Táo bón là một chuyện đau đầu của rất nhiều mẹ trẻ hiện nay. Trẻ thường xuyên bị táo bón kéo dài sẽ dễ rơi vào tình trạng biếng ăn, chậm lớn, còi xương, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, do táo bón khiến mỗi lần bé đi ngoài đều rất đau, khiến bé sợ đau lại càng không dám đi khi có cơn. Tình trạng lẩn quẩn khiến cho bệnh không thể trị dứt điểm mà cứ hay tái đi tái lại. Bài viết sau đây, Mẹ Xuka đã tổng hợp nguyên nhân và cách điều trị dứt điểm bệnh táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các Mẹ hãy cùng theo dõi nhé.
Dấu hiệu khi trẻ bị táo bón
Táo bón rất dễ phát hiện ra nếu như người mẹ biết cách quan tâm, theo dõi tới việc đi đại tiện của trẻ. Trẻ có thể bị táo bón là khi trẻ đại tiện dưới 2 lần đại tiện/ngày đối với trẻ sơ sinh, dưới 3 lần đại tiện/tuần (trên 2 ngày/lần) với trẻ đang bú mẹ, dưới 2 lần đại tiện/tuần (trên 3 ngày/lần)với trẻ lớn.
Trong trường hợp thấy trẻ đi ngoài phân rắn, có khi thành viên như phân dê, trẻ phải rặn thì lúc đó bạn nên nghĩ ngay đến việc trẻ đã bị táo bón. Táo bón nếu không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như trẻ biếng ăn, chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng, chướng bụng, đầy hơi, ăn khó tiêu, nôn trớ. Những chất độc trong phân cần được thải ra ngoài hàng ngày bị tích lại trong ruột có thể bị hấp thu trở lại trong máu gây hại cho sức khoẻ của trẻ.
Có thể trẻ bị táo bón trong vài ngày hoặc vài tuần và thường được gọi là táo bón cấp tính nhưng trẻ cũng có thể bị táo bón kéo dài, lâu hơn đến vài tháng.
Nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón
Nếu bé gặp khó khăn khi đi tiêu, đau rát và khóc nức nở, nhất là khi khoảng cách giữa 2 lần đại tiện quá xa nhau, thường là trên 3 ngày thì đó cho thấy trẻ bị táo bón rồi đó mẹ ạ. Ngoài các lý do liên quan đến thuốc và bệnh lý, đa số bé bị táo bón liên quan đến việc ăn uống, sinh hoạt hoặc yếu tố tâm lý. Có 3 nguyên nhân chính dẫn tới việc táo bón ở trẻ:
– Nguyên nhân do tổn thương thực thể ở đường tiêu hoá, loại này hiếm gặp thường chỉ chiếm 5% trong các nguyên nhân gây táo bón, đó là các dị tật bẩm sinh: Phình to đại tràng (bệnh Hipschsprung), bệnh suy giáp trạng (bệnh Myxoedeme) khi mắc các bệnh này trẻ thường bị táo bón rất sớm từ ngay sau khi đẻ.
– Ngoài ra còn có các nguyên nhân mắc phải như: trẻ bị nứt hậu môn, bị trĩ, nên trẻ đi ngoài bị đau gây co thắt hậu môn. Có thể do sai lầm trong chế độ ăn uống: uống ít nước dẫn đến thiếu nước, ăn quá nhiều chất đạm, ít chất xơ do ăn ít rau xanh, quả chín, pha sữa quá đặc, ăn chưa đúng về số lượng hàng ngày, trẻ ăn sữa bò dễ bị táo bón hơn sữa mẹ, mẹ bị táo bón cho con bú sữa mẹ cũng dễ bị táo bón.
– Có thể trẻ bị giảm trương lực ruột do mắc một số bệnh như: còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu… hoặc do dùng thuốc thuốc kháng sinh giảm ho có codein.
Một số trường hợp bé bị táo bón do tâm lý nên thường cố ý “nhịn”, khiến đại tràng dãn to. Phân bị tích trữ trong nhiều ngày mới đủ kích thích đại tràng tạo ra phản xạ đi ngoài. Ngoài ra, do tác dụng của thuốc kháng sinh hoặc thuốc ho có codein, viên sắt…hoặc mắc các dị tật bẩm sinh như phình to đại tràng, hẹp ruột, hẹp hậu môn, nứt kẽ hậu môn nên bé cũng rất dễ bị táo bón. Ở trẻ lớn còn chịu ảnh hưởng của yếu tố tinh thần như nhịn đại tiện do sợ bẩn, sợ thối hoặc ngại đi đại tiện, ở tuổi mẫu giáo trẻ sợ cô giáo không dám xin phép đi đại tiện, không luyện thói quen đi ngoài đúng giờ.
Điều trị tận gốc căn bệnh đối với trẻ bị táo bón
Tùy theo từng nguyên nhân mà ba mẹ áp dụng cách điều trị khác nhau, nhưng điều chỉnh lại chế độ ăn vẫn là quan trọng nhất:
Chuyện quan trong nhất là mẹ phải cho trẻ bị táo bón uống nhiều nước: trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn không cần uống nước nhưng nếu bé bị táo bón thì vẫn cho uống 100 – 200 ml nước/ngày. Trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 – 12 tháng uống 200 – 300 ml nước/ngày. Trẻ 1 – 3 tuổi uống 500 – 600 ml nước/ngày. Trẻ 3 – 5 tuổi uống 1000 ml nước/ngày. Trẻ lớn hơn 10 tuổi uống bằng người lớn: 1500 – 2000 ml nước/ngày.
Trong trường hợp bé bú mẹ hoàn toàn thì mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn uống của mẹ kịp thời để có thể cắt cơn táo cho bé nhanh nhất có thể. Nếu trẻ đang bú mẹ mà mẹ cũng bị táo bón thì cần điều trị táo bón cho mẹ bằng cách: lúc này, mẹ cần uống nhiều nước khoảng 2,5 đến 3lít nước một ngày. Ngoài ra mẹ nên ăn nhiều rau xanh và quả chín có tính chất nhận tràng như trên, có thể ăn thêm sữa chua hàng ngày.
Mẹ chọn các loại rau quả có tính chất nhuận tràng: rau khoai lang, mồng tơi, củ khoai lang, đu đủ, chuối tiêu, cam, bưởi. Nên tập cho trẻ thói quen ăn nhiều rau xanh và quả chín từ nhỏ.
Nếu trẻ lớn thì mẹ không nên ăn các loại hoa quả có vị chát: Ổi, hồng xiêm, bánh kẹo, nước uống có gas, cà phê… thì mới có thể chấm dứt được tình trạng táo.
Mẹ chọn cho bé loại sữa không gây táo bón: Có bổ sung thêm chất xơ, pha sữa với nước cháo loãng hoặc nước bột khoai lang nghiền (nếu bé được nuôi bằng sữa ngoài). Đồng thời khi bé bị táo bón, mẹ cũng nên pha sữa loãng hơn bình thường.
Trường hợp với trẻ dưới 1 tuổi bạn có thể tác động bên ngoài bằng cách xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng từ phải sang trái ngày 3-4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa để kích thích làm tăng nhu động ruột. Với trẻ lớn thì tăng cường vận động cơ thành bụng và cơ tròn hậu môn bằng cách cho trẻ chạy nhảy nô đùa, tập thể dục, thể thao thường xuyên.
Ngoài ra, mẹ cũng nên tập cho trẻ đi đại tiện đúng giờ quy định, chọn thời gian lúc nào trẻ không vội vã, thường nên chọn sau bữa ăn vì lúc này nhu động ruột hoạt động tăng, nên tránh bắt trẻ ngồi bô hoặc ngồi bệ xí quá lâu.
Với trường hợp táo bón do nứt hậu môn cần rửa sạch hậu môn, bôi dung dịch natri bạc 2%.
Khi điều trị bằng chế độ ăn không khỏi thì mới nên sử dụng tới dược phẩm như dùng thuốc và thụt tháo theo chỉ dẫn của bác sĩ. Như cho trẻ uống dầu Parafin vào buổi sáng, các loại thuốc có chứa magie sunphát có tác dụng nhuận tràng hay các loại thuốc có chứa vi khuẩn sống dưới dạng đông khô như: cốm vi sinh (Biobaby); Biosyptin, lactomin, lactylac, biofidin… làm cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.
Thụt tháo là biện pháp cuối cùng có thể dùng nước ấm có pha Glyxerin hoặc mật ong: 30-40ml đối với trẻ dưới 1 tuổi và 100-250 ml đối với trẻ trên một tuổi. Tuy nhiên nếu dùng kéo dài có thể gây giãn trực tràng và đại tràng sichma tạo thành thói quen nếu không thụt tháo trẻ không tự đi ngoài được.
Ngoài ra, mẹ cũng cần lưu ý đưa trẻ tới bệnh viện khám ngay khi trẻ có những dấu hiệu cơ bản sau:
- Táo bón kéo dài trên một tuần, thay đổi chế độ ăn không có tác dụng
- Táo bón sau khi trẻ mới sinh, bụng chướng.
- Táo bón ảnh hưởng đến sức khoẻ : kém ăn, gầy sút, suy dinh dưỡng, kèm theo nôn.
Xem thêm: Trẻ bị rối loạn tiêu hóa
Các bà mẹ khắc phục thế nào khi trẻ bị táo bón
- Một trong những nguyên nhân chính gây ra táo bón ở trẻ chính là lượng nước quá ít trong cơ thể bé. Vì vậy, biện pháp khắc phục có hiệu quả nhất với những em bé đang bị táo bón là cha mẹ bé nên tích cực cho con uống nhiều nước mỗi ngày. Hãy bắt đầu ngày mới cho trẻ bằng một cốc nước sau khi thức dậy sẽ giúp rất nhiều để chữa và hạn chế triệu chứng táo bón.
- Cho bé uống 2 muỗng canh đường trong đêm trước khi đi ngủ. Trẻ cũng có thể uống kèm chúng với sữa nếu trẻ thích. Bạn sẽ thấy kết quả không ngờ vào buổi sáng hôm sau.
- Những trái cây như đu đủ chín, chuối chín cực kỳ hiệu quả trong việc chữa táo bón. Cha mẹ bé nên cho trẻ ăn một quả đu đủ chín hoặc vài quả chuối chín hàng ngày để cho kết quả điều trị táo bón tốt hơn.
- Nước ép bắp cải cũng được coi là một biện pháp khắc phục tại nhà đơn giản mà hiệu quả khi con bạn bị táo bón. Lấy một nửa cốc nước ép bắp cải và uống 2 lần/ ngày để điều trị táo bón.
- Uống hỗn hợp nước muối để điều trị táo bón bằng cách sử dụng ¼ muỗng cà phê muối Epsom và cho 1/2 ly nước.
- Cho bé uống nước cam vào buổi sáng sớm với một dạ dày trống rỗng, hoặc uống chúng trước khi đi ngủ vào ban đêm cũng hữu ích trong điều trị táo bón.
- Một ly nước ép táo trước khi đi ngủ cũng rất hiệu quả để điều trị táo bón.
- Uống hỗn hợp nước nóng với vài giọt chanh cùng một chút muối vào buổi sáng sớm là một cách tuyệt vời để loại trừ táo bón. Được biết, biện pháp này cho kết quả điều trị táo bón khá nhanh chóng.
- Cho con uống một khối lượng bằng nhau của nước cà rốt ép và nước ép rau bina trước khi đi ngủ.
- Cho bé kết thân với nhiều các loại rau xanh có vị ngọt mát, nhiều chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày như ăn rau lang luộc, rau ngót cũng có tác dụng nhuận tràng và điều trị táo bón rất tốt.
Xử trí khi bé táo bón, đi cầu ra máu
Hỏi:
Con nhà em 22 tháng, nặng 15kg, thường xuyên bị táo bón. Mỗi ngày cháu ăn hai chén cháo cùng với nhiều rau như mồng tơi, bó xôi…Hai tháng trước có đi khám bác sĩ cho uống Duphalac (10 gói) thì bé đi bình thường mỗi ngày. Khi ngừng thuốc thì bé vẫn táo bón như cũ, hai ngày đi tiêu một lần, phân cũng có ra tí máu. Xin hỏi nếu dùng thuốc này lâu dài có được không ạ. Hiện bé đang uống mỗi lần nửa gói và hai ngày uống một lần do phân hơi lỏng. Xin cảm ơn bác sĩ (Lam Thanh).
Trả lời của bác sỹ chuyên khoa nhi:
Chào bạn, con bạn đang có tình trạng táo bón mạn với biểu hiện ít đi cầu, phân cứng và có máu. Bạn chỉ cần cho bé uống thuốc làm mềm phân (Duphalac) thì tình trạng có cải thiện nhưng khi ngưng thuốc thì táo bón tái diễn lại. Điều này chứng tỏ táo bón của con bạn là dạng chức năng thôi, không do bất thường của thần kinh hay cấu tạo ruột, có thể cải thiện bằng chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng và tập luyện.
Trước tiên, để bé đi cầu đều đặn và dễ dàng mỗi ngày thì khối lượng phân phải đủ lớn để kích thích bóng trực tràng gây cảm giác mắc đi cầu và phản xạ tống xuất, phân phải đủ mềm để đi cầu không đau, không chảy máu, không làm bé sợ mà nín không dám đi. Ngoài ra, nhu động ruột phải đủ mạnh để tống chất thải xuống và tống ra ngoài. Để cả quá trình này dễ dàng, chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng phải phù hợp với bé.
Để khối phân đủ lớn, bạn cần tăng thêm chất xơ trong thức ăn. Hiện nay con bạn ăn 2 chén cháo với nhiều rau, nhưng có lẽ chưa đủ nhu cầu của bé. Bạn có thể chia 2 chén cháo thành 3 bữa, để có thể tăng lượng rau lên thêm nữa. Ngoài ra thêm trái cây có nhiều xơ sau bữa ăn. Vì con bạn đã ở mức béo phì, do đó tôi không khuyến cáo bạn tăng thêm phần tinh bột hoặc chất béo, nhưng vẫn phải đảm bảo đủ cho nhu cầu phát triển của lứa tuổi. Bạn cũng cần xem lại chế độ sữa cho bé, xem có quá dư thừa không, cách pha hay thành phần chưa phù hợp làm bé béo phì mà lại bón. Thuốc nhuận tràng bạn dùng cũng giúp làm tăng khối lượng phân cho bé nên bé dễ đi cầu.
Để phân mềm, các thức ăn phải cân đối về thành phần, một số loại khi dư thừa sẽ gây táo bón, chẳng hạn quá dư đạm, một số dạng chất béo, nhiều canxi hay sắt… Thiếu nước cũng là nguyên nhân làm phân rắn hơn. Ngoài ra những bé bị bón lâu ngày, sau một thời gian đi cầu bị đau sẽ có xu hướng nín đi cầu, nên phân bị ứ trong ruột già bị hút nước càng khô cứng hơn, bé càng sợ đi cầu hơn. Vì vậy, người ta có thể dùng thuốc làm mềm phân và bơm hậu môn tạo phản xạ đi cầu đều đặn, tránh ứ phân trong thời gian đầu mới điều trị để chặt đứt vòng luẩn quẩn này. Tuy nhiên, thuốc nhuận tràng dùng lâu dài có thể bị giảm tác dụng, đòi hỏi tăng liều dần, dùng nhiều có thể gây chướng bụng do bị vi khuẩn trong đại tràng lên men nên cũng không phải là giải pháp lâu dài và cơ bản.
Nhu động ruột liên quan nhiều đến vận động chủ động của bé. Bé cần đi, đứng, chạy nhảy thường xuyên. Những bé béo phì thường lười vận động vì mau mệt, thích ăn ngọt, ăn thịt, ăn cơm mà không thích ăn rau trái cây nên dễ bị bón hơn các bé khác.
Bạn nên cho bé đến khám dinh dưỡng để đánh giá và điều chỉnh chế độ nuôi dưỡng, bên cạnh dùng thuốc phải có những biện pháp thay đổi cơ bản trong sinh hoạt để có hiệu quả lâu dài và an toàn cho bé nhé.
Mẹo trị táo bón cho trẻ em bằng mật ong
Mời các mẹ cùng đọc chia sẻ kinh nghiệm của 1 mẹ dùng mật ong để thụt tháo cho bé nhé. Cách hay đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả với những bé đang gặp khó khăn ‘đầu ra’.
Họ ngoại nhà em vốn có bệnh máu nóng “gia truyền” nên từ khi sinh bé Bi, em đã rất lo lắng vì sợ con cũng vậy. Trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, em luôn cố gắng tham khảo rất nhiều sách báo về chế độ ăn uống của mẹ để tạo được sữa mát cho con. Nhờ vậy mà suốt 5 tháng đầu sau sinh, bé nhà em luôn đi ị đều đặn, phân đẹp màu vàng tươi.
Mọi chuyện chỉ thực sự vất vả khi Bi bắt đầu chuyển qua giai đoạn ăn dặm. Ngày cho con ăn thìa bột ngọt đầu tiên, em hạnh phúc khi bé tỏ ra hợp tác, ăn hết veo 60ml bột. Tuy nhiên từ đó, Bi cũng bắt đầu có những dấu hiệu của táo bón. Ban đầu là những lần rặn ị khó khăn, về sau, có khi mãi 5 ngày liền con mới chịu đi một lần. Dù em đã cố hết sức xi và xoa bụng cho con, Bi vẫn thật khổ sở mỗi khi ngồi ị. Đặc biệt là những ngày nắng nóng như mấy hôm nay càng khiến bé bị mất nước sinh ra táo bón. Nhìn con rặn đến đỏ cả mặt mà em không cầm được nước mắt. Cứ tự trách bản thân mình nuôi con sao vụng quá.
Quyết tâm chữa táo bón cho con, em bắt đầu lên mạng ‘lùng sục’ kinh nghiệm. Ngó đông ngó tây, cuối cùng em cũng tìm được một mẹo dân gian là dùng mật ong thụt cho con. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, vợ chồng em quyết định làm theo.
Sáng hôm đấy đến giờ xi ị, em khệ nệ bê ra bình mật ong rừng bà nội ở quê gửi lên đã từ lâu lắm. Hai vợ chồng cẩn thận dùng đầu tăm bông mềm, nhúng vào chút mật ong pha nước ấm với tỷ lệ 1:3 (1 mật ong; 3 nước) rồi nhẹ nhàng đút sâu vào ‘đầu ra’ để thụt cho con. Ngạc nhiên thay, sau 5 phút bôi mật ong, Bi bắt đầu đánh hơi rồi đi tiêu dễ dàng. Nhìn con cười toe toét mà cả nhà em thở phào nhẹ nhõm. Vậy là, mật ong đã cứu vợ chồng trẻ chúng em một bàn thua trông thấy.
Đem chuyện tốt khoe với mẹ chồng, mẹ em tủm tỉm nói: “Bà gửi lên vì biết thế nào hai đứa cũng có lúc cần”. Và mẹ ân cần dặn dò rằng không nên quá lạm dụng mật ong thụt cho bé vì lâu dần sẽ khiến bé mất đi phản xạ rặn. Nguyên nhân gây táo bón không phải là do cơ năng mà chủ yếu là bởi chế độ dinh dưỡng: uống ít nước, ăn ít chất xơ, nhiều chất đạm. Có lẽ để phòng tránh triệt để, em nên bắt đầu bằng việc thay đổi thực đơn ăn dặm cho con. Tác động vào “đầu vào” của bé trước bao giờ cũng tốt hơn tác động vào “đầu ra” các mẹ nhỉ?!
Thực đơn cho trẻ bị táo bón:
– Bữa sáng: Có thể chọn một trong những món cho bé như bánh mỳ, sữa (hoặc sữa đậu nành) khoảng 200ml; phở bò (1 bát ăn cơm), một miếng đu đủ nhỏ (khoảng 200g); hoặc: cháo gà (1 bát ăn cơm), 1 quả quýt ngọt; hoặc: cháo thịt lợn (thịt heo) 1 bát ăn cơm; 1 quả chuối…
– Bữa trưa: Là bữa ăn có chất dinh dưỡng nhiều nhất, nên cho trẻ ăn cơm nát, bánh bao, thịt băm, rau cải, gan động vật, đậu phụ, canh rau… Lượng chất dinh dưỡng cần thiết của bữa trưa chiếm khoảng 35% số lượng thức ăn cả ngày của trẻ. Các dưỡng chất cho bữa chiều chiếm 10% lượng thức ăn cả ngày của bé. Các bà mẹ có thể cho trẻ uống những loại như sữa bò, sữa đậu nành, hoa quả…
– Bữa tối: Nên cho trẻ ăn hơi nhạt, ví dụ như cơm nát, mì sợi, bánh nhân rau, rau cải, súp…, chất dinh dưỡng trong bữa tối chiếm khoảng 30% tổng số lượng thức ăn cả ngày. Đồng thời cũng cần phải chú ý không nên cho trẻ nhỏ ăn quá no vào buổi tối, vì nó ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ và làm cho trẻ ngủ không ngon.
Ở giai đoạn từ 3 tuổi, trẻ đã biết ăn theo bữa như người lớn và có thể tự đưa ra yêu cầu về các món ăn. Có điều, bạn nên chuẩn bị thức ăn thêm cho bé, ví dụ như thịt vẫn cần ninh nhừ hoặc băm nhỏ, cá cần gỡ sạch xương, rau cần thái nhỏ và nấu mềm hơn.
Nên duy trì cho trẻ uống ít nhất 1 bữa sữa trong ngày và 1 bữa ăn phụ vào sau giấc ngủ trưa. Nếu trẻ đi học ở trường, cha mẹ cần lưu ý bữa ăn sáng cho trẻ, nhất là trong thời gian trẻ mới đi học, chưa quen với chế độ ăn uống và sinh hoạt ở trường.
Các mẹ nhớ chú ý chế độ dinh dưỡng cho bé vì đây là cách tốt nhất để phòng bệnh táo bón hiệu quả và an toàn cho bé cưng của mình nhé.