Xử trí khi trẻ bị đau bụng quanh rốn bên phải, bên trái, bên trên hoặc dưới ổ bụng

Đau bụng là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, mỗi vị trí đau là biểu hiện của từng bệnh khác nhau. Nhưng làm sao dựa vào vị trí đau để bắt đúng bệnh và xử trí đúng cách thì không phải ông bố bà mẹ nào cũng biết. Mời các bạn cùng Blog Mẹ Xuka tham khảo bài viết sau nhé.

Vì nhiều tạng trong bụng cần cho sự sống và tín hiệu chúng gửi đi khá phức tạp, nên việc xác định nguyên nhân đau bụng có thể rất khó khăn. Tuy nhiên, xác định vị trí đau giúp bác sĩ sớm phát hiện nguyên nhân gốc rễ gây đau. Nhưng ở một số trường hợp, vị trí có thể bị sai.

Xem thêm: Bắt bệnh cho trẻ qua vị trí cơn đau bụng

– Đau bụng quanh vùng rốn. Đau gần rốn có thể liên quan tới rối loạn ruột non hoặc viêm ruột thừa. Viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa. Nếu không điều trị, ruột thừa bị viêm có thể vỡ và gây viêm phúc mạc. Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm ruột thừa bao gồm buồn nôn, nôn, chán ăn, sốt nhẹ, có nhu cầu trung tiện hoặc đại tiện.

– Đau bụng trên rốn. Ngay trên rốn ở vùng trên-giữa của bụng là vùng thượng vị. Đây là nơi bạn có thể có cảm giác đau liên quan tới a-xít dạ dày. Đau kéo dài ở vùng này có thể báo hiệu rối loạn tá tràng, tụy hoặc túi mật.

– Đau bụng dưới rốn. Đau dưới rốn và lan sang bên có thể báo hiệu rối loạn đại tràng. Với phụ nữ, nguyên nhân hay gặp của đau vùng này là viêm đường tiết niệu và viêm tiểu khung.

– Đau bụng trên bên trái. Ít khi đau vùng này. Khi bị đau, có thể là rối loạn đại tràng, dạ dày hoặc tụy.

– Đau bụng trên bên phải. Đau dữ dội bụng trên bên phải thường liên quan tới viêm túi mật. Đau có thể lan ra giữa bụng và xuyên ra sau lưng. Đôi khi, viêm tụy hoặc tá tràng cũng có thể đau vùng này.

– Đau bụng dưới bên trái. Đau ở đây thường là rối loạn đại tràng xuống, nơi phân được thải ra. Các rối loạn có thể gồm viêm túi thừa hoặc viêm đại tràng – bệnh Crohn hoặc viêm loét tá tràng.

– Đau bụng dưới bên phải. Viêm đại tràng có thể gây đau bụng dưới bên phải. Một nguyên nhân khác có thể và có lẽ nặng hơn là viêm ruột thừa.

– Đau di chuyển. Một trong những đặc điểm bất thường của đau bụng là khả năng di chuyển dọc theo đường dẫn truyền thần kinh sâu và đau ở các vị trí xa nơi gây bệnh. Thí dụ: đau do viêm túi mật có thể lan lên ngực và dọc vai phải. Đau do rối loạn tụy có thể lan giữa hai vai.

Bắt bệnh và xử trí khi trẻ bị đau bụng từng cơn, đau quặn kèm buồn nôn

Đau bụng cấp tính ở trẻ em thường quằn quại, trẻ khóc thét, mặt tái xanh, vã mồ hôi. Vì vậy, người nhà cần bình tĩnh để nghe bác sĩ hỏi bệnh và thăm khám cho trẻ một cách thuận lợi nhất.

Một trong những bệnh đau bụng cấp tính ở trẻ hay gặp nhất là viêm ruột thừa. Thường viêm ruột thừa ở trẻ em trên 2 tuổi cũng có những dấu hiệu tương tự như người lớn, ví dụ như: đau ở hố chậu phải, lúc đầu đau nhẹ, sau đó đau tăng lên, đau liên tục, kèm theo đau thường có buồn nôn, nôn, sốt nhẹ (khoảng 37 – 38oC). Khi khám, trẻ kêu đau và gạt tay bác sĩ không cho sờ vào vùng hố chậu phải hoặc vùng bụng. Đặc biệt điểm ruột thừa rất đau (điểm Mac Burney). Với trẻ dưới 2 tuổi thường chẩn đoán viêm ruột thừa khó hơn nên phát hiện cũng sẽ chậm hơn, vì các triệu chứng không điển hình như trẻ lớn hoặc người trưởng thành, do đó rất dễ gây biến chứng như thủng ruột thừa, viêm phúc mạc (viêm màng bụng) để lại hậu quả rất nặng nề. Các triệu chứng thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi bị viêm ruột thừa là: có sốt nhẹ, nôn, trớ hay quấy khóc, trông bộ mặt lờ đờ, xanh tái. Khi thấy đầy hơi, chướng bụng, khi sờ vào bụng cháu khóc thét là có nguy cơ vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc. Một điều mà các nhà ngoại khoa cũng nhắc nhở là đau bụng do viêm ruột thừa ở trẻ lúc đầu có thể là đau ở vùng thượng vị, vùng quanh rốn, sau đó mới khu trú ở hố chậu phải.

Lồng ruột ở trẻ cũng là một bệnh cấp tính thường hay gặp ở trẻ bụ bẫm, cháu trai gặp nhiều hơn cháu gái, tuổi từ 3 tháng đến 2 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 6 – 9 tháng tuổi. Triệu chứng chính của lồng ruột là: trẻ đau bụng, nôn, đi ngoài ra máu. Khám có thể thấy búi lồng ruột, thăm trực tràng có thể thấy máu dính theo găng tay. Đau bụng ở trẻ cũng rất hay gặp trong trường hợp giun chui ống mật (GCOM) ở trẻ có giun ở đường tiêu hóa đặc biệt là sau tẩy giun, nhất là tẩy giun không đủ liều lượng. Cơn đau trong GCOM trẻ lăn lộn, khóc thét, vã mồ hôi và chổng mông. GCOM có thể gây nên áp-xe gan, sỏi đường dẫn mật, tắc đường mật.

Đau bụng ở trẻ trong dạng cấp cứu còn có thể do thoát vị bị nghẽn. Trong trường hợp này nếu không phát hiện kịp thời thì rất có thể làm đoạn ruột nghẽn bị hoại tử. Thoát vị nghẽn ngoài cơn đau bụng cũng có thể xuất hiện nôn, bí trung và đại tiện.

Trẻ đau bụng cũng còn có thể do ngộ độc thức ăn. Ngộ độc thức ăn là một loại bệnh cấp cứu. Ngộ độc thức ăn có thể do vi sinh vật hoặc do hóa chất. Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn thường có sốt, đau quặn bụng, đi lỏng nhiều lần có khi phân có máu hoặc nhờ nhờ như máu cá (trường hợp ngộ độc thức ăn do vi khuẩn shigella).

Đau bụng giun ở trẻ cũng là loại hay gặp. Đau bụng giun thường tái đi tái lại nhiều lần, đau bụng quanh rốn, đặc biệt xét nghiệm phân tìm trứng giun thấy có trứng giun. Trong một số trường hợp nhiều giun đũa thì siêu âm có thể phát hiện thấy hình ảnh của giun đũa.

Trẻ em cũng có thể bị sỏi đường tiết niệu gây đau bụng có khi rất dữ dội, tuy nhiên, tỷ lệ trẻ bị sỏi đường tiết niệu không nhiều. Ngoài sỏi tiết niệu, trẻ em cũng có thể đau bụng do viêm đường tiết niệu, trẻ em gái bị viêm đường tiết niệu nhiều hơn trẻ em trai gây nên cơn đau bụng dưới.

Khi trẻ bị đau bụng, bạn sẽ phải chăm sóc bé như thế nào?

Trong trường hợp bé đau bụng do khó tiêu hoặc do một bệnh lý nào đó:

Nghỉ ngơi: Bé nên nằm xuống tĩnh dưỡng cho đến khi đỡ đau. Bạn có thể đắp một khăn chườm ấm giúp giảm đau nhanh hơn.

Ăn uống: Không nên cho bé dùng thức ăn cứng, chỉ nên cho uống từng ngụm nước. Chuẩn bị sẵn thau cho con bạn nôn ói, đặc biệt những trẻ độ tuổi mẫu giáo hay gọi cảm giác buồn nôn là “đau bụng”.

Đi vệ sinh: Khuyến khích con bạn đi vệ sinh và cố gắng đi đại tiện. Việc này sẽ làm giảm cơn đau nếu nguyên nhân do táo bón, tiêu chảy.

Không dùng thuốc: Đừng cho con bạn dùng bất cứ thuốc gì để giảm đau bụng nếu chưa tham vấn bác sĩ. Đặc biệt nên tránh thuốc xổ, nhuận tràng hay thuốc giảm đau.

Trường hợp đau bụng do căng thẳng, lo âu thì:

Hãy thận trọng. Phải cho con bạn khám bệnh toàn diện trước khi kết luận những cơn đau tái diễn này là do căng thẳng, âu lo quá mức.

Giảm nỗi lo âu nơi trẻ. Bạn đừng nghĩ rằng trẻ con chỉ ăn và học thì không bị căng thẳng hay lo âu. Trẻ rất nhạy cảm với những sự thay đổi và những việc diễn ra xung quanh như thay đổi trường học, nơi ở, lo lắng bài thi, hay có thể là sợ bị phát hiện một bí mật hay sai phạm nào đó. Đối với trẻ bị đau bụng tái diễn thì càng nhạy cảm hơn. Vì vậy, bạn hãy trò chuyện tìm hiểu nguyên nhân làm trẻ lo âu, giải thích và giúp trẻ chấp nhận sự kiện đó.

Hãy động viên và hạn chế việc bé nghỉ học nếu triệu chứng không nghiêm trọng. Vì các trẻ thường có khuynh hướng muốn nghỉ ở nhà, đặc biệt nếu trường học là nơi gây ra căng thẳng.

Tập thể dục thư giãn. Hãy dạy và tập cùng bé một số bài tập thể dục đơn giản để thư giãn. Nếu trẻ đã lớn, hãy để trẻ nằm ở nơi yên tĩnh, hướng dẫn trẻ hít thở sâu, chậm và suy nghĩ về những chuyện vui vẻ. Nghe nhạc êm dịu cũng là một cách thư giãn.

Các trường hợp sau cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất, đó là:

  • Cơn đau nặng và kéo dài hơn 1 giờ;
  • Cơn đau liên tục và kéo dài trên 2 giờ;
  • Đau ngay bìu hoặc tinh hoàn;
  • Bé bắt đầu xuất hiện biểu hiện rất mệt mỏi, không linh hoạt

Hỏi bác sĩ: Bé nhà em bị đau bụng quanh rốn thường xuyên, BS ơi?

Thưa bác sĩ,

Em có bé gái 55 tháng, nặng 30kg, cao 1,12m. Cả tháng nay bé lúc nào cũng bị đau bụng quanh vùng rốn. Bé không có biểu hiện bị sốt hay khác thường gì cả.

Bé ăn uống bình thường, không sụt cân, chỉ đau nhẹ quanh vùng rốn. Bé đã uống thuốc tẩy giun khoảng 3 tuần, đi khám BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 rồi, siêu âm nói bị rối loạn tiêu hóa chứ không thấy gì bất thường. Nhưng bé vẫn cứ đau hoài. Cả nhà rất lo lắng, không biết khám ở đâu? Nhờ bác sĩ tư vấn giúp!

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn,

Trước hết bạn cần chú ý xem cơn đau bụng của bé có liên quan đến bữa ăn không (đói bụng mới đau hay khi ăn vào đau hoặc khi đói bụng – ăn vào đều đau), thức ăn, nước uống (chua, nước có gas), các gia vị cay (tiêu, tỏi, ớt,…), trong ngày bé thường đau vào giờ nào, bé có táo bón không,…?

Còn một vấn đề nữa bạn cũng cần chú ý đến là lượng thức ăn mỗi bữa của bé có quá nhiều không (cân nặng theo tuổi thì bé đang thừa cân nhiều), nếu ăn quá nhiều, dạ dày căng giãn quá mức và thức ăn không kịp tiêu hóa cũng làm cho bé đau bụng.

Nếu bé vẫn còn đau bụng thì bạn nên đưa bé đến BV Nhi Đồng 1 hoặc 2 khám lại và trình bày rõ các thông tin có liên quan đến cơn đau bụng như hướng dẫn ở phần trên.

Đau bụng quanh rốn là viêm ruột hay nhiễm giun?

Thưa bác sĩ,

Con tôi 5 tuổi, hay la đau bụng quanh rốn. Đi khám bác sĩ chuẩn đoán cháu viêm ruột nhưng uống cháu vẫn không khỏi. Cho hỏi cháu có bị nhiễm giun chó không? Xin cám ơn BS!

Trả lời:

Chào bạn,

Triệu chứng “đau bụng quanh rốn” chỉ là một trong những triệu chứng của nhiều bệnh lý (viêm dạ dày – tá tràng, viêm hạch mạc treo, nhiễm giun,…), chứ không phải là triệu chứng đặc hiệu để chẩn đoán bệnh nhiễm giun nói chung hoặc giun chó nói riêng.

Do đó, để chẩn đoán xác định nhiễm giun chó thì bạn cần đưa bé đi khám và làm xét nghiệm máu.

Cả tuần nay bé nhà tôi đau bụng quanh rốn vào buổi sáng và tối, tôi phải làm gì?

Tôi có bé gái 4.5 tuổi, nặng 22kg. Gần 1 tuần nay bé hay kêu đau bụng quanh vùng rốn vào buổi sáng và tối. Cháu đã uống thuốc tẩy giun vào 3/12. Hiện cháu vẫn kêu đau.

Bác sĩ nhi khoa tư vấn:

Chào bạn,

Bác sĩ không rõ chiều cao của bé bao nhiêu, nhưng bé gái 4,5 tuổi có cân nặng 22kg là gần béo phì rồi.
Bụng là bộ phận của cơ thể có nhiều cơ quan (tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục), nên chỉ có một triệu chứng đau bụng không thôi, thì việc chẩn đoán đôi khi rất khó khăn, ngoại trừ có kèm thêm các triệu chứng khác hoặc có thêm xét nghiệm để hổ trợ cho chẩn đoán.

Đau bụng quanh rốn có nhiều nguyên nhân: trước hết cần loại trừ các bệnh lý cần cấp cứu ngay (lồng ruột, tắc ruột, thoát vị bẹn…), ngộ độc thức ăn, đau bụng giun, viêm dạ dày – tá tràng, nhiễm trùng đường ruột, viêm đường tiết niệu…

Hiện bé đau bụng kéo dài 1 tuần và không có các triệu chứng nào khác đi kèm, nên loại trừ các bệnh lý cấp cứu và các bệnh lý khác.

Nhưng liệu đau bụng này có phải do viêm dạ dày – tá tràng? Bạn xem lại đau bụng của bé có liên quan đến bữa ăn không, khi ăn vào hoặc sáng chưa kịp ăn có đau không, ăn uống có khó tiêu, đầy bụng…?
Để có chẩn đoán chính xác và sớm điều trị cho bé (đau 1 tuần rồi), bạn nên cho bé đến BV Nhi Đồng, BS khám trực tiếp kết hợp làm thêm siêu âm bụng và một số xét nghiệm cần thiết sẽ có chẩn đoán và điều trị thích hợp cho bé.

Chúc bé mau hết đau bụng nhé!

Trẻ bị đau bụng quanh rốn

Làm dịu sự khó chịu khi trẻ bị đau bụng

Khi trẻ bị đau bụng, mẹ không biết làm sao để làm dịu bớt sự khó chịu và quấy khóc của bé. Thông thường, giải pháp của mẹ là đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám. Dù là lý do gì, mẹ cũng nên thử những mẹo dỗ dành sau.

1/ Massage cho bé

Trẻ sơ sinh rất thích được massage và vuốt ve làn da. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng massage đúng cách sẽ giúp bé sinh non ổn định nhịp thở, cải thiện nhịp tim, và tăng cường khả năng bú mẹ. Vì vậy, khi bé khó chịu vì đau bụng, mẹ có thể chọn cách massage để bé thoải mái hơn.

2/ Tắm nước ấm

Mẹ có thể lau sơ người bé qua nước ấm hoặc tắm cho bé. Trẻ con rất thích nước, và có thể thấy dễ chịu thoải mái hơn sau khi được tắm táp, lau người sạch sẽ. Mẹ có thể cùng tắm với con, nhưng nhớ phải đảm bảo an toàn. Sự tiếp xúc vật lý này rất tốt cho trẻ.

3/ Âm thanh xung quanh

Tiếng ồn đặc biệt khá thân thiện với bé, bởi từ lúc ở trong bụng mẹ, âm thanh bé nghe được cũng rồ rồ như vậy. Mẹ có thể cho bé nghe âm thanh phát ra từ máy sấy tóc, máy giặt, hoặc những bản thu âm có tiếng giống như lúc bé còn trong bụng mẹ (womb sounds).

4/ Di chuyển nhiều hơn

Trẻ bị đau bụng ắt phải có lý do, nhưng mẹ có thể làm dịu sự quấy khóc của bé bằng cách chuyển động. Mẹ có thể bồng bé đu đưa nhẹ nhàng quanh nhà, ngồi vào ghế ru đung đưa theo lời ru, đặt bé vào xe đẩy và đẩy qua lại, cho bé vào ghế rung và chơi đùa cùng bé.

5/ Đồ chơi trẻ em

Đồ chơi chuyển động, nhiều màu sắc, phát ra nhạc có thể làm sao nhãng sự khó chịu của bé. Nếu bé vẫn không ngừng khóc, mẹ có thể cho bé xem những video ngộ nghĩnh trên điện thoại.

5 triệu chứng đau bụng ở trẻ không phải bệnh

1. Lạnh bụng

Mùa hè trời chuyển nóng, thân nhiệt của trẻ cao hơn người lớn nên đêm ngủ bụng bị lạnh, sáng dậy trẻ kêu hoặc khóc vì đau bụng.

Nguyên nhân: Cái bụng nhỏ của trẻ không có lớp mỡ dày, thành bụng rất mỏng, đặc biệt là vùng quanh lỗ rốn. Khi trẻ bị lạnh bụng, cơ trơn của dạ dày, đường ruột bị khí lạnh kích thích, rất dễ dẫn đến co bóp mạnh, gây ra đau bụng. Ngoài ra, trẻ bị lạnh bụng sẽ tăng nhanh đường ruột nhu động, số lần đi ngoài tăng lên, chỉ cần phân không có dịch nhầy và máu thì không vấn đề gì.

Biện pháp: Để trẻ không bị lạnh bụng, khi ngủ các bà mẹ nên chú trọng bảo vệ bụng của trẻ, kể cả trời nóng bức cũng nên đắp một chiếc chăn mỏng lên bụng trẻ. Đêm ngủ nếu trẻ đạp chăn ra, bố mẹ nên đắp lại cho trẻ. thời tiết nóng đến mấy cũng phải bảo vệ phần bụng cho trẻ để duy trì chức năng bình thường vốn có của dạ dày đường ruột.

Nếu trẻ bị đau bụng do lạnh bụng, bố mẹ có thể dùng khăn ấm đắp và mát xa cho trẻ, khí nóng sẽ làm cho dạ dày đường ruột được thoải mái, có tác dụng ngăn chặn cơn đau bụng.

2. Trẻ lớn quá nhanh

Trước khi trẻ ngủ trẻ toàn nói với bố mẹ là bụng có cảm giác hơi bị đau, bố mẹ hỏi thì không biết cụ thể đau như thế nào, khi bố mẹ dự định đưa trẻ đi viện khám, cơn đau bụng của trẻ lại biến mất.

Nguyên nhân: Dạ dày đường ruột phát triển đau thuộc vào dạng đau sinh lý. Trẻ trao đổi chất nhiều, không chỉ phát triển chiều cao nhanh mà đến các cơ quan dạ dày đường ruột cũng phát triển theo. Do phát triển quá nhanh, sự cung cấp máu cho dạ dày đường ruột sẽ không đủ. Ngoài ra, chức năng thần kinh thực vật của trẻ vẫn chưa ổn định, cơ trơn dạ dày đường ruột dễ bị co thắt, từ đó dẫn đến đau bụng từng cơn.

Biện pháp: Triệu chứng này cũng không phải là bệnh, thông thường đau nhức không quá 10 phút, cơn đau chỉ là tạm thời trong quá trình phát triển của trẻ. Khi trẻ bị đau bụng từng cơn, mẹ có thể xoa, mát xa nhẹ nhàng quanh rốn của trẻ theo chiều kim đồng hồ hoặc dùng túi nước ấm, khăn ấm đắp lên phần bụng, cũng có thể ấn nhẹ vào huyệt Túc Tam Lý (Vị trí: Bờ dưới xương bánh chè xuống 6cm, trước xương ống chân ngang ra ngoài 1 ngón tay), một lúc sau cảm giác đau sẽ biến mất.

3. Trẻ hoạt động quá nhiều

Một số trẻ cơ thể không mạnh khỏe, khi lên mẫu giáo chạy đua, nhảy thi, chơi đùa quá mức với bạn bè liền cảm thấy đau bụng.

Nguyên nhân: Đau bụng dạng này thuộc đau bụng vận động, thông thường xuất hiện đau sau những lần vận động mạnh, chỉ cần ngừng vận động đau nhức sẽ hết. Vận động làm cho dạ dày đường ruột dao động và giảm sự cung cấp máu cho bộ phận tiêu hóa là nguyên nhân chính gây đau bụng. Dạng đau bụng này cũng sẽ thường xuyên xảy ra khi đã lớn.

Biện pháp: Lượng vận động của trẻ không nên tăng đột ngột và nên theo trình tự luyện tập bồi dưỡng từ những vận động nhỏ, kiên trì tập luyện hàng ngày để cơ thể dần dần thích ứng, sau đó mới từ từ tăng lên. Hạn chế chạy nhanh, nhảy cao, thời gian vận động cũng không nên quá dài. Sau bữa ăn không nên lập tức vận động để trách rối loạn chức năng dạ dày đường ruột, gây không tốt cho tiêu hóa.

4. Tâm trạng lo lắng, căng thẳng

Có trẻ khi đang chơi lại đau bụng và vị trí đau mỗi lần không giống nhau, có lúc ở lỗ rốn, có lúc ở xung quanh bụng, còn có lúc lại đến dạ dày. Đồng thời mặt mũi xanh lét, tâm trạng căng thẳng, buồn nôn, nôn mửa, không buồn ăn uống.

Nguyên nhân: Đau dạng này là đau bụng chức năng, đa phần xảy ra ở trẻ trên 2 tuổi, có thể có liên quan đến dị ứng với thức ăn, chướng ngại điều tiết khi đứng dậy hoặc tâm trạng rối loạn gây nên.

Biện pháp: Nguyên nhân gây ra đau bụng khác nhau nên cách điều trị cũng khác nhau, bố mẹ nên chú ý quan sát tỉ mỉ, tìm ra nguyên nhân dẫn đến đau bụng rồi mới xử lý tùy theo bệnh.

Nguyên nhân 1: Cơ thể của trẻ bị chướng ngại điều tiết khi đứng dậy rất yếu, dễ mệt mỏi, nếu đứng thời gian dài cũng dễ ngất xỉu.

Cách hạn chế: Trẻ phải tăng cường dinh dưỡng, chú ý sự phối hợp thực phẩm cân bằng, ăn nhiều loại thực phẩm đa dạng, tăng cường thể lực.

Nguyên nhân 2: Đau bụng do dị ứng tức là khi trẻ uống sữa, ăn tôm cá, trứng gây đau bụng.

Cách hạn chế: Đừng ăn những loại thực phẩm này nữa.

Nguyên nhân 3: Một số trẻ dễ bị tâm lý căng thẳng hoặc lo lắng, trầm cảm dẫn đến đau bụng.

Cách hạn chế: Nói chuyện nhiều với trẻ để tâm trạng trẻ thoải mái, thư giãn, hết lo lắng sẽ hết đau bụng.

5. Cơ thể thiếu canxi

Thường ngày trẻ ngủ không ngon giấc, ra nhiều mồ hôi, gần đây lại đau bụng. Cảm giác đau chỉ kéo dài vài phút rồi dần dần biến mất, vì vậy các bà mẹ thường không để ý. Tuy nhiên khi đi khám kiểm tra sức khỏe lại phát hiện, đây là triệu chứng đau bụng do thiếu canxi.

Nguyên nhân: rất nhiều ông bố bà mẹ biết nếu trẻ thiếu canxi sẽ đổ nhiều mồ hôi, tính khí nóng nảy, hay tức giận, ngủ không ngon v.v…, tuy nhiên họ lại không biết thiếu canxi sẽ dẫn đến đau bụng. Trong máu cũng có một lượng chất canxi nhất định, nếu thiếu canxi sẽ tăng cao hưng phấn của cơ bắp thần kinh, cơ trơn thành ruột bị kích thích nhẹ sẽ dẫn đến co bóp mạnh dẫn đến đau lưng.

Biện pháp: Những trẻ bị triệu chứng này nên bổ sung nhiều nguồn thực phẩm chứa nguyên tố canxi, thực phẩm hàng ngày cần chú ý ăn nhiều trứng gà, thịt bò, tôm, đậu, rong biển, vừng, rau xanh… Đồng thời nên uống thêm viên canxi với sự kê đơn của bác sĩ. Đương nhiên các bà mẹ đừng quên đưa trẻ ra ngoài sưởi nắng, tập luyện thể dục.

1 Comment
  1. Thưa bs con e hay đau bụng,mỗi lần đau là đau cả vùng bụng( quanh rốn,trên,dưới rốn,hai bên) kèm theo triệu chứng buồn nôn và nôn,kém ăn. E đã đưa đi siêu âm và khám các bs nói k có gì.đã từng nằm điều trị viêm dạ dày ruột,và vẫn tiếp tục đau sau đó.cứ 1 thời gian lại bắt đầu đau lại. Bs Có thể cho e lời khuyên k

Leave a Reply