Trẻ sơ sinh bị lồng ruột cấp làm sao phát hiện sớm và điều trị

Lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ nhỏ. Mặc dù con số thống kê chưa được đầy đủ, tỷ lệ mắc bệnh vào khoảng 3 – 5 trường hợp trên 1.000 trẻ. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất là tuổi 5 – 9 tháng, đặc biệt là những trẻ bụ bẫm. Trẻ trên 2 tuổi, tỷ lệ mắc chỉ vào khoảng 15% và tỷ lệ này càng giảm khi trẻ lớn lên. Thống kê cũng cho thấy trẻ em trai bị lồng ruột chiếm tới 70% và bệnh cũng thường xảy ra vào mùa đông xuân.

Không nên chủ quan khi thấy trẻ đau bụng nhiều 

Chị Nhàn, mẹ bé Mai Chi (đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội) chia sẻ, bình thường khi mẹ đi làm, bé Chi hay làm nũng kêu đau bụng nên chị thường lờ đi. Lần vừa rồi, thấy con kêu đau bụng khi mẹ đi làm, chị cũng nghĩ do con làm nũng nên không để ý nhiều. Nhưng tới trưa, bác giúp việc gọi điện bảo bé vẫn kêu đau bụng nhiều, cơn đau lặp đi lặp lại nhiều lần thì chị mới vội vàng về nhà đưa con đến bệnh viện. Bác sĩ cho biết cháu bị lồng ruột nhưng rất may là chưa dẫn đến biến chứng hoại tử.
Không may như trường hợp bé Lan, bé Xuân Lâm 9 tháng tuổi (Thanh Xuân- Hà Nội) con chị Thanh  nhập viện trong tình trạng mặt lờ đờ, bụng trướng to, đi ngoài ra máu… Chị Thanh cho biết bé có biểu hiện sốt, quấy khóc từng cơn, chị nghĩ là con bị bệnh thông thường nên sử dụng thuốc hạ sốt và men tiêu hóa cho con uống. Chỉ đến khi con bị đi ngoài ra máu, không hạ sốt thì gia đình chị đưa con vào bệnh viện kiểm tra. Tại đây, cháu được các bác sĩ chẩn đoán bị lồng ruột cấp, nếu không phẫu thuật gấp, tính mạng có thể bị đe dọa.
Theo BS Nguyễn Thị Hiền, BV Thanh Nhàn, lồng ruột là tình trạng một đoạn ruột chui vào đoạn ruột khác. Dấu hiệu đầu tiên là trẻ bị đau bụng từng cơn, bỏ ăn. Nếu để quá 24 giờ, trẻ có thể bị hoại tử ruột, dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân hay gặp nhất của bệnh lồng ruột ở trẻ em là do trước đó trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường ruột hoặc tiêu chảy do thời tiết giao mùa, mưa nắng thất thường, sức đề kháng của trẻ lại yếu.
Lồng ruột thường xảy ra ở trẻ còn bú mẹ, nhất ở lứa tuổi 4-9 tháng. Dù bệnh này gặp nhiều ở trẻ nhỏ nhưng các bậc cha mẹ cũng không nên chủ quan với những trẻ lớn hơn vì vẫn gặp một số trẻ em từ 2-3 tuổi bị lồng ruột. Điều đặc biệt bệnh lồng ruột thường xảy ra với trẻ khoẻ mạnh, bụ bẫm, ham ăn do nhu động ruột mạnh nên càng dễ bị lồng ruột. Ngay cả trong trường hợp cha mẹ, người trông trẻ nô đùa với trẻ làm trẻ cười quá  nhiều, hoặc tung trẻ lên cao, rung lắc mạnh… cũng có thể khiến trẻ bị lồng ruột.

Con tử vong do mẹ nhầm tiêu chảy với lồng ruột

trẻ bị lồng ruột 4

Cháu Nguyễn Văn H. (5 tháng tuổi ở Hà Nội) được đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, ly bì, khóc thét từng cơn, nôn nhiều, ỉa có máu nhầy. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị lồng ruột giai đoạn muộn có nhiễm độc, nhiễm trùng. Dù được phẫu thuật tức thì và cấp cứu tích cực, cháu vẫn không qua khỏi.

Nguyên nhân là do trước đó cháu bị ỉa chảy, phân nhầy máu, mẹ cháu cho đi khám, uống thuốc và khỏi. Mấy ngày sau, tự nhiên cháu đang chơi thì khóc thét, bỏ bú, phân có máu nhầy, mẹ cháu cho rằng, con chưa khỏi hẳn nên tiếp tục cho uống thuốc mà không đưa đi khám.
Lời bàn: Lồng ruột cấp là tình trạng một đoạn ruột chui vào một đoạn ruột khác, gây nên tắc ruột cấp tính. Trẻ bị đau bụng từng cơn, nôn ói, đi ngoài ra phân có máu nên các bậc cha mẹ dễ nhầm lẫn với bệnh kiết lỵ, chủ quan dẫn tới nguy hiểm. Vì vậy, khi thấy trẻ có biểu hiện trên cần đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Có những trường hợp phát hiện quá muộn, bệnh nhi bị nhiễm độc, nhiễm trùng nên tử vong.

Nguyên nhân nào khiến trẻ sơ sinh bị lồng ruột?

trẻ bị lồng ruột 1

Lồng ruột xảy ra khi một đoạn ruột không ở vị trí bình thường mà “chui” vào trong lòng một đoạn ruột kế cận kèm theo là cả các mạch máu nuôi dưỡng đoạn ruột đó.

Cho đến nay, có tới 90% các ca lồng ruột không rõ nguyên nhân. Một số trường hợp được cho là do các khối u, polýp của ruột. Các yếu tố này có thể làm thay đổi nhu động của ruột dẫn tới việc các đoạn ruột “chui” vào nhau. Viêm nhiễm của ruột cũng là một tác nhân thuận lợi cho lồng ruột xảy ra. Trong một số nghiên cứu, người ta đã nhận thấy tỷ lệ lồng ruột khá cao ở trẻ em bị nhiễm Rotavirus, loại virut thường gây nôn, tiêu chảy cấp ở trẻ. Các yếu tố như tiêu chảy kéo dài, các sẹo tổn thương ở ruột, dính ruột… cũng có thể là tác nhân gây lồng ruột mặc dù chưa được chứng minh rõ ràng. Bất thường về giải phẫu ở ruột, tiền sử đã bị lồng ruột và trẻ em nam là những yếu tố dẫn tới nguy cơ cao bị lồng ruột.

Nguyên nhân tự phát

Lồng ruột không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng gọi là lồng ruột vô căn hay lồng ruột tự phát. Lồng ruột tự phát chiếm khoảng 75–90% số ca lồng ruột.

Nhiều cách giải thích khác nhau giải thích cơ chế lồng ruột dựa trên các thuyết virut và giải phẫu. Theo thuyết virut, các tác giả thuyết này cho rằng do một nhóm virut gây viêm hạch mạc treo, đã gây kích thích và gây rối loạn các phản xạ thần kinh thực vật, làm thay đổi nhu động ruột gây nên lồng ruột.

Trên thực tế, lồng ruột cấp thường xuất hiện vào mùa virut phát triển. Đa số các trường hợp lồng ruột cấp khi mổ ra thấy viêm mạc treo. Hiện nay, y học đã tìm thấy bằng chứng cho thấy viêm mạc treo liên quan đến virut.

Với thuyết giải phẫu, một số tác giả nhận thấy ở trẻ từ 4–12 tháng, manh tràng phát triển to, nhanh hơn nhiều so với hồi tràng do có sự khác nhau về nhu động giữa hồi tràng và manh tràng gây nên lồng ruột. Giả thiết này đã giải thích được vì sao lồng ruột hay gặp ở lứa tuổi này và thường xảy ra ở vùng hồi manh tràng.

Yếu tố thuận lợi cũng là một nguyên nhân gây nên lồng ruột như: độ tuổi (4–8 tháng thường hay gặp), giới (nam nhiều hơn nữ), thể trạng và chế độ ăn (hay gặp ở trẻ khỏe mạnh, bụ bẫm và bú sữa mẹ), thời tiết (mùa đông và mùa xuân).

Cuối cùng là yếu tố bệnh lý. Một số trường hợp lồng ruột cấp xảy ra sau viêm ruột, ỉa chảy, viêm nhiễm đường hô hấp.

Biểu hiện khi trẻ bị lồng ruột

– Độ tuổi dễ bị là khoảng 4-9 tháng, nhiều nhất là ở 5-6 tháng.

– Trẻ đang ăn uống bình thường bỗng khóc thét, có khi khóc lặng người đi, ưỡn người, bỏ bú, da tím tái, báo hiệu khúc ruột bắt đầu lồng vào nhau. Sau đó trẻ tạm thời yên, thậm chí bú lại. Nhưng khi cơn đau tái phát, trẻ khóc từng cơn, ưỡn người, không bú được, nôn. Vài giờ sau, trẻ mệt lả, da xanh nhợt.

trẻ bị lồng ruột 3

– Cùng với đau bụng, trẻ bị nôn, xuất hiện ngay từ cơn đau đầu tiên vì khi trẻ bị lồng ruột sẽ gây ra tắc ruột hoặc bán tắc. Lúc đầu trẻ nôn ra dịch màu xanh ve, nếu để lâu trẻ sẽ nôn ra dịch ruột màu vàng.

– Do nôn nhiều, trẻ lại không ăn uống được nên cơ thể bị mất nước, dẫn đến rối loạn các chất điện giải, làm cho trẻ rất mệt.

– Khoảng 6-12 tiếng sau, trẻ đi ngoài ra máu tươi có lẫn chút nhầy, có khi còn lẫn cục máu đông. Đó là dấu hiệu muộn của lồng ruột. Khi thấy trẻ đại tiện ra máu, nhiều người tưởng trẻ bị kiết lỵ nên cho uống thuốc chữa kiết lỵ nhưng chỉ làm cho bệnh nặng thêm.

– Nhìn trẻ giảm sút rõ rệt: da tái, môi khô, mạch nhanh, người lạnh, mắt trũng. Nếu cứ trong tình trạng đó 24 giờ không xử trí gì trẻ sẽ bị nôn liên tục, bụng trướng dần lên, da toàn thân lạnh, nhợt nhạt, mạch nhanh, nhỏ, thở gấp nông, dấu hiệu ruột bắt đầu hoại tử.

Tóm lại: Khi trẻ bị lồng ruột có thể dễ dàng nhận thấy các biểu hiện bất thường như trẻ khóc thét vì đau bụng, nôn mửa, bỏ bú, sau đó bụng trướng căng, đại tiện phân máu lẫn nhầy và có thể toàn máu tươi. Các triệu chứng có thể dịu bớt trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó lại xuất hiện với mức độ nặng hơn: trẻ la hét, khóc thét từng cơn sau đó mệt lả, da xanh tái, tiểu ít, sốt cao, lờ đờ, hôn mê, dấu hiệu mất nước nặng cộng với các biểu hiện của nhiễm khuẩn nhiễm độc hoặc sốc do mất nước hay sốc nhiễm khuẩn.

Những nguy cơ đối mặt khi bị lồng ruột

Khi một đoạn ruột chui vào lòng một đoạn ruột khác sẽ dẫn tới tắc nghẽn, ứ trệ thức ăn phía trên khối lồng (hay hiện tượng tắc ruột, bán tắc ruột). Thêm nữa, các đoạn ruột luôn kèm theo là các mạch máu nuôi dưỡng nên khi lồng ruột xảy ra thì thường các mạch máu cũng bị tắc nghẽn theo. Đoạn ruột bị tắc sẽ nhanh chóng bị giãn to, mạch máu bị ứ trệ làm đoạn ruột bị thiếu máu, quá trình viêm nhiễm, phù nề, hoại tử, xuất huyết sẽ xảy ra. Người ta thấy rằng trước 48 giờ, chỉ có khoảng 2,5% khối lồng bị hoại tử nhưng sau 72 giờ, tỷ lệ này đã lên tới 80%. Khi ruột bị hoại tử sẽ dẫn tới hiện tượng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, sốc nhiễm khuẩn, thủng ruột gây viêm phúc mạc khiến bệnh nhi tử vong.

Cách nào phòng tránh?

– Khi trẻ khóc thét, bỏ bú và nôn, cần đưa ngay trẻ tới một cơ sở cấp cứu ngoại khoa. Các thầy thuốc chuyên khoa sẽ nhanh chóng thăm khám và làm thêm các chẩn đoán cận lâm sàng như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, siêu âm ổ bụng, chụp XQ… để xác định chẩn đoán. Khi đã chắc chắn trẻ bị lồng ruột, các biện pháp tháo khối lồng bằng bơm hơi hoặc barium và thậm chí bằng phẫu thuật sẽ được thực hiện. Đồng thời với các biện pháp này, trẻ có thể được bù thêm dịch, cho kháng sinh, nuôi dưỡng, đặt ống thông dạ dày cho bụng đỡ trướng…

– Nếu trẻ được đưa đến muộn quá 6 tiếng, cần phẫu thuật ngay mới tháo được khối ruột lồng.

– Trường hợp sau 24 tiếng, ruột đã có dấu hiệu hoại tử, phải cắt đoạn ruột đó. Tuy nhiên, việc chăm sóc và hồi sức sau mổ rất khó khăn và phức tạp. Trẻ dễ tử vong do suy kiệt và viêm phổi nặng.

– Bệnh lồng ruột không phải chỉ xảy ra một lần, nó có thể tái phát nhiều lần, vì thế cần lưu ý đưa bé đi tái khám đúng chỉ dẫn của bác sĩ và theo dõi các biểu hiện bệnh của trẻ để kịp thời phát hiện bệnh.
– Để tránh cho các bé không bị rơi vào tình trạng lồng ruột, bố mẹ nên nhớ không nên để bé vừa ăn vừa đùa, đặc biệt là cười to, khóc to, chạy nhảy, tung cao và các bà mẹ nên cho con ăn với liều lượng vừa phải phù hợp với sức khỏe của bé.

Hỏi và đáp: Bệnh Lồng ruột ở trẻ

Q: Tôi thường nghe nói về bệnh “lồng ruột” ở trẻ em. Và được biết bệnh này vẫn thường xảy ra với các bé đang khỏe mạnh. Tôi không biết bệnh diễn biến như thế nào? Nguyên nhân và các triệu chứng ra sao? Xin bác sĩ vui lòng cho tôi biết thông tin về bệnh và cách phòng ngừa?
A: Bệnh lồng ruột khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Bệnh không diễn biến từ từ mà xảy ra rất đột ngột. Dựa theo tỉ lệ trẻ mắc bệnh lồng ruột thì phần lớn bệnh thường gặp ở những trẻ em khoẻ mạnh và ở bé trai nhiều hơn bé gái.
Bệnh lồng ruột xảy ra khi một khúc ruột bên trên di chuyển và chui vào khúc ruột phía dưới ( hay ngược lại ) làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột. Bệnh dễ xảy ra ở trẻ nhỏ do kích thước của ruột non và ruột già quá chênh lệnh nhau. Dù bệnh này gặp nhiều ở trẻ nhỏ nhưng các bậc cha mẹ cũng không nên chủ quan với những trẻ lớn hơn, bệnh lồng ruột vẫn gặp ở một số trẻ từ 2 – 3 tuổi.
Nguyên nhân khiến trẻ bị lồng ruột vẫn chưa được xác định chính xác. Nhiều người cho là trẻ bị tung hứng trong lúc cha mẹ vui đùa dẫn đến lồng ruột, tuy nhiên đây không phải là nguyên nhân chính. Có thể do trẻ sẵn có những bệnh trong ruột như u máu trong lòng ruột hoặc các u ác tính. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp, tai mũi họng và nhiễm khuẩn đường ruột có mối liên hệ với bệnh lồng ruột ở trẻ em. Nhất là khi trẻ bị tiêu chảy do virut và vi khuẩn sẽ làm sự co thắt trong hoạt động của ruột (nhu động ruột) tăng có thể dẫn đến bị lồng ruột. Mặt khác trong thời gian ăn dặm hoặc nếu thay đổi loại sữa trẻ đang dùng một cách đột ngột cũng làm cho nhu động ruột của trẻ bất ngờ bị biến đổi, dễ gây ra bệnh lồng ruột. Vì vậy để ngăn chặn yếu tố nguy cơ gây bệnh lồng ruột, khi cho trẻ ăn dặm hoặc lúc chuyển đổi sữa theo độ tuổi của trẻ các bà mẹ nên cho trẻ ăn từ từ với liều lượng tăng dần. Vì bệnh chưa có nguyên nhân rõ ràng nên các bà mẹ nên cẩn trọng hơn về thể trạng của con mình trong những lúc giao mùa.
trẻ bị lồng ruột 2
Bệnh diễn biến rất bất ngờ và nhanh. Vì vậy người nhà phải hết sức nhạy cảm với các triệu chứng cũng như các phản ứng của bé. Bệnh thường gặp ở những trẻ còn rất nhỏ, từ 3 – 12 tháng tuổi và nhiều nhất ở trẻ 9 tháng tuổi. Ở độ tuổi này các bé chưa biết nói, chỉ có thể phản ứng bằng cách khóc thét lên. Nên có những lúc bé đang chơi đùa khoẻ mạnh, bất chợt thấy bé khóc thét thì phải xem chừng. Thông thường mỗi cơn đau cách nhau vài ba phút, khi đó bụng của bé đang đau quặn, tiếp theo bé sẽ nôn mửa, da tím dần. Nếu thời gian bị lồng ruột kéo dài trẻ có thể nôn ra dịch mật. Với những trẻ còn bú mẹ sẽ bỏ bú, sau đó vẫn có thể ăn lại nhưng sẽ có dấu hiệu buồn nôn. Khoảng 5giờ – 6 giờ sau thấy đi tiêu ra máu.
Nếu đưa trẻ đến bệnh viện điều trị sớm, khi trẻ chưa bị nhiễm trùng đường tiêu hóa thì việc điều trị rất đơn giản. Các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp tháo lồng bằng áp lực hơi. Dưới sự hướng dẫn của máy soi X – quang tại chỗ, bác sĩ sẽ bơm hơi vào ruột già với một áp lực vừa phải cho đến khi khối lồng ruột được tháo ra hoàn toàn.
Ngược lại, nếu đến bệnh viện chậm thì đoạn lồng ngày một chui sâu vào nhau, làm cho đoạn ruột bị lồng sưng nề, các mạch máu nuôi ruột bị tắc nghẽn, dễ khiến trẻ bị tắc ruột, ứ đọng gây nhiễm trùng, rối loạn nước, điện giải trầm trọng, nhiễm trùng huyết, hoại tử ruột, thủng ruột… Khi đã xuất hiện các triệu chứng trên ở trẻ, bác sĩ bắt buộc phải phẫu thuật. Trường hợp trẻ đã bị thủng ruột, các bác sĩ sẽ phải cắt bỏ cả đoạn ruột. Bệnh nhi đến muộn sẽ có dấu hiệu mất nước, mệt mỏi, sốt hoặc trong tình trạng sốc.
Trẻ mắc bệnh lồng ruột sau khi được điều trị vẫn có nguy cơ bị tái phát. Vì vậy khi thấy trẻ có những triệu chứng của bệnh lồng ruột, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa nhi để được điều trị kịp thời.

Do nguyên nhân thực sự gây lồng ruột ở trẻ chưa được rõ ràng nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu nào. Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là nhanh chóng nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện sớm lồng ruột, tránh các biến chứng nguy hiểm do căn bệnh này gây ra.

 

1 Comment
Leave a Reply