Trẻ bị sốt, nên chọn mua loại nhiệt kế và sử dụng đúng cách như thế nào?

 

Nhiệt kế là một loại thiết bị y tế không thể thiếu trong tủ thuốc của mỗi gia đình. Tuy nhiên, việc lựa chọn và sử dụng nhiệt kế đúng cách thì không phải ông bố, bà mẹ nào cũng hiểu biết đầy đủ. Đặc biệt, dùng nhiệt kế đo thân nhiệt khi trẻ ốm rất quan trọng. Đo nhiệt kế không đúng cách dễ sai số thân nhiệt sẽ dẫn tới những tai họa khó lường. Nếu trẻ sốt cao quá thì dễ co giật hoặc ảnh hưởng tới xác định chính xác việc kê đơn, dùng thuốc. Mỗi loại nhiệt kế có cách sử dụng khác nhau, vì vậy phụ huynh cần lưu ý để đo được thân nhiệt chính xác nhất cho trẻ.  

CHỌN MUA LOẠI NHIỆT KẾ NÀO PHÙ HỢP ĐO NHIỆT ĐỘ TRẺ BỊ SỐT?

 

Nhiệt kế điện tử

Ưu điểm: Dễ thao tác, cho kết quả nhanh sau 10 giây đến 1 phút, không hay bị vỡ như nhiệt kế thuỷ ngân. Nhiệt kế điện tử rất dễ đọc, phần đuôi của nhiệt kế có màn hình nhỏ, trên đó hiển thị kết quả nhiệt độ như trên đồng hồ điện tử. Mẹ có thể đo tại nhiều vị trí như: tai, trán, hậu môn, cổ chứ không nhất thiết phải đo ở nách.

Nhược điểm: Dễ sai số hoặc không xác định được toàn bộ thân nhiệt.

Nhiệt kế điện tử có nhiều loại:

– Nhiệt kế điện tử đo tai: Dùng đo nhiệt độ ở lỗ tai trẻ bị sốt. Nhiệt kế có một đầu vòi để cho vào sâu tai. Nhiệt kế đo tai an toàn và thích hợp dùng cho trẻ vì dễ sử dụng, có thể xác nhận bị sốt nhanh, kết quả chính xác nhờ bộ phận phát hiện nhiệt hồng ngoại toả ra từ màng nhĩ và các mô xung quanh trong 1 giây.

Nhiệt kế đo tai trẻ bị sốt

Dùng nhiệt kế đo tai lưu ý để nhiệt kế hơi chếch 45 độ, cần khẽ lắc nhẹ qua phải, rồi qua trái khi đặt vòi ở lỗ tai mới cho kết quả chính xác nhất.

 – Nhiệt kế đo trán: Loại nhiệt kế điện tử đo trán ít được sử dụng hơn, bởi nó chỉ đo được nhiệt độ ở vùng trán. Khi sử dụng thì ốp nhiệt kế chính giữa và áp sát trán, quét từ giữa trán ra thái dương. Nhiệt kế đo trán thường được sử dụng trong các bệnh viện, phòng khám, vì ưu điểm nhanh và tránh bị lây nhiễm chéo.

Nhiệt kế đo trán trẻ bị sốt

– Nhiệt kế đo hậu môn: Đo ở vị trí này cho kết quả chính xác nhất. Tuy nhiên, cha mẹ phải hết sức cẩn trọng khi sử dụng phương pháp này vì có thể xảy ra tai biến như thủng trực tràng do bé đột ngột quẫy mạnh làm nhiệt kế bị đẩy sâu vào hậu môn trẻ bị sốt.

Nhiệt kế đo hậu môn trẻ bị sốt 3

Khi đo nhiệt độ cơ thể ở hậu môn, cần  đưa nhẹ nhàng đầu nhọn của nhiệt kế vào sâu trong trực tràng khoảng 2,5 cm hoặc cho tới khi không nhìn thấy đầu nhọn này nữa. Sau đó, kẹp chặt mông để nhiệt kế không bị tuột ra ngoài. Nhiệt kế điện tử sẽ đo nhiệt độ trong vòng 30 giây tới 2 phút và kêu tít tít khi có kết quả.

Các nhiệt kế điện tử chia ra các loại nhiệt kế khác nhau tùy theo nơi đo, với từng vị trí đo, độ chính xác sẽ thay đổi, cụ thể:

Nhiệt độ trực tràng: Đáng tin cậy nhất thu, phép đo này là chính xác và có sự dao động thấp trong kết quả.

Nhiệt độ âm đạo: Cho kết quả thấp hơn trung bình là 0,1 ° C đến 0,3 ° C so với một phép đo ở trực tràng

 – Nhiệt kế đo miệng: Cho trẻ bị sốt ngậm trong miệng, đo chính xác nhất khi đặt ở dưới lưỡi. Tuy nhiên, phụ huynh không nên sử dụng phương pháp đo nhiệt kế ở miệng cho trẻ còn quá nhỏ, vì trẻ nhỏ sẽ rất khó giữ yên nhiệt kế dưới lưỡi trong một khoảng thời gian nhất định, nguy hiểm hơn trẻ có thể cắn làm vỡ đầu nhiệt  kế. Phương pháp này chỉ nên áp dụng với trẻ từ 7-8 tuổi trở lên.

Nhiệt kế đo miệng trẻ bị sốt

Nhiệt kế đo ở miệng: Cho kết quảthấp hơn 0,3 ° C – 0,8 ° C so với đo ở trực tràng

Nhiệt kế thủy ngân

Nhiệt kế thủy ngân cho trẻ bị sốt

Là loại nhiệt kế có cấu tạo gồm 2 phần: phần cảm nhận nhiệt (với bầu đựng thủy ngân) và phần thước đo. Hoạt động trên cơ chế giãn nhiệt của thủy ngân, khi tiếp xúc với bộ phận trên cơ thể, thân nhiệt của người được đo sẽ khiến cho thủy ngân giãn ra một mức nào đó, tương ứng với thang đo trên thang đo nhiệt độ.

Ưu điểm: Nhiệt kế thủy ngân kẹp ở nách là điểm phản ánh rất chính xác thân nhiệt cơ thể.

Nhược điểm: Thao tác phức tạp hơn. Nhiệt kế thủy ngân kẹp nách với những trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh gặp nhiều khó khăn vì trẻ hay cựa quậy, đôi khi không chịu để người lớn cho nhiệt kế vào nách. Nhiệt kế thủy ngân rất dễ vỡ gây ngộ độc cho trẻ.

Trước khi cặp nhiệt độ cho trẻ bị sốt cần vẩy ống nhiệt xuống dưới 35,50C, chú ý lau khô hố nách trẻ để đầu nhiệt kế tiếp xúc hoàn toàn với da đúng giữa nách sẽ cho kết quả chính xác nhất. Chờ tối thiểu 5 phút mới đọc kết quả rồi cộng thêm 0,50C để có được thân nhiệt trung tâm.

LƯU Ý :

  • Tránh kẹp nhiệt đường hậu môn khi bé bị ỉa chảy.
  • Tránh kẹp nhiệt đường miệng trong trường hợp cháu bị ho, nôn mửa hoặc quá mệt.
  • Tránh dùng nhiệt kế thủy ngân nếu bạn có điều kiện. Tuy nhiên, loại nhiệt kế này vẫn tốt hơn là không có nhiệt kế ở trong nhà, đặc biệt là trong trường hợp bạn có con nhỏ. Cần thật cẩn thận khi dùng chúng và khi bầu thủy ngân bị vỡ, không để cho trẻ nghịch thủy ngân vì nó rất đẹp, ngộ và rất độc, không hốt mảnh vỡ bằng tay. Và phải bỏ rác vào bịch ni lông hàn kín. (Trường hợp tại nơi bạn ở có phân loại rác thải thì hãy bỏ vào nơi thích hợp )
  • Tránh cặp nhiệt độ sau khi bé tắm vì lúc này, thân nhiệt của con thường chưa chuẩn. Hãy đợi ít nhất 20 phút sau khi bé tắm để bắt đầu cặp nhiệt độ vì khi đó, kết quả của nhiệt kế mới chính xác.

 

CẶP NHIỆT ĐỘ CHO TRẺ SƠ SINH, TRẺ DƯỚI 3 THÁNG TUỔI BỊ SỐT THẾ NÀO LÀ CHUẨN NHẤT?

 

Cặp nhiệt độ ở hậu môn

Nhiệt kế đo hậu môn trẻ bị sốt

Bác sĩ có thể chỉ định cách cặp nhiệt độ ở hậu môn cho bé dưới 3 tháng tuổi. Vì với nhóm bé nhũ nhi, đo nhiệt độ ở hậu môn thường cho kết quả chính xác nhất. Một số bé thoải mái khi được cha mẹ cặp nhiệt độ ở hậu môn nhưng một số bé khác thì không. Nếu bé có biểu hiện chống đối, thử chuyển sang cách đo nhiệt độ ở nách cho con.

Một số gợi ý khi cặp nhiệt độ ở hậu môn cho trẻ sơ sinh bị sốt:

Chọn mua nhiệt kế hậu môn có một đầu nhọn linh hoạt và tay cầm rộng để đầu nhọn của nhiệt kế đi vào hậu môn của bé vài cm là được. Nếu những loại nhiệt kế có đầu nhọn dài, còn tay cầm hẹp thì khi bé quấy khóc, đầu nhọn của nhiệt kế dễ đi sâu vào hậu môn, có thể gây nguy hiểm.

Trước khi đo nhiệt độ, cần rửa sạch đầu nhọn của nhiệt kế với chất tẩy rửa chuyên dụng và nước ấm. Tráng lại với nước mát. Sau đó, lau khô nhiệt kế.

Cần chú ý bôi dầu vaseline vào đầu ống đo và đút từ từ vào hậu môn cháu bé. Động tác này, nếu làm mạnh hoặc vội vàng có thể làm xây xát bên trong hậu môn và chảy máu.

Giữ bé nằm trong lòng mẹ với bụng úp xuống dưới, mông hướng lên trên. Hoặc có thể đặt bé nằm ngửa, đo nhiệt độ cho con cũng tương tự cách thay tã, bạn nhấc hai chân bé lên và kẹp nhiệt kế vào hậu môn.

Đưa đầu nhọn vào hậu môn của con, khoảng 1,3-2,5cm là được, quan sát thấy không còn nhìn thấy đầu nhọn nhiệt kế nữa thì dừng lại.

Khi có tín hiệu cho biết công việc đã hoàn thành, hãy rút nhiệt kế ra và bắt đầu đọc kết quả. Đảm bảo rằng quá trình đo nhiệt độ không kích thích bé đi tiêu; vì thế, nếu bé có đi tiêu một chút sau khi bạn rút nhiệt kế ra thì cũng là điều bình thường. Rửa sạch nhiệt kế với nước rửa chuyên dụng (hoặc xà phòng) và nước ấm, lau khô trước khi cất nhiệt kế.

Đo nhiệt độ ở tai trẻ bị sốt

Đo nhiệt độ ở tai thường được tiến hành ở trung tâm y tế hay bệnh viện vì nó nhanh, an toàn và không gây khó chịu cho bé. Có điều cách đo này không được chính xác cao như những phương pháp khác. Đo nhiệt độ ở tai không được chỉ định cho bé dưới 3 tháng tuổi do thời điểm này, ống tai của bé còn hẹp.

Đo nhiệt độ ở nách trẻ bị sốt

Nhiều người mẹ chọn cách cặp nhiệt độ cho con ở nách vì nó đơn giản, an toàn, thuận tiện. Nhưng so với cách cặp ở hậu môn, đo ở nách có thể chênh lệch tới 2º. Các chuyên gia khuyến cáo, không nên dùng cách cặp nhiệt độ đo nách cho bé dưới 3 tháng tuổi vì kết quả chính xác với nhóm bé này là cực kỳ quan trọng.

Khi đưa cặp nhiệt độ vào nách, đảm bảo bé ép sát cánh tay có cặp nhiệt độ dọc theo chiều dài cơ thể, cho bé ngồi trong lòng bạn chẳng hạn. Hãy giúp bé thư giãn bằng cách chỉ cho con xem một cuốn sách. Cần đảm bảo vùng da nách ở bé được khô ráo để nhiệt kế không bị trượt khỏi nách. Một tay của mẹ hãy giữ lấy tay cặp nhiệt độ của con hoặc để cho tay có nhiệt kế của bé được gập lại, ngang với ngực của bé.

Khi nào nên cặp nhiệt độ cho bé? 

  • Bé khó chịu, da nóng, nhiều mồ hôi, có phát ban.
  • Người bé nhợt nhạt.
  • Bé thở nhanh, bất thường, chậm hoặc thở ra âm thanh.
  • Bé chảy nước mũi, hắt hơi và ho.
  • Bé bỏ ăn, kéo tai, ưỡn người, quấy khóc.
  • Bị nôn trớ, tiêu chảy, phân có màu, có mùi bất thường. Nếu bé bị tiêu chảy, hãy cặp Nhiệt độ ở nách cho con.
  • Bạn nên đo nhiệt độ cho bé hàng ngày vào cùng một thời gian và ở cùng một vị trí trên cơ thể bé, hoặc không nhiệt độ đo sẽ không được so sánh một cách chính xác và bạn không thể nhận biết được liệu bé có khỏe hơn không.

 

Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách khi trẻ bị sốt cao, co giật 

SUÝT CHẾT VÌ CHA MẸ KHÔNG BIẾT CÁCH ĐO NHIỆT ĐỘ TRẺ BỊ SỐT

 

Trên thị trường bán rất nhiều loại máy đo thân nhiệt, từ máy bấm tai, quét trán, máy đo điện tử đến loại thủy ngân thông thường. Tuy nhiên, nếu không biết cách đo sẽ dẫn đến những hậu quả rất nguy hiểm.

Khốn đốn vì nhiệt kế
Anh Đỗ Đức Hòa (Gia Lâm, Hà Nội) mỗi khi nghĩ lại lúc đưa con tới bệnh viện cấp cứu vì trẻ bị sốt cao, co giật vẫn không khỏi rùng mình. Bình thường, mỗi khi con sốt, anh chị vẫn dùng kẹp nhiệt độ thủy ngân thông thường để đo nhiệt độ cho con. Tuy nhiên, mỗi lần đo nhiệt độ, thằng bé cứ giãy giụa, khóc ngằn ngặt khiến anh chị rất vất vả.
Khi nghe người bạn mách về máy đo nhiệt độ rất hiện đại, chỉ cần dán vào trán trong vài giây là có kết quả, anh liền “tậu” về và sử dụng cho con. Cún nhà anh khi bị viêm họng thường sốt rất cao, đến 39 độ C. Lần này, đo đi đo lại ở trán mà cu cậu vẫn chỉ có 37,5 độ C. Anh chị cẩn thận sờ khắp thân thể con, thấy người nóng hầm hập. Quá sốt ruột, anh liền lấy nhiệt kế thuỷ ngân bình thường đo cho con thì thân nhiệt đãlên 39,5 độ C rồi.
Anh chị cuống cuồng lấy thuốc đút đít cho con nhưng cũng ngay lúc đó, cu cậu đang nằm lử đử bỗng lên cơn co giật. Vợ anh sững người, không biết làm gì, còn anh thì vội vớ được điện thoại gọi cấp cứu 115. “Thật là may, xe cấp cứu đến kịp. Giờ nhớ lại vẫn sợ, cứ tưởng đã mất con rồi”.

Chị Nguyễn Hà Linh (Đội Cấn, Hà Nội) thì lại nhiều lần luống cuống không biết xử lý như thế nào vì đo thân nhiệt hai tai lại cho kết quả khác nhau. Trước đây, dù con chị đã 19 tháng, nhưng khi sốt nhất định không chịu cho mẹ cặp nhiệt độ. Cứ cho cái cặp nhiệt độ vào người là giãyđạp, khóc ầm ĩ. Kể cả khi đang ngủ, cho nhiệt độ vào là tỉnh giấc, hét ầm lên. Vì thế chị toàn phải dùng cảm nhận, sờ đầu bằng má, bằng tay để đoán xem có sốt cao hay không để uống hạ sốt. Một lần vào bệnh viện, thấy bác sĩ dùng nhiệt kế bấm tai đo cho con rất nhanh gọn, chị liền “tậu” ngay một cái.

Nhưng từ ngày mua về cũng là lúc chị băn khoăn việc nên hay không nên uống thuốc. Vì cùng một lúc đo nhưng nhiệt độ ở 2 tai khác nhau, thậm chí chênh lệch nhiều. Có hôm tai trái đo được 38,1 độ C, nhưng ngay sau đó, đo sang tai phải lại là 39, 5 độ C. Chị được bác sĩ giải thích, có thể mẹ bé không dùng đúng kỹ thuật, đặt nhiệt kế không đúng điểm, hơn nữa bé còn nhỏ nên đo tai rất khó chính xác, có thể bị lên xuống nhiệt độ.
Nhiệt kế đo tai trẻ bị sốt 2

Đo nhiệt độ ở nách chính xác nhất

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, cho biết: không hiếm trường hợp trẻ bị sốt cao, hầm hập được bố mẹ đưa vội vào viện đã lên cơn co giật. Để xảy ra tình trạng này, một phần bắt nguồn từ việc bố mẹ đo nhiệt độ cho con không đúng cách nên không phản ánh đúng thân nhiệt của bé.

Theo TS Dũng, nhiệt kế thuỷ ngân truyền thống dùng đo ở nách vẫn phản ánh chính xác nhất thân nhiệt của bé. Đây là lý do rất nhiều bệnh viện giờ vẫn sử dụng nhiệt kế truyền thống này.

Tuy nhiên, còn có rất nhiều loại nhiệt kế hiện đại, cũng phản ánh chính xác thân nhiệt người đo nhưng phải biết cách đo, nếu không sai số về nhiệt độ sẽ rất lớn. Như với máy đo nhiệt độ quét trán, máy đo nhiệt độ bấm tai đều phải thực hiện đúng kỹ thuật mới phản ánh đúng thân nhiệt.
Hay như máy đo nhiệt độ điện tử có thể kẹp ở nách thì vừa nhanh, vừa phản ánh đúng thân nhiệt, nhưng nhiều phụ huynh lại cho con ngậm ở miệng, nhét vào hậu môn… cũng có thể không chuẩn vì có sự kích thích, nhất là nếu bé “nhai” đầu nhiệt kế, sẽ khiến nhiệt độ tăng cao hơn bình thường.

Vì thế, TS Dũng khuyên các bà mẹ nên dùng nhiệt kế thuỷ ngân để kẹp nách sẽ phản ánh chính xác nhất thân nhiệt cơ thể. Với nhiệt kế này, phải kẹp đảm bảo đủ 3 phút rồi mới đọc nhiệt độ. Còn đo ở tai, miệng, đút hậu môn hay quét trán… đều có thể cho kết quả sai lệch với nhiệt độ thực của cơ thể, rất nguy hiểm.

Nếu bé không chịu cho kẹp lâu, có thể sử dụng nhiệt kế điện tử dùng kẹp nách (không nên đo ở miệng hay hậu môn), chỉ sau khoảng hơn 30 giây là đã đo xong, mà cũng phản ánh đúng thân nhiệt. TS Dũng nhiều lần khẳng định, đo ở nách phản ánh chính xác nhất thân nhiệt bé. Nếu xác định chính xác bé sốt trên 38,5 độ C thì mới nên dùng thuốc hạ sốt theo đúng cân nặng.

NÊN CHỌN MUA NHIỆT KẾ CỦA HÃNG NÀO?

 

Trên thị trường hiện có rất nhiều hãng sản xuất nhiệt kế điện tử, khiến người dùng hoang mang không biết nên chọn loại nào, của hãng nào. Nhưng theo lời khuyên của bác sĩ, thì người dùng nên mua những hãng có uy tín trên thị trường, được cấp giấy phép lưu hành sản phẩm, không nên vì tham rẻ mà mua những nhiệt kế không rõ nguồn gốc để tiền mất tật mang. Những hãng nhiệt kế uy tín trên thị trường hiện nay như: Omron, Microlife, Laica, Citizen, Rossmax, Polygreen… Khi mua hàng, phụ huynh có thể chú ý đến nhãn mác, tem chống hàng giả…để mua cho mình sản phẩm tốt nhất.

Nhiều người có thói quen nhìn thấy mác “Made in China” là đồng quy cho nó là sản phẩm kém chất lượng. Nhưng thực tế là khá nhiều hãng nổi tiếng trên thế giới thích thuê sản xuất tại Trung Quốc vì có giá nhân công cũng như nguyên liệu rẻ, tuy nhiên vẫn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Chính vì thế, chúng ta nên thay đổi quan niệm tiêu dùng, thay vào đó tìm hiểu vào thương hiệu sản xuất.

Với những lời khuyên trên, mong rằng các Mẹ sẽ lựa chọn được nhiệt kế phù hợp cho con mình.

*** TÓM LẠI:

Mỗi gia đình luôn luôn cần ít nhất một nhiệt kế và hiện nay có rất nhiều loại nhiệt kế đang lưu hành trên thị trường, từ nhanh đến chậm, đắt dến rẻ, có một số rất tiện dụng nhưng quá đắt. Cho dù phụ huynh mua loại nào, cũng cần đọc cách hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất thật cẩn thận.

Trong điều kiện kinh tế của ta, các Mẹ được khuyên nên dùng nhiệt kế kỹ thuật số vì tính chính xác, tiện dụng cho tất cả mọi lứa tuổi, phù hợp với túi tiền mọi nhà.

Nếu có điều kiện hơn, phụ huynh có thể chọn mua nhiêt kế thích hợp nhất cho lứa tuổi của trẻ như sau:

  • Nếu cháu dưới 3 tháng tuổi thì nên sử dụng nhiệt kế điện tử theo đường hậu môn hoặc nách.
  • Nếu cháu từ 3 tháng đến 4 tuổi: dùng nhiệt kế điện tử đường hậu môn hay nhiệt kế đo ở tai. Trong nhóm này nếu có điều kiện nên chọn nhiệt kế đo ở trán cho trẻ dưới một tuổi.
  • Nếu cháu trên 4 tuổi: nhiệt kế kỹ thuật số, đường miệng, đường nách và nhiệt kế kỹ thuật số đo ở tai.

 

 

 

1 Comment
Leave a Reply