. Mình cảm giác trị rôm sảy cho Cún bằng nước lá tía tô còn hiệu nghiệm hơn hẳn lá chè tươi, mướp đắng, lá kinh giới… mà trước mình vẫn thường tắm cho Cún nhé.
Mình viết những chia sẻ này để các mẹ có con bị rôm sảy mùa hè tham khảo thêm một biện pháp đơn giản mà hiệu nghiệm để trị rôm sảy cho con. Kinh nghiệm của mình là các mẹ cứ liên tục điều trị rôm sảy bằng nước cốt lá tía tô cho con 2-3 lần/ ngày và điều trị liên tiếp trong 1 tuần nhé. Khi thoa nước cốt lá tía tô lên người con, nhìn chúng sẽ rất thâm. Nhưng các mẹ cứ nhắc con chịu khó để nước cốt lá tía tô lưu lại trên da trong 10-15 phút cho khô se bề mặt rồi đi tắm hoặc lau lại người bằng nước ấm cho con là ổn.
Lưu ý là, các mẹ nên chấm nước cốt tía tô lên những vùng da bị rôm sảy cho con sau khi con đã được tắm rửa sạch sẽ nhé.
Mấy năm nay từ khi phát hiện ra công dụng trị rôm sảy của tía tô, mình toàn dùng nước này để chấm cho Cún mỗi đợt con bị rôm sảy đấy các mẹ à. Đến bây giờ mỗi khi vào hè dù da con không hề có một con rôm con sảy nào nổi lên nữa nhưng mình vẫn chà cả người cho con bằng nước cốt lá tía tô sau khi con tắm qua loa hoặc chà cho con trước khi tắm buổi tối. Các mẹ khi hái tía tô cứ hái cả cành, lá. Chỉ cần rửa sạch rồi cho vào cối giã mịn lấy nước cốt rồi thoa cho con là ổn.
Ngoài trị rôm sảy cho con, mình cũng sử dụng lá tía tô để giã lấy nước cốt cho Cún và cả nhà uống. Điều này cũng giúp giảm nổi mẩn (dị ứng) mùa hè đáng kể cho con đấy các mẹ ạ.
Cho trẻ rôm sẩy ăn thanh long hằng ngày
Thanh long là loại cây cho hoa đẹp, quả ngon, có nhiều chất dinh dưỡng, và đồng thời cũng là một vị thuốc thông dụng, rất tốt cho người bị rôm sẩy, mụn nhọt, táo bón.
Thanh long còn được gọi là cây mắt rồng, tường liên, cây lòng chảo… thuộc họ xương rồng, là loại cây thân leo trườn dài tới 10m, bám vào giá thể nhờ những rễ phụ. Thân màu lục, có 3 cạnh dẹp khía tai bèo, thường hoá sừng ở các mép, gai không nhiều lắm, rất ngắn.
Hoa có đường kính tới 30cm, màu trắng hay vàng nhạt. Lá đài và cánh hoa nhiều, dính nhau thành ống; nhị nhiều; bầu dưới. Quả màu đỏ tươi, mọng nước, có phiến hoa còn lại, dài 18-20cm, đường kính từ 12-15cm. Sau lớp vỏ dầy màu đỏ là phần thịt màu trắng với nhiều hạt màu đen nhánh, nhỏ hơn hạt vừng. Thu hoạch quả vào mùa hè thu.
Thanh long có vị ngọt, nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, nhuận tràng, chỉ khái hoá đàm, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm phế quản, lao phổi, viêm hạch bạch huyết, quai bị, mụn nhọt…
Thân cây có tác dụng thư cân hoạt lạc (giúp gân cốt co duỗi khoẻ khoắn và làm thông suốt các kinh lạc) và giải độc. Hoa có tác dụng bổ phế, trừ ho. Quả thanh long là một loại quả ăn giải nhiệt, nhuận tràng. Dùng quả ăn tươi rất tốt cho những người bị rôm sẩy, mụn nhọt, táo bón,…
Đặc biệt, chất nhầy trong quả thanh long giúp làm giảm cholesterol. Do đó, người béo phì, người có hàm lượng cholesterol cao, huyết áp tăng nên ăn thanh long. Thanh long còn thích hợp với người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp…
Thanh nhiệt, giải độc, chữa rôm sẩy, mụn nhọt, nhuận tràng: Dùng quả tươi ăn hàng ngày.
Chữa bỏng nhẹ: Thân cây thanh long gọt bỏ vỏ và gai, rửa thật sạch với nước muối loãng, giã nát lấy nước bôi hay dùng bã để đắp chỗ bỏng sẽ làm hết rát.
Chữa mụn nhọt, gãy xương kín: Thân cây thanh long (bỏ vỏ và gai) giã nát đắp vào vị trí tổn thương.
Trị rôm sảy cho con bằng nha đam
Đây là cách trị rôm sảy cho con của mẹ Bông. Bé Bông mới được 6 tháng tuổi, sau khi được mẹ áp dụng chiêu này, da dẻ Bông đã nhẵn nhụi, hết sạch rôm đấy!
Bé Bông mới 6 tháng đã bị rôm, mới đầu mùa nóng mà lưng và vai con toàn những nốt rôm đỏ, sờ lưng con cứ ram ráp tay. Ban đêm ngủ thì con chưa biết gãi, cứ quay qua quay lại vì ngứa còn lúc thức con cứ tự cọ lưng vào ghế; thấy vậy mẹ thì xót còn bố lại cười khì, bố bảo ngày xưa bố với các chú đều bị ngứa hết, máu nóng rồi…
Mẹ hỏi thăm tất cả mọi người, bà nội bảo cho con uống thuốc cam, bà ngoại khuyên cho con uống tiêu độc mát gan để làm mát từ trong ra ngoài, có người lại khuyên cho con uống thuốc bắc… Mẹ cứ chần chừ suy nghĩ mãi vì Bông còn nhỏ quá, uống thuốc thì Bông sợ nên hay trớ, mỗi lần kết thúc uống thuốc xong là con khóc hờn, giọng khản có khi lại thành viêm họng; nhưng mẹ băn khoăn nhất là chất lượng thuốc có đảm bảo vệ sinh an toàn không và con uống có phản ứng gì không, con mới được 6 tháng tuổi mà.
Càng ngày lưng của con càng đỏ ửng, vai và cánh tay rôm mọc ngày càng dày hơn, mẹ xót quá, không chần chừ gì nữa, nhất quyết theo phương án “tự nhiên hóa”: không cho con dùng đường uống nhưng tận dụng tất cả các loại cây lá tự nhiên để tắm và bôi da cho con.
Nha đam: Mẹ có một chậu nha đam tươi tốt trồng để đắp mặt từ hồi con gái trên sân thượng, trước khi tắm 30 phút, mẹ lên tỉa lá tươi, rửa sạch đất cát, cắt lấy phần thịt nha đam trong, nhiều nhớt để bôi vào chỗ rôm cho Bông. Mẹ dưỡng da có kết quả nên cứ dùng cho con, phần nhớt này sau một lúc là khô, không gây khó chịu cho con và không làm ố áo của con như nước chè. Mẹ từ nay gọi nha đam là “lô – sừn” của Bông.
Mướp đắng + lá khế chua: Mướp đắng đi mua ở chợ, lá khế chua mẹ đi xin trong vườn hàng xóm về rửa sạch, ngâm nước muối rồi cho vào máy xay, thêm chút nước rồi say nhuyễn, lọc qua 3 lớp vải màn lấy nước cốt để riêng. Lấy một ít nước mát, nhồi phần bã trong vải màn (nhồi như nhồi bột) vài lần rồi vắt khô. Nước cốt và nước nhồi đổ vào chậu tắm, cho thêm chút nước sôi để đến nhiệt độ ấm tắm cho con (thêm ít nước để nước tắm càng đặc càng tốt) còn phần bã (vẫn trong vải màn) thì bôi lên lưng, vai và tay con, vỗ nhẹ cho da hấp thụ.
Chanh: 1 quả chanh rửa sạch, vắt lấy nước cốt vào nước tắm rồi cho phần vỏ vào, bóp nhẹ cho tinh dầu trong vỏ chanh ra nước.
Mẹ cứ áp dụng cho Bông như thế đến ngày thứ 3 là ít hẳn rôm, duy trì trong 1 tuần là con hết sạch rôm, da dẻ mịn màng, mấy hôm nắng nóng hơn mà Bông không thấy có hiện tượng gì, đêm ngủ ngoan lắm.
Các mẹ có con còn nhỏ (dưới 1 tuổi) theo mình không nên sử dụng phương pháp “nội công ngoại kích” vì các con còn nhỏ, uống thuốc (thuốc cam, thuốc tiêu độc,…) thì phải cân nhắc đến vệ sinh an toàn; uống nước lá (nước dấp cá, nước đỗ đen, …) thì các con uống được rất ít nên ít tác dụng, uống khó khăn (con khóc, con trớ đôi khi còn nóng và mệt thêm) và đặc biệt có thể gây đi ngoài đối với một số bé vì bị lạnh bụng (cẩn trọng với lá dấp cá). Các loại cao bôi không rõ thành phần (một số hàng lá tự chế theo công thức gia truyền) cũng không nên bôi vì có thể có phản ứng phụ, không thể dùng con mình để thử nghiệm được.
Mình thích dùng các cây lá tự nhiên xung quanh, vừa đảm bảo sạch sẽ, không tương tác thuốc, không bị phản ứng phụ như thuốc tây mà lại rất rẻ tiền, có sẵn trong vườn nhà. Các mẹ có thể gia giảm các loại lá tùy theo điều kiện để làm nước tắm cho con, để dự phòng thì mình xoa nha đam và tắm lá khế chua với chanh cho Bông 2 lần/tuần, trộm vía da dẻ con nhẵn nhụi, mát mẻ hẳn.
Mong là các bé sẽ không bị rôm sảy nữa.
Những điều mẹ nên làm
– Đảm bảo vệ sinh khi tắm nước lá cho bé: Kinh nghiệm dân gian đã cho ra đời nhiều bài thuốc từ thiên nhiên điều trị rôm sảy rất hữu hiệu cho bé. Tuy nhiên, cần lưu ý khi sử dụng các loại lá này phải rửa sạch, kỹ, ngâm qua nước muối hoặc thuốc tím trước khi nghiền, lọc hay đun nước tắm vì các loại lá này có thể chứa nhiều vi khuẩn gây hại, thậm chí không chết sau khi đun nấu. Chưa kể các loại lông tơ trên lá cũng dễ gây kích ứng da trẻ.
Đồng thời, tuy các loại lá này có thể làm mát hoặc cung cấp kháng sinh tự nhiên nhưng lại không hòa tan được chất nhờn trên da, vì vậy bé cần phải được tắm sạch bằng sữa tắm trước khi tráng nước lá. Sau khi tắm xong với nước lá, các mẹ cũng cần tắm sơ qua cho bé bằng nước ấm để rửa trôi lượng bột của lá có thể đọng trên da, gây nhiễm khuẩn.
– Chọn phấn rôm đảm bảo chất lượng. Việc bôi, chấm phấn rôm lên vùng da bị rôm sẩy sau khi tắm sẽ làm dịu cơn ngứa của bé, góp phần điều trị hiệu quả tình trạng rôm sẩy. Tuy nhiên, do trên thị trường có rất nhiều loại phấn rôm với thành phần, liều lượng, nhãn mác khác nhau, nên các mẹ cần cân nhắc chọn những sản phẩm tốt, có thương hiệu và uy tín rõ ràng để tránh gây “tác dụng ngược” cho bé như làm bé bị dị ứng, bị viêm da,v.v…
– Thoáng, mát là rất quan trọng với bé. Khi cùng bé phòng chống tình trạng rôm sẩy, các mẹ nên cố gắng tạo môi trường thông thoáng, mát mẻ cho bé. Ngoài việc chọn quần áo bằng chất liệu cotton thấm hút mồ hôi tốt; thường xuyên tắm cho bé; chườm lạnh hoặc dùng khăn lạnh lau người bé khoảng 4 – 5 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 5 – 10 phút; tạo môi trường thoáng mát cho bé như sử dụng quạt, máy điều hòa với nhiệt độ thích hợp v.v…, các mẹ nên chú trọng đến việc chống nắng cho bé khi đi ra ngoài bằng mũ, nón rộng vành vì ánh nắng sẽ tạo điều kiện cho rôm sẩy phát triển hơn; cho bé uống nước đều đặn và dùng các loại nước mát khác như nước bột sắn dây, nước cam, chanh, rau má v.v….
Những việc mẹ không nên làm khi bé bị rôm sảy
– Không vắt nhiều chanh hay đun nước lá quá đặc. Việc vắt nhiều chanh vào nước tắm hay trực tiếp xát chanh lên da dễ khiến da bé bị kích ứng, tổn thương do hàm lượng axit quá cao. Với việc nấu nước lá, các mẹ cũng không nên nấu quá đặc, vì lượng tinh bột của lá có thể đọng nhiều trên da, gây nhiễm khuẩn, viêm da, dị ứng cho bé.
– Không tắm nước lá khi da bé bị trầy xước, mưng mủ. Khi da đã trong tình trạng sưng đỏ, viêm da quá nặng do bé ngứa, gãi gây trầy xước, mất lớp màng bảo vệ, việc tắm nước lá dù đã qua đun nấu cũng có thể tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, làm tình trạng nhiễm trùng tăng lên, đôi khi gây những biến chứng không ngờ. Có những trẻ bị viêm nhiễm ở vùng gần hệ thần kinh, mạch máu như mặt, cổ, đầu, nếu mẹ vẫn cho tắm nước lá mà không được điều trị kịp thời có thể gây viêm tắc tĩnh mạch não và để lại di chứng suốt đời.
– Không tắm sữa tắm người lớn hay massage cho bé. Sữa tắm người lớn vốn chứa độ kiềm cao dễ làm cho da bé bị khô, vì vậy càng làm tăng tình trạng nhiễm trùng, rôm sẩy trên da của bé. Không ít mẹ có thói quen massage cho bé bằng tinh dầu dừa, tinh dầu oliu. Trong những ngày hè nóng nực, dùng các loại tinh dầu này sẽ làm tăng thêm tình trạng khó chịu, gây chàm hay mọc rôm sẩy ở bé.
– Không tự ý bôi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng bé bị mẩn ngứa nhiều, có các mụn đầu trắng trên da, rôm sẩy dày đặc, đỏ, kéo dài…, các mẹ nên đưa bé đến các chuyên khoa da liễu để khám và điều trị. Tuyệt đối không tự mua thuốc bôi hoặc giữ con lại ở nhà tự chữa, vì có thể làm bệnh nặng thêm, chưa kể các biến chứng có thể gây ra cho bé.
Lưu ý để bé không bị rôm sảy
– Không nên ủ bé quá kỹ hay mặc quá nhiều quần áo cho bé.
– Cho trẻ tắm nước mát, uống đủ nước, hạn chế cho trẻ đi ra nắng.
– Tránh làm trầy xước các vết rôm sảy, bởi khi bị trầy xước da, dễ dẫn đến nhiễm trùng da.